XEM VIDEO: 

Một buổi sáng nắng gắt cuối tháng 4 lịch sử, trong chuyến công tác tại tỉnh Quảng Trị, Đại sứ Nadav Eshcar đã đến dâng hoa viếng các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang quốc gia đường 9.

Nơi hai phía đụng độ nhiều nhất

Có mặt ở nghĩa trang trong gần 1 giờ đồng hồ, cùng Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Triều Thương, Đại sứ Israel thỉnh 9 tiếng chuông bắt đầu buổi lễ. Ông cùng đoàn công tác trang trọng dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, sau đó đến thắp hương lên từng phần mộ.

Ông chia sẻ với Tuần Việt Nam: "Quảng Trị là một tỉnh thật đặc biệt, nơi hai phía của cuộc chiến đụng độ nhau nhiều nhất. Đây là một địa điểm anh hùng với rất nhiều con người đặc biệt. Tới thăm và đầu tư vào tương lai của nơi này đối với chúng tôi là một điều vô cùng ý nghĩa".

{keywords}
Cùng Giám đốc Sở Ngoại vụ Quảng Trị Nguyễn Triều Thương, Đại sứ Israel thỉnh 9 tiếng chuông bắt đầu buổi lễ
{keywords}
 
{keywords}
Ông cùng đoàn công tác trang trọng dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ

Bất ngờ khi biết chuyến viếng thăm nghĩa trang đường 9 trùng khớp vào ngày giải phóng thành phố Đông Hà, vị Đại sứ không giấu nổi niềm xúc động khi nhắc tới hai nghĩa trang liệt sĩ “không mộ”, “không có từ nghĩa trang” nổi tiếng của Quảng Trị: Thành cổ và dòng sông Thạch Hãn.

“Đây là một nơi đầy tính biểu tượng. Biểu tượng vì cuộc chiến, vì là nơi của sự anh hùng. Khi tới thăm nghĩa trang đường 9, biết rằng hàng chục nghìn người đã ngã xuống, rất nhiều trong số đó thậm chí vô danh, tôi vô cùng xúc động. Họ đã hy sinh thân mình vì đất nước, vì gia đình, vì cả những người không quen biết.

Tôi ước rằng trong tương lai sẽ không có thêm nghĩa trang nào như thế này nữa.

Sẽ vô cùng ý nghĩa khi mọi người viếng thăm nơi đây không chỉ để biết về lòng anh hùng của Việt Nam, về tinh thần của con người, mà còn để biết về sự mất mát. Chỉ tại nghĩa trang này thôi, có hơn 10.700 ngôi mộ. Hòa bình quan trọng hơn bất kỳ thứ gì bạn có trên thế giới này.

Tôi hi vọng chuyến thăm này của tôi sẽ gửi đi một thông điệp với người Israel, người Việt Nam và mọi người khác rằng hãy quan tâm về một tương lai tốt đẹp cho chúng ta”, ông Eshcar chia sẻ.

Chúng tôi cũng có rất nhiều ngôi mộ vô danh

Khi được hỏi có ngẫu nhiên hay không khi ông viếng thăm nghĩa trang đường 9 đúng ngày kỷ niệm giải phóng Đông Hà, Đại sứ Israel nhấn mạnh, bất kể ngày nào tới thăm nơi đây cũng đều có ý nghĩa.

“Khi tới đây, tôi nhớ đến Israel. Chúng tôi cũng có rất nhiều ngôi mộ chưa có tên, của những người lính mà không ai biết họ là ai. Tôi nhớ tới cha mẹ của những người lính ấy, con cái họ... Và tại đây, tôi cảm nhận thấy nỗi đau, của 10.700 gia đình”, ông nói.

{keywords}
 
{keywords}
Đại sứ thắp hương lên từng phần mộ
{keywords}
Ông bày tỏ: Tôi cảm nhận thấy nỗi đau, của 10.700 gia đình

Nghĩa trang liệt sỹ đường 9 là nơi yên nghỉ của hơn 10.700 anh hùng, liệt sỹ gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Nếu như ở nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, hầu như các phần mộ đã có tên thì trong hơn 10.700 phần mộ tại nghĩa trang đường 9 có đến 65% chưa biết tên. Hơn 3.200 mộ liệt sỹ được xác định đầy đủ tên tuổi quê quán, được mai táng theo từng tỉnh thành, có 785 mộ xác định chưa đầy đủ, còn lại chưa rõ tên tuổi.

Nơi đây còn có một khu mộ tập thể - nơi yên nghỉ của khoảng 600 liệt sỹ. Nằm ở một vị trí trang trọng, khu mộ gồm 8 ngôi mộ với kích thước lớn. Ngôi mộ lớn nhất có 123 liệt sỹ.

Nghĩa trang không mộ

Thành cổ Quảng Trị - một tòa thành nằm bên dòng sông Thạch Hãn, được biết đến qua cuộc chiến 81 ngày đêm giữ thành đầy khốc liệt trong lịch sử dân tộc.

Thị xã Quảng Trị, từ ngày 28/6 đến 16/9/1972, được ví như một túi bom. Với diện tích chưa đầy 3 cây số vuông, trong 81 ngày đêm ấy, nơi đây phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn. Tổng số bom đạn mà Mỹ sử dụng khi đó tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) năm 1945.

Ngày nay, Thành cổ là một điểm tham quan gây nhiều xúc động. Đây được coi là nghĩa trang không nấm mồ, là ngôi mộ chung của những người lính đã ngã xuống vì quê hương, vì sự hòa bình, thống nhất đất nước.

Thạch Hãn - con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Trị, cùng với Thành cổ là sự song hành bi tráng thấm đượm máu và hoa. Trong cuộc chiến 81 ngày đêm, dòng sông là con đường tiếp tế nhân lực, vật lực chủ yếu cho mặt trận Quảng Trị. Để cắt đường tiếp tế đó, địch điên cuồng ném bom bắn phá, rất nhiều chiến sĩ ta đã nằm lại trên dòng sông.

Ngày 16/9/1972, ngày cuối cùng của 81 ngày đêm, sau khi nhận lệnh rút toàn bộ quân sang bờ Bắc để bảo toàn lực lượng, hàng trăm chiến sĩ và thương binh sau nhiều ngày ngâm mình trong nước, đói rét đã không còn đủ sức để chống chọi với dòng nước lũ. Và sông Thạch Hãn trở thành nơi an nghỉ vĩnh hằng của các chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị anh hùng.

Diệu Thúy - Đức Yên

Những người chèo đò giữa mưa bom qua sông Bến Hải

Những người chèo đò giữa mưa bom qua sông Bến Hải

Hàng ngàn chuyến đò ngược xuôi đưa đón bộ đội và vũ khí sang bờ Nam phục vụ chiến trường. Bao năm trôi qua, những dân quân từng bám chốt nơi đây kẻ còn, người mất. Người còn sống vẫn vẹn nguyên ký ức.