Một vụ tấn công một tòa báo ngay giữa thủ đô Paris là một nhát dao đâm thẳng vào trái tim của nền cộng hòa, vào một trong những giá trị lớn nhất mà người Pháp đã tạo dựng: tự do biểu đạt, tự do báo chí.

Charlie Hebdo, họ là ai?

Charb, Cabu, Wolinski, Tignous…Nhiều người không ưa họ, hồi giáo, công giáo chính trị gia, cảnh sát, thậm chí cả đồng nghiệp nhà báo.

Nhưng, nói như Sandrine, một nữ nhà báo Pháp trên quảng trường Cộng hòa tối qua thì “dù họ là ai, họ cũng không thể bị giết chỉ vì đã vẽ các bức tranh”.

Trong thế giới báo chí Paris, những họa sĩ-biên tập ở Charlie Hebdo giống những con người lập dị. Charb, họa sĩ chính đồng thời là giám đốc xuất bản của Hebdo, từng tâm sự trên tờ Le Monde: “Về mặt chính trị, chúng tôi là một nhóm thiên tả đa nguyên. Nhưng thực ra ở đó có tất cả mọi thành phần, cánh tả, cánh hữu, đảng xanh, cộng sản… như thể chúng tôi chẳng theo một xu hướng nào cả”.

Năm 2012, khi Pháp bầu cử Tổng thống, ban biên tập Charlie Hebdo tổ chức một cuộc bỏ phiếu nội bộ. Kết quả: Jean-Luc Melenchon về nhất, rồi đến Francois Hollande. Ngoài đời, chẳng ai đi bầu nhưng khi Nicolas Sarkozy thất bại, cả tòa soạn bật sâm-panh ăn mừng.

{keywords}
Thông tin chấn động về vụ thảm sát đăng tải trên các tờ báo lớn

Những người làm báo ở Charlie Hebdo là những người thích đùa giỡn với hiểm nguy. Nhưng đó là một sự đùa giỡn nghiêm túc, nảy mầm từ triết lý làm báo của riêng họ. Charb, tên thật là Stephane Charbonnier từng nói “tôi thà chết đứng còn hơn phải sống quỳ”.  

Ở Pháp, mọi tôn giáo đều có thể bị chỉ trích và những người ở Charlie Hebdo như Charb tin rằng chỉ trích không phải là một sự khiêu khích mà là sự tái cân bằng. Với niềm tin đó, Charlie Hebdo không chỉ biếm họa một biểu tượng tôn giáo duy nhất. Tờ báo này từng biếm họa nhiều đối tượng tôn giáo khác và đương nhiên là hầu như mọi chính trị gia ở Pháp. Với mọi đối tượng, hầu như Charlie Hebdo đều không hề hấn gì. “Kể cả tệ lắm là một bản án” –Charb.

Nhưng lần này thì to  chuyện. Vài năm trước, tòa soạn Charlie Hebdo từng đã suýt bị đốt cháy. Những người như Charb thì thường xuyên nhận được các lời đe dọa tính mạng. Cảnh sát Pháp, dù chẳng ưa gì Charlie Hebdo, đã phải cử người đến bảo vệ tòa soạn và một vài cá nhân trọng yếu của tờ báo. Nhưng trưa 7/1, bất chấp sự có mặt cảnh sát, gần như cả bộ não của Charlie Hebdo đã bị xóa sổ bởi những băng đạn tuôn ra từ nòng súng Kalachnikov.

Tương lai của Charlie Hebdo sẽ đi về đâu sau thảm họa này? Không ai biết. Đó là một tờ báo nghèo, đến mức vài năm trước, vì mâu thuẫn, một trong những nhân vật chủ chốt, đồng thời là cổ đông của báo, đã bỏ hết phần của mình ra đi với chỉ 1 euro tượng trưng. Những người tinh tú nhất của báo giờ đã nằm xuống, có ai còn đủ can đảm đi tiếp con đường của họ? Thực ra, câu hỏi “tương lai” này có tính đại diện cho cả xã hội Pháp hơn là số phận đơn lẻ của Charlie Hebdo. Hơn một trăm ngàn người Pháp xuống đường tối qua phẫn nộ vì sự tàn bạo của khủng bố một phần thì bàng hoàng cho sự tấn công vào giá trị của nước Pháp nhiều phần.

Nhiều người gọi đây là một vụ “11-9” của nước Pháp, không phải ở số nạn nhân mà ở phương diện tư tưởng.

Nhiều người gọi đây là một vụ “11-9” của nước Pháp, không phải ở số nạn nhân mà ở phương diện tư tưởng.

Một vụ tấn công một tòa báo ngay giữa thủ đô Paris là một nhát dao đâm thẳng vào trái tim của nền cộng hòa, vào một trong những giá trị lớn nhất mà người Pháp đã tạo dựng: tự do biểu đạt, tự do báo chí. Nước Pháp là một trong những cái nôi của dân chủ, là đất nước của triết học khai sáng và các tư tưởng nhân sinh. Tấn công vào các giá trị đó là tấn công vào niềm tự hào lớn nhất của người Pháp.

Người Pháp dĩ nhiên không đời nào chấp nhận điều đó.

Trên khắp nước Pháp đêm qua, những băng rôn, câu hát đã cất lên thay lời tuyên chiến.

Nous sommes Charlie. Je suis Charlie. Chúng ta là Charlie. Tôi là Charlie.

  • Bùi Dũng (từ Pháp)