Hôm qua, một doanh nhân nhắn cho tôi: “Tôi vừa đi Hải Phòng để làm thủ tục nhập hàng ở cảng. Tôi mang đầy đủ giấy tờ đi đường, giấy giới thiệu của công ty nhưng đến chốt kiểm soát đầu thành phố thì không được vào. Họ yêu cầu là phải có giấy giới thiệu của lãnh đạo quận. Nếu không có mà cứ vào thành phố thì phải đi cách ly 14 ngày, rồi muốn làm gì thì làm. Vậy là tôi phải quay xe về tay không”.

Anh hỏi tôi có “quen biết” ai ở thành phố hay không để giúp “nhờ vả”. Ôi trời, làm sao mà tôi “giúp” được!

Giương cao ngọn cờ chống dịch, một số địa phương đã tự ban hành nhiều quy định riêng trái với chính sách và quan điểm của trung ương để hạn chế quyền và lợi ích được hiến định của người dân và doanh nghiệp. Các tỉnh như Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam đã thông báo cách ly 14 ngày đối với những người đến từ nơi có dịch. Danh sách này vừa được bổ sung thêm Bắc Ninh, Lào Cai và Sơn La và có lẽ sẽ còn dài ra những ngày tới.

Đọc mãi mà không tìm thấy quy định nào ở văn bản pháp luật nào cho phép đưa công dân Việt Nam ở nơi khác đến đi cách ly 14 ngày và bắt họ trả tiền.

{keywords}
Một số xã, phường ở tỉnh Quảng Ninh khoanh khu vực ra để tự quản kiểm soát người ra vào từ 0h ngày (31/3), thôn nào ở thôn ấy, xã nào ở yên xã ấy.

Chuyện cười ra nước mắt, như trường hợp doanh nhân trên, không phài là ít. Có địa phương còn bêu tên người đi chợ quá 2 lần/ngày, những người bị phát hiện không đeo khẩu trang ở nơi công cộng trên phương tiện thông tin đại chúng như cổng thông tin điện tử, báo địa phương.

Tất nhiên, ở góc độ địa phương, các lãnh đạo địa phương cũng có lý do của mình. Một mặt, họ lo lây nhiễm trong địa bàn mình phụ trách. Mặt khác, lãnh đạo một địa phương nói với tôi, họ rất khó áp dụng chỉ dẫn. Chẳng hạn, trên hướng dẫn là “cơ bản dừng” các phương tiện không có nghĩa là “dừng” và cũng có nghĩa là “không dừng”. Thế nào là “cơ bản”? Làm sao chúng tôi xác định được?

Bất luận như thế nào thì nhiều doanh nghiệp đang bế tắc do những quy định mang tính địa phương đó, bên cạnh hàng loạt các quy định chống dịch khác, ví dụ như cấm xe chở hàng, xe taxi…

Những phản ứng chính sách đó quả thật là rất khó hiểu so với tình thế hiện tại. Việt Nam đang chống dịch rất hiệu quả, được thế giới ghi nhận. Chúng ta gần như cô lập, phát hiện được các ca dương tính ngay lập tức, xác định những người tiếp xúc với họ và khoanh vùng ngay lập tức. Tất cả các hệ thống đều vào cuộc rất quyết liệt. Chính phủ khẳng định đang kiểm soát được dịch bệnh.

Vậy thì thành quả đó ở đâu khi các địa phương ngăn sông cấm chợ như vậy? Đâu là tinh thần thượng tôn pháp luật quốc gia? Đâu là những quyền cơ bản của người dân? Đâu là lợi ích của doanh nghiệp?

Hiện tại, sức khỏe của doanh nghiệp đã quá ốm yếu. Trong 3 tháng đầu năm, cả nước đã có tới gần 35 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường - con số kỷ lục từ trước đến nay. Và lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Theo khảo sát của VCCI được triển khai cuối tháng 3 đầu tháng 4, thì tác động của đại dịch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là rất nghiêm trọng. Có tới gần 85% doanh nghiệp cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, gần 60% doanh nghiệp cho rằng dịch bệnh khiến họ thiếu vốn và đứt dòng tiền cho kinh doanh, trên 40% doanh nghiệp cho biết đại dịch gây thiếu nguồn cung nguyên liệu, 43% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm. 82% doanh nghiệp cho rằng doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm so với năm 2019. Và có tới 30% doanh nghiệp dự báo có thể tụt giảm tới 30-50% và 22% sẽ tụt giảm trên 50%.

Kết quả khảo sát cho biết thêm, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì có tới gần 30% số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm; trên 75% số doanh nghiệp thì báo sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% số doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Chỉ có chưa đầy 1% số doanh nghiệp gia tăng lao động. Hệ lụy của xu hướng này sẽ là hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây.

Bên cạnh đó, cả nước có tới gần 20 triệu người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức. Đây là số người bị tổn thương nhất trước đói nghèo.

Những số liệu trên là thực tế vô cùng báo động. Những chủ doanh nghiệp nào, những doanh nghiệp nào còn có thể đi lại là còn có hợp đồng để duy trì hoạt động của công ty, có việc làm cho người lao động. Lẽ ra, họ cần được tiếp sức chứ không phải bị dồn đến mức như vị doanh nhân trên.

Việt Nam là nền kinh tế mở bậc nhất thế giới, và bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng khi thị trường thế giới cơ bản đã đóng lại khi các quốc gia đã đóng cửa để chống đại dịch. Trong hoàn cảnh này, chúng ta chỉ còn một cửa, đó là kích thích nội nhu.

Chúng ta đã chống dịch như chống giặc thì cũng cần có tinh thần đó trong cuộc chiến chống suy thoái kinh tế, và các địa phương không thể cô lập, một mình một chợ như vậy. Nếu 63 tỉnh đều tự ban hành chính sách ‘cách ly’ thì còn đâu hiệu lực, hiệu quả của luật pháp quốc gia?

Tư Giang

Khi một số tỉnh tự cách ly với phần còn lại của quốc gia

Khi một số tỉnh tự cách ly với phần còn lại của quốc gia

 - Nhân danh việc thực hiện chỉ đạo của Trung ương phòng chống dịch bệnh, nhiều tỉnh thành đã tự cô lập, có nơi thái quá đến mức ngăn cản người dân mưu sinh và ngăn chặn doanh nghiệp hoạt động.