Tiêu chuẩn cho lãnh đạo cấp cao là một bước đi quan trọng để kiện toàn bộ máy, đặt nền móng vững chắc cho kế hoạch phát triển dài hạn của đất nước.

Bộ Chính trị vừa ra Quy định số 89 - QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp; Quy định số 90-QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có những quy định hết sức cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Theo đó, lãnh đạo cấp cao phải đáp ứng được ba điều kiện: thứ nhất là phải có lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, quốc gia – dân tộc, và nhân dân; thứ hai, phải có đạo đức và lối sống lành mạnh, không được tham vọng quyền lực; và thứ ba, phải có tầm nhìn và năng lực lãnh đạo.

Đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12. Ảnh: Phạm Hải

Đây là một bước đi quan trọng để kiện toàn bộ máy, đặt nền móng vững chắc cho kế hoạch phát triển dài hạn của đất nước, trong bối cảnh chúng ta đang phải gặp rất nhiều thách thức ở cả trong và ngoài nước.

Xây dựng một bộ máy công quyền mạnh với hệ thống lãnh đạo đủ năng lực điều hành là nhiệm vụ tối quan trọng của bất kì chính thể nào. Ở nước ta, tiêu chuẩn cho cán bộ, công chức cao cấp nằm rải rác trong một số quy định, như trong Luật Tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản hướng dẫn. Tuy vậy, với các lãnh đạo chính trị - từ cấp bộ trưởng trở lên – thì chưa có tiêu chuẩn đánh giá cụ thể.

Điều này sẽ dẫn đến hai vấn đề. Thứ nhất, khi không có những tiêu chuẩn rõ ràng, sẽ dễ tạo ra những trường hợp “con voi chui tọt lỗ kim” – những lãnh đạo không đủ năng lực hoặc có vấn đề về phẩm chất đạo đức nhưng vẫn có thể nắm giữ những chức vụ quan trọng. Những trường hợp bị xử lý vì những vi phạm kỷ luật trong chiến dịch chống tham nhũng của Đảng và nhà nước thời gian qua cho thấy rõ điều đó.

Thứ hai, đồng thời với việc để lọt những “con sâu làm rầu nồi canh”, việc không có những tiêu chuẩn định hướng cũng sẽ khiến những người thực sự có năng lực và khao khát đóng góp không thể có được những vị trí cần thiết và xứng đáng.

Cùng với đó, tiêu chuẩn khung sẽ hạn chế khả năng tác động đến việc bổ nhiệm lãnh đạo cao cấp từ một cá nhân hay nhóm lợi ích. Do vậy, Quy định mới sẽ làm giảm đi tình trạng cát cứ, bè phái về quyền lực, vốn là nguyên nhân dẫn đến suy thoái của mọi thể chế chính trị.

Những tiêu chuẩn cụ thể cũng sẽ tạo ra niềm tin vững chắc cho “cán bộ nguồn”, rằng năng lực và sự cố gắng của họ sẽ được tưởng thưởng xứng đáng, chứ không phải là do biết chạy “cửa này cửa nọ”. 

Hai quy định trên, vì thế, thể hiện quyết tâm xây dựng một nhà nước pháp quyền mạnh, đả phá chủ nghĩa bè phái, thân hữu, và trong sạch hoá bộ máy chính quyền. Nó cũng đại diện cho tinh thần trọng người tài thay vì nguồn gốc xuất thân hay quan hệ của người đó.  

Tất nhiên, Quy định 89 và 90 chỉ cung cấp bộ khung tiêu chuẩn, để đưa những điều kiện này vào áp dụng hiệu quả trong thực tiễn sẽ còn rất nhiều việc phải làm.

Trước tiên, sẽ phải luật hoá Quy định 89 và 90, để có cơ sở thực hiện và đưa ra những chế tài phù hợp cho các sai phạm. Quá trình này có thể bao gồm việc bổ sung thêm vào các luật có sẵn (như các luật liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước, Luật Phòng chống tham nhũng,…), hoặc xây dựng thành một luật mới. Sau đó, những văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể (nghị định và thông tư đi kèm) cũng gần ra đời để đảm bảo thống nhất cách hiểu và thi hành về Quy định 89 và 90.

Trong tác phẩm kinh điển về khoa học chính trị “Nguồn gốc trật tự chính trị”, học giả người Mỹ Francis Fukuyama cho rằng các hệ thống dù vững chắc đến đâu cũng có nguy cơ bị tha hoá và trở thành bộ máy thân hữu, nắm quyền với những nhóm lợi ích thiểu số có quan hệ mật thiết với nhau.

Đó là nguyên nhân cho sự thoái trào và sụp đổ từ của từ những đế chế vĩ đại như Trung Quốc thời Tần Thuỷ Hoàng, nhà Minh, nhà Thanh, đế chế La Mã, hay các triều đại phong kiến của Pháp và Tây Ban Nha ở châu Âu. Đó cũng là lý do vì sao nhiều người Mỹ cực lực phản đối việc bổ nhiệm các vị trí quan trọng trong nội các và Nhà trắng cho người thân của Tổng thống Donald Trump. Quá trình xây dựng và củng cố bộ máy nhà nước, vì lý do này, luôn là cuộc tranh đấu giữa hai xu hướng chuyên nghiệp hoá và thân hữu hoá.

Con người là đầu não của thể chế chính trị, quyết tâm cải cách hệ thống của Đảng và nhà nước trong thời gian qua vì thế không thể không đi kèm với những đổi mới về quản trị con người. Sự ra đời của Quy định 89 và 90 là bước đi cần thiết để tái khẳng định quyết tâm đó.  

Khắc Giang