Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI xác định “Hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN” là một trong ba đột phá chiến lược giai đoạn 2011- 2020. Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ XII tiếp tục khẳng định, nước ta xây dựng mô hình kinh tế “Nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN”. Mô hình kinh tế này còn nhiều ý kiến khác nhau về khái niệm cũng như phương thức vận hành.

LTS: Mới đây, tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành sơ kết công tác cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 20011-2015 và triển khai kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ Chính phủ đang hướng đến xây dựng một Chính phủ kiến tạo. Không khó để thấy, những chỉ đạo của ông gần đây đều cho mục tiêu này.

Chúng ta cần phải làm những gì để tiếp sức cùng Thủ tướng xây dựng một Chính phủ kiến tạo là câu hỏi đang thu hút sự quan tâm của công luận. Với trách nhiệm thông tin trung thực và đa chiều, Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết 2 kỳ của tác giả Mộc Linh, mời quí vị độc giả cùng đọc và thảo luận thêm.

Cho đến nay, chúng ta đã xóa bỏ nhiều yếu tố của nền kinh tế kế hoạch hóa trước đây, xây dựng được nền tảng cơ bản của kinh tế thị trường. Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ XII xác định, nước ta xây dựng mô hình kinh tế “Nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN” với định nghĩa “là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các qui luật của KTTT, đồng thời đảm bảo định hướng XHCN, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Đó là nền KTTT hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; đồng thời tiếp tục đưa ra phương hướng “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.

Khái niệm KTTT định hướng XHCN được Đảng Cộng sản Việt Nam sáng tạo ra và triển khai từ thập niên 1990 đến nay, tên gọi này được chính thức dùng từ Đại hội Đảng lần thứ IX (2001). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người điều hành chính phủ có trình bày nội hàm về khái niệm này tại phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII.

Các mô hình kinh tế

Thứ nhất, kinh tế thị trường, là nền kinh tế mà trong đó người mua và người bán tác động với nhau theo qui luật cung cầu, giá trị để xác định giá cả và số lượng hàng hóa, dịch vụ trên thị trường, cơ chế vận hành của nền kinh tế là tự do cạnh tranh dựa trên cơ sở cơ bản là sở hữu tư nhân.

{keywords}

Khái niệm KTTT định hướng XHCN được Đảng Cộng sản Việt Nam sáng tạo ra và triển khai từ thập niên 1990 đến nay. Ảnh: VietnamNet

Ưu điểm của KTTT: tạo cơ hội cho sự sáng tạo, cải tiến phát triển; đào thải những doanh nghiệp kém hiệu quả; môi trường kinh doanh tự do, dân chủ. Khuyết điểm: chỉ chú trọng đến những nhu cầu có khả năng thanh toán, không chú trọng các nhu cầu thiết yếu của xã hội, nhất là nhu cầu của dân nghèo; khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng; xã hội nhiều bất công do giới chủ vừa nắm giữ tư liệu sản xuất vừa có tiếng nói về pháp luật; một số biểu hiện suy đồi đạo đức do chỉ quan tâm lợi nhuận (không tuân thủ qui chuẩn, làm hàng giả, hàng kém chất lượng...).

Một khuyết tật nữa của nền KTTT là rất dễ bị khủng khoảng thừa (tình trạng hàng hóa dư thừa trên thị trường, nhưng đa số người dân thu nhập thấp không có tiền mua) do tính tự phát[1].

Dù có nhiều mặt tiến bộ, nhưng KTTT vẫn chứa đựng nhiều hạn chế khó khắc phục bởi tính tự phát, tự do nên cần phải có sự can thiệp của nhà nước nhằm đảm bảo cho thị trường vận hành ổn định, hiệu quả và bảo đảm định hướng chính trị của phát triển, tăng trưởng. Với ảnh hưởng sâu rộng của lý thuyết kinh tế học Keynes [2], trọng tâm là lượng cung hàng hóa do lượng cầu quyết định (cần tăng trưởng tiền lương) và có can thiệp của nhà nước vào thị trường, nhất là sử dụng chính sách tiền tệ thì hiện không có nước nào vận hành mô hình kinh tế theo KTTT thuần túy.

Thứ hai, nền kinh tế kế hoạch (hay còn gọi là nền kinh tế kế hoạch tập trung, hoặc nền kinh tế chỉ huy), là mô hình kinh tế trong đó nhà nước kiểm soát toàn bộ các yếu tố sản xuất và giữ quyền phân phối về thu nhập (tính xã hội).

Mô hình này đặc biệt có ưu thế trong điều kiện đất nước có chiến tranh, vì có thể huy động tối đa các nguồn lực kinh tế, có tính thống nhất cao về hệ tư tưởng, ý chí để tập trung chiến đấu, sản xuất. Tuy nhiên, những hạn chế về quan liêu, triệt tiêu sáng tạo, cạnh tranh, làm cho mô hình này không có sức sống trong thời bình. Nhiều nước XHCN trước đây áp dụng mô hình kinh tế này như Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam..., nhưng hiện chỉ còn Bắc Triều Tiên theo đuổi.

Thứ ba, nền kinh tế hỗn hợp. Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới không áp dụng nền kinh tế thị trường thuần túy hay nền kinh tế kế hoạch, thay vào đó là nền kinh tế hỗn hợp - được hiểu là có sự kết hợp giữa KTTT và kinh tế kế hoạch, bao gồm cả các yếu tố tư nhân và quốc doanh trong nền kinh tế, có cả tự do thị trường và can thiệp của nhà nước vào trong kinh tế.

Nước Mỹ theo tư duy lâu nay của đa số người Việt là một tượng đài của CNTB, hiện lại là một nền kinh tế hỗn hợp, chính phủ đưa ra những ưu đãi, hay ngăn cản, không theo một nguyên tắc nhất định[3]. Mỗi nước áp dụng các mức độ khác nhau về các tính chất thị trường tự do/can thiệp của nhà nước vào kinh tế và tính chất xã hội khi phân phối thu nhập. Tùy theo mức độ áp dụng các tính chất này, nền kinh tế hỗn hợp có thể chia thành 03 dạng:

Dạng thứ nhất, kinh tế thị trường tự do, được thực hiện ở hầu hết các nước Tây Âu và Bắc Mỹ. Mô hình này hạn chế sự can thiệp, điều tiết của nhà nước ở mức thấp, trong khi đó đề cao sự vận hành tự do của qui luật cung cầu, qui luật cạnh tranh. Sự tham gia của nhà nước vào quá trình phân bổ hệ thống phúc lợi xã hội, ngăn chặn và xử lý các thất bại của thị trường, tuy vẫn được coi trọng nhưng không nhiều như các dạng khác trong cùng nền kinh tế hỗn hợp.

Dạng thứ hai, kinh tế thị trường xã hội (tiếng Đức là Soziale Marktwirtschaft), thực hiện ở một số nước Tây-Bắc Âu, điển hình là nước Đức- quê hương của mô hình kinh tế này, là một nền kinh tế trong đó nhà nước đảm bảo tự do hoạt động kinh tế, nhưng có chính sách quản lý, điều tiết về kinh tế, cũng như về xã hội, để đạt được sự cân bằng về xã hội. Mô hình này có đặc trưng nổi bật: ngoài mục tiêu lợi nhuận, phát triển kinh tế cũng rất coi trọng các mục tiêu xã hội và phát triển con người (công bằng xã hội, phúc lợi cho người nghèo và cho người lao động, quyền tự do...).

Hai dạng kinh tế trên có khả năng chuyển hóa qua lại, khi nền kinh tế thị trường tự do tăng vai trò quản lý, điều tiết của nhà nước và chú trọng mục tiêu xã hội thì thành nền kinh tế thị trường xã hội.

Dạng thứ 3, kinh tế thị trường XHCN (Trung Quốc) hoặc định hướng XHCN (Việt Nam). Sự ra đời của mô hình này gắn với nguy cơ sụp đổ của CNXH ban đầu (tạm gọi), vốn trước đó phủ nhận vai trò của KTTT. Mô hình này cũng áp dụng các qui luật KTTT, nhưng nhà nước can thiệp mạnh hơn vào thị trường, đồng thời tác động nhiều vào tính xã hội.

Đây là mô hình mới được xác lập, chưa có hệ thống lý luận đầy đủ. Thậm chí mô hình này được đặt tên trước khi làm rõ nội hàm nên gặp không ít tranh cãi. Tuy nhiên, sự thành công về kinh tế của Trung Quốc, Việt Nam đã và đang chứng minh sức sống mãnh liệt của mô hình kinh tế này.

Với Việt Nam, mô hình này có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai đất nước khi Đảng, Nhà nước đã coi đây là 1 trong ba đột phá trong chiến lược phát triển KTXH 2011-2020 nhằm thay đổi mô hình tăng trưởng mở rộng theo chiều sâu và hội nhập quốc tế; vì vậy các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách Việt Nam càng cần nghiên cứu, vận dụng sâu sắc.

Còn nữa

Mộc Linh