Hệ thống theo dõi, giám sát dịch bệnh tân tiến  

Trung Quốc triển khai hệ thống theo dõi, giám sát dịch bệnh 5G tân tiến, gồm Mã sức khỏe, Giám sát hình ảnh nhiệt 5G+, Robot thông minh 5G, Máy bay không người lái 5G… giống như “mắt thần” thấy mọi thứ. 

{keywords}
Bác sĩ tại bệnh viện thuộc Đại học Tứ Xuyên sử dụng công nghệ 5G để chẩn đoán cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: China News Service

Mã sức khỏe được dùng để theo dõi hiện trạng sức khỏe của mỗi người dựa trên thông tin tự khai báo, lịch sử di chuyển, những người tiếp xúc gần và đối chiếu với dữ liệu của chính phủ về các ca dương tính, thông tin đặt chuyến bay, tàu hỏa và xe buýt... Mỗi khi Mã sức khỏe được quét, thông tin về địa điểm được gửi về máy chủ của hệ thống.

Khi người dân khai báo thông tin dịch tễ trên các ứng dụng, nhà chức trách sẽ đối chiếu và phê duyệt Mã sức khoẻ theo màu. TP Hàng Châu, Chiết Giang là nơi triển khai Mã sức khoẻ đầu tiên từ tháng 2/2020, một tuần sau đó có hơn 100 thành phố sử dụng và nhanh chóng được dùng trong toàn quốc. 

Người dân có thể dùng bất kỳ ứng dụng nào có liên thông với cơ sở dữ liệu sức khoẻ quốc gia để có Mã sức khỏe, chẳng hạn như ứng dụng ví Alipay với 900 triệu người dùng hay ứng dụng Wechat với hơn 1 tỷ người dùng. 

Các địa phương có thể xây dựng ứng dụng riêng nhưng phải liên thông với cơ sở dữ liệu chung, tuỳ mục đích, có thể tạo thêm những tính năng cần thiết nhưng phải đồng bộ để người dân dù quét Mã sức khỏe ở đâu, với ứng dụng nào cũng ra một thông tin thống nhất.

Hệ thống giám sát hình ảnh nhiệt 5G+ được sử dụng để theo dõi nhiệt độ cơ thể của đám đông di chuyển nhằm giảm nguy cơ phơi nhiễm virus. Hệ thống này gồm camera bức xạ hồng ngoại, bộ đo nhiệt độ cơ thể và module 5G, cho biết chính xác nhiệt độ của một vật thể chuyển động trong thời gian thực mà không cần tiếp xúc và đưa ra cảnh báo đối với người có nhiệt độ cao hơn bình thường. Hệ thống được lắp đặt khắp Trung Quốc: sân bay, nhà ga, các trung tâm vận chuyển...

Các robot thông minh 5G cũng được bố trí ở sân bay, nhà ga, bệnh viện, trung tâm mua sắm và tòa nhà văn phòng để theo dõi chuyển động của đám đông, xác định những người có nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường, những người không đeo khẩu trang…

Máy bay không người lái 5G tuần tra và giám sát các khu vực xác định để gửi hình ảnh về trung tâm điều khiển, thông báo và cảnh báo các cá nhân không thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết như không đeo khẩu trang...

Nhờ vậy, Trung Quốc có thể nhanh chóng xác định các trường hợp nghi nhiễm bệnh, đồng thời truy vết hành trình di chuyển của họ đã đi những đâu, tiếp xúc với những ai để xác định người nghi nhiễm, nhanh chóng kiểm soát từng ổ dịch. 

Tư vấn, chẩn đoán từ xa

Trung Quốc thiết lập các mạng thông tin y tế 5G tại các bệnh viện cùng nền tảng dữ liệu lớn để kiểm soát và ngăn chặn đại dịch. Một loạt dịch vụ y tế 5G đã được kích hoạt, gồm tư vấn và hội chẩn từ xa nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo và tăng hiệu quả chẩn đoán.

Bệnh viện Hỏa Thần Sơn và bệnh viện Đa khoa quân đội Bắc Kinh là nơi thực hiện tư vấn sức khỏe từ xa qua mạng 5G đầu tiên vào ngày 9/2/2020, tiếp theo là bệnh viện Lôi Thần Sơn, Hồ Bắc, Ủy ban Y tế tỉnh Tứ Xuyên…

Hệ thống hội chẩn từ xa cũng được nhiều bệnh viện sử dụng. Kết nối 5G cho phép âm thanh được gửi đến nền tảng trung tâm trong thời gian thực để các chuyên gia phân tích đa lĩnh vực dựa trên AI, giúp cho việc chẩn đoán phù là đặc điểm chính của âm phổi ở bệnh nhân Covid-19, cung cấp thông tin tham khảo lâm sàng cho việc điều trị.

Việc này giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo cho bác sĩ tuyến đầu, cải thiện độ chính xác của chẩn đoán, tăng hiệu quả chăm sóc sức khỏe, giảm thiểu tử vong, và giảm thiểu việc phải di chuyển giữa các bệnh viện, đồng thời giải quyết tình trạng phân bổ không đồng đều các nguồn lực y tế, tình trạng thiếu bác sĩ chuyên khoa…

Bệnh viện thông minh

Bệnh viện thông minh 5G+ là một trong những trụ cột trong cuộc chiến chống Covid-19 của Trung Quốc, cung cấp năng lượng cho “bộ não thông minh” với dữ liệu trong thời gian thực giúp tăng cường năng lực và hiệu quả điều trị, đồng thời giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.

{keywords}
Một bệnh viện ở Vũ Hán dùng robot 5G chăm sóc suốt ngày đêm cho bệnh nhân mắc Covid-19

Các thiết bị cảm biến và công nghệ cao kết nối 5G được trang bị ở phòng khám để gửi cảnh báo đến đồng hồ thông minh của nhân viên y tế, các thiết bị đặt ở đầu giường, trong phòng mổ và khu vực cấp cứu ICU kết nối với nền tảng trung tâm, cho phép các chuyên gia hướng dẫn bác sĩ ở các bệnh viện khác.

Robot thông minh 5G được sử dụng trong các khu vực cách ly, phòng phẫu thuật và phòng khám sốt để phòng ngừa và kiểm soát dịch. Chúng chuẩn bị bữa ăn tại bệnh viện, cấp phát thuốc, nước rửa tay, làm vệ sinh khu vực bệnh nhân, nhắc mọi người rửa tay và đeo khẩu trang…

Xe cứu thương 5G được trang bị thiết bị chẩn đoán và truyền thông tin. Do vậy, ngoài việc vận chuyển bệnh nhân an toàn, nó cho phép thực hiện điều trị khẩn cấp từ xa, thu thập và truyền thông tin đến bệnh viện để chuẩn bị trước kế hoạch điều trị và kiểm dịch.

Khi cần thiết, trung tâm chỉ huy có thể tiến hành hội nghị chẩn đoán với các chuyên gia và đội cứu thương để ứng phó khẩn cấp, đảm bảo sự chuyển tiếp bệnh nhân suôn sẻ từ xe cứu thương đến bệnh viện.

Hiện nay, hơn 700 bệnh viện đã triển khai 5G và bắt đầu thực hiện các dự án thử nghiệm hoặc ứng dụng cho mục đích thương mại. Ở Trung tâm cấp cứu bệnh viện số 2, các nhân viên y tế dùng công nghệ 5G và thực tế ảo VR để giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, trong khi ở các bệnh viện khác, các chuyên gia, bác sĩ có thể thông qua hệ thống hình ảnh 360 độ để chẩn đoán và hướng dẫn điều trị. 

Các bác sĩ ở tỉnh Chiết Giang dùng công nghệ 5G để điều khiển robot thông minh khám cho bệnh nhân Covid-19 trong một bệnh viện cách đó 700km ở Vũ Hán. Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật thì tận dụng 5G để cải thiện dịch vụ cho bệnh nhân và đưa kỹ thuật nghe tim thai kỹ thuật số từ xa đến các phòng cấp cứu ICU và các bệnh viện chính, đồng thời hỗ trợ hơn 5.000 bệnh viện trên toàn quốc qua hệ thống chăm sóc sức khỏe từ xa.

Năm 2020, Trung Quốc đã khởi xướng dự án tiêu chuẩn hóa, tập hợp các bệnh viện cùng viện nghiên cứu và các nhà cung cấp 5G hàng đầu để nghiên cứu thiết lập tiêu chuẩn ứng dụng 5G trong ngành y. Dự án này giúp xây dựng mạng y tế 5G dựa trên các tiêu chuẩn thống nhất để củng cố cơ sở hạ tầng của bệnh viện thông minh.

Tóm lại, y tế thông minh 5G+ có 3 trụ cột. Một là, hệ thống theo dõi, giám sát dịch bệnh 5G tân tiến. Hai là tư vấn, chẩn đoán từ xa qua 5G. Cuối cùng, bệnh viện thông minh là vũ khí chống dịch hữu hiệu của Trung Quốc. Nhờ đó, đại dịch nhanh chóng được khống chế với số ca nhiễm và tử vong thuộc nhóm thấp nhất thế giới, số ca nhiễm chưa đến 100 nghìn người, số ca tử vong chưa đầy 5.000, cuộc sống đã trở lại bình thường ngay từ giữa năm 2020.

Cho đến nay, các đợt dịch mới vẫn xuất hiện với tần suất ngày càng nhanh hơn nhưng với vũ khí y tế thông minh trong tay, Trung Quốc nhanh chóng khống chế dịch bệnh. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh sôi động trở lại, xuất khẩu tăng mạnh, tăng trưởng kinh tế quý 1 năm nay là 18,3%, quý 2: 7,9, quý 3: 4,9%. Hiện nay, Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến lược không ca nhiễm với tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho 80% dân số.  

Phạm Mạnh Hùng  

Công - tư kết hợp, Trung Quốc vượt Mỹ về 5G

Công - tư kết hợp, Trung Quốc vượt Mỹ về 5G

Kể từ khi hệ thống 1G được Nordic Mobile Telephone ra mắt năm 1981 cho tới 4G, Trung Quốc luôn chậm chân. Nhưng tới 5G, nước này với cơ chế công - tư kết hợp đã vượt lên dẫn đầu thế giới.