“Dùng giải pháp quản lý mang tính nghi kỵ, cho rằng ai cũng là tội phạm thì cách quản lý đó sẽ tạo ra gánh nặng hành chính khổng lồ”- Ông Đậu Anh Tuấn góp ý.

Xem lại kỳ 1 tại đây

LTS: Thưa quý vị và các bạn, làm sao để có thể ngặn chặn một trào lưu "đẻ" tiếp giấy phép con, những điều kiện kinh doanh vô lý? Đây là mong muốn của cộng đồng DN, nhưng quyết định thay đổi cục diện vấn đề này, lại là các bộ ngành. VCCI, hay Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hay như Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tư pháp, những đơn vị rà soát giấy phép con chỉ có thể kiến nghị mà thôi.

Rõ ràng, câu chuyện này cần một động thái mạnh mẽ quyết liệt hơn từ Chính phủ và sự thay đổi nhận thức vấn đề trong nội bộ các bộ ngành quản lý chuyên ngành.

Mời ban đọc theo dõi tiếp cuộc trò chuyện:  

Clip 3:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa các khách mời, thực trạng về giấy phép con đã rõ. Từ năm 2000, khi có Luật Doanh nghiệp, giấy phép con đã được rà soát rất nhiều lần những mỗi lần cắt xét bớt đi thì vài năm sau, lại đẻ thêm ra nhiều giấy phép con.

Thưa ông Hoàng Tư Giang, ông nghĩ sao về tranh luận gần đây, hiểu thế nào về điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp và những quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hoá, dịch vụ. Hai khái niệm này đang bị lẫn vào nhau và trở thành rào cản cho doanh nghiệp?

Ông Hoàng Tư Giang: Theo quan sát của tôi, trong đợt rà soát vừa rồi, có rất nhiều cán bộ công chức trong các bộ ngành không hiểu gì về điều kiện kinh doanh, thế nào quy chuẩn, tiêu chuẩn. Trên thực tế, vì lẫn lộn như vậy, người ta không làm rõ được thế nào là điều kiện kinh doanh.

Điều kiện kinh doanh đã quy định rõ ở Khoản 3, Điều 7 của Luật Đầu tư, phải phù hợp với 4 tiêu chuẩn rất rõ như không vi phạm về an ninh quốc phòng, thứ hai là không trái với thuần phong mỹ tục, đảm bảo sức khoẻ của người dân...

Tôi có hỏi một số người liên quan đến quá trình rà soát này như TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương hay TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam. Hai người đều nói rằng, kể cả có rà soát rồi thì không bao giờ các điều kiện kinh doanh có thể đáp ứng được hết khoản 3, điều 7 của Luật Đầu tư này. Bởi, quy định trong Luật thì rất rõ, nhưng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hay điều kiện kinh doanh đều lộn tùng phèo cả lên.

Chính vì vậy, đợt rà soát này là dịp tốt để nâng cao nhận thức của các bộ, các cán bộ quanh việc hiểu thế nào là điều kiện kinh doanh; là tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hoá; là xây dựng chính sách theo hướng lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ như Chính phủ đã cam kết.

Nếu nói thay đổi ngay lập tức, tôi nghĩ là khó.

Nhà báo Phạm Huyền: Nhưng nói đi thì phải nói lại, bên cạnh những hoài nghi về lợi ích nhóm thì có một thực tế cơ quan quản lý thường đưa ra là doanh nghiệp thường hay lách luật làm sai, ví dụ như ở kinh doanh gas, doanh nghiệp sang chiết trái phép, hay ở nhập khẩu ô tô, doanh nghiệp cố tình hạ giá tính thuế để giảm thuế phải nộp.

Thưa ông Đậu Anh Tuấn, ông cảm nhận thế nào về trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, làm lành mạnh hoạt động kinh doanh, tạo niềm tin cho nhà quản lý có thể yên tâm nới lỏng điều kiện kinh doanh?

Ông Đậu Anh Tuấn: Tôi cho rằng, xã hội nào, doanh nhân nấy. Xã hội có người tốt, người xấu, người trung thực, người không trung thực thì trong doanh nghiệp cũng như vậy.

Điều quan trọng là, lượng những doanh nghiệp làm ăn gian dối chiếm một phần nhỏ trong cộng đồng kinh doanh thôi. Không thể một người đau bụng mà bắt cả làng uống thuốc được. Dùng giải pháp quản lý mang tính nghi kỵ, cho rằng ai cũng là tội phạm thì cách quản lý đó sẽ tạo ra gánh nặng hành chính khổng lồ.

Điều thứ hai, có thể thấy rằng nếu dựng lên các rào cản hành chính thì chỉ ngăn chặn với người ngay, còn người gian thì khó. Những rào cản hành chính để ngăn chặn những người có động cơ lừa đảo rất khó đạt được. Cách thức quản lý phải làm sao, thuận lợi cho người ngay nhưng giám sát và trừng phạt được người gian.

Về quản lý Nhà nước, với những người làm ăn gian dối chúng ta đã có hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chúng tôi cho rằng, cách quản lý bằng giấy phép, tức thiên về tiền kiểm là cách quản lý dễ. Tôi ngồi một chỗ, chờ ông chứng minh đạt điều kiện thì tôi phê duyệt và tất nhiên, muốn tôi nhanh gọn, linh động phê duyệt thì ông phải làm gì đó. Đó là cách quản lý rất dễ, có quyền lực, có lợi ích nhưng phê duyệt xong giấy phép, anh buông lỏng hậu kiểm, không kiểm soát việc tuân thủ điều kiện của anh đặt ra thì thực tế sẽ không nhiều ý nghĩa. Vì vậy, việc quản lý bằng các giấy phép cần phải đánh giá lại.

Với các vi phạm như vậy, phải tăng vai trò quản lý Nhà nước trong giám sát thực hiện. Chúng tôi muốn nhấn mạnh, tư duy quản lý hiện đại phải làm sao chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

{keywords}

Ông Lê Duy Bình

Hiện nay, chúng ta vẫn đang nặng về tiền kiểm, cái gì cũng phải phê duyệt, cấp phép nên có chuyên gia nói, Việt Nam chúng ta đang nghiện cấp phép. Cái gì cũng đặt ra điều kiện, đó là cách quản lý không hiệu quả.

Trong bối cảnh mới, quản lý phải dựa trên rủi ro, giải phóng gánh nặng hành chính cho hầu hết các DN làm ăn đàng hoàng. Làm sao đưa ra thông điệp rất rõ ràng, nếu doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng thì sẽ thuận lợi, còn nếu doanh nghiệp đã vi phạm thì trách nhiệm pháp lý đặt ra cho anh là rất lớn. 

Tất nhiên, đối với cách tiếp cận như vậy, đòi hỏi bộ máy Nhà nước phải chuyên nghiệp, công tâm vì lợi ích chung.

Nhà báo Phạm Huyền: Trong câu chuyện quản lý doanh nghiệp, ngoài việc đặt ra các điều kiện kinh doanh, theo quan sát của ông, liệu có giải pháo nào cho các bộ, ngành vừa vẫn đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa vẫn hạn chế được hiện tượng kinh doanh thiếu lành mạnh?

Ông Đậu Anh Tuấn: Theo kinh nghiệm các nước, trước khi đặt ra các điều kiện kinh doanh họ thường cân nhắc rất kỹ, bởi đó là biện pháp cuối cùng.

Những hệ quả của điều kiện kinh doanh đối với xã hội rất lớn, vì nó hạn chế quyền tự do kinh doanh, chỉ trao quyền cho một số đối tượng nhất định. Nó sẽ hạn chế phần nào cạnh tranh, phát sinh chi phí tuân thủ cho không chỉ doanh nghiệp mà còn là các bộ ngành quản lý quy định đó. Do vậy, các nước rất cân nhắc giữa lợi ích và chi phí.

Có rất nhiều giải pháp tăng cường giám sát doanh nghiệp như công khai thông tin, công khai tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện để các hiệp hội, báo chí, người tiêu dùng giám sát doanh nghiệp và có hệ thống phản ứng nhanh trước những doanh nghiệp không tuân thủ.

Chúng tôi vẫn tin rằng, việc giám sát chung của nhiều đối tượng bao giờ cũng hiệu quả hơn so với bộ máy Nhà nước. Những đơn vị như Hiệp hội người tiêu dùng, Hiệp hội về môi trường, Hiệp hội ngành nghề tự quản lý bằng quy chuẩn đạo đức, phải phát huy vai trò hơn nữa của báo chí và một hệ thống tư pháp hiệu quả.

Với một hệ thống như vậy thì giám sát sẽ hiệu quả.

Còn với bộ máy Nhà nước, chúng tôi nghe nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra bảo chúng tôi không đủ người. Nhưng Việt Nam hiện mới có hơn 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, sau này tăng lên 1 triệu doanh nghiệp thì không có bộ máy thanh tra, kiểm tra nào đến từng doanh nghiệp được để giám sát một việc được, mà phải phát huy hệ thống giám sát chung.

Cần phải thay đổi tư duy này.

Hiện nay, ngành thuế, hải quan đang xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chỉ số rủi ro. Với doanh nghiệp nào, ngành nghề nào, với chủ doanh nghiệp nào, với tiền sử của chủ đó thì sẽ biết được mức độ rủi ro của họ.

Cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra chỉ tập trung một nhóm doanh nghiệp có mức độ rủi ro cao về chấp hành pháp luật thôi. Còn lại, các doanh nghiệp có uy tín, có bề dày làm ăn đàng hoàng, sẽ được hưởng một hệ thống thủ tục hành chính thuận lợi. Một hệ thống quản lý như vậy sẽ giảm gánh nặng, đưa ra động cơ, tín hiệu khuyến khích doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng thì Nhà nước luôn bảo vệ cho họ.

Việc Nam cần hướng tới cách thức này. Cách thức đặt ra giấy phép, điều kiện kinh doanh phải giảm dần và cân nhắc rất kỹ.

Clip 4:

Nhà báo Phạm Huyền: Theo kinh nghiệm của ông Lê Duy Bình, ông nghĩ sao khi bảo thân các bộ tự rà soát và gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh của mình thì sẽ mất quyền lợi. Làm sao chúng ta có thể trông chờ các đơn vị tự bỏ quyền lợi để giảm điều kiện kinh doanh? Có nhất thiết cần một tổ chức độc lập khách quan bên ngoài đánh giá, tạo sức ép thực sự cho các bộ ngành phải cải cách, cải cách từ nhận thức tới hành động?

Ông Lê Duy Bình: Một số bộ ngành qua phát biểu của các lãnh đạo rất muốn thay đổi cách thức quản lý, chuyển từ việc tiền kiểm sang hậu kiểm, hoặc làm thế nào, trả lại quyền lực cho thị trường, Nhà nước không can thiệp quá sâu.

Tư duy như vậy có thể thấy ở một cán bộ lãnh đạo cấp cao, của một số đơn vị. Nhưng khi chuyển tải thành hành động cụ thể, trong quá trình rà soát điều kiện kinh doanh này thì chưa đưa được hết vào các Nghị định, đặc biệt là tư duy của các cán bộ soạn thảo Nghị định đó.

Đây là sự giằng xé giữa tư duy mới và cũ, giữa lợi ích và việc từ bỏ lợi ích. Tôi nghĩ là sẽ phải mất một thời gian.

Trong bối cảnh này, cần vai trò lớn hơn của các cơ quan độc lập bên ngoài. Vai trò của các cơ quan như Quốc hội, các Uỷ ban của Quốc hội cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn, các hiệp hội cần tham gia mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, cơ hội này hiện nay đang rất ít, vì thời gian tham vấn ý kiến các hiệp hội là rất ít. Ngoài ra, đặc biệt là tiếng nói báo chí. Tất cả làm sao để các ban soạn thảo đó có cùng tư duy, với nhịp đập với cán bộ lãnh đạo cao cấp, với mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp.

Chúng ta cùng có một định hướng xây dựng nền kinh tế, sử dụng nguyên tắc thị trường cao hơn, Nhà nước can thiệp cụ thể vào quyền kinh doanh thì phải bớt đi.

Nhà báo Phạm Huyền: Trong thực tế, một quyết sách sai lầm có thể khiến doanh nghiệp phá sản, thậm chí, sa vào vòng lao lý. Câu chuyện về ban hành điều kiện kinh doanh nếu có sai lầm, sẽ kéo lùi sự phát triển của nền kinh tế, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh, méo mó môi trường kinh doanh Việt Nam.  Thế nhưng, thực tế cũng cho thấy, ít người nào bị xử lý vì ban hành chính sách sai.

Thưa ông Hoàng Tư Giang, ông nghĩ thế nào về trách nhiệm của người đứng đầu các bộ trong việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh cho doanh nghiệp?

Ông Hoàng Tư Giang: Tôi muốn kể một câu chuyện mà tôi vừa trải qua. Tôi có phỏng vấn một số bộ trưởng. Tôi từng đặt câu hỏi: “Thưa ông, điều kiện kinh doanh nào đang gây phiền hà cho doanh nghiệp mà đáng bỏ nhất?”. Ông ấy trả lời là “Tôi không biết”.

Ngay trong cuộc họp Chính phủ vừa rồi về vấn đề này, ngày 23/6, tôi được biết có 2 ý kiến quan trọng được đưa ra. Đó là ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI. Ông Lộc nói, Bộ trưởng không quan tâm đến cải cách thể chế. Thay vào đó, bộ trưởng quan tâm nhiều hơn đến việc khởi công, cắt băng khánh thành.

Đó là ý kiến tương đồng với ý kiến của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viên CIEM. Ông Cung phê phán, nhiều bộ trưởng không quan tâm cải cách thể chế. Đó là một tinh thần rất đáng lo ngại.

Khi các bộ trưởng, các tư lệnh ngành không nhận thức được đầy đủ về các điều kiện kinh doanh không hợp lý sẽ làm băng hoại môi trường kinh doanh thì họ không tạo sức ép đối với cán bộ được giao nhiệm vụ sửa điều kiện kinh doanh này.

Vấn đề thứ hai là, bản thân các vị tư lệnh ngành thường chịu nhiều sức ép, từ các nhóm lợi ích, từ ngay trong bộ, từ các doanh nghiệp do mình quản lý. Tôi nghĩ rằng, các bộ trưởng cần có vai trò cao hơn, có tiếng nói nặng hơn đối với cán bộ công chức mình quản lý cũng như làm sao, vì lợi ích của cộng đồng nói chung.

Tôi từng phỏng vấn bà Phạm Chi Lan. Bà đưa ý kiến rất hay là, Chính phủ cần vạch ra, chỉ đích danh điều kiện kinh doanh nào gây cho cộng đồng doanh nghiệp khó khăn, bị phản đối thì nay phải bỏ đi thì đó sẽ làm một sức ép rất lớn cho các bộ.

Nếu trong một cuộc họp nào đó Chính phủ bàn về điều này; Nếu Thủ tướng nói với một tư lệnh ngành nào đó rằng, điều kiện kinh doanh này bị phản ứng quá, mà vẫn chưa được bỏ đi, đấy là vấn đề của anh, anh phải giải quyết; Nếu như Thủ tướng vạch mặt, chỉ tên những trường hợp cụ thể thì tác dụng sẽ rất lớn.

Tôi rất hi vọng, trong bối cảnh ta đang soạn thảo một Luật sửa nhiều Luật thì sẽ giải quyết được tương đối hiệu quả vấn đề này.

Nhà báo Phạm Huyền: Theo các ông, Chính phủ cần thực hiện ngay giải pháp căn cơ nào để chấm dứt tình trạng loạn giấy phép con?

Ông Hoàng Tư Giang: Tôi nghĩ là không ngay được. Vì quá trình rà soát là quá trình liên tục.

Điều cơ bản nhất là, Chính phủ dù quyết tâm bao nhiêu mà hệ thống thừa hành ở dưới, từ các bộ, các ngành, các UBND 63 tỉnh, kể cả cấp huyện... không nghiêm thì khó.

Anh Tuấn đi nhiều cũng đã thấy, kể cả cấp huyện cũng có thể ban hành điều kiện kinh doanh, cho phép uống bia này, nhập xi măng kia.

Tôi nghĩ đây là việc phải chiến đấu rất dài. Cái quan trọng nhất là Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tư pháp, cộng đồng doanh nghiệp phải có tiếng nói vào trong quá trình rà soát này. Không phải ngày 1/7 đã là xong.

Ông Lê Duy Bình: Tôi kỳ vọng, các điều kiện kinh doanh ban hành này được đưa lên một cơ sở dữ liệu của Chính phủ và kèm theo đó là các giải trình về tính cần thiết, hợp lý, hợp pháp để mọi người dân theo dõi được, đánh giá được một lần nữa.

Như vậy, họ sẽ tiếp tục phản biện, đóng góp ý kiến cho VCCI, cho Chính phủ về cải cách tiếp theo.

{keywords}

Sau 1/7, với quyết tâm của Chính phủ, với chỉ đạo cụ thể, với Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, tôi tin là chương trình cải cách điều kiện kinh doanh sẽ thiết thực hơn.

Ông Đậu Anh Tuấn: Thời điểm 1/7 không phải là thời điểm bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp. Tôi nghĩ báo chí kỳ vọng hơi quá.

Ngày 1/7 chỉ là thời điểm quy định các điều kiện kinh doanh ở cấp Thông tư không còn hiệu lực và Chính phủ đảm bảo là không có khoảng trống pháp lý về vấn đề này. Tuy vậy, qua rà soát vừa qua, những ý kiến của VCCI đã được lắng nghe, chấp thuận mặc dù chưa có thay đổi lớn. Trong quá trình soạn thảo các Nghị định, nhiều kiến nghị của VCCI  và CIEM được tiếp thu. Điều đó chứng tỏ, quá trình bàn thảo công khai về điều kiện kinh doanh giữa nhiều bên liên quan, trong đó có bên độc lập là một cách thức rất tốt để rà soát và xây dựng một hệ thống điều kiện kinh doanh tốt.

Đó là tiền đề cho việc xây dựng một luật sửa nhiều luật sau này và những chương trình sửa rà soát về sau. Trông chờ các bộ tự rà soát thì chắc là sẽ rất khó nên phải huy động các chuyên gia bên ngoài nhiều hơn, huy động cộng đồng doanh nghiệp tham gia.

Sau 1/7, với quyết tâm của Chính phủ, với chỉ đạo cụ thể, với Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, tôi tin là chương trình cải cách điều kiện kinh doanh sẽ thiết thực hơn.

Nhà báo Phạm Huyền: Năm nay và 5 năm tới, Chính phủ đã xác định là năm của khởi nghiệp. Khởi nghiệp không có nghĩa là gia nhập thị trường, thành lập mới một doanh nghiệp nào đó, mà còn có ý nghĩa trong việc mở rộng đầu tư, phát triển những sáng tạo kinh doanh mới của những DN hiện nay.

Nhưng nếu chỉ 1 giấy phép con, 1 loại điều kiện kinh doanh vô lý còn tồn tại, nó có thể giết chết đi hàng trăm, hàng ngàn DN Việt Nam, làm héo mòn sức sáng tạo và năng lực cạnh tranh.

Điều này không chỉ gây hệ luỵ vô cùng to lớn cho môi trường kinh doanh Việt Nam, làm cản trở quá trình đưa Việt Nam vươn lên TOP ASEAN-4 và còn lạm chậm lại quá trình phát triển của cả nền kinh tế, khi mỗi DN là một hạt nhân. DN khoẻ thì kinh tế mới phát triển và quốc gia mới thịnh vượng.

Chúng tôi hi vọng, câu hỏi chủ đề của Bàn tròn trực tuyến "Giấy phép con: cuộc chiến bao giờ có hồi kết" sẽ có sớm có câu trả lời tất cả vì lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia.

Xin trân trọng cảm ơn ông Đậu Anh Tuấn, ông Lê Duy Bình, ông Hoàng Tư Giang đã có những ý kiến đóng góp thiết thức.

Kính chào quý vị, bạn đọc, tạm biệt và hẹn gặp lại ở các chương trình "Bàn tròn trực tuyến" khác của Tuần Việt Nam, báo VietnamNet.

 Phạm Huyền - nhóm PV