- Thông tin về việc Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và vụ phóng thử một tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản liệu có “già néo đứt dây”? Tại họp báo sau hội nghị cấp cao nhóm BRICS tại Hạ Môn, Phúc Kiến, Trung Quốc chiều 5/9, Tổng thống Nga Putin nhận định, nếu không thấy an toàn, Triều Tiên sẽ thà ăn cỏ chứ không từ bỏ hạt nhân.

Cấm vận toàn cầu

Không giống với vị tổng thống tiền nhiệm, vốn thường gây sức ép được với các nước khác về thương mại trong khi vẫn hợp tác an ninh với họ, ông Trump đã công khai gắn liền hai vấn đề này với nhau. Ngày 3/9 vừa qua, ông đã “bồi một cú chí tử” khi nói rằng Triều Tiên là “cái mớ bùng nhùng” của Bắc Kinh.

{keywords}
Tổng thống Nga Putin nhận định, nếu không thấy an toàn, Triều Tiên sẽ thà ăn cỏ chứ không từ bỏ hạt nhân.

Cũng ngày hôm đó, ông thông báo đang cân nhắc bước đi mạnh mẽ nhằm “cắt đứt quan hệ thương mại với bất cứ nước nào làm ăn với Triều Tiên”, song không nêu tên cụ thể một quốc gia nào.

Giới chức chính quyền Mỹ nói rằng cách tiếp cận kiểu tấn công trên mọi mặt trận của Tổng thống Trump là cần thiết để duy trì sức ép lên đối thủ và cả đồng minh. Nhưng giới quan sát nước ngoài lại quan ngại cho rằng bước đi này nguy hiểm khi ông Trump nỗ lực thực hiện một cam kết tranh cử cốt lõi về thương mại và sử dụng nó như một đòn bẩy cho các vấn đề an ninh. Một số khác vẫn tin rằng việc cấm vận toàn cầu chỉ là một lời đe dọa suông, vì nếu ông đưa ra quyết định này, các lãnh đạo lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ sẽ tìm cách “uốn nắn” lại.

Những chỉ trích nặng lời

Trong khi thế giới đang lo lắng về vụ thử hạt nhân mạnh nhất từ trước tới nay của Triều Tiên cuối tuần qua, Tổng thống Trump không hướng các chỉ trích mạnh nhất của mình vào Bình Nhưỡng, mà lại nhằm vào đối tác thân cận nhất của Mỹ ở Đông Bắc Á vốn đang phải đối đầu trực tiếp với mối đe dọa này: Hàn Quốc.

Trong một dòng trạng thái đăng trên Twitter, ông Trump đã chỉ trích “sự nhân nhượng” của Seoul, và không tán thành với việc nước này đã quá mềm mỏng đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Việc ông Trump chỉ trích thẳng thừng chính phủ Hàn Quốc như vậy đã khiến giới quan sát không khỏi ngạc nhiên.

Khác với chính phủ bảo thủ tiền nhiệm, các lãnh đạo mới ở Hàn Quốc đã kêu gọi tăng cường đối thoại với Triều Tiên và coi đây là một cách để hóa giải căng thẳng. Nhưng với Tổng thống Donald Trump, cảnh báo “đối thoại không phải là câu trả lời” cho cuộc xung đột hiện nay.

Hôm 2/9, tức là ngay trước khi Triều Tiên thử hạt nhân, các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ xác nhận rằng họ đang cân nhắc rút khỏi Thỏa thuận thương mại tự do Mỹ – Hàn vì cho rằng Seoul đang theo đuổi các chính sách bảo hộ bất công gây hại cho các ngành công nghiệp thép và ô tô của Mỹ.

Thượng nghị sĩ Jeff Flake, phe Cộng hòa ở bang Arizona và là thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho rằng: “Đây không phải là quyết định đúng đắn trong bất kỳ bối cảnh nào, nhất là với những nguy cơ Hàn Quốc đang phải đối mặt”.

Còn chuyên gia Robert Einhorn, một cựu chuyên gia cấp cao về không phổ biến vũ khí hạt nhân của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, “trên thực tế, Tổng thống Moon Jae-in rất ủng hộ cách tiếp cận kép của Mỹ là gây sức ép tối đa đi kèm với cam kết. Không có việc gì ông ấy làm có hơi hướng nhân nhượng cả”.

Già néo liệu có đứt dây?

Mặc dù thế giới từ lâu đã quen với cách Triều Tiên vẫn làm, vì vậy những phát ngôn của Bình Nhưỡng dường như đã không còn gây sốc. Tuy nhiên thông tin về việc Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 ngày 3/9 vừa qua và vụ phóng thử một tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản đã cho thấy tình hình Triều Tiên đang ngày một nguy hiểm và đã không còn giống kịch bản xưa.

Sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6, Bình Nhưỡng tuyên bố rằng một quả bom nhiệt hạch được thu nhỏ giờ đã có thể đặt trên một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Sau 2 vụ thử ICBM trong tháng 7 vừa qua, Triều Tiên đã tuyên bố có khả năng bắn tới lãnh thổ Mỹ. Điều này đặt ra sức ép rất lớn, buộc Washington phải tìm cách đối phó thích hợp.

Nhìn vào các tuyên bố gần đây của Tổng thống Trump đủ hiểu nước Mỹ thừa nhận vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đang đặt ra một mối đe dọa thực sự với Mỹ và các đồng minh.

Không thể phủ nhận, vũ khí hạt nhân đã đem lại cho Bình Nhưỡng nhiều đòn bẩy quốc tế hơn, cũng như gia tăng uy tín và cả an ninh của nước này hơn mọi hình thức đầu tư nào mà họ có thể làm. Bình Nhưỡng đã liên tục thử vũ khí hạt nhân và tảng lờ mọi lời đe dọa từ phía Mỹ.

Với một quốc gia “cứng đầu” như vậy, có lẽ kết cục có thể xảy ra là một sự thay đổi chính sách của Mỹ theo hướng thừa nhận vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và một chính sách kiềm chế tương tự như cách Mỹ từng sử dụng với Liên Xô trước đây. Còn trong trường hợp Mỹ-Triều gia tăng khiêu khích sẽ có nguy cơ “già néo đứt dây”. Nếu vậy đây sẽ là một thảm họa kinh khủng.

Với cường độ gia tăng, Bình Nhưỡng đang thử sức chịu đựng của Washington và các đồng minh.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry – người góp phần hoàn thiện cuộc đối thoại về Thỏa thuận Khung năm 1994 giữa chính quyền Clinton với Chủ tịch Triều Tiên Kim Il Sung – khẳng định chính quyền của ông Kim sẽ không muốn “tự vẫn”. Theo ông Perry, Triều Tiên có 3 mục tiêu: cao nhất là duy trì triều đại nhà Kim, bảo vệ chế độ; thứ hai là giành được sự công nhận của quốc tế và thứ ba là cải thiện kinh tế.

Cựu Bộ trưởng cho rằng ít có cơ hội, nếu không muốn nói là không có chút cơ hội nào, để buộc Triều Tiên từ bỏ hạt nhân. Mọi chuyện sẽ chỉ dẫn tới một cuộc chiến tranh, có thể trở thành chiến tranh hạt nhân, và chúng ta không muốn thế. Ông nhấn mạnh chỉ có đàm phán mới giải quyết được vấn đề.

Theo ông Perry, các cuộc thương lượng trong những năm qua đã hoàn toàn thất bại, nhưng đó là vị chúng dựa trên một giả định sai lầm rằng Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Trong một diễn biến mới nhất, quốc gia nổi tiếng là trung lập – Thụy Sĩ – cho biết đã chuẩn bị đóng vai trò một nhà hòa giải để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Tổng thống Thụy Sĩ Doris Leuthard cho rằng, các biện pháp trừng phạt “không thay đổi nhiều” trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình vũ khí. Bà nhấn mạnh đây là lúc để đối thoại và cho biết Thụy Sĩ sẵn sàng đóng một vai trò hòa giải ở hậu trường.

Tổng thống Doris Leuthard cũng đã lệnh cho binh sĩ nước này triển khai ở vùng ranh giới Hàn Quốc và Triều Tiên.

Vì sao lại là Thụy Sĩ, nhiều người hẳn còn nhớ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng theo học nhiều năm tại Thụy Sĩ.

Diệu An