LTS: Trong 76 năm kể từ khi thành lập ngành ngoại giao, nhiều "người lái đò", người truyền lửa đã đào tạo nên các thế hệ nhà ngoại giao chuyên nghiệp, cống hiến cho sự phát triển đất nước. Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu về những người thầy đặc biệt qua chia sẻ của các nhà ngoại giao, đại sứ Việt Nam.

Ông Nguyễn Dy Niên giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao từ tháng 2/2000 - 6/2006. Ông nhiều lần nói chuyện, thảo luận về chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh, thế nhưng chẳng khi nào cảm thấy nhàm chán. Câu chuyện có thể là của những năm tháng đã xa nhưng với ông, nó vẫn vẹn nguyên giá trị.

Ấn tượng những lần được gặp Bác 

Thời kháng chiến chống Pháp, khi đi thanh niên xung phong và được điều về hoạt động tại An toàn khu Việt Bắc, điều ao ước nhất của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên là được trực tiếp gặp Bác Hồ.

{keywords}
Ông Nguyễn Dy Niên tại buổi nói chuyện chuyên đề về “Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh” tháng 5/2020

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tháng 7/1954, ông được điều động về Bộ Ngoại giao và được cử làm thường trực tại Phủ Chủ tịch ở thủ đô kháng chiến - tỉnh Thái Nguyên. Tại đây, ông vô cùng xúc động khi lần đầu Bác xuất hiện trước mặt ông rất giản dị với chiếc mũ cát và chiếc khăn quàng vai.

Cũng từ lần đầu tiên này, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên tin rằng, mình có cơ duyên được gặp Bác. Lần gặp thứ hai là tại lễ trình quốc thư của Đại sứ Trung Quốc, ông được điều động phục vụ cho buổi lễ và được trông thấy Bác duyệt đội danh dự trên một đồi hoa sim rất thơ mộng. Không sử dụng phòng khánh tiết, Bác Hồ tiếp Đại sứ và phu nhân ngay tại khu vườn thiên nhiên trong không khí thân mật. Lần thứ ba là buổi chiếu phim về Liên Xô, ông quan sát thấy Bác tự cầm ghế nhỏ để ngồi, tay cầm chiếc quạt nhỏ.

Đặc biệt, năm 1958, Bác Hồ sang thăm Ấn Độ, ông Niên vinh dự được làm phiên dịch cho Bác.

{keywords}
Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ông Niên kể: “Ấn tượng sâu sắc đối với tôi là lần đầu tiên được đọc bài diễn văn của Bác đã dịch sẵn sang tiếng Hindi. Trong cuộc mít tinh có hàng vạn người dự tại Red Fort (Thành Đỏ) ở thủ đô Delhi, các bạn Ấn Độ chuẩn bị sẵn chiếc ghế cho Bác Hồ ngồi trên bục danh dự. Chiếc ghế trông như một ngai vàng, rất lớn. Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ J. Nehru ngồi ghế bình thường như mọi người khác. 

Khi Thủ tướng Nehru mời Bác ngồi vào chiếc ghế đó, Bác từ chối. Thấy vậy, Thủ tướng Nehru nói: Ngài là khách danh dự của chúng tôi, việc Ngài ngồi lên chiếc ghế này chính là niềm vinh dự của chúng tôi”.

Chứng kiến điều này, hàng vạn người dự mít tinh phía dưới quảng trường đứng cả lên xem. Hai vị lãnh tụ cứ nhường nhau, cuối cùng chẳng ai ngồi lên chiếc ghế lớn ấy. Thủ tướng Nehru đành gọi người chuyển ghế, thay bằng một chiếc khác giản dị hơn. Thấy vậy, hàng vạn người dân Ấn Độ dưới quảng trường vỗ tay vang dội và hô to: "Hồ Chí Minh muôn năm!".

Trong một bữa tiệc do Thủ tướng Nehru chiêu đãi Bác Hồ có món thịt gà địa phương rất nổi tiếng. Người Ấn Độ khi ăn cơm dùng năm ngón tay để bốc thức ăn. Cả Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ cũng muốn dùng tay, nhưng tại bữa tiệc quốc tế người ta phải dùng dao, thìa, dĩa cho lịch sự.

Khi món thịt gà được đưa ra, các quan khách Ấn Độ có vẻ không quen dùng dao, dĩa. Bác Hồ rất tinh ý, Người nói với Thủ tướng Nehru: Thịt gà phải ăn bằng tay mới ngon chứ ăn bằng thìa dĩa thì khác nào nói chuyện với người yêu lại phải qua ông phiên dịch. Nghe Bác Hồ nói vậy, mọi người đều cười khiến không khí bữa tiệc hôm đó rất vui vẻ và thân mật.

Ông Niên còn nhớ lần được phục vụ đoàn của Tổng thống Indonesia Sukarno tới Việt Nam vào tháng 6/1959. Khi ấy, Bác Hồ đi xuống tận Quảng Ninh để tìm một cây san hô đẹp làm tặng phẩm cho Tổng thống Sukarno.

“Cây san hô được đặt ở một bàn giữa phòng khánh tiết rất đẹp. Một số anh em phục vụ truyền tay nhau xem và vô tình làm vỡ. Đúng lúc ấy Bác bước vào, mọi người xanh hết mặt vì sợ. Bác chỉ nói nhẹ nhàng nhưng lại đi sâu vào lòng người khiến anh em ai cũng thấy vô cùng ân hận: Thôi các chú làm hỏng việc của Bác rồi’”.

“Kim chỉ nam” trong đối ngoại

Ông Nguyễn Dy Niên là người đầu tiên tổng kết những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lĩnh vực ngoại giao và xây dựng khá đầy đủ thành một hệ thống "Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh"; đồng thời vận dụng hiệu quả "Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh" vào hoạt động đối ngoại, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.

{keywords}
Ông Nguyễn Dy Niên xem lại những bức ảnh lưu niệm

Theo ông, trong toàn bộ nội dung phong phú của tư tưởng Hồ Chí Minh, những tư tưởng về ngoại giao chiếm một vị trí quan trọng. Tư tưởng của Người, trí tuệ và đường lối quốc tế của Đảng, sức mạnh đoàn kết của toàn dân, kết hợp được với sức mạnh thời đại, là cội nguồn tạo nên những thành tựu vẻ vang trên mặt trận đối ngoại.

Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là một hệ thống các nguyên lý, quan điểm, quan niệm về thế giới và thời đại, về đường lối quốc tế, chiến lược và sách lược ngoại giao. Tư tưởng đó còn thể hiện trong chính sách và hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Đó là tư tưởng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Đó là quyền tự do của các dân tộc được sống trong hòa bình, là tư tưởng hòa bình cho Việt Nam và hòa bình cho thế giới, chống chiến tranh xâm lược, chống can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, chống các chính sách cường quyền và áp đặt trong quan hệ quốc tế.

Hồ Chí Minh đã phát huy ngoại giao "tâm công" (đánh vào lòng người) - một truyền thống ngoại giao quý báu của ông cha ta nhằm không ngừng mở rộng tập hợp lực lượng, tăng cường đoàn kết và hợp tác quốc tế.

Ông Niên cho rằng, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi cán bộ ngoại giao không ngừng học tập nội dung tư tưởng, phương pháp, phong cách ngoại giao và ứng xử văn hóa của Người trong giao tiếp đối ngoại; rèn luyện bản lĩnh chính trị, năng lực, đạo đức…

Những điều học được từ Bác, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên đều vận dụng vào công việc và cuộc sống của mình, là động lực, nguyên tắc để ông phấn đấu trở thành một tư lệnh đáng kính của ngành ngoại giao.

Thanh Anh

* Kỳ tới: Người truyền lửa chiến đấu cho nữ Đại sứ ‘đập bàn’

Nước mắt người thầy

Nước mắt người thầy

Hôm nay, ông giáo An ghé thăm trường cũ. Đã mấy chục năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên ông được làm thầy. Trường đã thay đổi, đồng nghiệp mới và học trò cũng khác, nhưng có những ký ức còn đọng lại mãi.