Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam cần thích nghi và linh hoạt với đặc trưng của tình hình hiện nay là VUCA (V: Volatility - Biến động; U: Uncertainty - Bất định; C: Complexity - Phức tạp; A: Ambiguity - Mơ hồ). Đây là khái niệm do Đại học Harvard đề xuất.

Chúng ta rất khó dự đoán dài hạn và trung hạn. Phải thường xuyên quan sát, phân tích, quyết định linh hoạt trong bối cảnh mỗi nước đều đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu.

Sức chống chịu trong tình thế bất định

Chúng ta đã lỡ mất nhịp mua vắc xin nhưng may là vị thế địa chính trị tốt nên được viện trợ 118 triệu liều, trong đó có những quốc gia tặng rất nhiều vắc xin cho chúng ta.

Đợt cách ly và và giãn cách xã hội trong làn sóng dịch thứ tư vừa rồi làm cho tê liệt kinh doanh, sản xuất và lưu thông.

Năm 2020, dù tăng trưởng rơi xuống 2,9% nhưng vẫn cao hơn nhiều so với tăng trưởng -4% của thế giới. Tức là, chúng ta nằm trong số ít “ngôi sao” tăng trưởng dương trong một thế giới suy thoái nặng nề.

{keywords}
Tới đây, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách và tái cơ cấu kinh tế. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trong khi đó, cách chống dịch lần thứ tư đã làm kinh tế tăng trưởng âm trong quý 3 và dự kiến sẽ chỉ đạt 2-2,5% trong năm nay, mức giảm sâu so với tăng trưởng trung bình khoảng 5-6% của thế giới. Đây là điều rất cần suy nghĩ nếu muốn tránh khỏi sự lạc điệu, thế giới đã tăng trưởng trở lại nhưng chúng ta vẫn đang ở đáy.

Tuy vậy, chúng ta vẫn có những điểm tích cực như kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xuất khẩu nhìn chung khả quan và cam kết FDI tiếp tục tăng.

Bức tranh kinh tế sau khi bỏ giãn cách từ đầu tháng 10 dần tốt lên, có tăng trưởng ở một số lĩnh vực. Về chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng, nhiều ngành có tăng trưởng dương, chỉ một số ngành như thành lập mới doanh nghiệp, du lịch, giao thông gặp khó khăn. Đặc biệt, ngành du lịch thiệt hại lớn, không biết bao nhiêu khách sạn, nhà hàng… đóng cửa, nhân viên du lịch sống thế nào!

Về cơ cấu kinh tế, sản xuất nông nghiệp tốt và chúng ta may có nông nghiệp là bệ đỡ. Nông nghiệp bây giờ vững vàng, không chỉ các vùng ở Đà Lạt, Bắc Giang, Bắc Ninh xuất hiện nhà kính quy mô lớn, xuất khẩu hoa, rau quả sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Có những công ty trồng rau củ được đối tác Nhật Bản yêu cầu lắp camera trong nhà kính để họ kết nối, kiểm tra bất cứ lúc nào.

Chúng ta cũng có cơ hội khi kinh tế thế giới hồi phục nhanh, đó là đầu tư nước ngoài và Việt Nam phục hồi nhanh. Tất cả hiệp hội doanh nghiệp FDI có mặt tại Việt Nam đều phản đối việc cách ly phong toả khắc nghiệt như vừa rồi. Tuy nhiên, những tin đồn nói đầu tư nước ngoài bỏ Việt Nam là không hề có.

Họ đã đầu tư vào đây mấy trăm triệu USD, thị trường ổn định, dân số đông và trẻ thì họ không bỏ đi, nhất là khi chúng ta đa dạng hoá quan hệ kinh tế sau khi ký nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn trên toàn cầu.

Vấn đề là chúng ta thu hút FDI vẫn bằng thâm dụng lao động và lao động giá rẻ. Đây không phải là niềm tự hào, ngược lại là đằng khác! Động lực nền giáo dục có nhiều vấn đề.

Chúng ta cần phát triển những vùng động lực cho tăng trưởng ở cả 3 miền. Có những địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Sơn La tiến hành cải cách mạnh mẽ hơn Hà Nội. Đó là những tín hiệu rất tích cực.

Về tăng trưởng năm 2022, nền kinh tế sẽ tăng trưởng 4,5% ở kịch bản thấp, theo đó tình hình dịch vẫn khó đoán định, xuất hiện biến chủng mới; các đối tác thương mại lớn không phục hồi như kỳ vọng và hồi phục sản xuất trong nước gặp khó khăn, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trễ.

Ở kịch bản cao, kinh tế sẽ tăng trưởng 6,7% nếu bệnh dịch hoàn toàn được khống chế; chuỗi cung ứng phục hồi nhanh và chi phí logistics giảm nhanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đạt hiệu quả cao.

{keywords}
Bức tranh kinh tế sau khi bỏ giãn cách từ đầu tháng 10 dần tốt lên, có tăng trưởng ở một số lĩnh vực. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế vẫn rất manh mún, đóng góp của khu vực doanh nghiệp tư nhân có đăng ký chỉ chiếm 12% GDP, của doanh nghiệp nhà nước 18% GDP, FDI 20% GDP và kinh tế phi chính thức hộ gia đình lên tới 30-32% GDP.

Đại dịch đã làm đứt gãy nhịp tăng trưởng kinh tế nước ta; làm cho việc đạt mục tiêu nhiệm kỳ trở thành thách thức chưa từng có; tạo nên áp lực đủ mức thúc đẩy đổi mới. Tốc độ tăng trưởng GDP thực tế hơn 30 năm qua giảm dần, mỗi kỳ chiến lược giảm từ 0,5-0,9 điểm %; và phục hồi kinh tế sau các đợt khủng hoảng không cao đột biến.

Chúng ta phải có cải cách, tái cơ cấu đủ mạnh để đạt các mục tiêu tăng trưởng và phát triển của Đại hội 13.

Đẩy mạnh cải cách cơ cấu

Tới đây, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách và tái cơ cấu kinh tế như các văn kiện đã nhấn mạnh trong nhiều năm qua: Cải cách thể chế; tái cấu trúc DNNN, hệ thống tài chính ngân hàng, đầu tư công, nông nghiệp…; Tận dụng hội nhập, các FTA, sự dịch chuyển thu hút FDI chất lượng; Thúc đẩy sáng tạo, chuyển đổi số.

Tôi đặc biệt nhấn mạnh nhu cầu chuyển đổi kinh tế số ngay để tăng hiệu quả quản lý, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Cần thành lập các trung tâm start-ups, các trung tâm sáng tạo, trung tâm tài chính.

Chúng ta cần hoàn thiện khung khổ pháp lý để đảm bảo cho các thị trường nhân tố sản xuất vận hành; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, có tính đột phá, vượt trội và tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh.

Cùng với đó là đẩy nhanh chương trình tái cơ cấu, trọng tâm là DNNN, phát triển các tập đoàn tư nhân, SMEs, hộ kinh doanh. Đặc biệt, chúng ta cần tận dụng hội nhập qua việc gắn kết chặt chẽ đối tác quan trọng với thị trường và tận dụng các FTA, kết nối theo chuỗi giá trị.

Về cải cách bộ máy nhà nước, cần cụ thể hóa cơ chế bảo vệ và đảm bảo động lực khuyến khích để cán bộ dám nghĩ, dám sáng tạo, dám làm vì sự phát triển đất nước.

Liên quan đến việc hoàn thiện các thị trường nhân tố sản xuất, tôi xin nói rõ thêm về thị trường quyền sử dụng đất nông nghiêp và đưa kinh tế số vào nông nghiệp, nông thôn.

Thị trường quyền sử dụng đất sẽ tăng thêm quyền cho nông dân trong bảo vệ đất đai của mình và giúp nông dân vốn hóa quyền sử dụng đất. Nhờ đó, đất nông nghiệp sẽ được sử dụng công bằng hơn, hiệu quả hơn, tạo ra khối lượng vốn lớn cho nền kinh tế và sẽ tạo ra một cuộc canh tân trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn.

Chúng ta sẽ huy động được nhiều nguồn lực hơn, phân bổ nguồn lực hợp lý hơn, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn. Tất cả điều đó sẽ dẫn đến đạt được tốc độ tăng trưởng cao, thậm chí vượt quá mục tiêu chiến lược. Tôi cho rằng, phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp sẽ tạo nên cuộc cải cách ruộng đất lần hai, chuyển từ giao công cụ sản xuất sang giao tài sản cho nông dân.

Lan Anh

Những rủi ro đang chực chờ

Những rủi ro đang chực chờ

Sau 2 tháng dỡ phong tỏa nhờ nghị quyết 128, nhiều tỉnh chấm dứt các biện pháp “ngăn sông, cấm chợ”, những dấu hiệu tích cực dần xuất hiện trở lại trong nền kinh tế.