"Nhiều đoàn thể đã bộc lộ sự yếu kém, mờ nhạt" trong khi hoạt động của họ lại rất cồng kềnh... Thực tế này khiến nhiều người không khỏi có cảm giác những tổ chức ấy chỉ biết tiêu tiền ngân sách không phải không có lý.

40 người oằn lưng "cõng" một ông/bà công chức

Thông tin về dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2016 được công khai trên website của bộ Bộ Tài chính luôn thu hút sự quan tâm của người dân, đặc biệt phần thông tin liên quan đến phân bổ ngân sách cho các đơn vị.

Cũng liên quan đến bài toán chi tiêu, mới đây Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã hoàn thành một nghiên cứu công phu. Nghiên cứu này cho biết, ngân sách quốc gia (ước tính) hàng năm phải chi khoảng 14.000 tỉ đồng cho toàn bộ khối hội, đoàn thể.

Theo đó, nếu tính đủ cả chi phí kinh tế - xã hội, tức bao gồm tất tần tật từ đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác, chi phí toàn hệ thống của các tổ chức hội đoàn hàng năm dao động từ 45.600 - 68.100 tỷ đồng, tương đương 1-1,7% GDP.

Những con số này khiến tôi nhớ lại hồi năm 1999 khi có dịp sang Australia. Mục đích của chuyến đi là để tìm hiểu các đảng, hội bên đó hoạt động thế cách nào khi mà ngân sách không được chính phủ chu cấp.

{keywords}

Hội phụ nữ xã Đắk D’rô (Krông Nô) hướng dẫn quy định vay vốn ưu đãi cho các thành viên. Ảnh minh họa: baodacnong.org

Chúng tôi đã đến thăm trường đại học RMIT (The Royal Melbourne Institute of Technology). Ở cộng đồng này, tôi đã được tận mắt tiếp cận một hoạt động đoàn thể của cộng đồng sinh viên trường này với bao điều thú vị.

Chúng tôi đã ghé thăm một lớp học vào giờ ra chơi. Bất chợt, một cô gái trẻ xinh xắn bước lên bục giảng. Sau khi có lời xin lỗi các bạn còn chưa kịp ra chơi đã nói như một diễn giả sành điệu. Bạn ấy đang tranh thủ giờ nghỉ để vận động tranh cử chức Chủ tịch Hội Sinh viên nhà trường khoá tới. Quan sát, tôi thấy có người bỏ ra ngoài, nhưng nhiều người khác nán lại.

Tôi kể với với lãnh đạo nhà trường câu chuyện đó và được biết bạn đó là một ứng viên cho chức Chủ tịch Hội sinh viên trường, một hội đoàn hoạt động tự nguyện. Nếu tranh cử trong giờ hành chính thì rất khó vì sẽ đụng chạm tới thời gian biểu của mỗi người, chắc gì sinh viên đã mặn mà tham dự. Do vậy, từng ứng viên sẽ phải năng động tự tìm ra thời gian và cách thuyết phục người khác ủng hộ, bỏ phiếu cho mình. Người được chọn sẽ là người có khả năng thuyết phục cao nhất.

Tôi cũng được biết, những tổ chức như thế này, hoàn toàn không được cấp ngân sách hoạt động. Họ tồn tại bằng nguồn thu hội phí và nhiều cách tổ chức kiếm tiền khác nếu có dịp.

Câu chuyện này cũng khiến tôi chợt nhớ về một số hội đoàn của giới trẻ hiện nay ở ta. Sẽ không ngoa nếu ai đó nhận xét rằng, những tổ chức này chưa gọn nhẹ, còn cồng kềnh quá nặng về các hoạt động hình thức theo kiểu "cờ đèn kèn trống" không còn phù hợp với cuộc sống đổi mới ngày hôm nay.

Câu chuyện này cũng khiến tôi nhớ về một số hội đoàn của người lao động, của thiếu nhi, của phụ nữ, của người tiêu dung và cả hội đoàn của những người nông dân….. Rõ ràng, với những gì chúng ta đã nhiều lần cùng nhau công khai mổ xẻ trên các diễn đàn chính thống thì đa phần các tổ chức này vẫn chưa làm được nhiều cho các hội viên của họ. Nhiều nơi chủ yếu hoạt động theo phong trào, chưa chủ động, chưa sáng tạo, chưa lấy lợi ích của hội viên làm trung tâm trong các hoạt động của tổ chức mình.

Bởi thế, tiến sĩ Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội mới phải cảm thán thốt lên rằng, "Vai trò của các đoàn thể chúng ta đã bộc lộ sự yếu kém, mờ nhạt" trong khi hoạt động của họ lại rất cồng kềnh... (theo VietNamnet)

Thực tế này khiến nhiều người không khỏi có cảm giác những tổ chức ấy chỉ biết tiêu tiền ngân sách không phải không có lý.

Chẳng phải đáng suy nghĩ lắm sao.

Lan Hương, Thu Hương