Khi phim “Hậu duệ mặt trời” của đài KBS làm mưa làm gió; người ta bất giác nhận ra rằng người Việt còn chưa biết mình có phải là hậu duệ mặt trời hay không?

* Người Hàn dạy học sinh về chiến tranh Việt Nam thế nào?

Từ nữ thần mặt trời…

Năm 2002, Viện nghiên cứu văn hoá dân gian Quốc gia phát hiện một phiên bản đặc biệt của “Sử thi Đam San”. Một cụ già ngoài 80 tuổi người Ê đê tên là Y Nuh Nie đã diễn xướng lại theo lối “kể khan” truyền thống của dân tộc này cả bộ sử thi, dài tới 18 cuộn băng cát-xét.

Phiên bản mà cụ Y Nuh Nie diễn xướng theo trí nhớ có rất nhiều điểm khác biệt với bản mà công sứ Pháp Leopold Sabatier dịch và công bố năm 1927. Nó được thể hiện bằng ngôn ngữ thơ là chính, có đến 9 cuộc chiến của Đam San, trong khi bản lưu hành phổ biến hiện nay chủ yếu là văn xuôi và chỉ có 2 cuộc chiến.

Chi tiết ấn tượng nhất: bản sử thi của cụ già không có chuyện Đam San bắt nữ thần mặt trời về làm vợ. Điều này phù hợp với văn hoá mẫu hệ của dân tộc Ê đê xưa nay.

Thời điểm đó, các nhà khoa học đặt ra giả thiết rằng chính bản mà ông công sứ Pháp kia lưu truyền cả thế kỷ nay mới là “dị bản”, đã qua cắt cúp chỉnh sửa. Còn bản trong dân gian mới là “bản chuẩn”. “Bản hiện đang lưu hành rất có thể đã được nhào nặn, sửa sang hoặc cấu trúc lại” – PGS.TS Ngô Đức Thịnh đặt hoài nghi ở thời điểm đó.

Sau 14 năm, giả thiết này không có tiến triển. Không thấy có nghiên cứu nào đủ sức giải toả những hoài nghi. Sử thi Đam San “phiên bản của người Pháp” vẫn tồn tại trong nhà trường với hình ảnh Đam San đi bắt nữ thần mặt trời. Và người ta đứng trước nguy cơ vĩnh viễn chấp nhận một dị bản phản ánh sai văn hoá truyền thống.

Những hậu duệ của nữ thần mặt trời – tức là chính chúng ta – thường xuyên đối mặt với những vấn đề như thế khi đề cập đến văn hoá. Chúng ta thậm chí không biết mình có phải là “hậu duệ mặt trời” hay không.

… đến Hậu duệ mặt trời

{keywords}
Phim "Hậu duệ mặt trời" của đài KBS đang gây sốt trên toàn châu Á. Nguồn: vtv.vn
Phim “Hậu duệ mặt trời” của đài KBS đang gây sốt trên toàn châu Á, trong đó có Việt Nam. Nó tạo ra một cuộc tranh cãi lớn trên mạng xã hội và cả báo chí, khi mà rất nhiều bạn trẻ tự chế hình mình với quân phục được sử dụng trong phim. Nhiều người cho rằng việc này là hành vi lệch lạc, liên hệ nó những tội ác mà lính Đại Hàn đã gây ra trong chiến tranh Việt Nam.

Những trào lưu như thế này không hề mới. Cảm giác rằng bất kỳ một bộ phim ăn khách nào, của một quốc gia châu Á nào xung quanh cũng có thể gây ảnh hưởng mạnh đến đời sống tinh thần người Việt. Từ Ấn Độ (Cô dâu 8 tuổi), Trung Quốc (Võ Tắc Thiên) cho đến Philippines (Mara Clara),… Làn sóng Hàn Quốc, với cả một chiến lược quốc gia về xuất khẩu văn hoá, liên tục tạo ra các cơn sốt. Trước anh Song Joong-ki đẹp trai của Hậu duệ mặt trời, giới trẻ nước ta đã phát cuồng với anh Kim Tan (Lee Min-ho) của “Những người thừa kế”, và muôn vàn ví dụ khác.

Những trào lưu này thực chất không đáng tranh cãi, bởi nó là chuyện hiển nhiên. Hiển nhiên khi mà chúng ta không hề có “sức đề kháng” trong việc chống lại những luồng văn hoá ngoại lai. Hiển nhiên khi mà chúng ta không tự phát huy được các giá trị văn hoá của mình và cứ mãi mô tả chung chung thứ mình muốn là “đậm đà bản sắc dân tộc” (dù bản sắc là gì thì cũng chẳng nghiên cứu đầy đủ).

Khi trách những người trẻ vì đuổi theo các trào lưu của Hàn Quốc, thì cần nhìn lại cả những người tạm coi là trưởng thành, thành đạt ở nước ta. Họ đặt đầy trước cửa nhà hàng, khách sạn và công ty của mình những con sư tử đá Trung Quốc. Chúng cũng là một trào lưu, và trào lưu này nếu xét độ nguy hiểm cho văn hoá truyền thống, cho lịch sử thì còn ghê gớm hơn nhiều so với việc các bạn trẻ thích chế ảnh mình với quân phục Hàn Quốc.

Nhưng những trào lưu thế sẽ luôn tồn tại, dù già hay trẻ, dù là Trung Quốc hay Hàn Quốc. Giống như một cơ thể không có hệ miễn dịch, gì cũng có thể xâm nhập được.

Ở Hải Phòng, người ta đặt lên ban thờ Mạc Thái Tổ một thanh đao cũ và nói rằng đó là đao mà ông đã dùng xung trận từ thế kỷ 16 (?)

Trong sách giáo khoa, người ta in một bộ sử thi rất đáng ngờ về giá trị nguyên bản và khả năng đại diện cho văn hoá truyền thống.

Tại Nam Định, Phú Thọ, những lễ hội cầu an biến thành những cơn cuồng tín dẫm đạp để “xin ấn”, “lấy lộc”.

Sư tử đá nhe nanh khắp nơi nhưng mãi chẳng thấy công trình hay chương trình nào khẳng định giá trị và quảng bá con nghê hay con chó đá truyền thống.

Khi mà văn hoá của chính chúng ta còn bị bỏ quên, khi mà chính người Việt Nam còn không có đủ công trình nghiên cứu văn hoá về Việt Nam và các sản phẩm truyền bá văn hoá Việt Nam, thì các trào lưu văn hoá ngoại nhập, vốn là chuyện bình thường, sẽ luôn đi kèm với nỗi sợ hãi về việc mất bản sắc, không hiểu lịch sử.

Sợ thì cứ sợ thôi, nếu có ai sợ Hậu duệ mặt trời thì cũng giống những người sợ những con sư tử đá Trung Quốc nhe nanh ở khắp mọi miền đất nước. Nhưng chẳng làm gì thì cứ mãi sợ. Sợ không phải vì Hàn Quốc, Trung Quốc quá giỏi xuất khẩu văn hoá, mà vì ta nhập khẩu trong một tâm thế không có giá trị tự thân.

Hậu duệ mặt trời của Hàn Quốc không đáng nghĩ bằng việc người Việt Nam không biết mình có phải hậu duệ mặt trời hay không.

Đức Hoàng

* "Hậu duệ mặt trời"bị xem xét xử phạt
* Lý giải cơn sốt "hậu duệ mặt trời"
* Người Hàn dạy học sinh về chiến tranh Việt Nam thế nào?