Công khai minh bạch là trách nhiệm của nhà nước, đồng thời là vũ khí sắc bén để nhà nước nâng cao năng lực và phẩm chất của mình. Cao hơn cả, công khai minh bạch là phương tiện phát huy sức mạnh nhân dân, đặc biệt trong việc giải quyết những vấn đề khó khăn đang diễn ra hiện nay.   

Công khai minh bạch là những thước đo giá trị phổ quát của loài người, vừa là đích phấn đấu, và động lực của sự phát triển. Những xã hội, quốc gia nào thực sự đề cao nó thì đều đã hoặc sẽ hứa hẹn phát triển hướng đến văn minh. Những quốc gia nào từ chối hoặc chỉ nói mà không làm thì đều luẩn quẩn trong vòng tăm tối của nghèo nàn, bất công, lạc hậu.

Giá trị của công khai minh bạch

{keywords}

Việt Nam đang hướng tới thế giới văn minh, hiện đại. Một số sản phẩm của sự phát triển và nền dân chủ như các khái niệm pháp quyền, tự do ngôn luận, dân chủ, trách nhiệm giải trình, cũng như công khai minh bạch không thể chỉ là các khái niệm “ngoại nhập” mà phải đi vào cuộc sống của người dân Việt Nam.

Cũng phải thấy rằng không có gì là “miễn phí” và quốc gia nào trên hành trình phát triển cũng phải trả giá để được hưởng các giá trị văn minh ấy. Cái giá ấy lớn hay nhỏ tùy thuộc vào nhận thức, bản lĩnh của mỗi quốc gia. Đặc biệt là tầm tư duy và sự cam đảm của những người có quyền lực và trách nhiệm lớn trước xã hội.

Ở các nước phát triển, ngoại trừ những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, chính phủ phải cho dân chúng tìm hiểu về quá trình quyết định những chính sách. Trong công cuộc bài trừ tham nhũng, công khai minh bạch là một vũ khí, chính vì một khi quan chức bắt buộc phải giải trình, công khai hoá công việc và tài sản thu nhập cũng như các biện pháp chế tài thì họ rất khó có cơ hội tham nhũng.

Minh bạch thông tin là một trong những đặc điểm cơ bản của một thể chế chính trị dân chủ. Chỉ có minh bạch thông tin mới lấy được lòng tin của dân với thể chế quyền lực. Và chỉ có một thể chế mạnh, một nhà nước pháp quyền mạnh mới có thể xây dựng được sự minh bạch thông tin và ngược lại.

Trên thực tế không có sự minh bạch thông tin tuyệt đối. Các nhà nước xây dựng trên thể chế chính trị dân chủ cố gắng tiếp cận tối đa với  minh bạch thông tin tuyệt đối để xây dựng niềm tin với dân chúng, nhất là trong vấn nạn tham nhũng.

Ở các nước, người ta rất coi trọng quyền riệng tư. Ấy vậy mà khi làm chính khách, tham gia chính trường là lập tức bị xét nét từng chân tơ kẽ tóc. Bí mật quốc gia thì nước nào cũng có, nhưng chính sách về quốc kế dân sinh thì phải minh bạch với dân.

Công khai minh bạch và lòng tin

Khẩu hiệu "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" là một biểu tượng rất sâu sắc về  minh bạch tuyệt đối. Một chính quyền do dân và vì dân tất nhiên phải có cách hành xử minh bạch với dân.

Bàn về sự minh bạch thông tin thì điều phải nói tới trước tiên là lòng tin. Lòng tin là một yếu tố tâm lý, mặc nhiên là phải song phương. Không thể có lòng tin đơn phương mà bền vững được. Nếu lòng tin chỉ đơn phương thì chính là sự mê tín (tín = tin và mê = mê muội) – tin một cách mê muội! Để có thể tin nhau tuyệt đối thì không có gì khác ngoài sự minh bạch với nhau.

Do đó, muốn minh bạch thông tin, điều kiện tiền đề là phải thay đổi luật pháp và những quy định hiện hành về vấn này.

Công khai minh bạch phải là định chế của xã hội. Minh bạch không chỉ là làm rõ qui luật, kế hoạch, qui trình và hành động, hay là để người dân biết tại sao, làm sao, làm gì và mức độ thế nào về hành động của Nhà nước và quyền của người dân.

Đảng và Nhà nước hướng theo mục tiêu- một chế độ chính trị vì nước vì dân- thì công khai minh bạch không chỉ là một trách nhiệm ràng buộc, mà còn là một vũ khí sắc bén tự rèn luyện chính mình, đồng thời cũng là phương tiện rất quan trọng phát huy sức mạnh của toàn dân trong sự nghiệp kiến tạo và bảo vệ Tổ quốc.

Tô Văn Trường