Nhưng, ở góc độ điều hành, các nhà hoạch định chính sách vẫn phải chịu sức ép lo ổn định kinh tế vĩ mô và chống lạm phát vẫn phải là ưu tiên số 1. Ít nhất, mục tiêu này đã được ghi vào văn kiện, vào nghị quyết phát triển kinh tế xã hội hàng năm của Quốc hội.

Có lẽ vì vậy, sự thận trọng vẫn đang chủ đạo. Có lúc, giới chuyên gia nói về gói phục hồi 8-10% GDP (800.000 tỷ đồng); có lúc, người khác lại đề cập đến gói hỗ trợ chỉ khoảng 1-2% GDP; thậm chí, có lúc người ta tranh cãi mãi về có gói hỗ trợ lãi suất nữa hay không.

Tóm lại, đến giờ này hình hài của các gói đó vẫn là ẩn số. Chưa có hành động nào kèm theo tương xứng với tác động của thảm họa kinh tế.

Chưa có hành động đáng kể trong chính sách tài khoá

TS Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nêu: “Cho dù có thể có dư địa tài khóa, nhưng liệu Việt Nam còn dư địa thời gian và năng lực để thực hiện các biện pháp ngắn hạn không là dấu hỏi đặt ra”.

{keywords}
Việt Nam khá chần chừ đưa ra gói kích thích để phục hồi nhanh nền kinh tế

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhận xét thêm, Việt Nam khá chần chừ đưa ra gói kích thích để phục hồi nhanh nền kinh tế, thậm chí không có hành động “nhúc nhích” đáng kể gì trong chính sách tài khoá mà vẫn chỉ loay hoay vào chính sách tiền tệ.

“Thực tế cho thấy, Việt Nam là quốc gia phục hồi kém nhất trong bối cảnh dịch bệnh. Đối với các quốc gia khác, đại dịch là tai nạn chứ không phải là khủng hoảng cấu trúc nên nền kinh tế đang theo hình chữ V, trong khi ở Việt Nam là chữ U. Có lẽ, Việt Nam vừa chịu khủng hoảng về cấu trúc vừa chịu tai nạn về y tế”, ông nói tại cuộc tọa đàm do báo Đầu tư tổ chức gần đây.

Theo ông, chính sách có vẻ lúng túng. “Chính sách tài khóa năm 2021 không có mục nào để chống Covid-19 cả, trong cả giai đoạn tới đây cũng không có mục tài chính nào dành cho chống dịch, mà chỉ dùng ngân sách dự phòng để xử lý. Điều đó cho thấy chúng ta không có quy định nào rõ ràng về tình trạng khẩn cấp của thảm họa như các nước”.

Đề cập thực tế trên, ông Nghĩa nhận xét: “Cơ quan hành pháp không có đủ quyền lực để điều hành như trong tình trạng khẩn cấp”.

GDP quý 3 năm nay, khi phong tỏa 23 tỉnh, tức hơn 1/3 đất nước, đã giảm sâu âm gần 6,3%, làm GDP 9 tháng chỉ tăng 1,42% - mức thấp chưa từng có trong lịch sử thống kê. Tăng trưởng của TP.HCM quý 3 giảm âm 24,5%; Hà Nội giảm âm 7%; và tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm tương ứng của TP.HCM và Hà Nội là -5% và 1,3%. Hai động lực kinh tế suy giảm nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, các động lực tăng trưởng khác trong nền kinh tế đều bị tác động nghiêm trọng. Tiêu dùng dân cư giảm rất sâu; đầu tư toàn xã hội bị ảnh hưởng; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm, giảm thu nhập tăng cao; số doanh nghiệp phá sản tăng kỷ lục.

Trong khi đó, lạm phát trên toàn cầu đang có dấu hiệu tăng, nhất là lạm phát ở Mỹ tháng 10 tăng 6,2% so cùng kỳ, cao nhất trong vòng 30 năm, và giá cả các mặt hàng như xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, logistics… trên thế giới tăng. Chi phí đẩy như vậy là rất lớn với nền kinh tế Việt Nam có độ mở thuộc loại lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, do cầu trong nước rất yếu, nên CPI 10 tháng đầu năm chỉ tăng 1,81%, là mức thấp nhất trong 5 năm qua. Nói cách khác, nếu không nhập khẩu lạm phát của thế giới thì lạm phát của Việt Nam thậm chí có thể âm, và nếu không tiến hành cấp cứu, có lẽ chả mấy ai sống qua được thời kỳ này.

Chuyên gia kinh tế trưởng ADB Nguyễn Minh Cường cho rằng, Việt Nam khá rụt rè trong việc sử dụng chính sách tài khoá trong năm nay so với năm ngoái và chính sách tiền tệ đang được sử dụng nhiều hơn các nước khác. Theo ông, chính sách tài khoá cần đóng vai trò lớn hơn, phối hợp với chính sách tiền tệ để tạo ra nguồn lực hỗ trợ lớn nhất cho nền kinh tế.

“Thậm chí, Việt Nam cần chấp nhận tăng nợ công và bội chi trong ngắn hạn để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng cần có biện pháp thiết lập kỷ luật tài khóa trong trung và dài hạn”, ông nói.

Nên tránh đưa ra gói kích thích tài trợ lãi suất như 2009

Ông Nghĩa khuyến nghị nên tránh việc đưa ra gói kích thích tài trợ lãi suất như 2009 vì nó đã góp phần làm tốc độ tăng trưởng tăng lên rất cao, kéo theo lạm phát. Năm 2009, GDP đạt 5,3%, năm 2010, tăng trưởng nhích lên 6,78% và năm 2011 lại giảm xuống 5,89%.

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng được nới lỏng quá mức. Năm 2009, tăng trưởng tín dụng quá khủng khiếp, lên đến 37,3%; đến năm 2010, ở mức 27%. Chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát năm 2009 và 2010 chỉ ở mức 6,88; 9,19%/năm nhưng sang 2011 đã phi mã lên tới 18,58%.

“Hệ thống ngân hàng rơi vào tình trạng nguy hiểm, những hậu quả để lại vẫn chưa xử lý xong đến tận thời điểm này”, ông nói trong một cuộc tọa đàm.

Cho đến nay, sau những thảo luận bước đầu về gói phục hồi kinh tế ở Quốc hội, mới chỉ có các chuyên gia phát biểu công khai trên báo chí. Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn đang trong quá trình thiết kế chính sách cho gói này trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã rục rịch tăng lãi suất do lo ngại lạm phát.

Câu hỏi đặt ra, chúng ta có lại lỡ nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới hay không?

Tư Giang

Cần kích thích nền kinh tế

Cần kích thích nền kinh tế

Gần đây, một số chuyên gia kinh tế bắt đầu lên tiếng về một gói kích cầu kinh tế trị giá 8-10% GDP, hay khoảng 800.000 tỷ đồng, và thậm chí lên đến 15% GDP trong vòng 2 năm tới.