Thông tin Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu cấp giấy phép lái xe (GPLX) riêng cho người lái xe ô tô số tự động đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Dưới đây là một số quan điểm khác nhau từ những người làm việc trong lĩnh vực luật pháp xung quanh vấn đề này. Mời độc giả cùng tham gia thảo luận và nêu quan điểm.

- ThS. Trần Thị Lệ Thu – Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM:

Theo tôi, điều này là không cần thiết vì các lý do sau: 

Thứ nhất, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã giao Bộ trưởng Bộ GTVT quy định hình thức, nội dung, chương trình đào tạo; sát hạch và cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe. Tại Điều 5 Thông tư 46/2012/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải ban hành ngày 07/11/2012 về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ có quy định cơ sở đào tạo lái xe phải có xe số tự động và tại Khoản 3 Điều 27 cũng quy định thời gian thực hành lái xe trên đường với xe số tự động là 10 giờ.

Như vậy, việc đưa các nội dung đào tạo đối với xe số tự động vào chương trình đào tạo, cấp, đổi GPLX hiện nay đã có. Vì vậy, nếu muốn giảm tai nạn giao thông do yếu tố người lái xe số tự động gây ra như quan điểm của nhiều người thì theo tôi, nên tăng thời gian thực hành tập lái xe số tự động lên là đủ, không cần phải thiết kế lại một chương trình đào tạo riêng cho người lái xe số tự động. 

Thứ hai, nếu tuân thủ triệt để những quy định trong Thông tư 46/2012/TT-BGTVT về đào tạo, sát hạch để cấp GPLX thì chắc chắn sẽ không có tình trạng người có GPLX không có cả kiến thức về mặt lý thuyết lẫn thực hành. Vấn đề ở đây là những con người thực thi pháp luật tức là các cơ sở đào tạo hiện nay chưa thực sự tuân thủ đúng và đầy đủ những quy định này. Vì vậy, cần phải tăng cường đội ngũ kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm, triệt để những cơ sở đào tạo vi phạm và những cá nhân có sai phạm trong việc tổ chức thi, sát hạch và cấp GPLX.

Thứ ba, việc quy định có 2 loại GPLX: một loại giữ nguyên như hiện nay (hoặc GPLX số sàn), một loại dành riêng cho số tự động sẽ dẫn đến những khoản chi phí phát sinh từ việc thay đổi mẫu GPLX, thiết kế lại chương trình đào tạo, tập huấn cho cơ sở đào tạo lẫn lực lượng quản lý chức năng… Bên cạnh đó, đối với người được cấp GPLX số tự động sẽ không được lái xe số sàn và ngược lại, điều này sẽ dẫn đến việc khi xử phạt lực lượng chức năng phải phân biệt xe và GPLX số sàn hay số tự động, như vậy vừa gây khó khăn cho lực lượng chức năng vừa dễ xảy ra tiêu cực. 

{keywords}

Nên tăng thời gian thực hành tập lái xe số tự động lên? Ảnh minh họa: Đoàn Bổng

- TS. Trần Văn Biên, Viện Nhà nước và Pháp luật:

Ô tô là một trong những nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định của pháp luật. Vì vậy, cần quy định trong đào tạo và thi cấp GPLX phải trang bị và kiểm tra kỹ năng lái xe ô tô đối với cả 2 loại xe số sàn và số tự động. Như thế mới là góp phần đảm bảo an toàn giao thông và giảm đi nguy cơ nguy hiểm từ người điều khiển loại phương tiện này.

Nếu chúng ta đơn giản hóa việc học lái xe với việc cấp GPLX số tự động thì vô hình trung đã tăng thêm độ nguy hiểm của phương tiện này, làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Khó có thể khẳng định rằng, một người biết lái xe ô tô thì trong cuộc đời chỉ lái duy nhất xe số tự động. Do đó, có kỹ năng lái được cả 2 loại xe vẫn tốt hơn là chỉ biết một loại. Điều này sẽ là tốt hơn cho chính bản thân người lái xe, chứ không phải chỉ cho toàn xã hội. 

- Luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu, Thành phố Hồ Chí Minh: 

Tôi đồng ý với đề xuất đưa thêm loại hình GPLX số tự động vào hệ thống đào tạo lái xe tại Việt Nam. Nguyên tắc của lập pháp là cái gì cho người dân được nhiều quyền lựa chọn hơn thì cần phải ủng hộ. Cần phải hiểu rằng GPLX số tự động là một bước dễ hơn GPLX B1 và B2. Do đó, những người đã có B1, B2 thì vẫn đc điều khiển xe số tự động. Điều này đáp ứng đc nhu cầu thực tế của rất nhiều người dân có nhu cầu lái xe số tự động và không bao giờ điều khiển xe số sàn.

Quan điểm cho rằng cấp GPLX số tự động sẽ dẫn đến việc khó quản lý vì những đối tượng này có thể tiếp tục ngồi điều khiển xe số sàn là không thuyết phục. Bởi lẽ, việc điều khiển xe không đúng với GPLX cũng không khác gì với việc điều khiển xe mà không có bằng lái. Chúng ta cũng không thể nhận ra được đâu là một người có GPLX đúng chuẩn, hay một người không có bằng lái, hoặc một người điều khiển xe khác với GPLX được cấp. Do đó, trách nhiệm và cách thức quản lý chỉ có thể nằm ở chỗ có vi phạm và hậu quả thì xử lý và răn đe.

Điều quan trọng để giảm thiểu tai nạn giao thông và các hung thần đường phố chính là thông qua giáo dục và tuyên truyền cho các tài xế biết quý trọng không chỉ an toàn của mọi người mà còn là tính mạng của bản thân.

Đoàn Bổng - Minh Huệ (thực hiện)