Lãnh đạo Hà Nội đã bật mí về khả năng sẽ nới lỏng giãn cách từ ngày 15/9 nếu mức độ lây lan được kiểm soát tốt như những ngày qua. Còn TP.HCM sẽ nới lỏng sau 2 tuần sau ngày 15/9 - thời hạn được Chính phủ “giao” kiểm soát được dịch bệnh.

Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên giải thích: “Đối chiếu với các tiêu chí của Bộ Y tế đưa ra, căn cứ vào tình hình của TP thì có nhiều nơi chưa đạt được”.

Hà Nội và TP.HCM đang đóng góp tới 45% GDP cả nước và đã đóng cửa nghiêm theo chỉ thị 16 gần 2-3 tháng. Đòi hỏi về mở cửa cho sinh kế và sản xuất, kinh doanh đã đến lúc cấp bách hơn bao giờ hết. 

Song, sự thận trọng của Bí thư TP.HCM và lãnh đạo Hà Nội là có lý do và tương đồng với chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Phải tránh 2 khuynh hướng: Lơ là, mất cảnh giác khi phòng, chống dịch mới đạt được kết quả ban đầu và khi đã giãn cách trong thời gian dài; Chủ quan, nóng vội muốn mở lại ngay các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khi chưa chuẩn bị tốt, chưa an toàn đã nới lỏng các biện pháp chống dịch”.

{keywords}
Hà Nội đang thực hiện chỉ thị 16

Căn cứ hai quyết định 3979 và 3989

Tất nhiên, TP.HCM, Hà Nội và nhiều địa phương khác đang thực hiện chỉ thị 16 không thể tự ý nới lỏng giãn cách được mà phải căn cứ vào các quy định về kiểm soát dịch bệnh trong các quyết định 3979 và 3989 do Bộ Y tế ban hành trung tuần tháng 8.

Theo đó, các địa phương thực hiện chỉ thị 16 chỉ mở được khi đáp ứng 2 tiêu chí: 1) Nhóm chỉ số về ca mắc mới Covid-19 trên địa bàn và 2) Nhóm chỉ số về nguy cơ lây nhiễm.

Nhóm thứ nhất về số ca mắc mới bao gồm các chỉ tiêu như số ca mắc mới tại cộng đồng theo tuần có xu hướng giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và giảm ít nhất 50% so với tuần cao nhất trong đợt dịch.

Đồng thời, tỷ lệ số mẫu xét nghiệm dương tính trên số người lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR trong ngày tại cộng đồng có xu hướng giảm liên tục trong vòng 14 ngày. 

Địa bàn đó không ghi nhận chuỗi, chùm ca bệnh lây nhiễm mới xuất hiện trong 7 ngày.

Nhóm thứ hai về chỉ số về nguy cơ lây nhiễm gồm: Giảm tối thiểu 50% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ rất cao; Giảm tối thiểu 50% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ cao; giảm tối thiểu 50% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ. Còn riêng tại TP.HCM, nhóm chỉ số nguy cơ lây nhiễm được điều chỉnh theo tỷ lệ 30%.

Từng tiêu chí, chưa nói tổ hợp tất cả các tiêu chí trên đây, là không khả thi khi dịch đã lan sâu rộng trong cộng đồng như ở TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai... Thậm chí, khi địa phương chỉ có 1 trường hợp dương tính cũng không thể mở được.

Ví dụ ở Hà Nội, tổng số mắc trong đợt dịch thứ tư từ ngày 29/4 đến nay là 3.780 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 1.595 ca; trong khi đó, ở TP HCM đang có khoảng 100.000 người nhiễm đang cách ly tại nhà. 

Thực tế trên cho thấy, Hà Nội, TP.HCM và bất kỳ tỉnh nào thực hiện chỉ thị 16 hoặc không đều có nguy cơ không thể mở lại được căn cứ vào hai quyết định 3979 và 3989 nêu trên.

Cần thay đổi về tư duy

Hai văn bản trên có lẽ được thiết kế để đối phó với các chủng virus có hệ số lây lan ít hơn trước đây chứ không phù hợp với chủng Delta với hệ số lây nhiễm rất cao, làm dịch bệnh đã lan sâu và rộng vào cộng đồng ở một số địa phương.

Hơn nữa, các quy định đó lại chưa tính đến yếu tố “vũ khí” vắc xin đang được phủ rất nhanh chóng.

Hà Nội đang tiêm vắc xin với tốc độ thần tốc, cứ 2 ngày được 1 triệu mũi. Dự kiến Thủ đô sẽ tiêm đủ mũi 1 cho 100% dân số đến 15/9. Còn ở TP.HCM, tốc độ tiêm đã được đẩy lên gần 250.000 mũi và sẽ đạt 100% mũi 1 và 33% mũi 2 cho dân số từ 18 tuổi trở lên đến 15/9. 

Bên cạnh đó, số người có kháng thể ở TP.HCM phải lên tới hàng triệu nếu căn cứ một tính toán của Bộ Y tế gần đây, rằng số người nhiễm thật gấp 3-4 lần số xét nghiệm được. 

{keywords}
Ảnh: Thanh Tùng

Gần đây, Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên đưa ra quan điểm: “Chúng ta không thể tiếp tục mãi giãn cách triệt để, cũng như không thể quét sạch F0, thay vào đó chúng ta sẽ mở dần, sống trong điều kiện bình thường mới, trong điều kiện có dịch". Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định: “Không thể phong tỏa mãi, cần thích nghi an toàn với dịch”.

Vắc xin đang về nhiều. Tốc độ tiêm chủng thần tốc ở Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh xung quanh đặt ra câu hỏi mang tính chiến lược: Chúng ta có thể sống chung an toàn với Covid hay không, làm sao thích nghi an toàn với dịch bệnh?

Xin trích dẫn giải thích của TS Vũ Thành Tự Anh: “Sống chung với sự tồn tại của virus khác với việc sống chung với dịch. Nói một cách hình tượng, chúng ta có thể sống chung với lũ nhỏ, ôn hòa; nhưng tuyệt đối không thể sống chung với đại hồng thủy. Với SARS-CoV-2, chúng ta chấp nhận trong cộng đồng sẽ tồn tại một số lượng người bị lây nhiễm nhất định, chứ không thể để nó phát triển thành đại dịch theo kiểu đại hồng thủy, có thể cuốn trôi rất nhiều sinh mạng. Nói cách khác, dù sống chung SARS-CoV-2 nhưng phải kiểm soát được nó”.

Nếu câu trả lời là "không", chúng ta sẽ tiếp tục chiến lược Zero Covid, tiếp tục phong tỏa bất chấp tiêm vắc xin, đổ vỡ kinh tế và sinh kế.

Còn nếu câu trả lời là "có", chúng ta chấp nhận sống chung an toàn với Covid, dừng theo đuổi Zero Covid - điều mà không quốc gia nào trên thế giới dám làm ngoài Trung Quốc và New Zealand - thì mới có thể mở cửa lại song hành cùng nỗ lực tiêm vắc xin.

Tôi cho rằng, cần trả lời câu hỏi mang tính chiến lược này mới có thể đề ra các giải pháp sống còn trên cả hai mặt trận phòng chốgn dịch bệnh và phát triển kinh tế. 

Kỳ vọng trước đây về “miễn dịch cộng đồng” nhờ tiêm vắc xin đã thui chột sau khi chủng Delta xuất hiện. Trạng thái “bình thường mới” không phải là “Zero Covid” mà có lẽ là “sống chung an toàn với virus” hay “thích nghi an toàn với dịch”.

Với nhận thức đó, nhiều quốc gia thay đổi các hoạt động quản lý nhà nước, sản xuất, kinh doanh và lưu thông, và đời sống xã hội theo hướng dần trở lại bình thường trong điều kiện vẫn tồn tại dịch bệnh ở mức độ nhất định.

Hoàn cảnh đã thay đổi, chính sách cần thay đổi 

Từ kinh nghiệm của Israel, Anh, Hoa Kỳ và nhiều nước khác, tình trạng thoát miễn dịch với biến thể Delta là phổ biến. Do đó, kể cả khi đạt được độ bao phủ 2 mũi vắc xin cho đa số trong cộng đồng, virus Sars-Cov-2 vẫn sẽ tiếp tục lưu hành, đặc biệt là ở các địa phương có dịch bùng phát mạnh trong thời gian qua. 

Từ góc độ đó, việc đạt được tiêu chí kiểm soát dịch chỉ dựa vào các tiêu chí của 2 quyết định trên là không khả thi, cũng như chưa theo kịp với quan điểm “Sống chung an toàn với virus”, hay “Thích nghi an toàn với dịch”. 

Còn nếu chậm thay các tiêu chí trên, Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh đang thực hiện chỉ thị 16 sẽ luôn phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội mạnh mẽ cho dù có đủ năng lực điều trị ca bệnh và tăng cao độ bao phủ vắc xin phòng Covid-19. 

Việc điều chỉnh, sửa đổi các tiêu chí và phương pháp đánh giá nguy cơ dịch trong hai quyết định 3979 và 3989 là cấp thiết để đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống ở các tỉnh đang áp chỉ thị 16, nhất là khi vắc xin đã được phủ khá rộng và khát khao về sinh kế của người dân là cháy bỏng.

Tư Giang

Chống Covid-19 không thể ‘mơ màng’

Chống Covid-19 không thể ‘mơ màng’

Không ít người, thậm chí là các cấp điều hành địa phương, tỏ ra “lơ mơ”, “mơ màng” với mục đích của phong tỏa và giãn cách đang được triển khai nghiêm ngặt tại gần 1/3 số tỉnh trong cả nước.