Phim lịch sử tạm chia làm 2 loại, loại bối cảnh lịch sử quân chủ phong kiến, tức là thời đại xa, và loại lịch sử cận đại khoảng trên dưới 100 năm. Những phim có bối cảnh 1930, hay khoảng 1945-1954 cũng thuộc thể tài lịch sử. Xét cho cùng, quá khứ là thời gian lịch sử, cho đến nay những phim về kháng chiến chống Mỹ cũng là  phim lịch sử. Phần này chỉ nói về phim lịch sử thời xa, có vua quan và triều đình, thời quân chủ.

Tôi có một lời khuyên choáng váng của một người quản lý điện ảnh. Ở Liên hoan phim Bông sen tại Nam Định cách đây khoảng trên 10 năm, một ông ở Cục Điện ảnh Trung Quốc nói với tôi: Muốn làm phim lịch sử, đừng có nghe các nhà sử học. Tôi hỏi làm sao, ông ấy bảo: Các anh làm phim cơ mà.

Bây giờ không còn ai chê rằng, phim Cleopatra dựng bối cảnh không đúng với Ai Cập, Cleopatre sexy quá, nhưng ở Trung Quốc, còn rất nhiều người nói ví dụ phim về thời Tần, hoàng hậu không để hở cổ như vậy, cung điện không sáng choang to lớn như vậy, quần áo không đẹp trang hoàng lấp lánh như vậy. Ông chuyên viên điện ảnh Trung Quốc cười: Bởi vì các nhà phê bình phim Cleopatre đã chết hết rồi, còn khi anh làm phim lịch sử, thì bọn phê phán đương thời vẫn khỏe mạnh.

{keywords}
Một cảnh trong phim Phải sống - phim lịch sử của Trung Quốc

Có lẽ có quan niệm “mực hệt” mà người ta quan niệm phim phải hệt như thật. Có lẽ vì vậy mà phim về hoàng cung Huế cứ tù mà tù mù chăng. Rồi có trường phái soi, cái gì cũng sợ giống Trung Quốc. Mà những người kêu ầm lên ấy, có khi không bao giờ đọc một dòng tài liệu lịch sử như Đại Việt sử ký toàn thư, là quyển sách đã bày bán đại trà. Không biết hiện nay, liệu có tìm thấy cái gì khác giữa Việt Nam và thế giới với bộ vet comple ca- vát không? Một thời kỳ lịch sử, các lãnh đạo Việt Nam ăn mặc bộ quần áo Tôn Trung Sơn cổ cao, không biết sau này hậu thế có làm khác đi không?

Lịch sử Việt Nam là lịch sử gắn liền bang giao với Trung Quốc, tâm lý sợ chính trị một cách vô lối cũng sẽ làm cho Việt Nam không biết bao giờ có một bộ phim chống Nguyên, chống Minh. Khi tôi làm phim giai đoạn 1940- 1945, có người được trưng cầu ý kiến duyệt phim đã “ân cần” nói rằng, chỗ nào nói động đến Trung Quốc thì nên xem lại và xem kỹ. Đó là thực tế phũ phàng và cay nghiệt. Nếu thế làm phim chống Nguyên, Mông, Thanh liệu có được không? Không xét điều kiện kỹ thuật, tư duy đã không vượt qua rồi, làm gì được nữa?

Hiện tại, với kỹ thuật đang có, điều kiện mọi mặt đang có, không thể làm một phim lịch sử phong kiến quân chủ ở Việt Nam. Với tiểu thuyết, có trường phái người viết là người kể chuyện xưa, nghĩa là dùng ngôn từ nay để kể chuyện xưa.

Với người làm phim, không thể dùng ngôn từ ngày nay để đặt vào miệng vua quan hay người ngày xưa, nhưng đã có phim làm như vậy, nên nó thành giả, không xem nổi.

Khi làm phim về thời 1945, chúng tôi đã phải nhặt sạn, ví dụ một người đi khỏi chỗ, nói “Tôi biến đây”. Đó là từ ngữ của thời nay, nó phá hỏng không khí lịch sử. Nhưng tôi đã xem thấy một phim, lính vung tay hô: “Ủng hộ quan Nguyễn Văn X”.

Nói tóm lại, muốn có phim lịch sử, trước hết phải có kịch bản, tốt nhất là từ các tác phẩm văn học đã được xuất bản, có sự thẩm tra tốt. Những người viết kịch bản đừng nên tự ái khi tôi nói điều này.

Tôi đã tranh luận với một quan chức, khi người này nói nhà văn T viết kịch bản điện ảnh rất giỏi nên mời anh ấy viết kịch bản về thời Trần, vì tôi biết anh chỉ giỏi viết về thời hiện tại, với mảng công nhân và thị trường, quả thực, phim ấy hỏng đầu tiên về thoại.

Một hội thảo về làm phim lịch sử không có những người viết tiểu thuyết lịch sử có tác phẩm, người cầm chịch cũng không phân biệt được Phật giáo Trần khác với Phật giáo Lê thế nào, vậy thì kết quả ra sao đã chứng minh qua thời gian rồi.

Ở Trung Quốc, khoảng năm 2010, người làm phim “Hà Nội, Hà Nội” cho biết, có khoảng 50 người sống giàu có vì viết kịch bản phim. Một phim có thể phải trả 10% thậm chí 20% cho kịch bản. Kịch bản phim lịch sử càng khó. Cho nên có lẽ cứ như bây giờ, đừng mơ tưởng sẽ có những bộ phim lịch sử tử tế.

Tiểu thuyết có thể mô tả mọi thứ, phim ảnh không dựng lên hình thì không ra phim. Đó là kỹ thuật, kỹ xảo, không còn thuần túy ngôn từ nữa. Đến đây, người làm phim Việt lại húc phải một bức tường kiên cố, đó là kỹ xảo. Tóm  lại, từ tư duy, cách nghĩ, sự sợ hãi, đến kỹ thuật đều thiếu cả, thì làm sao có sản phẩm được.

Xuân Hưng