LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.

Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi. 

Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” đang mở ra nhiều cơ hội thảo luận để nhận diện những rào cản cho đất nước phát triển. Trong bài viết  trước tham gia diễn đàn, tôi đã nêu về nguồn lực đất đai còn bị bỏ phí. Trong bài viết này, xin tiếp tục nêu vấn đề đất đai, sở hữu đất đai trong lĩnh vực nông nghiệp.

Sau khi mô hình kinh tế tập thể thông qua các Hợp tác xã nông nghiệp đã chứng tỏ sự thất bại kém hiệu quả, đến năm 1988 Bộ chính trị đã ban hành một Nghị quyết số 10 về đổi mới quản lý kinh tế trong nông nghiệp, về sau thường được gọi là chính sách khoán 10, trong đó có ý chính là khôi phục lại kinh tế hộ gia đình, giao khoán sản phẩm cho hộ nông dân.

Theo đó nhà nước sẽ giao lại đất canh tác cho từng đơn vị là các hộ và sẽ nhận lại một phần thành quả lao động, phần còn lại các hộ gia đình được sử dụng bán đổi ra thị trường. Đến năm 1993 khi đã thấy được tính hiệu quả của mô hình canh tác của hộ gia đình, nhà nước tiến hành chia toàn bộ ruộng đất của các hợp tác xã nông nghiệp cho người dân theo đầu nhân khẩu. Ở các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, bình quân mỗi đầu người được chia từ 1,5 sào đến 2 sào, mỗi sào Bắc Bộ 360 mét vuông.

Các hộ gia đình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên người cha hoặc mẹ là chủ hộ, trong đó ghi rõ diện tích đất ở, đất ruộng, số thửa và diện tích mỗi sào.

Thời gian giao đất nông nghiệp theo Nghị định 64 năm 1993 của Chính phủ chỉ có thời hạn là 20 năm được ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến năm 2013 là hết thời hạn đúng ra người dân phải giao trả lại ruộng cho nhà nước. Nhưng sau khi cân nhắc tính toán thấy việc thu về để rồi rũ rối phân chia lại sẽ gây xáo trộn mất ổn định lớn, cho nên Nhà nước quyết định giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất và kéo dài thời gian sử dụng cho người dân lên 50 năm. Luật đất đai năm 2013 đã ấn định chính sách này cho cả nước.

Nhưng việc thay đổi thời hạn giao đất chỉ dừng lại ở một chủ trương chính sách lớn là không đụng chạm đến quyền sử dụng đất của người dân, còn thì công tác cấp giấy chứng nhận lại không đặt ra vấn đề hiệu chỉnh cấp mới cho phù hợp với thông tin thay đổi về thời hạn sử dụng. Đây là một bất cập khiếm khuyết trong công tác quản lý đất đai mà nếu để làm cho có tính chất khoa học đúng đắn thì sẽ phải cấp lại hàng triệu giấy chứng nhận quyền sử dụng.

{keywords}
Muốn đất nước giàu mạnh thì quyền tài sản của người dân, trong đó đặc biệt là quyền liên quan đến đất đai, phải được bảo vệ. Ảnh: VietNamNet

Những biến động khác

Từ năm 1993 đến nay đã là 25 năm, trong suốt thời gian đó đã có biết bao biến động xảy ra xung quanh mỗi đơn vị hộ gia đình, khiến cho việc sử dụng đất trên thực tế không còn ăn khớp với thông tin trên giấy chứng nhận. Phổ biến nhất là những người con trong gia đình đã lớn lên và lập gia đình mới, khi đó những người con được cha mẹ chia trả cho ruộng để canh tác theo phần mà người con được chia theo đầu nhân khẩu từ năm 1993. Khi đó mặc dù người con đã tách thành hộ mới và canh tác những mảnh ruộng thuộc về mình nhưng lại không được cấp giấy chứng nhận và thông tin số thửa vẫn nằm trên sổ đứng tên của bố mẹ.

Đây là sự việc diễn ra phổ biến ở mọi vùng nông thôn nhưng công tác cấp giấy đã không đủ tích cực để phản ánh kịp thời so với biến động trong thực tế sử dụng. Vô vàn mảnh ruộng ở vào tình trạng lai tạp nhập nhèm giữa chủ quyền sử dụng trên thực tế và giấy tờ chứng nhận.

Một dạng biến động khác là khi một người cha hoặc mẹ trong gia đình mất đi thì ruộng vườn sẽ trở thành di sản thừa kế cho các con. Theo đó đúng ra việc cần làm là phân chia di sản thừa kế, nhưng thực tế vì những thủ tục hành chính tư pháp quan liêu nhũng nhiễu cho nên rất nhiều trường hợp người dân bỏ mặc vô vàn mảnh đất ở trong tình trạng lai tạp về chủ quyền sử dụng.

Những biến động đủ loại đó diễn ra trong nhiều năm tích tụ thành số lượng lớn, dẫn đến số lượng các mảnh đất cần được phân định rõ ràng về chủ quyền sử dụng để được cấp giấy mới lên đến hàng triệu.

Nếu cứ để các mảnh đất đó tồn tại trong tình trạng lai tạp không rõ ràng về chủ quyền sử dụng thì sẽ gây hạn chế cho người dân khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất như chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, tặng cho. Ngoài ra nó sẽ khiến cho nền kinh tế kém đi tính minh bạch rõ ràng về các khối tài sản trong dân chúng, nền kinh tế theo đó bị làm cho kém lành mạnh.

Dồn điền đổi thửa

Quá trình chia ruộng trước đây để đảm bảo công bằng cho nên mỗi gia đình được phân chia một khoảnh nhỏ tại mỗi xứ đồng khác nhau theo từng đơn vị thôn xóm, dẫn đến manh mún nhỏ lẻ không thuận lợi cho việc canh tác. Từ dăm bảy năm trở lại đây nhiều nơi trên cả nước đã tiến hành dồn điền đổi thửa, dồn ô đổi ruộng, để tập trung ruộng đất mỗi hộ gia đình thành một khoảnh lớn, tạo cơ cấu đồng đất thuận lợi cho việc canh tác.

Công tác dồn điền đổi thửa là chính sách nhà nước hiếm hoi kể trong khoảng thời gian từ năm 1993 tới nay tác động vào công tác sử dụng đất nông nghiệp, đi kèm với việc đó là hoạt động cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Và do vậy từ chính sách này đã giúp cho một số lượng rất lớn các mảnh đất có được giấy chứng nhận phản ánh đúng thực tiễn người đang sử dụng đất.

Theo một báo cáo của Tổng cục thống kê về kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản cho biết: Tính đến ngày 1/7/2016 cả nước đã xây dựng được 2.262 cánh đồng lớn, và cả nước có 2.294 xã tiến hành dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp chiếm 25,6% số xã.

Như vậy, còn tới 74,4% số xã trên cả nước vẫn chưa dồn điền đổi thửa và do đó các mảnh ruộng vẫn được người dân sử dụng theo giấy tờ được cấp từ hồi năm 1993. Và như bên trên đã chỉ ra, đó là một số lượng rất lớn giấy chứng nhận đã không còn phản ánh đúng thực trạng chủ quyền người đang sử dụng trên thực tế.

Chính phủ cần làm gì?

Thời gian đã tạo ra một lớp trầm tích dày làm vùi lấp kém rõ ràng chủ quyền sử dụng cho mỗi mảnh đất. Để giải quyết tình trạng này Chính phủ cần xây dựng một chương trình kế hoạch tháo gỡ làm mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân ở nông thôn.

Một kế hoạch có thể kéo dài trong 5 năm yêu cầu cơ quan tài nguyên môi trường ở khắp các địa phương thực thi nhiệm vụ kêu gọi khuyến khích người dân cung cấp thông tin để được cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Người dân được khuyến khích kê khai và cấp lại giấy chứng nhận theo thực tế đang sử dụng. Thủ tục nhanh gọn và không tốn kém chi phí sẽ là một động lực khuyến khích người dân thực hiện.

Làm như thế sẽ đem lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế khi tài sản được gỡ rối và minh bạch rõ ràng, tạo ra sự năng động hiệu quả trong sử dụng đất và lưu thông tài sản trong nền kinh tế.

LS Ngô Ngọc Trai