Vị giám đốc giải thích: “Đây là câu hỏi kiểm tra đạo đức. Bạn được tuyển vì bạn... còn trong sáng. Quy tắc hành xử đạo đức của công ty chúng tôi là không bao giờ được đưa tiền cho bất cứ bên nào, kể cả khi việc đó có lợi cho công ty, bạn cũng sẽ bị đuổi việc”.

Những trăn trở bên thềm năm mới về đạo đức kinh doanh.

Bài học từ một cuộc phỏng vấn

Giám đốc tiếp thị một công ty liên doanh kể chuyện hồi anh mới ra trường, đi nộp hồ sơ xin việc vào vị trí nhân viên tiếp thị. Khi còn lại ba ứng viên cuối cùng dự cuộc phỏng vấn của vị giám đốc người nước ngoài, họ nhận được câu hỏi: “Nếu bạn phụ trách giải tỏa một lô hàng của công ty đang vướng một số thủ tục mà cán bộ ở đó yêu cầu “chung chi” trong lúc hàng cần được lấy ra ngay vì thời hạn giao hàng cho đối tác đã sát nút, bạn sẽ làm gì?”.

Ứng viên đầu tiên trả lời tôi đồng ý chung chi. Người thứ hai trả lời tôi sẽ tận dụng các mối quan hệ quen biết để can thiệp. Còn anh trả lời rằng: thực sự cách của hai ứng viên kia thường được nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng, nhưng đây là công ty nước ngoài, tôi không biết liệu có gì khác hay không nên tôi sẽ hỏi ý kiến của sếp tôi về hướng giải quyết.

Và anh là người được tuyển. Vị giám đốc giải thích: “Đây là câu hỏi kiểm tra đạo đức. Bạn được tuyển vì bạn... còn trong sáng. Quy tắc hành xử đạo đức của công ty chúng tôi là không bao giờ được đưa tiền cho bất cứ bên nào, kể cả khi việc đó có lợi cho công ty, bạn cũng sẽ bị đuổi việc”. Với các trường hợp bị cơ quan chức năng làm khó dễ, chính sách của công ty là làm đúng pháp luật và không đưa tiền, quà. Nếu lô hàng bị trễ, người phụ trách sẽ phải báo cáo lên cấp trên, nhận lỗi và rút kinh nghiệm lần sau sẽ thêm thời gian dự phòng trễ hàng vào kế hoạch.

{keywords}
Ảnh minh họa

Người giám đốc tiếp thị cho biết sau một thời gian làm cho các công ty đa quốc gia, anh thuộc nằm lòng một số bài học. Chẳng hạn khi đi ra ngoài bán hàng, bạn nói tốt về công ty, về sản phẩm của công ty nhưng phải có chứng cứ khoa học hoặc tài liệu do đơn vị có độ tin cậy thực hiện, không được giới thiệu, quảng cáo, nói quá sự thật, vi phạm sẽ bị đuổi việc. Đặc biệt, bạn tuyệt đối không được nói về sản phẩm và công ty đối thủ cạnh tranh, kể cả là nói tốt cho họ. “Và đương nhiên đừng giải thích rằng bạn nói xấu đối thủ là để bảo vệ, nâng cao thanh danh cho công ty.

Những việc làm dù có lợi cho công ty nhưng trái quy tắc đạo đức vẫn có thể khiến bạn bị đuổi việc”, anh nói và cho biết ở những công ty anh đã làm việc còn nhiều nguyên tắc khác nữa, như không được nhận tiền, quà của nhà cung cấp; những quyết định kinh doanh, lựa chọn đối tác không được vì tiền, quà hay vì tình cảm hoặc lợi ích riêng...

Ở bên trong nội bộ công ty, đạo đức được thể hiện qua cách hành xử chính trực, liêm khiết, không đưa ra những quyết định vì lợi ích cá nhân kể cả đó là thứ lợi ích tinh vi về khía cạnh tinh thần hay tình cảm. Ví dụ nếu bạn là người quản lý, bạn không được có quyết định thiên lệch về lương thưởng, thiên vị trong giao việc dành cho những nhân viên mà bạn quý mến hơn các nhân viên khác. Các công ty chuyên nghiệp có hệ thống chấm điểm KPI, kèm theo đó là một cơ chế giám sát. Cơ chế này được thảo luận kỹ lưỡng giữa các bộ phận trong công ty để đưa về một tiêu chuẩn công bằng nhất.

Nước trong hay đục, mọi người đều có dự phần

Thương trường trong năm qua không thiếu những thông tin quảng cáo sai sự thật; những vụ chơi xấu đối thủ, ném đá giấu tay; dùng bên thứ ba, thứ tư kiện doanh nghiệp...

Một chị là phó giám đốc một công ty ở phía Nam chia sẻ rằng giờ đây, doanh nghiệp phải “đối mặt” với nhiều thông tin không chính xác trên mạng truyền thông khiến doanh nghiệp lao đao. Nhiều thông tin khiến người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm của doanh nghiệp còn họ thì phải chạy theo lo giải quyết vụ việc, lo tự vệ và không còn có thể toàn tâm toàn ý lo sản xuất kinh doanh được nữa.

Thậm chí, nỗi lo đó lan truyền đến cả những doanh nghiệp chưa bị tấn công nhưng họ nhìn thấy nguy cơ rủi ro cao ở phía trước, buộc phải tính toán để đưa những khả năng rủi ro vào “chiến lược tự vệ” trong năm tới. Có doanh nhân mơ ước trong tương lai gần, cả nhà quản lý thị trường, nhà doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông sẽ có được sự đồng thuận về hệ quy tắc hành xử văn minh, đạo đức.

Riêng giữa các đối thủ trực tiếp trong cùng ngành hàng, doanh nhân này hy vọng cho dù có cạnh tranh nhau thế nào đi nữa thì cũng không được “chọc thủng thuyền”. Ông nói: “Khi ở trên cùng một con thuyền hàng, một dòng nước thị trường, dù các bạn đánh nhau giành quyền kiểm soát con thuyền cũng không được phá hỏng chiếc thuyền, vì như thế sẽ chẳng có ai sống sót!”.

Theo vị giám đốc tiếp thị nêu ở đầu bài, luật pháp cùng những quy tắc hành xử đạo đức trong môi trường kinh doanh và các quy chuẩn trong nội bộ từng doanh nghiệp đều có tác động qua lại và ảnh hưởng không nhỏ lẫn nhau.

Nếu môi trường kinh doanh chung được vận hành bởi những quy định luật pháp nghiêm ngặt cùng những quy tắc đạo đức rõ ràng, các doanh nghiệp sẽ có sự điều chỉnh nội bộ để đuổi theo những chuẩn mực chung và tồn tại trong môi trường đó. Ngược lại, khi môi trường chung còn những lỗ hổng về đạo đức kinh doanh nhưng mỗi doanh nghiệp có hệ thống quy tắc hành xử đạo đức nghiêm ngặt và chuẩn mực thì đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp sẽ lấp đầy chỗ khuyết của môi trường.

Ông cho rằng quan chức có đạo đức sẽ là người đầu tiên ảnh hưởng tốt đến môi trường kinh doanh. Quan chức liêm chính, hành xử công bằng thì doanh nghiệp cũng phải đàng hoàng để tương tác phù hợp.

Doanh nghiệp có đạo đức thì không tìm cách mua chuộc quan chức, cơ quan công quyền, không hành xử bất công với người tiêu dùng, đối tác và tạo ra sản phẩm tốt. Người tiêu dùng có đạo đức thì không tống tiền doanh nghiệp, sẽ hành xử văn minh khi mua phải hàng không vừa ý. Còn nếu cứ để những hành vi nói xấu, tung các chiêu trò làm hại đối thủ cạnh tranh có cơ hội lặp đi lặp lại thì sẽ sinh ra một môi trường kinh doanh “ô nhiễm”.

Các nguyên tắc hành xử của xã hội như một quy trình, lặp đi lặp lại sẽ thành thông lệ tốt. Mọi người đều tác động lẫn nhau, nước trong hay đục thì tất cả đều có dự phần.

Là người quản lý một công ty và xuất thân từ nghề báo, đạo diễn Đặng Hồng Giang chia sẻ suy nghĩ: “Xã hội nào cũng có những kẻ “đốt đình đốt chùa”, dựa trên việc khai thác tâm lý hiếu kỳ, năng lượng tiêu cực của công chúng để trục lợi, gây sự chú ý. Bởi để tạo ra các thông điệp có năng lượng tích cực luôn mất nhiều thời gian, công sức và lâu có hiệu ứng. Xã hội luôn có hai mặt tốt/xấu, chúng ta cần truyền thông chân thật và đạo đức để đối lại sự hỗn mang”.

Nhưng làm thế nào để có thể tương trợ nhau dựa trên nền tảng đạo đức nghề nghiệp và đạo đức xã hội?, theo ông Giang, “doanh nghiệp phải làm việc đúng, cơ quan quản lý phải giám sát xã hội nghiêm cẩn, người làm truyền thông phải tôn trọng sự thật và phục vụ độc giả”.

Ông nói: “Tôi tin các tổ chức khi đề cao đạo đức kinh doanh, đạo đức làm nghề thì họ sẽ không bị chệch hướng hệ giá trị đeo đuổi, họ sẽ tối ưu hóa lợi nhuận một cách bền vững và tạo ra nhu cầu tự thân làm việc tử tế. Khi đó sẽ ít đi những kẻ đục nước béo cò”.

Hồng Phúc/TBKTSG

*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt