“Hãy về nói với cha anh đừng dạy thêm tiếng Anh và dịch sách nữa, mà tập trung viết hồi ký. Tôi tin đó sẽ là một cuốn best-seller.”, nhà báo Hoàng Ngọc nhớ như in lời nhắn của nhà báo Dominic Faulder với cha anh - nhà giáo Hoàng Túy.

LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết của nhà báo Hoàng Ngọc về cha anh - thày giáo, dịch giả Hoàng Túy.

Mùa thu năm 1993, lúc đó tôi đang làm hướng dẫn viên báo chí của Trung tâm Báo chí Nước ngoài, Bộ Ngoại giao, do sự tình cờ, đã đưa phóng viên ảnh Dominic Faulder, con một chủ ngân hàng ở Anh nhưng đã lấy một người vợ Thái Lan và định cư ở Băng Cốc, đến gặp ông Hoàng Túy, lúc đó đã nghỉ hưu.

Sau hơn hai tiếng đồng hồ vừa ăn cơm tối, vừa nói chuyện, ngày hôm sau, trên đường ra sân bay Nội Bài về Băng Cốc, Dominic có bảo với tôi: “Hãy về nói với cha anh là đừng dạy thêm tiếng Anh và dịch sách nữa, mà tập trung vào viết hồi ký. Tôi tin rằng đó sẽ là một cuốn best-seller.”

Tôi về nói với cha, ông nghe xong chỉ cười, không nói gì. Ông vẫn tiếp tục dạy tiếng Anh và dịch sách… Đến bây giờ người viết mới hiểu tại sao ông làm thế.

Tôi xin kể lại vài mẩu chuyện trong cuộc đời ông- điều đã khiến Dominic Faulder khuyên ông nên viết hồi ký.

Trai xứ Quảng gặp trí thức Nam Bộ

{keywords}
Nhà giáo Hoàng Tuý.

Ông Hoàng Túy về Bộ Ngoại giao từ tháng Tám/1956, sau thời gian ở bộ đội, học Trung văn tại Khu học xá (Nam Ninh, Quảng Tây) và dạy văn ngay tại đó. Ông được giới thiệu đi học ở lớp bồi dưỡng tiếng Anh, cùng lớp với nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên. Sau vài buổi học, thầy Mỹ Điền nhận xét: “Trình độ của cậu không phải học nữa, làm trợ giảng được rồi.” Thế là ông bắt đầu làm phụ giảng lớp Anh văn ở Bưởi trong 3 tháng, trước khi chuyển về Phòng Quản lý Phóng viên Nước ngoài, Vụ Báo chí.

Cuối năm 1955, ông được Đại sứ Phạm Ngọc Quế khi đó chuẩn bị sang làm đại diện ngoại giao tại Miến Điện chọn là một trong những cán bộ sứ quán. Mọi việc tưởng như đã "thuận buồm xuôi gió", và ông Hoàng Tuý chỉ chờ ngày lên đường. Chính vì vậy, trong lễ đính hôn của mình, trước họ hàng nhà gái, ông Hoàng Tuý đã long trọng thông báo tin mừng đó.

Thế nhưng, ít hôm sau, lại có lệnh của Vụ Tổ chức-Cán bộ báo xuống là ông Hoàng Tuý không được đi, do có một số vấn đề lý lịch chưa rõ ràng. Vốn dân xứ Quảng, chuyện gì cũng muốn làm "ra ngô ra khoai", ông lên gặp Vụ Tổ chức - Cán bộ, và biết được rằng có một người đồng nghiệp, và cũng là đồng hương, đã báo lên vụ tổ chức rằng trong thời gian Cách mạng Tháng Tám, ông Hoàng Tuý đã tham gia một tổ chức phản cách mạng, và đã từng bị bắt giam… Đại sứ Phạm Ngọc Quế đã buộc phải tìm người thay ông Túy vì thời gian sang Miến Điện đã cận kề.

Về phần mình, ông Hoàng Tuý thấy cách giải quyết như thế hoàn toàn không ổn. Có người, không biết đùa hay thật, rằng vụ này "rất gay", và chỉ có lãnh đạo cao cấp mới giải quyết được. Và ông Hoàng Tuý nghĩ xin gặp Thứ trưởng Ung Văn Khiêm là giải pháp duy nhất… Bởi, theo ông, ông Ung Văn Khiêm vốn là trí thức Nam Bộ, chắc phóng khoáng và vị tha và chắc ông Khiêm sẽ không để ý tới sai lầm của tuổi 17 (năm 1945 ông Hoàng Tuý mới 17 tuổi). Nghĩ là làm. Ông Hoàng Túy đã xin gặp thứ trưởng Ung Văn Khiêm cho bằng được để trình bày rõ vấn đề.

Hoá ra câu chuyện không hoàn toàn như người đồng nghiệp và đồng hương của ông Hoàng Tuý báo cáo với tổ chức. Trong những ngày trước Cách mạng Tháng Tám, sau khi Nhật đảo chính Pháp, người chú ruột của ông Tuý là ông Hoàng Phê (sau này là Giáo sư Ngôn ngữ và là nhà từ điển học nổi tiếng) đã từ Sài Gòn về Hội An tổ chức ra Hội Phản Đế ở đó để chuẩn bị khởi nghĩa, hưởng ứng chung với phong trào Cách mạng đang sục sôi trên toàn quốc.

Ngay ông Phê, khi đứng ra thành lập ra tổ chức Phản Đế, cũng chỉ biết đây là một tổ chức kháng Nhật, và mưu cầu độc lập cho đất nước. Ông Hoàng Phê đã không hề biết nó có liên quan đến ông Tạ Thu Thâu, một lãnh tụ Đệ Tứ Cộng Sản, theo tư tưởng của Lev Trotski, đầu tiên là đồng chí và sau này là kẻ thù không đội trời chung của Stalin.

Là một chàng thanh niên sinh trưởng trong một gia đình yêu nước (con cháu của Tổng đốc Hoàng Diệu, và bố ông là Hoàng Dư vốn là Đốc học ở Vinh đã bị Pháp sa thải vì tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội), nên tuy chưa đầy 17 tuổi, ông Hoàng Túy đã tham gia làm giao thông liên lạc trong tổ chức của ông chú Hoàng Phê từ tháng 7/1945 đến tháng 9/1945.

Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, tháng 9/1945, đại diện của Đảng Cộng sản tại miền Trung lúc đó là Võ Chí Công đã về Hội An giải thích nguồn gốc xuất phát của hội Phản Đế và tuyên bố giải tán hội này. Ông Tuý được thả sau 2 ngày bị bắt giam ở Hội An, và đến tháng 10/1945 ông đã tham gia đội Tuyên truyền Xung phong tỉnh Quảng Nam, rồi gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong quân ngũ, ông đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam…

{keywords}

Ông Hoàng Túy (người thứ hai từ trái sang) đang cùng với lãnh đạo Nhà Xuất bản Văn học tiếp khách nước ngoài bàn về hợp tác dịch thuật.

Nghe xong câu chuyện, ông Ung Văn Khiêm đã bảo rằng hồi đó trên cả nước có nhiều tổ chức cách mạng, chủ yếu là đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước, và ai ở đâu thấy phong trào nào thì theo phong trào ấy, chứ có biết rõ nó là thế nào đâu. Ông còn cười và nói: "Lúc đó, cậu mới chưa được 17 tuổi mà, biết cái gì."

Sau khi nhắc Vụ Tổ chức - Cán bộ kiểm tra lại lý lịch lần nữa cho yên tâm, ông Ung Văn Khiêm đã chỉ đạo họ rằng không có lý do gì để ngăn cản ông Hoàng Tuý đi công tác tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Đến tháng 11/1956, ông Tuý được phân công sang làm phiên dịch tiếng Anh ở Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Indonesia…

Chọn tiếng Anh vì đó là thứ tiếng quốc tế

Trước khi sang Indonesia, ông Hoàng Túy được Vụ Báo chí cử sang làm trợ lý báo chí và phiên dịch tiếng Pháp cho phân xã trưởng chi nhánh Hà Nội của Hãng Thông tấn CHDC Đức AND. Khi ông Hoàng Túy nói với phân xã trưởng xin nghỉ việc để đi Indonesia, ông phân xã trưởng giật mình nói: “Tôi không hiểu anh suy nghĩ gì khi từ bỏ một chỗ tốt như ở đây, công việc rất tốt, lương rất cao (gấp nhiều lần lương của cán bộ ngoại giao, thậm chí cả ở nước ngoài).” Nhưng khi ông Hoàng Túy nói ông đi vì muốn chọn tiếng Anh để phát triển, và tiếng Anh là thứ tiếng quốc tế phổ biến nhất, ông Phân xã trưởng đành gật đầu đồng ý.

Làm phiên dịch ở Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Jakarta, ông Hoàng Túy có nhiều cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài để nâng cao trình độ tiếng Anh tự học của mình. Nhất là chuyến thăm Indonesia của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 2/1959.

Đi theo Hồ Chủ Tịch ông Hoàng Túy đã học được rất nhiều từ cách ứng nhân xử thế đối với Việt Kiều, báo chí, và học giả nước ngoài, đến nguyên thủ quốc gia. Ông Hoàng Túy nuôi mơ ước trở thành một nhà ngoại giao giỏi. Trở về Bộ Ngoại giao, ông được phân về Phòng Ấn Độ, Vụ Á châu.

Bất đắc dĩ trở thành thầy giáo, nhưng lại rất yêu nghề

Rất tiếc, sau đó cuối năm 1962, Bộ trưởng Ung Văn Khiêm đã chuẩn bị rời khỏi Bộ Ngoại giao để sang Bộ Nội vụ. Ngay sau đó Vụ trưởng vụ Tổ chức Cán bộ đã cho gọi ông Túy lên và nói: “Từ giờ trở đi anh sẽ không được ra nước ngoài nữa.”  

Ông Hoàng Túy rời trường Ngoại giao và trở thành một giáo viên tiếng Anh giỏi, tận tâm và bản lĩnh, được nhiều thế hệ họ trò thán phục và yêu quí.Học trò của ông sau này có người đã trở thành thứ trưởng, còn đa số trở thành các đại sứ hoặc lãnh đạo cấp vụ. Không trở thành nhà ngoại giao, ông đã góp phần đào tạo ra nhiều nhà ngoại giao giỏi.

“Học trò anh có thể thay anh rồi đó”

Năm 1975, đất nước thống nhất. Chính phủ Úc, vốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam vào 1973, đã cấp các học bổng cho người Việt Nam sang Úc học, và Trường Ngoại giao cũng được một số học bổng. Trong hai năm 1975-1976, năm nào ông Hoàng Túy cũng có trong danh sách xét tuyển, nhưng đều bị loại ở phút chót với lý do ưu tiên cho người ngoài Đảng hoặc ưu tiên cho người trẻ.

Một hôm, Thứ trưởng phụ trách tổ chức cán bộ, xuống thăm trường, tình cờ thấy ông Hoàng Túy đi ngang qua, ông ấy nói: “Học trò anh có thể thay anh rồi đó”.

Cảm thấy bị sỉ nhục, nhân có Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện mời sang Nhà Xuất bản Ngoại văn, ông Túy đã đi luôn. Trước khi ông đi khỏi Trường Ngoại giao, Cựu Đại sứ Đan Mạch, Philippines và Ấn Độ Vũ Quang Diệm, lúc đó là giảng viên ở trường, đã nói: “Phấn đấu bằng một phần của anh còn khó, nói gì đến chuyện thay thế”.

Cựu Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Nguyễn Thành Châu, học trò cũ và đồng nghiệp của ông, vẫn nhớ mãi bài thơ của ông, khi đi qua con đường Láng ngày xưa bụi mù và lắm ổ gà: “Có những con đường ta vẫn đi/ Đi qua đi lại rất nhiều khi/ Mỗi lần qua lại ta đều chửi/ Chửi mãi, chán rồi, lại vẫn đi…

(Còn nữa)

Huỳnh Phan