Nếu Tổng thống Mỹ Barack Obama tìm cách đưa nước Mỹ vào một kỷ nguyên hậu sắc tộc, dường như Tổng thống đắc cử Donald Trump đang mở cánh cửa tới kỷ nguyên hậu tư tưởng.

Trên thực tế, gần như không thể nhận ra một tư tưởng rõ ràng thông qua các động thái ban đầu của Tổng thống đắc cử. Có thể sẽ sai khi cố làm điều đó, vì các định nghĩa về cánh tả và cánh hữu, tự do và bảo thủ, đang trở nên hỗn độn trước mắt chúng ta.

Một số động thái của ông Trump đến nay mang dấu vết của hình ảnh tranh cử dân túy. Nhiều động thái khác thì giống với của người bảo thủ truyền thống. Một số người trong chính quyền mới của ông có thể được chọn theo tiêu chí một người Cộng hòa tiêu chuẩn, một số lại có thể như là được chọn bởi một Tổng thống đắc cử của phe Dân chủ.

Bức tranh mới nhất cho thấy chỉ có hai dự báo an toàn về nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. Thứ nhất là sẽ có một cuộc tranh giành liên tục giữa một Donald Trump dân túy, người đấu tranh chống lại thế giới tập đoàn và yêu thích các thị trường tự do hơn tất thảy, và một Donald Trump Cộng hòa truyền thống hơn, phù hợp với các giới lãnh đạo của chính thế giới tập đoàn yêu thị trường tự do đó.

{keywords}

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump (phải) chọn Thượng nghị sĩ Jeff Sessions (trái) làm Bộ trưởng Tư pháp trong nội các mới. Ảnh: Reuters

Dự báo an toàn thứ hai là không có dự báo nào là an toàn cả. Tại một cuộc hội thảo hậu bầu cử ở Đại học Harvard tuần trước, người khảo sát ý kiến tranh cử của ông Trump, Tony Fabrizio, cho biết tổng thống đắc cử không thể được nhìn nhận thông qua “các lăng kính tư tưởng” truyền thống, ông thuộc về kỷ nguyên “hậu tư tưởng, hành động của ông vượt quá tư tưởng về mọi mặt”.

Điều này cũng cho thấy tại sao cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 gây bất ngờ về số cử tri ủng hộ ông. Ông Trump chiến thắng với sự ủng hộ của cử tri da trắng cổ cồn, những người từng là “sân sau” của đảng Dân chủ, và không có sự ủng hộ của nhiều người trong thế giới doanh nhân vốn luôn bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa.

Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton đã giành sự ủng hộ của hơn 2,5 triệu cử tri, nhưng việc bà định bắc cầu nối nhánh tự do đang lên trong đảng Dân chủ dưới sự lãnh đạo của ông Bernie Sanders với nhánh ôn hòa của chồng bà đã khiến mọi người hơi thất vọng.

Có thể thấy cả hai đảng đều đang cân nhắc lại các liên kết địa chính trị và tư tưởng của mình. Điều này đang được thể hiện trong thời gian chuyển tiếp của ông Trump.

Dễ nhất là xem khía cạnh dân túy của Tổng thống đắc cử trong việc ông lựa chọn Stephen Bannon – một nhân vật rất cá tính– tiếp tục phục vụ mình trong vai trò Cố vấn Cấp cao. Một số quyết định bổ nhiệm khác là những gương mặt được biết đến vì thách thức truyền thống hơn là tuân thủ nó. Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương (CIA) tương lai Mike Pompeo, người của đảng Cộng hòa, là người có nền tảng không mấy hứa hẹn của đảng Trà. Thưọng nghị sĩ Jeff Sessions, được chỉ định làm Bộ trưởng Tư pháp, là một thành viên của câu lạc bộ người trong cuộc của Thượng viện Mỹ, nhưng về các vấn đề như nhập cư, ông lại là một người kích động bên ngoài hơn. Tướng về hưu Michael Flynn, người sẽ trở thành Cố vấn An ninh quốc gia, đã hòa vào xu hướng tình báo chủ đạo khi bày tỏ thẳng thắn quan điểm của mình về đạo Hồi.

Các bổ nhiệm khác hoàn toàn thuộc xu hướng chính thống, thậm chí mang tính lưỡng đảng. Bộ trưởng Ngân khố tương lai Steven Mnuchin lộ rõ nền tảng Wall Street mà các tổng thống thuộc hai đảng đều có truyền thống ủng hộ, và ông có một lịch sử dài giúp người Dân chủ hơn là người Cộng hòa. Thống đốc bang Nam Carlina Nikki Haley, được chỉ định làm Đại sứ Mỹ tại LHQ, và ông Reince Priebus, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Nhà Trắng, là người có thể phù hợp với chính quyền của bất cứ người Cộng hòa chính thống nào mà ông Trump đã đánh bại.

Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence và Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Con người tương lai Tom Price là những người bảo thủ truyền thống về tư tưởng, luôn lo lắng cho quyền lực của chính phủ, nhưng Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross đã tỏ ra biết cách để tận dụng lợi thế sức mạnh của chính phủ để bảo vệ các ngành công nghiệp mà ông phụ trách.

Cũng rất khó để tìm ra một hệ tư tưởng rõ ràng trong các động thái chính sách đầu tiên.

Về mặt chính sách đối ngoại, một số học giả an ninh quốc gia bảo thủ vui mừng vì ông Trump quyết định gọi điện cho người đứng đầu chính quyền Đài Loan (Trung Quốc), bằng cách này ông đã phá vỡ tiền lệ nhiều thập kỷ trong quan hệ Bắc Kinh - Washington. Suốt 37 năm qua, từ khi Mỹ công nhận chính sách "một nước Trung Quốc", chưa từng có một Tổng thống đương nhiệm hay Tổng thống đắc cử nào của Mỹ trao đổi với người lãnh đạo Đài Loan. Sự thay đổi này có nguy cơ khiến Trung Quốc tức giận. Nhưng cũng chính các học giả bảo thủ trên lại thấy kinh ngạc trước khả năng một quan hệ thân thiện của ông Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Không có điều nào trên đây là theo truyền thống từ trước tới nay nhưng đối với ông Trump, đó có thể là điều quan trọng. Nếu có một tư tưởng Trump có thể nhận diện, đơn giản nó có thể nhằm thể hiện sức mạnh, dù trong việc tấn công vào một ban chấp hành tập đoàn hay chính phủ Trung Quốc. Nó không giúp thế giới Trump dễ đoán định, nhưng dường như Tổng thống đắc cử thích như vậy.

Thảo Linh