Năm 2001, người chị họ trong gia đình tôi rời bỏ hai đứa con nhỏ xíu, mới trứng gà trứng vịt cho chồng để đi xuất khẩu lao động. Ngày chị đi, đứa nhỏ còn đỏ hỏn, chưa đầy một tuổi; cô con gái đầu lòng mới học lớp chồi, chưa biết chữ…

Nhưng, ở vùng quê thuần nông, nghề phụ không có, vì cuộc mưu sinh, người mẹ ấy đã phải hy sinh quyền được gần gũi, chăm sóc con, và nếu nói một cách chua chát, đau xót, thì chị cũng đã tước đi quyền được gần gũi mẹ của con mình.

{keywords}
Vùng quê sầm uất với những ngôi nhà cao tầng khi nhiều con em đi xuất khẩu lao động

Cuộc ly hương đơn độc ấy, cứ kéo dài, kéo dài cho đến ngày chị về nước, cô con gái đầu lòng đã học cấp 3. Những giọt mồ hôi, nước mắt nơi xa xứ, được chuyển hóa thành một nếp nhà kiên cố, và một chút vốn tằn tiện, dè sẻn để tiếp tục làm ăn.

Sẽ không có gì để nói, nếu như không có một sự cố mà chắc chắn, trong cả cuộc đời còn lại, vợ chồng chị họ của tôi sẽ luôn ước, “nếu như mình không đi”: Cô con gái đầu lòng ở tuổi dậy thì, không có mẹ bên cạnh để chia sẻ những chuyện thầm kín của con gái tuổi mới lớn, đã trượt theo nhóm bạn xấu từ lúc nào mà bố nó không hay. Người đàn ông nuôi con, giống như một cái máy, lo ngày 3 bữa ăn cho con mình, tưởng rằng đã xong…

Sự đánh đổi quá rẻ và trả giá quá lớn

Khi con bé bước đi quá xa vào một con đường lầy lội, và nó phải trả giá bằng chính mạng sống của mình ở độ tuổi rực rỡ nhất, cha mẹ chúng mới biết, sự đánh đổi của họ là quá rẻ, và sự trả giá của họ là quá lớn!

Anh chị tôi không có lỗi, bởi thời điểm đó, con đường ly hương để mưu sinh, chắc chắn là con đường duy nhất, trong các sự lựa chọn hẹp nhất mà anh chị có. Bởi, giai đoạn khó khăn, nó là câu chuyện chung của cả vùng quê nghèo thời điểm khó…

{keywords}
Vợ ngóng chồng, con ngóng cha là cảnh thường thấy ở nhiều làng quê...

Có một giai đoạn, báo chí trong nước đưa tin rất nhiều về những vùng quê, làng xã…, số lượng nhà cao tầng, biệt thự đếm không xuể. Đó là những nơi cả làng đi lao động xuất khẩu, lớn đến mức thành trào lưu.

Tiền chuyển về, người nhà ky cóp, tích lũy, xây cất một ngôi nhà khang trang, nhưng bên trong trống trơn, không có, hoặc có rất ít những vật dụng tương xứng với ngôi nhà đó. Nó trống trơn, vắng lặng, quạnh quẽ, bởi thiếu hơi ấm của người phụ nữ, chỉ có những người đàn ông chung sống cùng các con, khi mẹ chúng đi biền biệt nhiều năm chưa về.

Bi kịch chốn làng quê

Nhiều trường hợp, người chồng thành “mồ côi vợ”, bởi người vợ sau một thời gian dài sinh sống ở nơi họ sang mưu sinh, đã chọn ở lại, lập một gia đình mới với người bản địa.

Năm 2015, một ngôi làng thuần nông rúng động trước vụ việc người đàn ông ra tay giết hại vợ, phân thành khúc, đưa vào túi nilon mang thả trôi sông, cách nhà vài chục cây số.

Người đàn ông ấy, vốn là một người nông dân hiền lành, chăm chỉ, hết mực yêu thương con cái. Người đàn ông ấy, vốn là một người chồng, chấp nhận cho vợ đi xuất khẩu lao động mưu sinh, nhận “làm mẹ” chăm sóc con thay vợ của mình.

Nhưng, sau những năm tháng biền biệt xa nhà, ở một môi trường mà chắc chắn thơm tho, no đủ hơn ở quê, người phụ nữ đã thay lòng đổi dạ. Chị chê người chồng nông dân cóc cáy, đen đúa, tay chân lúc nào cũng dính đầy sình đất, quần áo lúc nào cũng hôi hám, vấy bẩn… để theo một người đàn ông khác, thơm tho, bóng bẩy, chân tay luôn sạch sẽ, quần áo luôn tươm tất hơn chồng mình…

Bi kịch ấy, làng quê sẽ nhớ mãi, bởi nó đầy bi thương!

Nông dân rời làng lên phố

Mới cách đây mấy hôm, 3 đứa trẻ Cà Mau đạp xe vượt 400km với 55 ngàn đồng trong túi để đi tìm cha mẹ ở tận TP.HCM. Quãng đường mà chúng đi, những đói khổ mà chúng chịu đựng dọc đường, không ai biết.

{keywords}
Những đứa trẻ đạp xe đi tìm mẹ

Nhưng, nó chắc chắn là sự hiện hữu đẹp đẽ của tình mẫu tử thiêng liêng.

Nhưng, nó cũng là hiện hữu đau buồn của một cuộc ly hương, cha mẹ chúng rời bỏ tổ ấm, vì một cuộc mưu sinh.

Bến xe Giáp Bát - nơi hội tụ của những người tứ xứ. Nếu bạn là người hay chuyện, hay quan tâm đến người khác, hãy trò chuyện với bất kỳ một bác xe ôm nào mang biển xe ngoại tỉnh, bạn sẽ hiểu câu chuyện của họ.

Phần lớn họ là những người nông dân rời làng quê mình lên Thủ đô chạy xe ôm. Nhưng, họ làm công việc đó không phải để nuôi bản thân mình, bởi ở quê, họ vẫn sống được trên ruộng đồng.

Cuộc di cư có thời hạn ấy, là theo tiếng gọi bao bọc những đứa con, khi chúng bắt đầu lên thành phố học đại học: Cha dắt díu con lên thành phố thuê nhà trọ. Con đi học, cha chạy xe ôm.

Tấm bằng đại học của đứa con ướt đẫm những giọt mồ hôi của người cha hàng ngày mải miết trên những con phố chật chội, đông đúc, bụi bặm; nó thành hình từ cuộc cạnh tranh, giành giật khách để có một cuốc khách - điều mà trước đó, cha của chúng không bao giờ mong muốn…

Những cuộc ly hương, dù từ quê lên phố, hay là những cuộc ly hương xa hơn ra ngoài lãnh thổ, mẫu số chung, gói trong hai chữ: “tương lai”, và “hạnh phúc”.

Hai điều ấy, không có thước đo, chỉ số nào có thể kiểm đếm, định lượng được.

Sẽ thực tế hơn, nếu như trong các bản báo cáo cuối năm, con số về tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động có việc làm tiệm tiến dần về con số “0”, sẽ không có những bi kịch của những gia đình nông dân phải “ly hương”; sẽ không có câu chuyện về những đứa trẻ đạp xe hàng trăm cây số thăm cha mẹ đang đi tìm tương lai…

Khi ấy, hạnh phúc không cần đến thước đo, cũng như không phải tìm công thức để lượng hóa một khái niệm vốn là một thứ vừa hữu hình - ai cũng sở hữu theo cách của mình, và cũng vừa vô hình - đủ trừu tượng để cả cuộc đời phải lao lực, tâm lực kiếm tìm.

Di Linh

Ngơ ngác như đàn bò trong thành phố

Ngơ ngác như đàn bò trong thành phố

“Nhu cầu vật chất kéo loài người đi… Chúng ta không thể nói cái nào tốt, cái nào xấu bởi ai cũng có lý của mình nhưng chúng ta có thể tạo ra sự dung hòa” - nhà văn Đỗ Hoàng Diệu viết.