"Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Việc nhà công vụ, ngỡ đơn giản nhưng lại không minh bạch, đặt lợi ích nhóm lên đầu dễ khiến người dân đặt câu hỏi, lòng dân không thuận.

>> Tù mù như... nhà công vụ

Giờ đây tin tức nơi nơi cho biết BĐS đang đóng băng, các chủ đầu tư đắp chiếu các dự án của mình. Nhưng vẫn đây đó có tin mừng: "Chủ đầu tư A sẽ khởi công dự án vốn đắp chiếu lâu nay; bà nọ, ông kia rút tiền tiết kiệm mua nhà vì giá đã xuống đáy; ngân hàng A, B, C đang hạ lãi suất để người mua nhà có thể vay dễ dàng... hay chủ dự án D, E, G đang bảo lãnh cho khách hàng mua chịu nhà..." Những tin mừng ấy có làm cho thị trường BĐS khởi sắc?

Cho dù các dự đoán trên báo chí đưa ra dựa trên nhận định của các "chuyên gia/ chuyên vào" mù mờ về độ tin cậy thì đó cũng không đáng lo ngại bởi tạo nên hiệu ứng tâm lý lạc quan yêu đời trong thời buổi kinh tế khó khăn âu cũng là việc nên làm. Nhưng những giải pháp đề xuất dùng tiền ngân sách để "mua nhà công vụ từ nhà ở xã hội ..." trong lúc này thì rất cần đem ra bàn thảo cho cặn kẽ.

Không bàn đến sự cần thiết của những ngôi nhà dùng vào việc công, nhưng nhà công vụ là tài sản công và mua nhà ắt là tiền ngân sách... Khi kinh tế không thuận lợi, cả nước cắt giảm chi tiêu công thì có phải lúc thuận tiện để bàn chuyện dùng ngân sách để mua nhà ở. Trong khi những động thái cắt giảm chi phí mua "xe công", dừng khởi công xây dựng "công sở"... thậm chí các dự án chưa cấp thiết khác cũng giãn tiến độ... đang được bà con tán thưởng, bàn chuyện mua nhà công vụ lúc này hẳn là không "hợp thời".

Thành công và hạn chế của các dự án đã thực hiện tại CT1-CT2 (Green Park Tower) - khu đô thị mới Yên Hòa hay "Nhà ở xã hội giá rẻ tại quận Hà Đông" và "nhà ở công vụ của các cơ quan Chính phủ" tại khu Đoàn ngoại giao tại xã Xuân Đỉnh-huyện Từ Liêm-Hà Nội đang được dư luận quan tâm thì rất cần bàn thảo rộng rãi, nhằm chỉ ra được  những sáng kiến "giải cứu thị trường BĐS" của Bộ Xây Dựng và các ngành liên quan có tác dụng tới đâu đến cuộc sống dân sinh dân kế, đến tâm lý thị trường, đến công nghiệp vật liệu xây dựng, đời sống của công nhân, công chức... Nếu thực sự là hiệu quả thì nhân rộng nó lên. Đó là cách làm thế nào cho phù hợp, hay là chuyện "hợp cách".

Dự án nhà CT1-CT2 Green Park Tower. (Ảnh: Minh họa)

Báo chí đặt câu hỏi về sự việc đất 20% CT1, CT2 Yên Hòa bị hô biến, nhường cho nhà thương mại và chỉ còn một phần nhỏ tái định cư, rồi lại từ phần tái định cư nhỏ bé biến thành nhà công vụ với giá cao ngất ( 24,765 triệu/m2). Người dân thắc mắc tại sao nhà tái định cư vốn chỉ tính giá rất thấp, cũng căn đó, bán sang tên thành nhà công vụ mà lại lên giá trên trời. Trong lúc đó, Bộ Xây dựng hoàn toàn lặng tiếng.. Đó là chuyện không "hợp lý".

Chưa kể, Bộ Xây dựng mới được Thủ tướng phê duyệt Chiến lược nhà ở tầm cỡ Quốc gia, trong đó mục tiêu chủ yếu là đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Thế nhưng, động thái đầu tiên của Bộ trưởng Bộ xây dựng là kí văn bản yêu cầu thành phố Hà Nội lấy nhà tái định cư xây trên quỹ đất 20% (đất phục vụ nhu cầu tái định cư, nhà ở xã hội của thành phố) để làm nhà công vụ.

Bố trí "công vụ" thì cần thiết nó phải gần nơi "công sở" ví dụ như khu gia đình quân đội phải gần đơn vị đóng quân, giống như nơi ở của lính cứu hỏa thì cần gần trạm xe cứu hỏa thì mới nên làm. Nhà cho cán bộ mà cách xa công sở đến hàng chục cây số để mỗi ngày chen chúc cả tiếng mới đến nơi...thì thà hỗ trợ tiền nhà cho công chức có lẽ còn tốt hơn.

Trung tâm hành chính hiện ở quanh khu vực quận Ba Đình, Hòan Kiếm, bố trí nhà công vụ tận khu Yên Hòa (Cầu Giấy) thì cán bộ cao cấp chắc cũng toát mồ hôi tham gia giao thông cả tiếng trên đường để đến công sở.

Lấy nhà tái định cư của người dân mà làm "công vụ", xẻ lợi ích của dân để cho quan, đó chẳng phải là chuyện "hợp tình".

Chưa kể bố trí cho các lãnh đạo cao cấp ở lẫn khu tái định cư cũng không phải là cách làm "hợp lý".

Chuyện không "hợp tình", "hợp lý", "hợp cách" sẽ khiến dân không đồng lòng.

"Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Việc nhà công vụ, ngỡ đơn giản nhưng lại không minh bạch, đặt lợi ích nhóm lên đầu dễ khiến người dân đặt câu hỏi, lòng dân không thuận.

Nhà ở xã hội cho công nhân cũng vậy, nó chỉ hay khi gần nhà máy. Trong lúc nhiều nhà máy, khu công nghiệp đang sản xuất cầm chừng, công nhân bỏ việc về quê, bỏ cả đống tiền mua nhà xã hội lúc này rồi cũng chỉ để xếp xó!

Vấn đề là làm thế nào để cho nhà công vụ - nhà xã hội được đầu tư " hợp lý"

Kinh tế phát triển không thuận lợi, khó khăn không chỉ riêng thị trường BĐS, cái  nghèo không chỉ gõ cử mấy nhà đầu tư BĐS nghiệp dư mà tới khắp nơi. Thiết nghĩ, dù có mạnh tay chi tiền vào mấy dự án BĐS chuyển tên, đổi mầu cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Cái quan trọng là tài chính từ ngân sách vốn hiếm và quý được sử dụng thế nào để cứu giúp nhóm cư dân yếu kém nhất vượt qua khó khăn hàng ngày, trước mắt chứ không phải vào chuyện đại sự cả đời là mua nhà...

Chưa kể, trong lúc Chính phủ đang muốn công khai, minh bạch mọi chuyện để dân cùng đồng thuận, Bộ Xây dựng "áo gấm đi đêm", chỉ định thẳng đơn vị A bán nhà tái định cư thành nhà công vụ cho mình dễ khiến lòng dân nhiễu loạn. Không có đấu thầu, không công khai thông tin, một đơn vị xây dựng tư nhân bỗng dưng lên đời nhà tái định cư nhờ chữ ký của Bộ trưởng đề nghị Thành phố Hà Nội bán căn nhà đang xây dở dang, ế ẩm thành nhà công vụ sẽ khiến các đơn vị xây dựng B,C,E khác cho rằng, Bộ xây dựng "yêu đặc biệt" chủ đầu tư A, còn dân hoang mang quanh chữ "lợi ích nhóm".

Trong lúc thị trường BĐS trầm lắng, cần bình tĩnh suy nghĩ xem đã lỡ làm hỏng ở khâu nào/ chỗ nào, để xử lí phù hợp. Trong khi không gian cộng cộng, cây xanh mặt nước trong đô thị phục vụ đại chúng thì thiếu hụt, khu ăn chơi, nghỉ dưỡng cao cấp nhiều mà ế ẩm thì trường học công lập, bệnh viện bình dân luôn quá tải, thiếu chỗ  nghiêm trọng?

Nên chăng, nhân cái lúc nơi nơi BĐS "lỡ thời" ế ẩm này mà dùng ngân sách công mua rẻ lại để hoán cải thành các khu giáo dục đại học tập trung , khu dịch vụ y tế , chăm sóc sức khỏe cộng đồng quy mô lớn? Lấy chỗ thừa bù cho chỗ thiếu một cách công tâm, minh bạch và trí tuệ, biết đâu lại biến "bĩ" thành "thái, huy động được nỗ lực, sự đồng thuận của cả xã hội.

Tuy nhiên, việc này không thể trông vào mấy "ông"ngồi trong phòng kín mà nghĩ ra kế sách. Phải công khai hoàn cảnh, dự tính giải pháp tháo gỡ, trưng cầu rộng rãi trước bàn dân thiên hạ... Việc chưa có tiền lệ, đương nhiên làm sẽ khó. Nhưng kết quả tốt thì thấy ngay trước mắt.

Ông Đào Trung Chính, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên Môi trường: Nhà tái định cư thì đừng nên xâm phạm. Đâu có thiếu chỗ để làm. Bao nhiêu đất trống của các dự án được giao mà ko triển khai đúng tiến độ, sao không mạnh tay thu hồi để xây dựng. Có thể khi đưa ra vấn đề này còn thiếu cân nhắc".

Ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng cục Công sản, Bộ Tài chính: Dứt khoát không có chuyện lấy nhà dân để ưu tiên cho nhà quan.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT: Đây là việc không nên làm. Hà Nội luôn lnói thiếu nhà tái định cư và Hà Nội cũng nhiều lần hứa rằng cố gắng ở trong vòng 1 - 2 năm nữa sẽ tạo điều kiện để người được tái định cư có quyền lựa chọn một vài địa điểm phù hợp với cuộc sống của mình. Bây giờ, quỹ nhà tái định cư lại bán đi làm nhà công vụ cho Trung ương sẽ làm cho mọi người có những suy nghĩ nhất định.

Khu vực tái định cư là để đền bù cho những người bị thiệt hại về nhà ở do Nhà nước thu hồi đất. Đấy là việc mang tính an sinh xã hội, không phải thuộc kênh của thị trường.

Ưu tiên cho cán bộ công nhân viên Nhà nước cũng gây nên suy nghĩ không thuận lắm khi chúng ta lấy quỹ nhà đang bồi thường cho những người bị thiệt hại để chuyển cho cán bộ công nhân viên Nhà nước.

Trần Huy Ánh