Là con gái của Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam, nhưng Vũ Anh sống và học tập rất đời thường, tự lực, kiên trì rèn luyện và đầy nghị lực, luôn nhẹ nhàng và duyên dáng...

Tôi bước vào học cấp ba năm 1966. Trường tôi học là Trường Cấp ba Bất Bạt. Những năm ấy chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đang ở vào thời kỳ ác liệt, do vậy trường của chúng tôi không học ở trung tâm huyện mà sơ tán về xã Thuần Mỹ, một xã nằm gần sát chân núi Ba Vì. 

Năm 1967 sau ba tháng hè, tôi cùng bè bạn trở lại trường lao động để chuẩn bị cho năm học mới. Khi đến trường tôi nghe mọi người bàn tán về trường mình năm nay có học sinh từ Hà Nội sơ tán về, nhưng đặc biệt hơn là các bạn về học là con các cán bộ cao cấp ở trung ương và lớp tôi có hai bạn. Nghe vậy, nhưng tôi cũng chưa nhìn thấy bạn nào.

Một hôm vào dịp giúp thầy chủ nhiệm chuyển đồ đạc sang vị trí học mới, tôi thấy hai bạn nữ lạ, mọi người nói đấy là hai bạn mới và họ còn nói có Vũ Anh là con của ông Lê Duẩn. Nghe thông tin tôi tò mò xem có phải con của Bí thư thứ nhất không, nhân lúc chuyển đồ cho thầy chủ nhiệm tôi thấy học bạ của Vũ Anh tôi xem trộm. 

{keywords}
Vũ Anh

Tôi đọc vội thấy ngoài trang đầu ghi: Bố Lê Ba, mẹ Nguyễn Thị Bẩy - nhà báo. Phát hiện thấy tôi xem học bạ, Vũ Anh bước lại và nói: “Bạn không được xem học bạ của tớ”. Bị bắt quả tang, tôi nói chữa ngượng “Mình thấy học bạ mới nên xem, bạn không cho xem thì thôi” và đặt lại  chỗ cũ. 

Nói thật ra vì hồi đó thầy Vỵ chủ nhiệm lớp rất hiểu và quý tôi nên tôi mới có thể xem được học bạ của Vũ Anh. Xem được học bạ xong, tôi cũng nói với các bạn học tôi chỉ xem được có vậy thôi. Tôi và mọi người cũng không bàn tán gì thêm.

Rồi chúng tôi bước vào năm học mới. Ban đầu tôi và bạn học mới cũng bình thường chưa có sự thân mật. Một thời gian ngắn sau tôi và Vũ Anh cùng vào tổ cán sự của lớp. Tổ cán sự của chúng tôi có bốn bạn. 

Nhiệm vụ của chúng tôi là hướng dẫn gợi ý giải các bài tập khó vào thời điểm khi trống trường đánh sáu tiếng, vì vậy tổ cán sự thường xuyên trao đổi về bài học với nhau trước khi một bạn đại diện lên gợi ý bài tập cho cả lớp. Tổ cán sự đã làm cho tôi và Vũ Anh thân thiết nhau hơn, hiểu nhau hơn. Việc học của tôi và Vũ Anh diễn tiến gắn kết mãi cả năm học.

Năm học lớp 10 chúng tôi chuyển sang chỗ học mới cách chỗ học cũ hơn một kilômét. Năm học mới tôi được bầu làm lớp trưởng (bạn lớp trưởng năm lớp chín đã lên đường nhập ngũ), Vũ Anh làm lớp phó phụ trách học tập, do vậy hai chúng tôi lại càng gắn kết chặt chẽ hơn. Hai năm học chung, Vũ Anh đã để lại trong tôi nhiều ký ức đẹp, đây mới là phần tôi muốn kể sâu hơn.

Nhìn bề ngoài Vũ Anh rất mảnh khảnh với nước da trắng, tóc cắt ngang vai ôm lấy khuôn mặt khá xinh, ăn mặc giản dị. Trong giao tiếp Vũ Anh rất nhỏ nhẹ, nét dịu dàng mang đậm tính cách của phụ nữ Việt Nam. Song bên trong con người bạn ấy là cả một kho nghị lực và nguyên tắc.

Về học tập, Vũ Anh là một bạn học giỏi thực sự. Bạn ấy học giỏi toàn diện các môn. Hai năm học bạn đều đạt học sinh giỏi. Bạn ấy học giỏi hoàn toàn do sự chịu khó và khả năng trời phú chứ không cần vào sự tác động nào. Nếu có ai đó nghĩ rằng Vũ Anh đạt học sinh giỏi là nhờ vào ô của bố mẹ để thầy cô nâng đỡ thì hoàn toàn sai. Trong lớp tôi ai cũng thừa nhận Vũ Anh học giỏi.

Trong học tập đã vậy, trong lao động bạn ấy cũng chứng tỏ là một người đầy nghị lực. Tôi còn nhớ bước vào năm học lớp chín được một thời gian, tôi gặp Vũ Anh đi gánh nước. 

Tôi không ngờ rằng con gái của một lãnh đạo to nhất nhì nước lại đi gánh nước giữa đời thường. Người mảnh khảnh gánh hai thùng nước, đi một đoạn lại nghỉ đứng ôm đòn gánh, rồi lại gánh tiếp, cứ như vậy gánh nước về. Sau này tôi còn gặp Vũ Anh bưng chậu quần áo đi giặt ở sông. 

Ban đầu mọi người nghĩ rằng các bạn này sẽ có người phục vụ đến tận răng, nhưng trong thời gian học sơ tán ở đây, nhìn Vũ Anh gánh nước chắc chẳng còn ai nghĩ gì về các bạn ấy sống trong nhung lụa.

Học kỳ hai năm lớp chín nhà trường tổ chức đi lấy củi cho lâm nghiệp để lấy tiền gây quỹ. Địa điểm lấy củi thuộc xã Ba Trại cách trường chúng tôi khoảng 7-8km. Khi đi mọi người đều đi bộ. Quá trình lấy củi thì người chặt người vác. 

Với chúng tôi việc chặt, hoặc vác củi chẳng có gì khó khăn, nhưng với Vũ Anh là vấn đề mới lạ và khó khăn do chặt củi thì làm tay phồng, còn vác thì củi sần sùi làm đau vai. Cả hai việc đều là lao động nặng nhọc. 

Trước công việc như vậy, Vũ Anh chẳng hề kêu ca, bạn ấy vác đến khi đau vai, hai tay vừa vác vừa nâng cây củi. Chúng tôi rất thông cảm cho Vũ Anh nên nói: “Vũ Anh ơi! Bạn có thể nghỉ không sao đâu”. Vũ Anh trả lời: “Mình sẽ cố gắng hết sức có thể”. Sau đó  chúng tôi bảo nhau chặt những cành nhỏ cho Vũ Anh vác.

{keywords}

Vũ Anh (thứ ba từ trái sang) chụp cùng ba thầy giáo, các bạn và O Hồ (em gái ông Lê Duẩn - thứ ba từ phải sang) bên bờ sông Đà, Ba Vì.

Năm học lớp mười, xã Thuần Mỹ tổ chức đắp đê quai. Là một trường cấp ba đứng trên địa bàn xã, nên nhà trường tổ chức cho học sinh tham gia lao động cùng địa phương. Lần này Vũ Anh lại vào vai gánh đất. 

Tôi còn nhớ như in hình ảnh Vũ Anh gánh đất bằng quang có ba chiếc dây thừng buộc vào hình như gọi là cái ky, cái quang khi gánh đất lên đến vị trí chỉ xách vào cái dây thừng là đất sẽ đổ ra. 

Quãng đường gánh không xa nhưng gánh suốt cả buổi thì cũng không phải là chuyện đùa. Chúng tôi biết chắc gánh như vậy đau vai và mệt nên bảo Vũ Anh chuyển sang đứng xúc đất. Nhưng Vũ Anh không chịu vì các bạn nữ khác đều đi gánh, các bạn đứng xúc đều là nam, tất nhiên là chúng tôi cũng bảo nhau xúc đất vừa phải cho bạn ấy thôi.

Năm học lớp mười lớp ở cách trường khoảng 1,5km, Vũ Anh đi bộ đến lớp. Dù mùa đông hay mùa hè, Vũ Anh đi học rất đúng giờ. Là lớp phó phụ trách học tập, nên Vũ Anh giữ sổ điểm và sổ đầu bài, khi tan học thì gửi ở nhà tôi vì tôi trọ gần trường, sáng hôm sau nếu 7 giờ vào học thì đúng 6 giờ 30 phút, Vũ Anh đã tới lấy sổ để ra lớp. Bạn ấy sống rất có kỷ luật với bản thân.

Trong sinh hoạt, Vũ Anh sống rất giản dị và chưa khi nào tỏ ra là con ông nọ ông kia. Vũ Anh cũng rất hòa đồng với bạn cùng học. Trong hai năm học cùng, Vũ Anh đã về nhà tôi chơi hai lần. 

Năm học lớp mười, thi xong tốt nghiệp mấy ngày bạn ấy về chơi. Đường về nhà tôi 20km, thời đó đường xá khó khăn, nhất là đi qua khu đồi Ba Gò cũng hơi hoang vắng nhưng bạn ấy vẫn đi. Thăm nhà, ăn cơm với gia đình tôi, thăm làng xóm từ sáng đến chiều bạn ấy mới quay về. Vũ Anh đã mời tôi về thăm nhà bạn ở Hà Nội, nhưng tôi không dám đi. Tôi còn biết bạn ấy đi thăm một số nhà bạn nữa, trong đó có bạn nữ ở xã rừng núi Minh Quang ngay chân núi Ba Vì.

Là con gái của Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam, nhưng Vũ Anh sống và học tập rất đời thường, tự lực, kiên trì rèn luyện và đầy nghị lực, luôn nhẹ nhàng và duyên dáng.

Sau khi học xong lớp mười, tôi nhập ngũ rồi vào Nam chiến đấu. Vũ Anh được kết nạp Đảng ở trường, sau đó đi học ở nước ngoài. Vũ Anh được kết nạp Đảng cũng hoàn toàn xứng đáng, chẳng phải bàn cãi nhiều. Từ đó, chúng tôi không còn liên lạc với nhau nữa.

Sau gần năm mươi năm, hình ảnh Vũ Anh còn in đậm mãi trong tôi, một người bạn học có cái đẹp toàn diện mà tôi rất ngưỡng mộ. Mấy năm gần đây lớp chúng tôi có tìm lại nhau, tổ chức họp mặt, mỗi lần gặp lại mọi người ôn lại nhiều chuyện và không bao giờ quên Vũ Anh.

Theo Nguyễn Văn Cự/ANTGCT