GS-TSKH Nguyễn Quang Thái - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam VIDERI

LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.

Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.

Động lực hiểu theo nghĩa rộng trong nền kinh tế là tổng hòa tác động của các nhân tố tạo ra lực tác động một cách gián tiếp để thúc đẩy với cường độ khác nhau các hành động của tổ chức và con người tham gia hoạt động trong nền kinh tế thị trường.

Trong việc tạo ra các lực đó, tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, nhưng có thể nêu ra một số nhân tố quan trọng bậc nhất có thể xem xét: Cải cách thể chế tạo nên đột phá mới:

Kết quả của Đổi mới từ những năm 1980 là “tháo cởi”, “dò đá qua sông”, nhưng đến nay cách làm đó không còn hiệu quả, động lực phát triển đã giảm dần.

Lúc này độ phức tạp của nền kinh tế trong và ngoài nước cao hơn nên cần có “Cải cách 2” đi sâu vào hệ thống, tạo động lực, giải phóng sức sản xuất trong liên kết với thị trường thế giới.

Cải cách thể chế cần dựa trên tư duy sáng tạo về phát triển gắn với kinh tế thị trường và hội nhập.

Cần phân định rõ “sân chơi” trong mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và cộng đồng xã hội, đảm bảo và “luật chơi” và cơ chế thực sự hiệu quả để bộ máy nhà nước đại diện cho quyền lợi đại đa số người dân.

Nhà nước tạo môi trường và luật chơi để đảm bảo công bằng về cơ hội, tập trung vào hoạt động công ích, phúc lợi xã hội và hạn chế tối đa các chính sách và hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận.

Coi trọng khu vực tư nhân trong nền kinh tế thị trường: Các cải cách trước đây lo nhiều DNNN  và FDI, còn khu vực tư nhân lại có các doanh nghiệp ngày càng nhỏ lại về quy mô (bình quân nay chỉ còn khoảng 20 lao động/doanh nghiệp), với kỹ thuật khá lạc hậu, không đủ sức liên kết được với nhau, gắn với với DNNN hay khu vực FDI và hướng ra thế giới, trong khi một số doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn còn làm ăn theo kiểu quan hệ, có tính chất “chộp giật”. Như vậy, động lực khu vực kinh tế nội địa còn chưa được “bung” ra phát triển.

{keywords}

Kết quả của Đổi mới từ những năm 1980 là “tháo cởi”, “dò đá qua sông”, nhưng đến nay cách làm đó không còn hiệu quả, động lực phát triển đã giảm dần. Ảnh: Lê Anh Dũng

Hội nhập quốc tế “thế hệ mới”: Trong điều kiện mới, Việt Nam không thể đứng một mình. Các Hiệp định Thương mại Tự do, trong đó có EVFTA và CPTPP là bước đi rất đáng khích lệ. Vấn đề là làm sao hài hòa hóa các cam kết với khuôn khổ pháp luật trong nước mới quan trọng. Hội nhập quốc tế cũng tạo thêm động lực, bổ sung ngoài cho sự phát triển đất nước.

Đối với tăng trưởng hài hòa, bao trùm động lực phát triển liên quan tới ba trụ cột chính của chiến lược tăng trưởng bao trùm gắn với sự phát triển con người toàn diện: (1) tăng việc làm có năng suất; (2) cải thiện hệ thống y tế, giáo dục và (3) đổi mới hệ thống bảo trợ xã hội. Xin được nói rõ hơn.

Tăng việc làm có năng suất

Việt Nam cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; tăng hiệu suất kinh tế và sự kết nối công nghệ cũng như nuôi dưỡng sự sáng tạo. Phải chú trọng phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm dịch vụ, nối tiếp với các doanh nghiệp lớn có khả năng làm chủ và vươn ra thế giới.

Để đảm bảo tăng năng suất lao động một cách ổn định, cần chú trọng cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường là yêu cầu cấp thiết mang tính chiến lược nhằm khơi dậy và giải phóng các tiềm năng của đất nước.

Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, Nhà nước bảo đảm thị trường giữ vai trò quan trọng trong phân bổ nguồn lực, đồng thời có công cụ và chính sách điều tiết hiệu quả để bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội.

Cần quyết tâm đẩy nhanh cải cách và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, kể cả các tập đoàn kinh tế nhà nước; tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và thuận lợi nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần phát triển sản xuất kinh doanh. Hệ quả là tỷ trọng về số lượng và thu nhập của DNNN có thể giảm đi, nhưng chất lượng, nhất là chất lượng quản trị tăng lên, từ đó tạo ra năng suất lao động cao hơn.

Thực tiễn Đổi mới 33 năm qua ở Việt Nam đã chứng minh cải cách kinh tế và đẩy mạnh hội nhập quốc tế là lựa chọn đúng đắn, trước hết xuất phát từ nhu cầu phát triển nội tại của đất nước, đồng thời đưa sự phát triển của Việt Nam bắt nhịp với dòng chảy chung của thế giới.

Vì vậy, quyết tâm cải cách kinh tế đi đôi với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế là phương thức cơ bản để tạo “sức bật” mới cho Việt Nam phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững trong thời gian tới.

Cải cách kinh tế cần gắn kết tương hỗ với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, bởi chúng ta không thể vỗ tay chỉ bằng một bàn tay. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế vừa là cơ hội, vừa là động lực thúc đẩy cải cách kinh tế ở trong nước. Mặt khác, hội nhập quốc tế chỉ có hiệu quả nếu được gắn kết chặt chẽ với cải cách kinh tế trong một chiến lược tổng thể.

Năng suất và đổi mới sáng tạo chính là động lực cho tăng trưởng mạnh mẽ và bền bỉ trong tương lai. Điều này đòi hỏi phải kiên trì thực hiện các chính sách khắc phục vấn đề năng suất tăng chậm lại và đầu tư dài hạn kém hiệu quả, đặc biệt là đầu tư hạ tầng đô thị và đầu tư cho năng lực đổi mới sáng tạo.

Hiện tượng tăng năng suất đang chậm lại do nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt là đầu tư công chưa hiệu quả như mong đợi do các quyết định đầu tư còn thiếu đồng bộ và thiếu phối hợp trong một cấu trúc nhà nước cát cứ và manh mún.

Đó là tình trạng thiếu cơ cấu tầng bậc hợp lý, thiếu phân công vai trò và nhiệm vụ trong chính quyền trung ương, giữa Trung ương và địa phương gây ảnh hưởng đến hoạch định và triển khai chính sách.

Bên cạnh đó, có một thực tế là phần lớn các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam đang hoạt động thiếu hiệu quả. Tình trạng Nhà nước đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả khiến cho năng suất thấp bao trùm cả nền kinh tế. Trong khi đó, mức tăng năng suất của khu vực tư nhân trong nước liên tục giảm làm cho hiệu quả của khu vực này cũng thấp như khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Thực tế này bắt nguồn từ hai nguyên nhân. Thứ nhất, nền tảng thể chế kinh tế thị trường hiện đại chậm hoàn thiện gây phương hại đến quyền sở hữu tài sản và làm giảm tính cạnh tranh trên các thị trường hàng hóa. Thứ hai, thị trường các yếu tố sản xuất bị chi phối bởi sự kết hợp không rõ ràng giữa phân bổ theo thị trường và phân bổ bằng mệnh lệnh hành chính.

Thiết chế công bị thương mại hóa khi Nhà nước tham gia quá nhiều vào hoạt động kinh tế trực tiếp qua các doanh nghiệp nhà nước và gián tiếp thông qua vận động chính sách của các nhóm lợi ích.

Kết quả là phân bổ đất đai và vốn dựa vào các quyết định hành chính, mà ít thông qua tín hiệu thị trường. Thêm vào đó, thị trường đất đai bất cập hiện cũng đang gây tổn hại cho năng suất; sức ép môi trường cũng đe dọa tăng trưởng bền vững của Việt Nam trong dài hạn. Theo đánh giá, tăng trưởng trong gần 3 thập kỷ qua phần nào có được với cái giá phải trả về môi trường khá lớn (tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm môi trường ở đô thị, những nguy cơ đe dọa sức khỏe nghiêm trọng, những năm gần đây mức tăng phát thải khí nhà kính của Việt Nam vào loại cao trên thế giới…).

Đồng thời, phải tái cơ cấu đầu tư và đổi mới chính sách đô thị. Khi bước vào quỹ đạo tăng trưởng cao và hiện đại hóa kinh tế, các đô thị phải đảm nhiệm nhiều chức năng hơn để phát triển doanh nghiệp tư nhân, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ các cụm công nghiệp gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như thu hút và tập trung nhân tài, nhất là các vùng đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng.

Cũng cần bảo đảm bền vững về môi trường, nghĩa là phải bảo vệ 3 yếu tố chính: bảo vệ chất lượng nguồn tài nguyên thiên nhiên; lồng ghép khả năng chống chịu trước tác động của khí hậu vào kế hoạch kinh tế, chính sách ngành vào đầu tư hạ tầng; đồng thời quan tâm đến các nguồn năng lượng sạch thông qua xuất nhập khẩu năng lượng trong khu vực.

Quá trình tăng trưởng bền vững, bao trùm và có sức chống chịu đòi hỏi phải có thể chế và chính sách mạnh để phối hợp hành động và đầu tư; đầu tư thông minh nhằm tính đầy đủ các phí tổn về khí hậu và môi trường.

Việt Nam đang nỗ lực thực hiện “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050” với trọng tâm giảm khí thải nhà kính, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch và tái tạo, khuyến khích phát triển các ngành sử dụng hiệu quả tài nguyên và thân thiện với môi trường, thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế

Cần có một chiến lược dài hạn trong đó dành ưu tiên hàng đầu cho các lĩnh vực phát triển xã hội như y tế, giáo dục và đào tạo.

Lợi thế lớn nhất của Việt Nam chính là con người và cơ cấu dân số thuận lợi với một lực lượng lao động trẻ dồi dào. Phát triển giáo dục và đào tạo, trang bị các kỹ năng nghề gắn với nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp là phương thức tốt nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đồng thời bảo đảm mọi người dân bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội thụ hưởng thành quả phát triển và lợi ích của hội nhập quốc tế.

Vì vậy, trong chiến lược phát triển đến năm 2020, Việt Nam quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm tạo chuyển biến mạnh về chất lượng giáo dục, đào tạo, bảo đảm phát huy tốt nhất tiềm năng và năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Để cải thiện hệ thống giáo dục và y tế, Việt Nam cần cải thiện chất lượng và mở rộng tiếp cận giáo dục trước tiểu học, giáo dục bậc cao, và đào tạo nghề; đồng thời cần tiến hành đánh giá toàn diện các cải cách xã hội hoá trước khi nhân rộng.

Mọi người đều rõ, đẩy mạnh chất lượng của hệ thống y tế, giáo dục, liên quan đến nâng cao chất lượng con người, đảm bảo cho học hỏi và đổi mới sáng tạo.

Báo cáo Việt Nam 2035 cho rằng, để duy trì tăng trưởng cao trong một thời gian dài cần có một chương trình cải cách tích cực nhằm đẩy mạnh học hỏi và đổi mới sáng tạo. Theo đó, xây dựng một hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia chính là cách thức để cải thiện tình hình hiện nay, làm tăng động lực học hỏi và đổi mới sáng tạo. 

Để bảo đảm kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững thì chương trình cải cách của quốc gia phải bao gồm đầy đủ các nội dung. Phải tạo dựng môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước, trọng tâm trước mắt là nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả cho doanh nghiệp trong nước.

Tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn quan trọng nhưng sẽ là không đủ. Khu vực tư nhân trong nước còn non yếu, đòi hỏi quan tâm nhiều hơn về chính sách như: củng cố nền tảng thể chế kinh tế thị trường, bảo vệ quyền sở hữu tài sản và thực thi có hiệu lực các chính sách bảo đảm cạnh tranh; nhà nước vận hành và quản lý tốt khu vực tài chính cạnh tranh…

Đổi mới hệ thống bảo trợ xã hội

Việt Nam cần thực hiện các biện pháp khuyến khích để đạt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân; hệ thống bảo hiểm xã hội tự chi trả; và xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội… “Báo cáo Việt Nam 2035” đã nêu rõ, phát triển kinh tế thị trường theo hướng tạo lập phúc lợi và an sinh xã hội cho tất cả mọi người, thúc đẩy hòa nhập xã hội.

Sự chia sẻ lợi ích trong quá trình tăng trưởng cần hướng đến người nghèo và các nhóm xã hội yếu thế, đặc biệt là trẻ em trong các gia đình nghèo để tránh nguy cơ nghèo truyền kiếp qua nhiều thế hệ. Khuyến khích các sáng kiến, nỗ lực và sự tham gia của người dân trong các hoạt động cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản, đảm bảo chất lượng và thuận lợi cho các nhóm dễ bị tổn thương như đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật, lao động di cư ở đô thị, nhằm góp phần giảm nghèo bền vững.

Những vấn đề về hệ thống an sinh và bảo đảm xã hội sẽ không đơn giản, mà cần bảo đảm công bằng cho mọi người. Chẳng hạn, muốn có thêm nguồn lực từ ngân sách nhà nước, cần có quy định về đánh thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân một cách hài hòa hơn.

Nhưng thế nào là hài hòa cũng có thực tiễn ở nhiều nước khá khó khăn. Với người nghèo thì tính chi ly thu nhập, nhưng với người giầu họ thường có nhiều “mánh” trốn thuế để thu lợi mà vẫn kêu ca Nhà nước. Do đó, cần có những hệ thống liên quốc gia để kiểm soát thu nhập và tái phân phối một cách hiệu quả.

(còn nữa)

Trân trọng kinh mời quý vị độc giả gửi bài đến Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” theo địa chỉ email: tuanvietnam@vietnamnet.vn