Nhà báo, TS. Nhị Lê

Mùa Xuân Canh Tý năm 2020, Đảng Cộng sản Việt Nam - đứa con nòi của nhân dân Việt Nam, người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân lao động Việt Nam - tròn 90 Mùa Xuân giữa trời đất, trong lịch sử nước nhà!

Tròn 90 năm qua, chỉ một khoảnh khắc Xuân, Đảng đứng mũi chịu sào phấn đấu và hy sinh trước lịch sử, Đảng luôn nghiêm khắc tự chỉnh đốn mình, tự phát triển mình sao cho xứng đáng với đạo lý thiêng liêng ấy, quyết không có lợi ích nào khác, ngoài lợi ích của đất nước, của Tổ quốc và nhân dân Việt Nam, đã cùng dân tộc làm nên những trang anh hùng nhất từ mấy ngàn năm Tổ quốc! Đó là bản chất của Đảng, là cương lĩnh hành động, là trọng trách lịch sử và đạo lý của Đảng chúng ta, qua 90 năm xây dựng, trưởng thành trong lòng dân tộc và dẫn dắt đất nước, vì một Việt Nam xã hội chủ nghĩa, độc lập tự do và phồn thịnh, hùng cường!

Không ai và không gì có thể bôi nhọ và phủ nhận được!

Nếu 15 năm, từ 1930 tới 1945, Đảng sinh tử chuẩn bị, làm nên cuộc Cách mạng Thánh Tám năm 1945, kiến lập thành công nền dân chủ cộng hòa. Qua 40 năm, từ năm 1945 tới năm 1985, Đảng cùng toàn dân tộc kết thúc ba cuộc chiến tranh thần kỳ giữ nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Khởi xướng và lãnh đạo công cuộc Đổi mới 34 năm, từ năm 1986 đến năm 2020, Việt Nam thoát khỏi cảnh nghèo nàn và từ đây nhìn tới năm 2030 – tròn 100 mùa Xuân Đảng và  năm 2045 - tròn 100 năm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đảng tiếp tục sứ mệnh đưa dân tộc đi đến phồn vinh, thịnh vượng với một vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.

Đó là trọng trách mới mà lịch sử dân tộc trao cho Đảng cầm quyền một cách xứng đáng và tin tưởng trước yêu cầu phát triển mới của Việt Nam, với khát vọng trở thành quốc gia hùng cường, nhịp bước cùng thời đại!

Công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ 34 năm của chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nhưng, trước yêu cầu phát triển mới, có nguy cơ không tiến thêm được một bước nào như mong đợi, thậm chí khó khăn, nếu không tiếp tục kiến tạo và phát triển hệ động lực căn bản và chủ yếu tương xứng.

{keywords}
Ảnh: Phạm Hải

1- Lợi ích quốc gia tối thượng - bảo vệ nền độc lập, tự chủ, tự cường và thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ - nền móng chính trị và động lực căn bản tiếp tục đổi mới ở Việt Nam

Không thể nói về một nền chính trị độc lập nếu quốc gia dân tộc không có quyền tự quyết dân tộc hay không có chủ quyền, dân tộc bị lệ thuộc, nhân dân bị nô lệ dưới hình thức này hay mức độ kia. Nói trực tiếp, càng không thể kỳ vọng Đổi mới đất nước, khi đất nước bị chi phối hay bị lệ thuộc từ bất cứ phía nào về chính trị hay kinh tế…

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Độc lập có nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào” và, lịch sử cũng cho chúng ta một bài học lớn về giá trị của độc lập không có nghĩa là tự cô lập mình, tự mình khép kín; và kiên quyết bảo vệ nền độc lập đó.

Nhưng, “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, đăng trên tờ Cứu quốc, số ra ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết như thế.  

Do vậy, phải luôn cảnh giới giữ nước từ khi nước chưa nguy, phải tự mình trở nên hùng mạnh là phương sách giữ nước tối ưu, phải bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc, chủ quyền, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ vô điều kiện quyền lực và lợi ích tối cao của nhân dân là điều kiện tiên quyết, là nhân tố quyết định, là động lực căn bản, trên nền móng đại đoàn kết toàn dân tộc để đổi mới toàn diện, đồng bộ thành công, hội nhập quốc tế một cách chủ động và tích cực.

Không giữ vững độc lập tự chủ nhất định không có bất cứ một sự phát triển bền vững nào!

Điều đó chính là chủ động ngăn chặn giặc ngoại xâm từ bên ngoài. Đồng thời, đặc biệt coi trọng đẩy lùi quốc nạn tham nhũng và tệ lợi ích nhóm… Nghĩa là cảnh giác và kiên quyết chống giặc nội xâm từ bên trong. Đó chính là nhu cầu xây dựng môi trường chính trị - xã hội trền nền móng một xã hội công dân lành mạnh, bảo đảm thành công đổi mới chính trị. Đó là điều tất yếu.

Nói khái quát, ở đây, có sáu phương diện chủ yếu cần được chú ý ngang nhau: An ninh chính trị - an ninh kinh tế - an ninh văn hóa - an ninh xã hội - an ninh quốc phòng và an ninh sinh thái, trong công cuộc đổi mới. Độc lập tự chủ, tự lực tự cường, sẵn sàng làm bạn với các nước yêu chuộng hòa bình và công lý, nỗ lực hết sức mình với thiện chí cao nhất để bảo vệ hòa bình và tiến bộ trên thế giới, tiếp tục thật sự phải là lựa chọn chiến lược cho hiện tại và tương lai.

Đó là động lực căn bản, chính là văn hóa!

2- Quốc bảo Lòng Dân làm gốc rễ với hạt nhân là niềm tin chính trị nhân dân, không ngừng hoàn thiện xã hội công dân và phát triển toàn vẹn quyền con người trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Đất nước ta đã đi qua và làm thất bại hàng trăm cuộc chiến tranh chống xâm lăng lớn nhỏ. Là lẽ tự nhiên và thuận với đạo lý quốc tế, càng đi qua máu lửa, dân tộc ta càng ngẩng đầu, bất khuất; càng trải những thăng trầm có tính chất mất còn, nền độc lập tự do của Tổ quốc càng trở thành nhu cầu bất diệt; và toàn dân tộc dù hy sinh tất cả, càng quyết tâm giành lại bằng mọi giá có thể và giữ gìn bằng xương máu của mình nền độc lập vô giá ấy.

Nền độc lập tự do của Tổ quốc là bất khả xâm phạm! Một trong những bảo bối giữ nước ấy chính là kinh nghiệm lịch sử vô giá được hun đúc của ông cha: “Chúng chí thành thành” (đại ý là: Ý chí của dân chúng thành bức thành vững chắc nhất).

Và, hiện nay, trong thời đại Hồ Chí Minh, từ giữa thế kỷ XX, kể từ ngày Quốc khánh 2-9-1945, là một nước Việt Nam độc lập tự do xã hội chủ nghĩa của hơn 96 triệu đồng bào Việt Nam ta. Hơn 33 năm đổi mới vừa qua, một trong những bài học lớn của mọi thành công là: “Lấy dân làm gốc”. Đó là đỉnh cao của sự hội tụ, kết tinh và phát huy khí phách, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, vấn đề cốt tử của nền chính trị Việt Nam hiện đại được nâng tầm từ nền tảng lịch sử dựng nước và giữ nước trải mấy ngàn năm!

Niềm tin chính trị của nhân dân đối với chế độ xã hội chủ nghĩa, với Đảng, với Nhà nước được xây nên và bảo đảm bằng mồ hôi, bằng máu, không gì thay đổi được. Và, không ai được làm tổn thương niềm tin ấy của nhân dân. Không có niềm tin thì không thể nắm tay nhau và đại đoàn kết. Mất niềm tin của nhân dân chế độ chúng ta không có gì cả.

Ông cha ta dạy: Ai lấy được lòng dân người đó lấy được thiên hạ, cũng bởi chưng là vậy. Công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ nói chúng, và cuộc đổi mới chính trị hiện nay, thành hay bại nói riêng, phụ thuộc vào chính sự hành xử đối với điều đó. Đó là đạo đức mỗi người, là đạo lý dân tộc cũng chính là pháp lý tối thượng đối với chúng ta.  

Vì thế, không “khoan thư sức dân” thì không thể nói tới việc “bền rễ sâu gốc” của nền độc lập tự do, không thể tính “thượng sách giữ nước”, càng không thể nói tới nền móng xã hội chính trị vững chãi để đổi mới chính trị hiện nay! Vì, “dân là gốc nước”, vì “dân là dân nước, nước là nước dân”, “sức dân mạnh như nước”, như ông cha ta từng răn dạy!

Không “lấy dân làm gốc”, không “trên dưới một lòng, cả nước giúp sức” thì không thể nói tới việc nền độc lập dân tộc và “chế độ được đứng vững”, càng không thể nói dân tộc Việt Nam giữ vị trí chính trị vững chắc và đóng góp xứng đáng trong nền chính trị quốc tế!

“Đảng ta là đứa con nòi của giai cấp lao động”, nên “Dân không đủ muối, Đảng phải lo. Dân không có gạo ăn no, dân không có vải mặc đủ ấm, Đảng phải lo. Các cháu bé không có trường học, Đảng phải lo”. Rằng, “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức nhân dân là người chủ, mà Chính phủ là người đầy tớ trung thành của nhân dân”, “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”, “nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ đi”. Và rằng: “Chủ tịch nước hay nấu ăn, đều phải làm tròn nhiệm vụ”, “…Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” …,  như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhủ, suy cho cùng, là những vấn đề trọng yếu và cụ thể của việc đổi mới toàn diện, đồng bộ, chứ không viển vông, không thể đặt trách nhiệm đó ngoài mục tiêu chăm lo, bảo vệ lợi ích tối cao và toàn diện của nhân dân.

Vì, điều giản dị: Nước ta là do nhân dân là chủ và làm chủ! Quyền lực của nhân dân là tối cao! Đó chính là đạo đức, là văn hóa!

Từ trong trầm tích lịch sử nước nhà và nhu cầu phát triển hiện nay, càng đòi hỏi Đảng ta, Nhà nước ta: Sống và cống hiến trong lòng nhân dân; buồn vui, sướng khổ cùng nhân dân; nguyện sống chết vì nhân dân… là riềng mối làm nên đồng thuận toàn dân, đồng thuận toàn xã hội xây dựng một xã hội công dân, làm động lực chủ yếu đổi mới chính trị hiện nay! Đến lượt mình, coi pháp luật thượng tôn, nhân dân ta nỗ lực toàn diện tự nâng mình lên một cách toàn diện, xứng đáng là người chủ đất nước, xây dựng một xã hội công dân bảo vệ chính mình.

Nhân dân tự ý thức rằng, đâu là quyền và trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, nhất là việc thực thi các quyền và trách nhiệm đó đối với những đại sự của đất nước theo Hiến pháp và pháp luật.  Đó là thước đo sự trưởng thành về chính trị và đạo lý của chính mình. Đó cũng chính là một chỉ báo tối thiểu, thước đo về tầm viễn kiến chính trị, về hành động chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ trọng trách đối với số phận nhân dân, vị thế quốc gia dân tộc; là bản chất của thể chế chính trị, triển vọng phát triển tất yếu của nền chính trị hiện đại nước ta.

Đó chính là động lực chủ yếu, cũng chính văn hóa!

{keywords}
Nhu cầu phát triển hiện nay đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta sống và cống hiến trong lòng nhân dân, là riềng mối làm nên đồng thuận toàn dân, xây dựng một xã hội công dân, làm động lực chủ yếu đổi mới chính trị hiện nay. Ảnh: Phạm Hải

3- Đổi mới thể chế, phát triển chiến lược nhân tài để nắm lấy và dẫn dắt xung lực phát triển đất nước từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Lịch sử xác tín rằng, không một quốc gia nào có thể làm nên kỳ tích phát triển nếu không có bộ máy công quyền ưu tú; và, bộ máy công quyền ấy sẽ không chỉ là nơi tụ hội nhân tài mà còn là môi trường để họ làm việc, thể hiện nhân cách và tài năng một cách tin tưởng.

Do đó, đổi mới mô hình tổ chức, cơ chế vận hành của toàn bộ hệ thống chính trị, trước mắt thanh lọc bộ máy công quyền sao cho tinh hoa, tinh thông và liêm chính bảo đảm tương dung với công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, hơn lúc nào hết, phải là việc cấp bách, thậm chí nóng bỏng hiện nay.

Kinh nghiệm lịch sử cũng chỉ rõ rằng, nếu toàn xã hội và đến lượt mỗi người không đồng tâm vun đắp xây dựng một nền văn hóa của sự phát triển về tầm nhìn, cao quý về nhân văn, uyên bác về trí tuệ, cao thượng về nhân cách, và luôn khắc sâu trong tâm khảm mình tình yêu thương đồng bào và trách nhiệm với Tổ quốc, thì không hy vọng có được đội ngũ nhân lực chất lượng cao như kỳ vọng, càng không có đội ngũ nhân tài tương xứng đối với đại cuộc kiến thiết và phát triển đất nước. 

Hiện nay, sự bùng nổ của cách mạng thông tin - truyền thông và cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang thay đổi diện mạo và tốc độ phát triển toàn cầu. Kinh nghiệm cho thấy, việc tri thức hóa nguồn nhân lực sẽ là chìa khóa để đi đầu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.  

Đây là cơ hội mới cho Việt Nam. Có thể nói, cơ hội này hoặc là hôm nay hoặc là không bao giờ trở lại, đối với chúng ta. Nếu xem thời cơ là lực lượng thì với cuộc cách mạng công nghiệp mới này, với những đột phá về công nghệ, chúng ta phải chủ động nắm lấy và tận dụng nó.

Với sự nỗ lực phi thường, những nền tảng ban đầu rất quan trọng được kiến tạo, để chúng ta chủ động nắm lấy nó. Chỉ tính riêng Internet, hiện nay, nước ta có đến trên 64 triệu người truy cập và sử dụng, và con số này vẫn đang tăng lên hết sức nhanh chóng từng ngày. 

Điều đặc biệt đáng lưu ý ở đây là tuyệt đại đa số những người sử dụng Internet đều thuộc về thế hệ trẻ, thế hệ đang và sẽ đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển cũng như vận mệnh của đất nước trong tương lai. Điều rõ ràng là, cơ hội trăm năm của hàng chục triệu người dân Việt Nam kết nối với toàn cầu và với nhau chia sẻ, mở rộng tầm nhìn, khám phá kiến thức… đang thật sự là động lực đột phá to lớn để phát triển. Cố nhiên, cũng là thách thức không kém phần to lớn, nếu chúng ta không tiên lượng và có được những cải cách tương ứng và kịp thời. 

Chuyển đổi số đang là cơ hội cho Việt Nam phát triển. Vì thế, dù thế nào, chúng ta quyết chủ động nắm lấy và thực thi một cách quyết liệt, với những đột phá, tạo những “cú nhảy” bứt phá trên con đường phát triển, đi thẳng vào những lĩnh vực tiến tiến, những phương diện hiện đại: trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, Internet kết nối vạn vật…, nếu không muốn đứng ngoài thế giới hoặc tụt hậu vô phương cứu vãn.

Hơn hết bao giờ, khát vọng, niềm tin, lựa chọn ưu tiên và quyết liệt phải thực thi chiến lược phát triển nhân tài.

Cuộc cạnh tranh trong thời đại 4.0 chính là cuộc cạnh tranh về nhân lực để thu hút người tài. Do vậy, phải đổi mới tầm nhìn mang tầm dài hạn nhằm kiến tạo cho kỳ được nền móng bảo đảm cho sự phát triển mới: huy động nguồn nhân lực và đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao; không chỉ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước mà Việt Nam phải là nơi hội tụ những tài năng và nguồn nhân lực chất lượng cao từ khắp nơi trên thế giới.

Vì thế, cần tìm kiếm tài năng từ mọi ngõ ngách, không kể nguồn gốc và điều kiện xuất thân; trân trọng sử dụng tinh hoa trong nước và quốc tế. Cổ nhân nói: Không thể giam cầm những bậc hiền tài vào một giỏ với những người tiểu nhân. Đó chính là một phương diện cần đột phá về phương diện thể chế.

Và, điều cần khắc sâu là, cả xã hội dành cho những người gánh vác sứ mệnh dẫn dắt dân tộc ngẩng đầu, với sự trân trọng thành tâm, sự bảo vệ, sự ủng hộ nhiệt thành và tình yêu thương vô bờ bến.

Đó chính là động lực mang tầm đột phá chiến lược, cũng chính là văn hóa!

Đó chính là chiều sâu nhân văn của văn hóa Việt Nam!

4- Khẳng định vị thế, sức mạnh, uy tín quốc gia hội nhập quốc tế, phát triển và nâng niu tình hòa hiếu lân bang, lấy hòa mục năm châu bốn bể làm phương lược hành xử, vì nền hòa bình thế giới

Trong lịch sử mấy ngàn năm, dân tộc ta đã đối mặt và chiến thắng trong hàng trăm cuộc chiến tranh vệ quốc. Có lẽ hiếm có quốc gia, dân tộc nào trên hoàn cầu thương đau chất chồng và nặng nề như thế! Vì thế, suốt lịch sử của mình, toàn thể dân tộc chúng ta nâng niu vô điều kiện giá trị của hòa bình, của độc lập tự do, và nối đời xây đắp mối hữu nghị lân bang và bảo vệ bằng mọi giá tình hoà hiếu với các dân tộc khắp bốn bể năm châu.

Nhưng, chúng ta quyết không mơ hồ hay càng không ảo tưởng mà lơi lỏng quyền bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng, càng không run sợ trước bất cứ sức ép hay sự đe dọa nào của bất cứ ai, khi dù chỉ nửa tấc đất ông cha truyền lại bị xâm phạm!

Dân tộc ta vốn yêu chuộng hòa bình, chỉ muốn “tắt muốn đời chiến tranh”. Tất cả các bậc tiên hiền, suốt mấy nghìn năm nay, đều lấy hòa hiếu lân bang, bốn bể làm trọng, đều vì nền độc tự do của đất nước làm lý tưởng, lấy “Non sông ngàn thuở vững âu vàng” làm trọng sự; vì hạnh phúc của nhân dân, vì nền hòa bình khu vực và trên toàn thế giới làm mục tiêu hành động không thay đổi!

Chúng ta sẵn sàng làm bạn với các nước, nhất là hợp tác chặt chẽ song phương, đa phương với các đối tác chiến lược… cũng vì lẽ đó. Chúng ta cũng chủ động cùng với các quốc gia dân tộc yêu chuộng hòa bình tháo gỡ những mối bất hòa, tranh chấp quốc tế, ngăn chặn những ai gây hấn đe dọa dùng vũ lực hoặc bằng vũ lực chi phối các nước khác, thông qua ngoại giao trên nền tảng thông lệ và pháp lý quốc tế… cũng vì lẽ tự nhiên đó.

Tất cả góp phần xây dựng và phát triển đời sống chính trị quốc tế thật sự nồng ấm và tin cậy lẫn nhau. Đó là niềm tin chính trị chiến lược với bè bạn quốc tế và các quốc gia dân tộc trên toàn thế giới.

Chúng ta yêu hòa bình và vì thế, dân tộc Việt Nam quyết bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc, nền hòa bình, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, vì sự trường tồn của dân tộc, góp phần bảo vệ nền hòa bình của thế giới. Vì đó là quyền tự vệ chính đáng Việt Nam, suy rộng ra là quyền của bất cứ quốc gia, dân tộc nào khát khao độc lập tự do và yêu mến hòa bình!

Vì dân tộc chúng ta, một phần hữu cơ của nhân loại tiến bộ! Quốc gia Việt Nam trong thế giới là một chỉnh thể song hành! Vì, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”!, vì sự tôn vinh và bảo vệ những quyền cơ bản thiêng liêng của đất nước, của con người, mà các quốc gia, dân tộc dù ở châu lục nào trên địa cầu cũng vươn tới: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc!

Đó là khát vọng, là lẽ sống của hơn 96 triệu đồng bào nước Việt, cũng là khát vọng của nhân loại về một thế giới hòa bình, thống nhất, văn minh và tiến bộ! 

Đó chính là động lực quan trọng, cũng chính là văn hóa! Đó là bản lĩnh văn hóa Việt Nam!

Việt Nam bước vào thập kỷ thứ ba cùng nhân loại, với cuộc tranh đua hoặc là tụt hậu hoặc là tiến lên! Không có con đường thứ ba!       

Chăm lo thế  nước - Vun đắp Lòng Dân – Nhân lên Đại đoàn kết toàn dân tộc - Chủ động hội nhập toàn cầu - Xây dựng Đảng xứng đáng là “đứa con nòi” của dân tộc, là “đạo đức, là văn minh”!

Đó là bài học lịch sử vô giá để Việt Nam Độc lập, để nhân dân tự do, hạnh phúc! Đó cũng chính là con đường để Việt Nam “cất cánh”, với khát vọng hùng cường!