Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Brunei, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao - Nguyễn Trường Giang về nhiệm vụ truyền thông của chúng ta trong bảo vệ chủ quyền Biển Đông tại CLB Cafe Số gần đây.

Câu hỏi tiếp theo là: Sau khi biết tình hình thực trạng rồi, Việt Nam làm gì để bảo vệ chủ quyền Biển Đông? Tôi chỉ nêu một vài điểm vì có hàng nghìn đầu việc. Nhưng trước hết, chúng ta phải khẳng định chắc chắn 100%, chúng ta có thể giữ được Biển Đông, và có thể giữ được một cách hòa bình.

Tôi xin thưa, Biển Đông không chỉ có thách thức, nó còn là cơ hội tuyệt vời cho chúng ta.

Việt Nam sở hữu những vũ khí, những giá trị vô cùng quan trọng, trong đó có danh tiếng của mình. Danh tiếng của Việt Nam tương đương với 50 sư đoàn tinh nhuệ nhất trên thế giới.

Trong cuộc chiến tranh Iraq, Mỹ mất 12 nhân mạng là do tai nạn trực thăng, còn không thì chẳng mất người nào hết. Trong cuộc chiến ở Iraq, thông tin truyền thông đóng vai trò căn bản, 90% thắng lợi của Mỹ là cuộc chiến tranh truyền thông trước khi diễn ra.

Vào giờ chuẩn bị khởi động chiến tranh, Tổng thống G. Bush (cha) xuất hiện trên truyền hình và kêu gọi Iraq suy nghĩ. Saddam Hussein cũng xuất hiện trên truyền hình truyền đi một thông điệp: thua cũng đánh.

Tư lệnh của một quân đội 1,5 triệu người được trang bị những vũ khí hiện đại nhất mà chưa vào trận đã nhắc đến thua. Vậy nên, có những đoàn quân 300 nghìn người không bắn một phát súng. Như vậy làm sao lại không thua. Đó là do phát ngôn của Saddam Hussein.

Sức mạnh tinh thần mới là nguồn sức mạnh của chúng ta, của dân tộc Việt Nam. Không phải tàu chiến, tàu ngầm, thông tin truyền thông mới là nguồn sức mạnh của chúng ta. Chúng ta đang sở hữu một vũ khí quan trọng như thế thì chúng ta nên sử dụng như thế nào?

{keywords}
Tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc

Việt Nam cần làm gì để bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông?

Nếu chúng ta đặt ra câu hỏi này, chúng ta đã trả lời được 50%. Nếu chúng ta tự hỏi làm thế nào để cho đất nước Việt Nam trở nên hùng cường, thì chúng ta đã đặt chân lên con đường đi đến hùng cường và thịnh vượng.

Vấn đề truyền thông rất quan trọng. Sự an toàn biển đảo tỷ lệ thuận với sự quan tâm của dân chúng về vấn đề Biển Đông.

Có mấy việc phải làm, tôi xin nêu ngắn gọn:

-         Nhận diện rõ thách thức với chủ quyền biển đảo.

-         Củng cố ý chí quyết tâm.

-         Huy động sức mạnh tổng lực của quốc gia.

-         Phát huy được sức mạnh của thời đại.

-         Xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Thông tin truyền thông cần làm gì?

Thông tin truyền thông đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Thông tin truyền thông là một bộ phận cấu thành của cuộc chiến này, quan trọng không kém gì chính trị, quân sự, ngoại giao, pháp lý. Bây giờ, thậm chí, nó quan trọng hơn cả quân sự, ngoại giao pháp lý.

Lúc này là thời điểm rất quan trọng để xác định chúng ta giữ được biển hay không. Chúng ta chọn hướng nào? Chúng ta có lựa chọn khác với ông cha mình hay không? Như vậy chúng ta phải coi thông tin truyền thông là một mặt trận.

Thông tin truyền thông không chỉ đưa tin, bình luận, nâng cao nhận thức, không chỉ có tuyên truyền về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, mà còn phải thêm cả công tác dự báo.

Những việc thông tin truyền thông cần làm bao gồm nêu cao chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền trên biển; góp phần huy động sức mạnh tổng lực quốc gia; phát huy sức mạnh của thời đại; góp phần xây dựng nước Việt Nam hùng cường.

Xin giải thích rõ những vấn đề trên như sau:

1. Nêu cao chính nghĩa.

Nêu cao chính nghĩa là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của thông tin truyền thông. Muốn nêu cao chính nghĩa phải làm hai việc.

Thứ nhất, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa và Hoàng Sa; bác bỏ được yêu sách đường lưỡi bò, bác bỏ cái gọi là chủ quyền lâu đời của Trung Quốc đối với Trường Sa, Hoàng Sa.

Để nêu được chính nghĩa phải đưa ra được các chứng cứ pháp lý và lịch sử xác thực và thuyết phục các cơ quan tài phán quốc tế. Truyền thông báo chí phải kết hợp với các chuyên gia trong nước, quốc tế.

2. Huy động sức mạnh tổng lực quốc gia.

Củng cố ý chí quyết tâm bảo vệ đến cùng biển đảo bằng bất cứ giá nào. Thông tin truyền thông phải biến nó thành ý chí của toàn bộ dân tộc, của cả hệ thống chính trị và của tất cả mọi người dân Việt Nam.

Cần nâng cao nhận thức của người dân về biển đảo. Nhận diện rõ thách thức với chủ quyền biển đảo. Đánh giá Trung Quốc thế nào? Hiện nay, thế giới nhận định về Trung Quốc như con hổ mới trỗi dậy, dữ dằn về quân sự, chính trị, kinh tế. Họ là một con hổ đói: Đói không gian sinh tồn, đói tài nguyên thiên nhiên, đói quyền lực chính trị. Tuy nhiên, con hổ đó có nhiều bệnh về chính trị, văn hóa, dân tộc, sắc tộc, môi trường…

Truyền thông cần đề cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tự tôn dân tộc, phẩm cách quốc gia. Đặc biệt, củng cố đại đoàn kết dân tộc, xây dựng sức mạnh toàn dân. Đại đoàn kết dân tộc phải dựa trên đồng thuận dân tộc: đồng thuận về nhận thức, ý chí, hành động. Củng cố niềm tin: niềm tin phải có cơ sở, dựa trên điểm mạnh và yếu của Việt Nam và đối thủ, đồng thời tin vào khả năng của chúng ta.

3. Truyền thông phải lan tỏa giấc mơ về đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Trong vòng 15 năm nữa chúng ta có thể trở thành cường quốc tập trung với 5 tiêu chí: Quân sự, Kinh tế, Văn hóa – Giáo dục, Khoa học – Công nghệ, Chính trị. Hiện nay, chúng ta đang thiếu hai thứ: Một là minh triết, hai là kế hoạch (giấc mơ).

Truyền thông, tuyên truyền cần nhanh chóng và kịp thời; khách quan và chính xác; hay và hấp dẫn.

Tôi phải nhấn mạnh lại một lần nữa: Không phải tàu chiến, tàu ngầm, thông tin truyền thông mới là nguồn sức mạnh của chúng ta. Sức mạnh tinh thần mới là nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam trước bất kỳ kẻ xâm lược nào.

Tư Giang lược ghi