Những người chỉ trích ông Trump sẽ kêu gào về xung đột lợi ích nhưng thực sự đã đến lúc Mỹ cần làm những việc lớn hơn và tốt hơn.

LTS: Trên thực tế, trở thành Tổng thống là phải đối mặt với một danh sách dài không dứt những vấn đề xuất phát từ vô vàn các lĩnh vực khác nhau. Trong chưa đầy hai tuần nữa, ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Thách thức lớn nhất đang đợi ông là gì?

Tuần Việt Nam tiếp tục giới thiệu tiếp dự đoán của 20 học giả hàng đầu thế giới về điều này.

Xem lại: Ông Trump chưa muốn khui rượu trong năm nay; và bài: "Phép thử" lớn nhất đối với ông Trump trong năm 2017

Quan hệ Mỹ – Trung

Ian Bremmer, Giám đốc Eurasia Group và giáo sư nghiên cứu toàn cầu tại Đại học New York, cho rằng chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump không phải là biệt lập, mà phản ánh niềm tin rằng nước Mỹ có thể có “một thỏa thuận tốt hơn” với các đồng minh và các đối thủ khắp trên thế giới.

{keywords}
Những người chỉ trích ông Trump sẽ kêu gào về xung đột lợi ích nhưng thực sự đã đến lúc Mỹ cần làm những việc lớn hơn và tốt hơn. Ảnh: The Sun

Chính sách này sẽ là thách thức lớn nhất trong quan hệ Mỹ – Trung trước mắt, khi ông Trump muốn chứng tỏ rằng Mỹ có thể cứng rắn (về tiền tệ, thương mại, vấn đề Đài Loan và cả Biển Đông…) mà không chịu thừa nhận rằng vị trí trên bàn đàm phán của Mỹ với Bắc Kinh đã suy giảm đáng kể và các liên minh của Mỹ trong khu vực đang yếu đi.

Nếu ông thực hiện các tuyên bố chính sách theo kiểu ông có thể mặc cả cứng rắn, ông cũng sẽ nhận lại sự cứng rắn mà không có sự ủng hộ từ những bạn hữu trong khu vực. Điều này đặc biệt đúng khi ông Tập Cận Bình đã tỏ ra mạnh mẽ trước thềm cuộc thay đổi lãnh đạo vào mùa Thu năm 2017.

Vấn đề Triều Tiên

Jacob Heilbrunn, Tổng biên tập tờ The National Interest cho rằng việc ông Trump đắc cử đã làm sống lại những nhân vật bảo thủ kiểu mới, những người tấn công ông liên quan đến các cáo buộc tin tặc và mọi sự cởi mở với Điện Kremlin. Và như vậy ông Trump cần tạo ra một “quả bom” đối ngoại: Đến thăm Triều Tiên. Ông Trump nên nghĩ về những động thái không giống với các tổng thống khác, đó là nói chuyện trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Những người chỉ trích ông sẽ kêu gào về xung đột lợi ích nhưng thực sự đã đến lúc Mỹ cần làm những việc lớn hơn và tốt hơn.

Sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với việc thay thế Obamacare

Alice M. Rivlin, một cựu giám đốc Văn phòng quản lý và ngân sách, và Văn phòng ngân sách Quốc hội, một học giả cấp cao của viện Brookings, giảng viên của Đại học Georgetown, cho rằng Tổng thống Trump đã tạo ra một thách thức lớn cho chính mình khi ông cam kết hủy Obamacare và thay thế nó bằng “cái gì đó lớn hơn”. Giờ đây ông phải tìm cách thoát khỏi việc này mà không gây ra một trách nhiệm chính trị kéo dài cho chính quyền mới.

Hủy bỏ Obamacare thì rất dễ. Nhưng bản thân việc hủy bỏ nó có thể tạo ra một xung đột chính sách xã hội. Ít nhất 20 triệu người có thể mất bảo hiểm y tế, hàng triệu người khác sẽ không thể mua bảo hiểm với giá hợp túi tiền trong một thị trường bảo hiểm tư nhân rối loạn; nhiều bác sĩ, bệnh viện và các nhà cung cấp dịch vụ y tế sẽ mất khách hàng và các bang sẽ vất vả với các cắt giảm tiền Medicaid của liên bang.

Thật mỉa mai là nhiều bang đã đạt những tiến bộ lớn nhất trong việc giảm số người không được bảo hiểm theo luật Obamacare và bị chia rẽ nhất khi đạo luật này bị hủy bỏ, lại chính là các bang Vành đai Sắt và khu vực miền núi Appalachian từng đưa ông Trump lên đỉnh cao. Để tránh bắt đầu một chính quyền mới trong một lỗ hổng chính trị, việc “hủy bỏ” đạo luật trên phải đi kèm ngay với việc “thay thế” nó (với một quá trình chuyển tiếp suôn sẻ giữa hai kế hoạch).

Thách thức chính trị là việc thay thế Obamacare phải được sự ủng hộ của lưỡng đảng và không chỉ vì người Cộng hòa chỉ có 52 ghế trong Thượng viện trong khi cần tới 60 phiếu để kế hoạch mới không bị cản trở.

Quan trọng hơn, Obamacare đã cho thấy cải cách y tế khi chỉ được một đảng ủng hộ sẽ khó sống sót. Nếu Tổng thống Trump muốn tạo ra một di sản lâu dài trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đây không đơn giản chỉ là một “trận bóng chính trị” khác, mà ông sẽ cần sự ủng hộ của hầu hết chính đảng của mình, cộng với một lượng lớn người Dân chủ.

Những người đi đầu trong việc thay thế Obamacare là Nghị sĩ Paul Ryan và Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách của Hạ viện Tom Price (người được ông Trump đề cử làm Bộ trưởng Y tế và dịch vụ nhân đạo). Họ ủng hộ giải pháp cho nợ thuế để giúp những người không mua được bảo hiểm y tế trên thị trường tư nhân, trợ cấp khu vực nguy cơ cao để hứng một số chi phí của những người quá yếu và ra các quy định nhằm chặn chặn các công ty bảo hiểm khai vống lên mức tiền chi trả cho người ốm đang được bảo hiểm.

Các ý tưởng này cũng tương tự như Obamacare, chính vì vậy mà họ đã ủng hộ kế hoạch của phe Dân chủ. Họ sẽ giữ lại khái niệm cơ bản về cách chọn khách hàng trợ cấp, nhưng sử dụng sự khích lệ thay vì ủy thác, cho phép những bang áp dụng bảo hiểm chưa toàn diện được mềm dẻo hơn trong thiết kế loại bảo hiểm và các quy định phù hợp.

Nhưng sẽ có ít nhất hai trở ngại trong quá trình đàm phán. Một là Chủ tịch Hạ viện Ryan và Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách Price nhấn mạnh rằng cải cách Medicare là một phần trong gói cải cách, quan điểm mà ông Trump không nói đến trong tranh cử. Trong khi có nhiều lý do chính đáng để tiến hành cải cách Medicare, việc thúc đẩy Medicare biến thành một sự thay thế cho ACA chắc chắn sẽ phá vỡ thỏa thuận với phe Dân chủ.

Tóm lại việc “hủy bỏ và thay thế” nói thì dễ nhưng ông Trump sẽ cần phải huy động mọi kỹ năng đàm phán chính trị của mình để thực hiện cam kết này mà không rơi vào một cái hố sâu chính trị.

Đảm bảo có thông tin và đánh giá đúng để đưa ra quyết định tốt

Aaron David Miller, Phó Chủ tịch phụ trách về các sáng kiến mới của Trung tâm Học giả Wilson, từng là cố vấn về Trung Đông cho Bộ Ngoại giao dưới thời của đảng Dân chủ và Cộng hòa, nhận định chính quyền mới có thể phải đối mặt với một loạt thách thức chính sách đối ngoại lớn, từ vấn đề hạt nhân đến chủ nghĩa khủng bố. Nhưng thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Trump chính là đối nội: làm sao để đảm bảo ông có đủ thông tin và đánh giá để đưa ra các quyết định tốt nhất.

Trước tiên, một Tổng thống cần biết cái gì ông không biết và phải muốn tìm cho ra điều đó. Sự ham hiểu biết này rất quan trọng, giúp Tổng thống có thể biết và hiểu thực tế mọi thách thức và ở trong vị thế tốt nhất để đánh giá lời khuyên và các khuyến cáo của các cố vấn.

Thứ hai là khả năng một Tổng thống sẵn sàng đương đầu với thách thức ở bên ngoài, nhất là bình tĩnh chấp nhận điều gì không thể thay đổi, dũng cảm thay đổi cái có thể và khôn ngoan để biết phân biệt.

Các Tổng thống thường có xu hướng rơi vào vấn đề ở bên ngoài khi họ đánh mất sự cân bằng về giá trị này và cố quá nhiều một mặt này hoặc cố gắng không đủ ở mặt khác. Tìm ra sự cân bằng ấy có nghĩa là đánh giá đúng quan hệ giữa các mục tiêu và phương tiện của Mỹ để đạt các mục đích ấy, và nhìn thế giới không chỉ theo cách mình muốn nó như thế nào, mà phân tích cách nó đang thực sự tồn tại.

Các cố vấn có thể cung cấp rất nhiều lời khuyên tốt và cả những lời khuyên xa rời thực tế. Nhưng kiều gì thì chính Tổng thống lại là người cuối cùng phải có sự khôn ngoan và khả năng đánh giá để phân biệt được đúng - sai.

Còn tiếp

Thảo Linh


Save