Tư duy làng thời 4.0

Làng xã Việt Nam có một lịch sử lâu dài, mô hình làng xã đã được duy trì rất hiệu quả qua hàng ngàn năm. Đơn vị hành chính nhỏ nhất là Làng, lớn nhất là Nước nên mới có tên gọi thân thuộc Làng Nước. Dân trồng lúa nước, hiểu biết tường tận từng thửa đất khô đất hạn nên gọi là “lão nông tri điền”; phong tục tập quán cũng hình thành từ cây lúa nước, từ thổ nhưỡng, thiên văn… nên gọi là nền văn minh lúa nước.

Sự phát triển bền vững của nền văn minh lúa nước kéo dài hàng ngàn năm với những công trình trị thủy đặc sắc không chỉ biểu hiện ở sông Hồng, sông Thái Bình, vùng đất 9 rồng…mà còn tạo dựng nên những kiệt tác văn hóa như Sơn Tinh Thủy Tinh, Bánh Chưng Bánh Dày, Mỵ Châu Trọng Thủy, Chử Đồng Tử…

Đặc điểm cơ bản của văn minh lúa nước có tính đến yếu tố văn hóa địa là sự phân tán, nhỏ lẻ và không đồng đều. Làng thì phân tán, nhỏ lẻ, Nước là tập hợp của các Làng, quyền lợi của Làng cũng là quyền lợi của Nước ở cấp độ tập trung cao. Chính điều này đã gắn kết mọi công dân thành cộng đồng lớn, có mục đích chung, tạo nên sức mạnh vĩ đại chống ngoại xâm và chiến thắng mọi kẻ thù trong suốt chiều dài lịch sử.

Duy trì chỉ một loại cây lúa nước làm chủ lực qua hàng ngàn năm nên kinh nghiệm đặc biệt phong phú nhưng sự phong phú ấy cũng chỉ tập trung vào mùa vụ, giống má, thời tiết, con nước…chứ không mở rộng được. Kho tàng tục ngữ ca dao cực kỳ giầu có nhưng đó là sự giầu có về kinh nghiệm đúc kết từ thực tế cày bừa cấy hái, kho tàng thiếu vắng hẳn những công trình kỳ vĩ, sáng tạo. 

{keywords}
Ông Kim Định viết hẳn một cuốn sách có tựa đề “triết lý cái Đình”  Ảnh minh họa: thegioidisan.vn

Ông Kim Định viết hẳn một cuốn sách có tựa đề “triết lý cái Đình” là vì vậy. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết vở kịch Vũ Như Tô xoay quanh câu chuyện dựng cửu trùng đài là nhằm bố khuyết cho sự thiếu vắng những công trình kỹ vĩ, sáng tạo, cái đẹp. Về nghệ thuật thì rất thành công nhưng trên thực tế thì Vũ Như Tô như là một khát vọng vươn cao, bay xa.

Nghiên cứu về văn minh lúa nước, nhà văn hóa Phan Cẩm Thượng cũng đã nhận xét: “Văn hóa làng xã là đặc điểm chính của người Việt, kể cả các sắc tộc khác cũng sinh sống ở các bản làng phân tán. Chính vì thế, nền kinh tế không tập trung, không có tích lũy xã hội lớn. Chương trình kinh tế chỉ là từng vụ từng mùa, không lâu dài…”

Bàn tiếp về tư duy tiểu nông, ngắn hạn, Phan Cẩm Thượng cho rằng: “Tư duy này nằm rất rõ ở sản xuất nông nghiệp, chủ yếu cấy trồng lúa nước, năng xuất thấp, dự trữ ít, các làng xã phát triển độc lập, không có liên kết nào về kinh tế, chưa kể tập tục riêng, nên xây dựng to nhất với cộng đồng làng chỉ là cái Đình”.

Chúng ta đã đi qua thời kỳ khó khăn thiếu đói vì áp dụng mô hình kinh tế tập trung, quan hệ người nông dân với đất không phải là “lão nông tri điền” mà là kinh tế tập thể. Chúng ta đã đi qua thời kỳ đổi mới, người nông dân được sử dụng mảnh đất theo kinh nghiệm trồng cấy của mình và công cuộc xóa đói giảm nghèo đã thành công.

Nhưng cuộc cách mạng công nghiệp đã sắp xong sứ mệnh của nó trên thế giới và giờ đây nhân loại đang bước vào cuộc cách mạng công nghệ. Những “lão nông tri điền” thành thạo cây lúa nước bước vào cuộc cách mạng nông sản sạch, đúng chuẩn khoa học tiên tiến chắc chắn lúng túng, bỡ ngỡ.

Kinh nghiệm ngàn đời, sức bền của tư duy nhỏ lẻ vốn có hiệu quả trên từng mảnh ruộng nhỏ lẻ giờ đây đã trở nên vướng víu và cản trở không chỉ người nông dân mà quan trọng hơn: Nó cản trở tư duy quản lý tầm vĩ mô trước làn sóng mới của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.

Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp nhận định: “Người dân lười học và khó học cái mới đến nơi đến chốn, hợp tác xã thì không cung cấp được nguồn ra hiệu quả, tiếng nói và chuyên môn yếu kém không có sự kết nối từ cầu đến cung”.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên, tại phiên thẩm tra các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, cũng thừa nhận: “Trong ba năm gần đây, dù nông nghiệp vẫn là bệ giảm sốc của nền kinh tế nhưng không có năm nào là không phải giải cứu, vẫn là phó mặc bà con nông dân muốn làm gì thì làm chứ không có chuỗi liên kết”.

Theo như nhà lý luận phê bình Vương Trí Nhàn lý giải, giải cứu nông sản là lối làm ăn của thời chiến tranh, bao cấp, cái thời tất cả mọi người đều thiếu. Người nông dân rất khổ sở, cứ trồng cái gì được mùa là lại bị hạ giá, lại béo con buôn. Họ làm rất ngẫu nhiên, cơ quan nhà nước về sở nông nghiệp chỉ lo thu thuế, lo hướng dẫn,…

Các Sở, Phòng Nông nghiệp thậm chí còn chỉ mua giống của Trung Quốc chứ không chịu nghiên cứu, tìm tòi ra giống phù hợp với đất đai, khí hậu của chúng ta. Người nông dân ở đây rất bí trong việc phát triển. Trong khi, nền nông nghiệp của chúng ta vẫn phụ thuộc vào thiên nhiên, chưa tạo ra vùng nông nghiệp mới mẻ hoàn toàn, chuyên biệt mỗi loại cây một khu vực, chưa đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm.

Nguồn kinh phí hàng năm của các đơn vị ít chịu đầu tư vào nghiên cứu mà lại “đổ” vào truyền thông, đánh bóng tên tuổi. Còn công nghiệp cũng cho nước ngoài vào làm, mỗi ông tỉnh, huyện thích làm gì thì làm đó chứ chưa được quy hoạch bài bản.

“Điều này cho thấy cấu tạo xã hội Việt Nam là một sinh vật đơn bào, nhiều bộ phận giống nhau, các bộ phận không hỗ trợ nhau mà cạnh tranh nhau, có thể thay thế nhau, làm xấu nhau đi. Làng quê nào cũng giống nhau: cùng đi buôn, cùng trồng lúa… trong khi các làng nghề truyền thống lại không được phát triển rõ nét. Nếu có sự khác biệt, sẽ hỗ trợ nhau cùng phát triển, tạo nên cả một vùng miền, tổng thể phát triển”, ông Vương Trí Nhàn chỉ ra.

Dân thành thị giống người làng ra phố

{keywords}
Chúng ta phải nhìn nhận từ góc độ nông thôn hoá đô thị hay đô thị hoá nông thôn? Hai cái chúng ta cần xác định, vùng miền nào đô thị hoá nông thôn và nông thôn hoá đô thị thì mới có chiến lược phù hợp. Ảnh minh họa: Một góc Hà Nội - CafeF.

Không chỉ vậy, nhìn vào quy hoạch nông thôn cũng như đô thị tại Việt Nam, tư duy manh mún ở khắp nơi. Với nông thôn, thay vào nhà ngói là hàng loạt nhà tầng, nhà mái bằng cùng với con đường vào làng đổ bê tông nho nhỏ, chỉ đủ cho cái xe bò và 2 làn đường trâu đi. Họ không quan tâm đến đặc trưng khí hậu vùng miền sao cho thích hợp với sự phát triển và hài hòa với khí hậu.

Tiến sĩ Lê Đỗ Mười (Viện phó Viện chiến lược và Phát triển Giao thông) phân tích, về tiêu chí quy hoạch nông thôn mới hiện nay cần phải thay đổi. Chúng ta phải nhìn nhận từ góc độ nông thôn hoá đô thị hay đô thị hoá nông thôn? Hai cái chúng ta cần xác định, vùng miền nào đô thị hoá nông thôn và nông thôn hoá đô thị thì mới có chiến lược phù hợp.

Ví dụ miền núi, vùng khó khăn, chúng ta phải dần đưa vào tiêu chí đô thị để hiện đại hoá nông thôn. Nhưng với khu vực thành thị, chúng ta phải xanh hoá, nông thôn hoá đô thị. Đây là hai định hướng do người đứng đầu đưa ra, sao cho phù hợp với tiêu chí từng vùng miền, thì mới mang tính chất quy hoạch nông thôn mới.

“Hiện nay, nông thôn mới chúng ta đang thiên về đô thị hoá nông thôn hết. Dẫn đến không đúng hết với một số vùng, nên chúng ta cần thay đổi. Từng vùng miền phải xác định tiêu chí riêng, phù hợp. Không dùng tiêu chí chung cho cả quốc gia!”, ông Lê Đỗ Mười nhấn mạnh.

Tại thành thị, các nhà cao tầng mọc lên liêp số lượng tính theo tá, còn cơ sở hạ tầng như đường xá giao thông được tính trên đầu bàn tay, dẫn đến hiện tượng (như cố tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm từng nói: “Hà Nội hay các tỉnh thành khác đều đang xảy ra một hiện tượng: Bất động sản dẫn dắt quy hoạch”. Trong khi đó, Nghị định chống ách tắc giao thông đô thị của Chính phủ ban hành từ năm 2008, thành phố đã có chủ trương di dời các nhà máy, xí nghiệp, trường đại học, bệnh viện ra ngoài nội đô để giảm tải cho thành phố.

Nhà văn hóa Phan Cẩm Thượng cùng từng than thở: “Về quy hoạch thì nan giải bởi kiến trúc sư không phải là người quyết định kiến trúc. Nếu lái tầu là giám đốc nhà ga mà không phải là công nhân lái tầu, thì con tầu ấy chạy lung tung lắm. Xây dựng thành phố, cần bắt đầu tư quy hoạch dài hạn, xây dựng hạ tầng cơ sở, rồi mới đến nhà cửa. Ta thì đang làm ngược lại, xây nhà xong mới xây đường”.

Sự phát triển khập khiễng từ làng xã lên đến thành thị mà truyền thông đang dùng mỹ từ “đô thị thông minh”, thực chất chỉ như ông Phan Cẩm Thượng ví von: “Bản thân các thành phố ở ta giống như một cái làng to, cư dân ở đó chưa hẳn là công dân đô thị, mà mới là người làng ra phố, sinh hoạt, thói quen vẫn như người nông dân”.

Hiện đại hóa, đô thị hóa làng xã là xu thế tất yếu. Với văn minh lúa nước thì thi duy về sự thay đổi chỉ là hoán đổi vị trí những thứ thân thuộc gắn bó “Sông kia rày đã nên đồng/ Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai/ Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”. Đó không là sự phát triển mà là sự bền chắc của tư duy tiểu nông thuộc văn minh lúa nước.

Văn hóa nảy sinh cùng với nó chiếu chèo, gánh tuồng, hát giao duyên, chuyện kể bên bếp lửa. Chúng ta đã chủ động phát triển, xây nhiều nhà hát, bảo tàng văn hóa, rất nhiều lễ hội dân gian bùng nổ như pháo hoa.

Nhưng hiệu quả thì nhà hát không sáng đèn, bảo tàng vắng người, nhiều công trình văn hóa phải chuyển đổi một phần sang kinh doanh chỗ bán bia, bán đồ ăn... Nhịp sống nông nghiệp tuân theo mùa vụ trồng cấy đã bị thay thế bởi nhịp sống công nghiệp quay đều đặn như cỗ máy. Tư duy tiểu nông đã hết thời nhưng chưa đi khuất bóng, tư duy công nghiệp, tư duy công nghệ lại lừng chừng chưa đến kịp, khoảng trống đang chờ được lấp đầy.

Ông Phan Cẩm Thượng cho rằng: “Nền kinh tế đã chuyển sang cơ chế thị trường, nhưng hoạt động văn hóa, thể thao thì chưa, phần lớn vẫn chờ đợi bao cấp. Trong khi trên thế giới, văn hóa thể thao đều là hoạt động kinh tế, còn nếu không chỉ là sự giải trí của từng cá nhân tự lo”.

Từ Nữ Triệu Vương