'Họ coi nhau như những người bạn' 

Trước đây, đối với bà Foote, cái tên Việt Nam đồng nghĩa với “chiến tranh” vì anh trai người bạn thân của bà đã tham chiến ở Việt Nam, còn hai người chị gái, khi học đại học, đều tham gia biểu tình phản chiến. Từ cuộc chiến tranh này, hàng chục nghìn lính Mỹ đã chết trận, để lại vết thương lòng cho biết bao bà mẹ và cựu binh Mỹ. 

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch và Đại sứ William Sullivan tại Hà Nội năm 1989. Ảnh: NLĐ

Thế rồi, lần đầu tiên đến Việt Nam tháng 5/1989 cùng nguyên Đại sứ Mỹ tại Lào William H. Sullivan, sự hiểu biết sâu sắc về Mỹ và tinh thần cởi mở trong quan hệ đối ngoại của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch thời đó đã để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với bà. 

Bà Foote nhớ lại: “Chuyến đi đáng nhớ nhất của tôi lại là chuyến đi cùng Đại sứ Sullivan đến Hà Nội. Chúng tôi đã có một bữa tối đáng nhớ tại Nhà khách Chính phủ. Hôm đó ở Hà Nội có bão và mất điện, chúng tôi đã phải ngồi trong bóng tối để nói chuyện một thời gian dài cho đến khi những ngọn nến được thắp sáng nhưng dường như không ai để ý đến chuyện đó. 

Bộ trưởng Thạch và Đại sứ Sullivan, hai người bạn cũ gặp lại nhau có quá nhiều chuyện để nói với nhau, để chia sẻ với nhau, họ coi nhau như những người bạn thực sự, họ cười, họ vui. Hai người hỏi thăm nhau cả về việc cưới xin và sự nghiệp của con cái”. 

{keywords}
Bà Virginia Foote, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội

Trở về Mỹ, bà mang theo hình ảnh một Việt Nam khó khăn thời hậu chiến nhưng đầy sức sống mới. Tình cảm thân thiện của người dân nơi này đã thôi thúc bà xúc tiến thành lập Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt năm 1989 với mong muốn góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại bình thường giữa Mỹ và Việt Nam

Là người phụ nữ xinh đẹp, nhẹ nhàng, năng động và thạo việc, bà đã có một vai trò đặc biệt trong quá trình bình thường hóa quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước. Bà là cầu nối cho nhiều quan chức, thương gia Mỹ sang thăm Việt Nam. Đến Hà Nội, bà lại đi gõ cửa các cơ quan bộ ngành, gặp gỡ tiếp xúc với các giới chức Việt Nam. Bà chuyển tải thông điệp, góp phần làm cho hai bên hiểu nhau hơn, để gỡ dần những khúc mắc.

Chuyến du lịch Việt Nam của người cha 84 tuổi

Điều thú vị là bà lấy sự lớn lên từng ngày của cô con gái sinh năm 1987 làm thước đo cho những tiến bộ đạt được trong quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước. 

Ngày 3/2/1994, Mỹ tuyên bố dỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam thực sự là ngày hội của gia đình bà. Cả gia đình có một bữa tiệc ăn mừng vui vẻ. Lời nhắn nhủ của con bà mang theo mỗi hành trình: “Con cũng là một người bạn của Việt Nam như mẹ”. 

Nhiều lần bà đã đưa bố mẹ và cả gia đình bà sang thăm Việt Nam. “Một kỷ niệm đáng nhớ nữa đối với tôi là chuyến tháp tùng Tổng thống Bill Clinton đến Việt Nam. Sau chuyến đi của Tổng thống, cha tôi đã quyết định phải đến Việt Nam dù lúc đó ông đã 84 tuổi. Thật ý nghĩa khi cha tôi đến đất nước này và được biết những gì con gái mình làm. Trở về sau chuyến đi, cha tôi đã rất mãn nguyện và 6 tháng sau ông qua đời. Đó là một chuyến đi không thể quên được với ông", bà rưng rưng chia sẻ. 

{keywords}
Bà Virginia Foote ký thỏa thuận về cơ chế thông tin, hỗ trợ và tăng cường quan hệ hợp tác Hải quan - Doanh nghiệp với Liên minh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam năm 2014

Đêm mưa quấn chăn ngồi chờ các nhà đàm phán 

Cuộc đời của bà Foote đã gắn chặt với sự nghiệp bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. “Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi luôn không ngừng thúc đẩy các nỗ lực bình thường hóa kinh tế với Việt Nam bởi đó là điều có lợi cho cả hai nước”, bà lý giải quyết tâm của mình. 

Ngày 13/7/2000, các nhà đàm phán Mỹ và Việt Nam ký kết hiệp định thương mại song phương (BTA). Những ai có mặt trong ngày trọng đại đó không khỏi xúc động trước hình ảnh bà Foote lặng lẽ ra một góc khuất để giấu đi những giọt nước mắt sung sướng. “Để giúp hai nước hiểu nhau và thúc đẩy các lần đàm phán, bí quyết của tôi là 'Khi bế tắc, đừng tiếp tục bàn về việc đó, mà hãy bàn sang vấn đề khác. Nếu thất bại một lần, hãy cố làm lại 3 lần”, bà tâm sự.

Theo bà Foote, việc xây dựng lòng tin và nỗ lực thúc đẩy quan hệ dựa trên lợi ích song phương là những nguyên tắc quan trọng nhất để gạt bỏ khó khăn và khác biệt giữa hai đất nước. Tiếp tục với sự khéo léo, nhẫn nại của mình, Virginia Foote đã thuyết phục được các chính khách Mỹ vào cuộc để trao Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam năm 2006, mở đường cho hai bên thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thành viên trong khuôn khổ Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) năm 2007. 

{keywords}
Bà Virginia Foote cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn Hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tiếp cận thị trường thế giới tháng 4/2017

Không phải là thành viên của các cuộc đàm phán về việc Việt Nam gia nhập WTO nhưng Virginia luôn theo dõi và hòa nhịp đập trái tim của mình với các phiên đàm phán. Trong một đêm mưa dầm, trời lạnh, bà quấn chăn ngồi chờ các nhà đàm phán Việt Nam hàng tiếng đồng hồ trong ô tô, để đợi kết quả của một phiên đàm phán khá căng thẳng với Mỹ về việc Việt Nam gia nhập WTO. Ngày 11/1/2007, cô con gái bước sang tuổi 20 cũng chính là ngày niềm vui của bà nhân đôi khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO. 

Bà đã từng tìm mọi cách để giúp Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như kết nối giữa doanh nhân nữ hai nước. Bà cho rằng, không khác gì phụ nữ Mỹ, phụ nữ Việt Nam cần phá bỏ “bức kính trần” thì mới có thể trở thành những nữ doanh nghiệp thành công.  

Năm 2007, bà Virginia Foote vinh dự được Nhà nước Việt Nam trao tặng huy chương Hữu nghị vì những đóng góp tích cực trong đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại song phương, thỏa thuận về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và việc Hoa Kỳ áp dụng Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn với Việt Nam.

Ngự Bình

Con đường từ cựu thù tới đối tác toàn diện và chuyện bên ly cà phê

Con đường từ cựu thù tới đối tác toàn diện và chuyện bên ly cà phê

Một phần tư thế kỷ đã qua kể từ khi nước ta và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, con đường đi tới cột mốc ấy còn dài hơn nhiều.