‘Em lên xe rồi chị nhé’

Tú làm công nhân tại Bình Dương và đang mang bầu hơn 8 tháng, bụng vượt mặt. Suốt cả tháng qua do dịch bệnh, vợ chồng Tú mất việc làm, sống cầm cự qua ngày tại phòng trọ ở Bình Dương, chờ hết giãn cách sẽ về quê sinh nở.

XEM CLIP:

 

Chiều 15/8, hàng loạt tỉnh phía Nam, trong đó có Bình Dương công bố kéo dài giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 thêm 14 ngày.

Vợ chồng Tú lo sẽ không kịp thời gian về quê sinh con nên đành gói ghém đồ đạc, trả phòng trọ, liều đi xe máy về quê Phú Yên ngay trong buổi tối.

Rời nhà trọ không được bao xa, hai vợ chồng mắc kẹt tại chốt kiểm dịch và rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, đi không được, ở cũng không xong. Nhớ đến đường dây nóng ở quê nhà, vợ chồng Tú gọi điện vừa khóc vừa kêu cứu ngay trong đêm.

{keywords}
Bà Phạm Thị Minh Hiền chia sẻ trên Facebook cá nhân về chuyến xe có vợ chồng em Trần Thị Thanh Tú

Tiếp nhận thông tin từ tổ trực đường dây nóng của tỉnh, bà Phạm Thị Minh Hiền đã liên lạc với vợ chồng em và lập tức đưa trường hợp này vào hệ thống dữ liệu danh sách những người dân Phú Yên ở TP.HCM được xe đưa về quê trong chuyến gần nhất. Bà đồng thời lo thủ tục để giúp vợ chồng Tú qua các chốt kiểm dịch từ Bình Dương đến bến xe Miền Đông (TP.HCM).

Chiều qua, bà Phạm Thị Minh Hiền nhận được cuộc điện thoại đầy hạnh phúc từ vợ chồng Tú: “Em đã lên xe rồi chị nhé”. Sáng nay, vợ chồng Tú đã có mặt tại quê nhà và thực hiện cách ly theo quy định.

Hồi hương với hũ tro cốt

Y Lãnh, SN 1984 ở xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa, Phú Yên, là người dân tộc thiểu số.

Anh cùng vợ và 3 con vào Bình Dương mưu sinh. Anh làm công nhân tại một công ty ở Bến Cát, không may nhiễm Covid-19. Ngày 18/7, anh được đưa đi cách ly tập trung tại BV đa khoa tỉnh. Ngay sau đó, vợ anh cũng phải cách ly tập trung ở nơi khác, 3 con nhỏ ở nhà trọ, ai cho gì ăn nấy.

Ngày 24/7, bệnh tình anh bắt đầu chuyển biến nặng và được đưa đi cấp cứu. Liên tiếp những ngày sau đó, Y Lãnh không ăn uống được gì, kể cả uống thuốc cũng nôn ra.

3h sáng ngày 30/7, anh ra đi mà không người thân nào hay biết. Bởi, trong khoảng thời gian này, vợ chồng, con cái trong gia đình anh Y Lãnh không liên lạc được với nhau.

Cho đến khi bệnh viện truy tìm thông tin của anh, báo về địa phương ở huyện miền núi Sơn Hòa, Phú Yên để lo hậu sự, huyện báo với Phòng Lao động, Phòng Lao động báo đến Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH. Lúc đó các cơ quan của tỉnh mới tìm cách kết nối vào Bình Dương để thông tin đến người nhà. Sự việc sau đó được em trai của anh Y Lãnh tiếp nhận và thông báo tin buồn đến vợ và các con anh.

Thời điểm ấy, Nhà nước chưa hỗ trợ tiền hỏa táng cho bệnh nhân chết vì Covid-19 nên BV yêu cầu gia đình anh phải đóng 12,5 triệu đồng mới được nhận tro cốt về. Trước tình cảnh này, bà Phạm Minh Hiền đã lên Facebook kêu gọi quyên góp để hỗ trợ gia đình anh Y Lãnh nhận tro cốt và thuê 1 chuyến xe riêng đưa cả nhà về quê.

Hình ảnh cha, chị mang tro cốt anh Y Lãnh về mai táng và em trai Y Tuấn ôm tro cốt của anh về nhà sau khi được tỉnh hỗ trợ thuê xe riêng đón vợ, 3 con cùng hũ tro cốt của anh Y Lãnh từ Bình Dương. Ảnh: Minh Hiền

Ngày 1/8, vợ cùng 3 con anh Y Lãnh ôm hũ tro cốt về đến quê hương. Vợ anh tiếp tục vào khu cách ly 7 ngày, người nhà đưa 3 con về nhà và tiến hành mai táng cho anh.

Số tiền quyên góp còn dư, bà Hiền phối hợp với xã lập 1 tài khoản gửi cho gia đình anh trang trải cuộc sống những ngày sắp tới.

Ngoài gia đình em Tú, anh Y Lãnh, không ít hoàn cảnh thương tâm khác được tỉnh Phú Yên hỗ trợ kịp thời để lên những chuyến xe nghĩa tình trở về quê hương xứ Nẫu. Thậm chí, có những người biết được ngày có chuyến xe đã đi bộ mười mấy cây số từ Bình Dương lên bến xe Miền Đông để trực tiếp xin được về quê. Họ ăn vội cái bánh bao lót dạ rồi lên xe ngủ thiếp đi đến sáng để được đặt chân lên mảnh đất quê hương mình.

{keywords}
Chuyến xe nghĩa tình đưa em Nguyễn Thị Bé Y bị bệnh bại não cùng cha mẹ về quê. Ảnh: Trần Quới

“Tôi liên tục tiếp nhận những cuộc gọi bằng trạng thái ‘kêu cứu’. Có những người không còn gì, kể cả những đồng bạc dành dụm cuối cùng cũng hết, họ nói với tôi trong nước mắt: Em muốn được về quê, xin chị giúp em”, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Phú Yên nghẹn ngào kể. 

Những chuyến xe mang nặng nghĩa đồng bào

Bà Phạm Thị Minh Hiền cho biết, tỉnh Phú Yên đã thành lập một tiểu ban gồm nhiều sở ngành tham gia tổ chức tiếp nhận, đón công dân hồi hương, đứng đầu là Giám đốc Sở LĐ-TB-XH.  Tiểu ban này phối hợp với TP.HCM và Hội đồng hương tỉnh Phú Yên tại TP.HCM để triển khai các chuyến xe đón bà con về.

{keywords}
Những dòng kêu gọi cộng đồng quyên góp hỗ trợ gia đình anh Y Lãnh trên Facebook của Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên

“Chủ trương của tỉnh là hỗ trợ đưa người dân từ các vùng dịch về tỉnh theo nhu cầu, trong đó ưu tiên người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, những người dân đi chữa bệnh bị mắc kẹt lại”, Phó giám đốc Sở LĐ-TB- XH cho hay.

Để đưa được bà con về, tỉnh lập danh sách dựa trên dữ liệu từ đăng ký của người dân qua nhiều kênh bằng mọi phương tiện từ điện tử đến thủ công như email, điện thoại, Zalo, Facebook, qua các hội đoàn tại TP.HCM để người dân có thể tiếp cận trong mọi hoàn cảnh.

Danh sách tỉnh tiếp nhận qua dữ liệu online có thời điểm lên đến 17.000 người. Tuy nhiên có nhiều người đăng ký nhiều lần nên tạo con số ảo. Vì vậy, Sở LĐ-TB-XH cùng Tỉnh Đoàn phải sàng lọc, gọi điện xác minh từng người một để lập danh sách chính xác nhất và phân chia các chuyến đưa đón theo từng đợt.

{keywords}
Ông Trình Quang Phú, Chủ tịch Hội đồng hương Phú Yên tại TP.HCM đã 80 tuổi nhưng chuyến xe nào cũng ra tận bến xe Miền Đông để động viên người dân trước khi về quê

Các danh sách sau khi được lập sẽ chuyển đến Sở GTVT TP.HCM. Sau đó, Sở này gửi văn bản tới các chốt để tạo điều kiện cho người dân từ nhà đi qua các chốt, đi xét nghiệm, ra bến xe.

Ngoài ra, danh sách này còn được chuyển đến Sở TT&TT của tỉnh để chỉ đạo các nhà mạng nhắn tin giờ giấc các chuyến xe, cũng như các thông tin cần thiết khác đến người dân.

Các tin nhắn này cũng là cơ sở để người dân được qua các chốt kiểm soát, ra bến xe. Người già yếu không sử dụng được điện thoại thông minh có thể đưa tin nhắn trong “điện thoại cùi bắp” để đi qua các chốt.

Thậm chí có những người không biết đọc biết viết sẽ có người gọi điện thoại trực tiếp hướng dẫn thủ tục cũng như cách để ra bến xe.

Việc lập danh sách và chia các đợt đưa đón được gối đầu cách nhau 2 ngày. Đón đợt 1 thì phải có danh sách đợt 3 để qua các khâu triển khai.

Để làm được việc này, TP.HCM hỗ trợ rất lớn cho Phú Yên như tạo điều kiện cho người dân ra khỏi nhà, thông tin về các hãng taxi được phép di chuyển trong dịch để người dân có phương tiện ra bến xe…

{keywords}
Người dân được lấy mẫu xét nghiệm ngay sau khi xuống xe

Khi ra đến bến, tỉnh đã sắp xếp một tổ trực để kiểm soát giấy test nhanh âm tính, hướng dẫn bà con phân luồng, khai báo y tế rồi mới được lên xe.

Khi lên xe, bà con phải mặc đồ bảo hộ, được phát suất ăn do tỉnh và Hội đồng hương tại TP.HCM hỗ trợ. Mỗi đợt đón bà con về đều có xe của CSGT tỉnh dẫn đường.

Về đến tỉnh, bà con được phát 1 phần ăn sáng và được lấy mẫu xét nghiệm PCR ngay tại chỗ. Ngay từ đầu, tỉnh sắp xếp bà con ngồi theo huyện nên sau khi xét nghiệm, xe huyện nào thì về huyện đó. Các xe 45 chỗ nhưng tỉnh chỉ cho chở tối đa 25 người để thực hiện giãn cách.

Về đến huyện có kết quả xét nghiệm, người nào dương tính sẽ đưa vào BV dã chiến để điều trị. Người nào âm tính thì vào khu cách ly 7 ngày rồi về cách ly tại nhà 14 ngày. Trong thời gian này, người dân sẽ được lấy mẫu 2 lần nữa.

Với cách làm như vậy từ ngày 27/7, tỉnh Phú Yên đã tổ chức 20 chuyến xe hồi hương đầu tiên do một DN vận tải tài trợ 100% chi phí.

Ban đầu mỗi chuyến khoảng 400 người, sau tăng dần lên 500 và đến giờ mỗi chuyến lên đến 600 người. Tính đến chiều qua, tỉnh đã tổ chức được 9 đợt đưa bà con từ TP.HCM về với tổng số hơn 4.000 người.

Dự kiến cuối tuần này, Phú Yên bắt đầu tổ chức các chuyến xe đưa bà con từ Đồng Nai, Bình Dương, Long An về quê nhà với số lượng khoảng 2.000 người.

{keywords}
Bà Phạm Thị Minh Hiền điều phối việc tiếp đón bà con tại TP Tuy Hòa sáng 18/8 và chuẩn bị danh sách cho chuyến xe tiếp theo

“Thú thật là chúng tôi cũng rất lo. Lo dịch lây lan, lo không đủ cơ sở vật chất và nhân lực để điều trị, cách ly, lo an sinh xã hội sau này… Nhưng vì nghĩa đồng bào và cũng để ‘chia lửa’ với TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam nên tỉnh cố gắng giúp bà con”, bà Hiền nói.

Là người trực tiếp tham gia lập danh sách và điều phối việc đưa, đón người dân từ TP.HCM về, bà Hiền nhận định khâu lập danh sách là phức tạp nhất. Hầu như ngày nào, anh em phải căng mình, vắt chân lên cổ chạy từ sáng sớm đến đêm tối vẫn không hết việc.

“Mỗi lần nhìn bà con xuống xe trong vui mừng, chúng tôi như được tiếp thêm năng lượng, nhiều lúc quên cả nguy cơ lây nhiễm dịch”, bà Minh Hiền chia sẻ.

Thu Hằng

Kỳ vọng mốc 25/8 cho Hà Nội, 15/9 cho TP.HCM

Kỳ vọng mốc 25/8 cho Hà Nội, 15/9 cho TP.HCM

Virus sẽ còn tồn tại và vì thế chính sách cần hợp lý giữa chống dịch và đảm bảo sinh kế cho dân, hoạt động của doanh nghiệp.