Người Việt Nam từ cổ tới kim đều rất thông minh, chịu khó, cần cù và sáng tạo. Dân tộc Việt Nam được nhìn nhận là một dân tộc thông minh với chỉ số IQ rất cao, vào hàng các quốc gia thông minh trên thế giới.

Điều đó đã được cha ông ta chứng minh trong lịch sử dựng nước, giữ nước và kiến thiết đất nước hàng ngàn năm qua.

Đất nước ta đang sở hữu một nguồn tài nguyên, nguồn lực vô giá là con người, trí tuệ và đóng góp trí tuệ Việt cho nhân loại. Cụ thể, Việt Nam có hàng trăm nghìn nhà khoa học, công nghệ được đào tạo ở rất nhiều trường Đại học danh tiếng trong và ngoài nước, hàng chục nghìn nhà khoa học công nghệ Việt đang làm việc cho các Viện, trường, cơ sở khoa học và sản xuất, kinh doanh trên khắp thế giới, đặc biệt ở các nước như Mỹ, Châu Âu, Nhật bản, Singapore…

Đã có rất nhiều những phát minh nổi tiếng thế giới do người Việt tạo ra, rất nhiều cuộc tranh tài về khoa học công nghệ quốc tế người Việt, đoàn Việt Nam đều đạt giải thưởng cao như huy chương vàng, bạc, đồng.

{keywords}
Đất nước ta đang sở hữu một nguồn tài nguyên, nguồn lực vô giá là con người, trí tuệ và đóng góp trí tuệ Việt cho nhân loại. Ảnh: Thanh Hùng/VietNamNet

Bên cạnh đó, hàng trăm ngàn sinh viên,nghiên cứu sinh người Việt đang ở khắp các châu lục. Số lượng học sinh Việt Nam đi du học đứng thứ 10 trên thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ người trở về phục vụ đất nước lại quá ít. Họ không chỉ đi bằng tiền của gia đình, mà còn theo các chương trình nhà nước bằng ngân sách nhà nước. Hầu hết những sinh viên, học sinh đạt giải Vòng nguyệt quế trong các cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia vẫn chưa về nước. Có không it nhà khoa học công nghệ về một thời gian nhưng không phát huy được khả năng lại ngậm ngùi ra đi.

Với những thế mạnh của đất nước kể trên, tuy nhiên nhìn rộng ra sẽ thấy khoa học công nghệ nước ta chưa phát triển, chưa xứng tầm, chưa đóng góp nhiều cho sự phát triển. Muốn đất nước phát triển bền vững, độc lập tự chủ không có cách nào khác phải có công nghệ Việt.

Chúng ta cũng đang lãng phí rất lớn chất xám. Cụ thể, chưa khai thác, sử dụng tốt được trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ khoa học công nghệ là người Việt trong nước cũng như ở nước ngoài.  

Nguyên nhân chính là chúng ta chưa có chính sách nhất quán, kiên định lâu dài về đánh giá và sử dụng nhân tài.

Các nhà khoa học, quản lý Việt Nam ở nước ngoài chỉ một số ít về hẳn, hoặc về tham gia đóng góp cho xây dựng đất nước mà thôi. Còn lại, khá nhiều nhà khoa học sau 1975 bỏ nước ra đi không trở về nữa. Không ít các sáng tạo, phát minh, sáng chế lại không từ các đề tài do các Viện, trường, cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ mà xuất phát từ nông dân, công nhân, thợ cơ khí…

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tài tình trong việc sử dụng kêu gọi trí thức Việt kiều từ các nước về theo Bác để phát triển đất nước,bảo vệ tổ quốc. Biết bao nhà khoa học nổi tiếng theo Bác về làm việc trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn gian khổ, hy sinh tại Thủ đô kháng chiến sau ngày Tuyên ngôn độc lập 2/09/1945.    

Một câu hỏi bỏ ngỏ là chúng ta đã khai thác, sử dụng nguồn lực này tốt hay chưa? Đã khai thác thế nào và hiệu quả ra sao? Cách nào để khai thác tốt hơn?

Nguyên nhân chính là chúng ta chưa có chính sách nhất quán, kiên định lâu dài về đánh giá và sử dụng nhân tài. Xin đề xuất một số giải pháp như sau:

Trước hết. nhà nước nên khẩn trương có hẳn một chương trình quốc gia thật nhất quán trong việc điều tra, thống kê, đánh giá, phân tích lại tình hình nguồn nhân lực khoa học công nghệ trong nước và Việt kiều ở nước ngoài. Từ đó, có chiến lược mời họ tham gia đóng góp phát triển đất nước.

Thứ hai, chúng ta đã thành công chương trình kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam như chương trình phát triển kinh tế tư nhân trong hơn 30 năm qua. Vậy nên chăng, cần nghiên cứu để đưa các kinh nghiệm này vào lĩnh vực khoa học công nghệ tạm gọi là chương trình kêu gọi phát triển khoa học công nghệ.

Thứ ba, cần cải tổ triệt để, toàn diện lĩnh vực khoa học công nghệ. Nên tập trung và bắt buộc các trường Đại học phải là trung tâm nghiên cứu. Đại học phát triển, đi lên từ nghiên cứu và đào tạo. Tổ chức lại hai Viện Hàn lâm theo mô hình các quốc gia thành công của Israel, Trung Quốc…từ cơ chế chính sách, tổ chức nghiên cứu tới con người.

Thứ tư, xem xét lại các Viện nghiên cứu của các Bộ để gắn với các Tập đoàn kinh tế Nhà nước và tư nhân. Mô hình các Viện công nghệ của doanh nghiệp nằm trong doanh nghiệp, phục vụ doanh nghiệp như Viettel, Vingroup, Rạng Đông, Fecon, IQC, Tập đoàn dầu khí Việt Nam... cần được nhân rộng.

Thứ năm, khuyến khích các nhà khoa học công nghệ trở thành người của các công ty trong nghiên cứu phát minh, nghiên cứu phát triển. Coi trọng các nghiên cứu của học sinh, sinh viên gắn với khởi nghiệp cũng là giải pháp khôn ngoan.

Thứ sáu, có cơ chế chính sách tổ chức thị trường công nghệ, Thị trường mua bán các doanh nghiệp khởi nghiệp mua bán công nghệ và mua bán ý tưởng. 

Thứ bảy, khuyến khích tổ chức các Quỹ mạo hiểm cho đầu tư nghiên cứu khoa học,tạo vườn ươm khoa học công nghệ, doanh nghiệp... và mua bán các công nghệ, ý tưởng, các công ty vừa khởi nghiệp thành công.

Thứ tám, nên đánh giá, sử dụng, khuyến khích, tạo sân chơi cho các nhà khoa học là quần chúng, các nhà khoa học “chân đất”, gọi là những ông hai lúa làm công nghệ để họ tích cực đóng góp.

Thứ chín, hợp tác quốc tế sâu rộng, có chọn lọc các quốc gia, các lĩnh vực khoa học công nghệ ưu tiên và phân khúc thời kỳ.

Thứ mười, hòa giải và hoà hợp dân tộc. Chúng ta quý trọng chất xám và đóng góp trí tuệ từ lòng tự trọng, đam mê, tâm huyết và yêu nước của các nhà khoa học công nghệ Việt trên khắp thế giới.

Nguyễn Văn Lạng

Chủ tịch Hồ Chí Minh với quan điểm trọng dụng nhân tài

Chủ tịch Hồ Chí Minh với quan điểm trọng dụng nhân tài

 - Quan điểm trọng dụng nhân tài, hòa hợp dân tộc thuộc vào những di sản quý báu nhất của Bác Hồ để lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau vận dụng xây dựng quốc gia thái bình, phồn vinh, hạnh phúc.