Kịch bản Trung Quốc rút khỏi UNCLOS để phản đối phán quyết không hoàn toàn mới về mặt ý tưởng, nhưng nếu kịch bản này thực sự xảy ra sẽ có hai tác động lớn đối với trật tự khu vực và quốc tế.

Báo chí hôm 20/6 đã dẫn tiết lộ từ một quan chức ngoại giao Bắc Kinh cho biết nước này không loại trừ việc rút khỏi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Việc rút khỏi UNCLOS –theo nguồn tin của Japan Times- như một hành động trả đũa nếu phán quyết của Tòa Trọng Tài (PCA) “trái với nền tảng vị thế” của Bắc Kinh.

Cũng theo các nguồn tin trên, điều Trung Quốc quan tâm nhất trong vụ Manila kiện Bắc Kinh lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan là phán quyết đối với việc áp dụng cái gọi là “đường 9 đoạn” mơ hồ trên Biển Đông. Trung Quốc cho rằng kết quả tồi tệ nhất là PCA sẽ phán quyết yêu sách về “quyền lịch sử” đối với vùng biển của Bắc Kinh là không có nền tảng pháp lý theo luật pháp quốc tế và vô hiệu hóa đường mở rộng [9 đoạn] của họ.

Từ khi tòa PCA bắt đầu thụ lý 7/15 đệ trình của Philippines thì nhiều chuyên gia đã tin rằng phán quyết của PCA sẽ tạo bất lợi cho Trung Quốc.

Bắc Kinh luôn khăng khăng không chấp nhận, không tôn trọng phán quyết của PCA dù họ là thành viên của UNCLOS từ năm 1996. Vì vậy, kịch bản Trung Quốc rút khỏi UNCLOS để phản đối phán quyết không hoàn toàn mới về mặt ý tưởng, nhưng nếu kịch bản này thực sự xảy ra sẽ có hai tác động lớn đối với trật tự khu vực và quốc tế.

{keywords}

Hình ảnh vệ tinh một số công tình mà Trung Quốc ngang nhiên xây dựng phi pháp trên bãi Subi ở Biển Đông. Ảnh Reuters

Thứ nhất, đây là lần đầu tiên từ khi UNCLOS thành lập có một cường quốc rút khỏi UNCLOS vì không đồng tình với phán quyết của tòa. Điều này sẽ làm xói mòn uy tín của các tòa án quốc tế, trước mắt và cụ thể là UNCLOS, đồng thời tạo ra một tiền lệ xấu khi một cường quốc ngang nhiên chống lại và phủ nhận giá trị của Tòa án.

Thứ hai, việc rút khỏi UNCLOS của Trung Quốc sẽ khiến các nước có thể khởi kiện Trung Quốc trong các vụ việc khác sẽ phải nghĩ đến các phương án khác khó khăn hơn và khiến con đường giải quyết tranh chấp một cách hòa bình ngày càng chông gai. Thể chế và luật pháp là giải pháp cho kẻ yếu và là phương pháp hòa bình hiệu quả nhất để giải quyết tranh chấp, do đó, nếu không thể áp dụng thể chế thì sức mạnh cơ bắp sẽ chiếm ưu thế.

Tuy nhiên, dưới góc độ tính toán lợi ích lâu dài thì một kịch bản như vậy hoàn toàn không dễ chịu với Trung Quốc mà sẽ đặt ra hai thách thức rất lớn cho nước này.

Theo TS. Mingjiang Li–Phó Giáo sư và Người điều phối Chương trình Trung Quốc tại S. Rajaratnam School of International Studies (RSIS), Nanyang Technological University (Singapore), Trung Quốc sẽ gặp thách thức lớn trong quan hệ với ASEAN, cũng như việc triển khai Con đường Tơ lụa trên biển qua khu vực này. Trung Quốc cũng sẽ gặp thách thức tại các diễn đàn khu vực và quốc tế khi vấn đề Biển Đông được ra.

Một cường quốc, muốn trở thành bá quyền, quan trọng nhất là thiết lập luật chơi và tuân thủ để làm gương. Việc phủ nhận giá trị của luật chơi do thể chế pháp lý uy tín nhất trong các vấn đề hàng hải đưa ra sẽ làm suy giảm nghiêm trọng uy tín và hình ảnh của chính Trung Quốc, cũng như quan hệ với các nước trong khu vực. Về dài hạn sẽ khiến các nước khác thiếu tin tưởng và sẵn sàng phủ nhận luật chơi do Trung Quốc đặt ra về sau trong các nỗ lực thiết lập bá quyền.

Thiếu tướng Lê Văn Cương-Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an nhận định, Trung Quốc sẽ mất nhiều nếu từ chối phán quyết của Tòa trọng tài. Dư luận thế giới sẽ tiếp tục nhìn Trung Quốc như một quốc gia ỷ lớn hiếp yếu và thiếu trách nhiệm trong cam kết giải quyết bất đồng bằng con đường hòa bình.

Quan trọng hơn, Trung Quốc sẽ không thể tiếp tục viện dẫn các quy định của UNCLOS cho các yêu sách chủ quyền của mình và mất đi tính chính danh trong hành động. Từ trước đến nay, dù đơn phương leo thang căng thẳng, nhưng Trung Quốc vẫn luôn cố thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng họ là nước lớn có trách nhiệm và tôn trọng pháp quyền, thay vì một đại diện cho hỗn loạn về luật pháp với các yêu sách chủ quyền thái quá và hành động hung hăng trên biển.

Vì vậy, Trung Quốc vẫn muốn sử dụng UNCLOS như một bình phong để tránh sự chỉ trích và có thể “xuyên tạc” luật pháp theo hướng có lợi cho họ. Nếu mất tấm bình phong này, Trung Quốc sẽ biến thành một kẻ thích hành động cơ bắp, bất tuân luật pháp. Mặt khác, các đòi hòi của Trung Quốc ở Biển Đông về chủ quyền, quyền tài phán, các quyền khai thác, đánh bắt và tự do hàng hải,… sẽ phải dựa trên một khung pháp lý khác, chắc gì đã được công nhận.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng sẽ không thể sử dụng UNCLOS như một công cụ ngăn cản sự can thiệp của Mỹ vào quá trình giải quyết tranh chấp trên biển (do Mỹ chưa tham gia UNCLOS) hay tiếp tục chỉ trích rằng các cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông là "hành động vi phạm luật pháp quốc tế" và xâm phạm cái gọi là "chủ quyền của Trung Quốc".

Vì lẽ đó, dù có nhiều đồn đoán và lo ngại, nhưng thực tế việc rút khỏi UNCLOS có thể là trò hù dọa của Trung Quốc. Dưới tư cách là một cường quốc, uy tín quốc tế là rất quan trọng, rút khỏi UNCLOS sẽ khiến Trung Quốc “thân bại danh liệt”, hiện nguyên hình là một gã vũ phu bất chấp luật pháp. Tham vọng trở thành một siêu cường hàng hải toàn cầu và xây dựng một trật tự kinh tế - chính trị mới cũng theo đó mà tiêu tan.

Chưa kể, việc tin tức này cũng chỉ ở dạng “đồn đoán” khi Trung Quốc họp riêng với các nước ASEAN, chứ không phải một tuyên bố chính thức từ chính phủ. Việc rút khỏi UNCLOS sẽ chỉ xảy ra khi Trung Quốc không còn thấy rằng họ có thể khai thác lợi ích từ UNCLOS, một phán quyết từ PCA mà họ có thể làm ngơ không thể khiến Trung Quốc “tham bát bỏ mâm” như vậy.

Tuấn Trần (từ Singapore)