Thách thức lớn nhất của Tổng thống Mỹ là “Donald Trump”, người luôn ứng khẩu tức thời trước bất cứ thứ gì xảy ra khác với mong muốn. Đến lúc ông Trump thể hiện phong cách một nhà chính trị thay vì một tỉ phú.

LTS: Trên thực tế, trở thành Tổng thống là phải đối mặt với một danh sách dài không dứt những vấn đề xuất phát từ vô vàn các lĩnh vực khác nhau. Trong chưa đầy hai tuần nữa, ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Thách thức lớn nhất đang đợi ông là gì?

Tuần Việt Nam giới thiệu phần cuối dự đoán của 20 học giả hàng đầu thế giới về điều này.

Xem lại Kì 1, Kì 2

Nâng cao mức sống của tầng lớp lao động

Tamara Draut, Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu và chính sách của nhóm chuyên gia cố vấn Demos, nhận định thách thức lớn nhất mà ông Trump phải đối mặt là thực hiện các lời hứa tranh cử, nâng mức sống của tầng lớp nhân dân lao động Mỹ và đem việc làm trở lại nước Mỹ.

Liệu ông có thể biến các tuyên bố tranh cử của mình thành các giải pháp hữu ích để giải quyết các vấn đề tài chính mà tầng lớp lao động đang phải đối mặt?

Tầng lớp lao động ngày nay phải chứng kiến sự suy giảm liên tục về tình trạng kinh tế của mình vì lương không tăng. Tầng lớp lao động hiện không còn là một nhóm đồng nhất, gồm những người đàn ông da trắng với các công việc trong các nhà máy, mà đã mở rộng, bao gồm cả phụ nữ và những người thuộc sắc tộc làm một hoặc nhiều công việc trong lĩnh vực dịch vụ. Tầng lớp lao động mới này muốn kiếm sống để ổn định nhưng họ đang gặp nhiều rào cản.

{keywords}
Ảnh: Reuters

Rõ ràng ông Trump đã đưa ra những lời: trừng phạt các công ty chuyển việc làm ra nước ngoài, và tăng cường sản xuất. Mọi người đã ghi điểm cho ông về những lời hứa này. Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ phải ưu tiên các chính sách tạo ra cơ hội cho tầng lớp lao động, hoặc chính họ, những người giúp ông vào Nhà Trắng sẽ nhanh chóng quay ra chống lại ông.

Gia cố hệ thống quan hệ quốc tế

Heather A. Conley, Phó Chủ tịch Trung tâm CSIS, phụ trách châu Âu, Á- Âu, và Bắc Cực, cho rằng thách thức lớn nhất của thế hệ chúng ta – và cũng là của ông Trump là gia cố lại những vết nứt về cấu trúc ngày càng lớn trong nền tảng của hệ thống quốc tế hiện nay hay thay bằng một cái gì đó khác.

Một hệ thống đồng minh và thế chế toàn cầu 70 năm qua đã phát triển trong thời kỷ hậu chiến tranh thế giới II nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn cầu và sức mạnh kinh tế của Mỹ. Mỹ và cộng đồng quốc tế đã từ lâu công nhận các cấu trúc và thể chế này.

Tổng thống Trump sẽ định hình sâu sắc tương lai hệ thống quốc tế chỉ đơn giản bởi các quyết định hàng ngày hoặc viết các dòng Tweeter về điều mà nước Mỹ sẵn sàng hoặc không ủng hộ. Các quyết định này cuối cùng sẽ xác định vai trò của Mỹ trong hệ thống tương lai này.

Chúng ta cũng sẽ nhìn thấy rõ các quan hệ tương lai của chính quyền Trump với các đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại châu Âu và châu Á. Phải chăng Mỹ sẽ tìm cách giảm bớt để mở đường cho quan hệ mới?

Đây là những câu hỏi mà nước Mỹ và chính quyền Trump sẽ phải trả lời sòng phẳng: Nước Mỹ thực sự ủng hộ ai?

Trung Quốc và an ninh tại châu Á – Thái Bình Dương

Robert Daly, giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ, nhận định việc Trung Quốc mong muốn đóng một vai trò lớn hơn, và có thể mang tính quyết định, trong cấu trúc an ninh tại Tây Thái Bình Dương là dễ hiểu.

Trung Quốc phụ thuộc vào các hải trình qua Tây Thái Bình Dương để buôn bán năng lượng, nguồn tài nguyên thiên nhiên và thực phẩm. Sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa Bắc Kinh và Washington đang rất cao. Trung Quốc tin rằng, cấu trúc an ninh do Mỹ dẫn đầu không còn phù hợp với Trung Quốc nữa.

Trung Quốc có lợi thế gần về địa lý và ảnh hưởng về kinh tế trong khu vực. Họ sẽ sớm có khả năng đối trọng với sức mạnh cứng của Mỹ trong khu vực trong bất cứ kịch bản nào. Và họ có một mong muốn mạnh mẽ là vượt trội Mỹ, mong muốn này lại được hỗ trợ bởi một hệ thống chính trị cho phép họ dành một phần nguồn lực quốc gia để phục vụ các mục tiêu chiến lược nhiều hơn Mỹ có thể làm. Mỹ sẽ không thể chịu được một cuộc cạnh tranh lâu dài để giành chiến thắng trong bối cảnh này. Do vậy Nhà trắng tới đây sẽ phải điều chỉnh lại.

Nói cách khác, chính quyền của ông Trump cần phát hiện lại chiến lược căn bản cho chính sách “tái cân bằng sang châu Á” của nhiệm kỳ trước. Nâng cao các lợi ích của Mỹ trong khu vực sẽ tùy thuộc vào chính sách tái cân bằng kế tiếp.

Những vấn đề nội tại nước Mỹ

Michael Lind - tác giả cuốn “Miền đất hứa: Một lịch sử kinh tế của nước Mỹ” - cho rằng thách thức sẽ định hình nhiệm kỳ Tổng thống của ông Donald Trump có thể là những vấn đề trong nước chứ không phải ở bên ngoài.

Ông Trump đã thành công trong cuộc bầu cử sơ bộ chọn ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa. Nhưng những người bảo thủ chính thống vẫn rất mạnh trong Quốc hội của đảng Cộng hòa do Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell lãnh đạo. Nếu họ bác bỏ các ưu tiên tranh cử của ông Trump và thúc đẩy một phiên bản của lịch trình dưới thời Bush, vốn không được ưa chuộng, gồm giảm thuế cho người giàu, hủy bỏ Obamacare mà không có kế hoạch tốt hơn thay thế, cắt giảm lợi ích an sinh xã hội và biên lai hóa Medicare, người Cộng hòa trong Quốc hội có thể bị xa lánh bởi những cử tri dân túy mà ông Trump lấy cảm ứng, và tiếp sinh lực cho những người Dân chủ đang đau đớn hôm nay.

Donald Trump

Andrew J. Bacevich, tác giả cuốn mới xuất bản “Cuộc chiến của Mỹ vì đại Trung Đông: một câu chuyện quân sự”, cho rằng thách thức lớn nhất của Tổng thống Trump ít nhất trước mắt sẽ là “Donald Trump”, người luôn ứng khẩu tức thời trước bất cứ thứ gì xảy ra khác với mong muốn.

Khi ông Donald Trump vào phòng Bầu dục, khả năng chính quyền Trump đưa ra một chính sách đối ngoại nhất quán là bằng không. Thay vì lập ra chính sách, giới chức chính quyền sẽ mất thời gian sửa chữa hậu quả, giải thích rằng điều “Trump” nói hôm qua hay vừa Tweet sáng nay trên thực tế không phải là điều ông muốn.

Trong nghệ thuật quản lý nhà nước, mọi chuyện đều liên quan đến nhau. Quá khứ quyết định hiện tại và cách chúng ta hiểu những gì diễn ra hôm nay sẽ định hình tương lai. “Trump” dường như không để ý tới mối liên hệ này. Ông thể hiện một xu hướng mạnh về việc nhìn mọi chuyện một cách tách biệt. Đây là một công thức dẫn tới sự cố.

Có lẽ đã đến lúc ông Trump thể hiện phong thái của một nhà chính trị thay vì một tỉ phú. Đối với Donald Trump, thời cơ đang nằm trong tay.

Thảo Linh