"Với Mỹ, chúng ta sẵn sàng “gác” quá khứ, để hợp tác, nhìn về tương lai, thì không lý do gì, người cùng một dân tộc, cùng một tổ quốc, mà không thể hòa hợp, đoàn kết với nhau để xây dựng tương lai cho đất nước mình" - Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình nói.

Nhân dịp kỷ niệm 41 năm ngày thống nhất đất nước, Tuần Việt Nam khởi đăng lại chuyên đề 35 năm hòa hợp để yêu thương. Mời độc giả cùng đọc lại.

* Đã xa rồi ký ức chiến tranh
*
Nuôi hận thù, cản trở hòa hợp là có tội với tương lai
*
Một ngày tháng Tư thăm nghĩa trang quân đội chế độ cũ
*
"Hòn ngọc Viễn Đông" trong hành trình tìm lại ngôi số 1

Những vết thương lòng rất sâu đòi hỏi thời gian và sự kiên trì

Thưa bà, khi lật giở lại trang sử của dân tộc, người ta thấy rằng ý tưởng về hòa hợp dân tộc đã được đề cập trong Hiệp  định Paris 1973. Là người trực tiếp tham gia đàm phán và ký kết Hiệp định này, bà có thể  nói gì về chủ trương hòa hợp dân tộc lúc  đó?

Nguyên Phó chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình: Nói về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vừa qua, mọi người đều hiểu đó là cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam từ Nam chí Bắc chống sự xâm lược của  Mỹ, để giải phóng dân tộc, giành độc lập và thống nhất đất nước.

Cũng có người cho rằng cuộc chiến tranh có yếu tố nội chiến do chính sách "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ, đã đẩy một số người Việt Nam chống lại  nhân dân của mình.

Về vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc: thực tế là từ đầu, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam đã giương cao ngọn cờ đoàn kết dân tộc nhằm tập hợp mọi người Việt Nam không phân biệt giai cấp, tôn giáo, dân tộc, cùng nhau chống xâm lược, bảo vệ độc lập và thực hiện thống nhất nước nhà.

Cuộc chiến đấu càng thắng lợi, kẻ thù càng suy yếu, cô lập là cơ hội cho nhiều lực lượng chính trị  ở miền Nam chống Mỹ, không tán thành chính quyền Thiệu... được hình thành. Có thể xem đây là quá trình phân hóa, hòa hợp....

Và năm 1972, sau 4 năm đàm phán tại hội nghị Paris, các bên đã đi đến thỏa thuận: Mỹ sẽ rút quân hoàn toàn ra khỏi miền Nam; còn vấn đề chính trị miền Nam sẽ do các bên Việt Nam giải quyết. Để thực hiện điều nầy, một Hội đồng hòa giải, hòa hợp dân tộc sẽ được thành lập để chuẩn bị cuộc Tổng tuyển cử ở miền Nam. Hội đồng hòa giải, hòa hợp dân tộc gồm 3 thành phần: chính quyền Sài Gòn, chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam và các lực lượng chính trị khác.

Chúng ta giành thắng lợi hoàn toàn ngày 30/4 với kết quả một thành phố Sài Gòn nguyên vẹn và sau giải phóng Miền Nam, không hề có "tắm máu" chính là nhờ chính sách hòa hợp dân tộc của  Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Hòa giải, hòa hợp dân tộc xuất phát từ truyền thống khoan dung, nghĩa tình của dân tộc ta từ xưa.

Bà vừa nhắc đến lực lượng thứ  ba. Trong các bài viết của giới nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam chưa đề cập nhiều đến lực lượng này. Lực lượng này có vai trò như thế nào trong cuộc chiến?

Nhiều người ngại nói đến lực lượng ba... Theo tôi lực lượng này đã có sự đóng góp nhất định vào thắng lợi của nhân dân ta. Đó là một thực tế.

Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch, là tổ chức rộng lớn được thành lập theo chủ trương của Đảng. Năm 1969, có Liên minh các lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình của Luật sư Trịnh Đình Thảo ra đời.

Đến năm 1972, nhiều cá nhân và nhóm chính trị rất đa dạng được hình thành: Có ngưới và nhóm do Mặt trận vận động tổ chức, có cá nhân, nhóm không có liên hệ với Mặt trận, nhưng hoạt động hướng theo mục tiêu đấu tranh của Mặt trận... Đó là lực lượng ba. Bà Ngô Bá Thành, Luật sư Trần Ngọc Liểng... là một trong những lực lượng đó. Trong nhóm ông Dương Văn Minh cũng có người của lực lượng ba ..v.v..

Từ Pháp, một  số số Việt kiều do chúng ta vận động cũng đã về miền Nam, như bà Tôn Nữ Thị Ninh, anh Trần Hà Anh, chị Thái Thị Ngọc Dư...

Thưa bà, vì sao dần dần lực lượng ba ít được nhắc tới?

Khi chiến tranh chấm dứt, hòa bình được lập lại, giang sơn thu về một mối, Mặt trận xem nhiệm vụ lịch sử của mình đã hoàn thành, cùng với Mặt trận Tổ quốc ở miền Bắc, thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nước CHXHCN Việt Nam cũng từ đó ra đời. Tình hình của Liên minh và các tổ chức khác cũng như vậy.

Ngoài ra còn có một nguyên do khác là không phải ai cũng hiểu về đấu tranh bí mật. Vì không nắm được thông tin nên có những người ngại nói về nó.

Tinh thần hoà hợp hoà hợp dân tộc đã có từ trong Hiệp định Paris 1973, vậy tại sao đến lúc này chúng ta vẫn phải nói nhiều về nó?

Hai mươi năm chiến tranh là một thời gian rất dài với biết bao đau thương, tang tóc do cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo của Mỹ và đặc biệt do chính sách "Việt Nam hóa" chiến tranh thâm độc của chúng. Sự mất mát, đau khổ ở cả hai phía, trong nhiều gia đình Việt Nam. Có những vết thương lòng rất sâu nên sự hàn gắn không dễ dàng, đòi hỏi thời gian...

Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách trong vấn đề này, nhưng tôi nghĩ cần phải quan tâm và kiên trì hơn nữa.

Cuộc chiến đấu mới cần sự chung sức chung lòng của mọi con dân Việt

Khi nói về mục tiêu hòa hợp dân tộc, có  thể thấy đó là  nỗi khắc khoải của số đông người dân Việt Nam ở  trong nước và ở nước ngoài. Có người gợi ý, nên chăng những người chiến thắng - những người trong nước, nên chìa tay ra trước?

Nhiều người từng ra đi, đã trở về. Dĩ nhiên cũng còn nhiều người vẫn chưa hiểu rõ chính sách của Nhà nước, hoặc còn mặc cảm... hoặc có một số, tôi tin không nhiều, vẫn giữ một thái độ thù địch đối với chế độ, đối với đất nước.

Nếu nghĩ rằng những người "chiến thắng" phải chủ  động ra tay trước, thì thực tế Đảng, Nhà  nước và nhân dân ta đã chìa tay ra, tạo điều kiện để người Việt Nam khắp nơi có thể trở về, xây dựng quê hương.

Với  Mỹ, chúng ta sẵn sàng "gác" qua khứ, để hợp tác, nhìn về tương lai, thì không lý do gì, với người cùng một dân tộc, cùng một tổ quốc, mà không thể hòa hợp, đoàn kết với nhau để xây dựng tương lai cho đất nước mình.

Nhiều người nhận xét Nhà nước cũng đã chăm lo lợi ích vật chất một cách tương đối cho Việt kiều. Nhưng có nhiều trí thức ngòai nước nói rằng lợi ích vật chất cũng quan trọng đấy nhưng điều mà họ cần hơn là môi trường để cống hiến, được trọng dụng. Liệu chúng ta có thể đột phá như Trung Quốc mời Hoa kiều về nước tham gia vào bộ máy nhà nước hay không?

Thực ra, chúng ta có những Việt kiều, trong đó có trí thức về nước và tham gia vào các cơ quan của nhà nước như Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân- Việt kiều Pháp,  Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Tiến sĩ Bùi Kiến Thành. Ở các trường đại học có không ít giáo sư Việt kiều tham gia giảng dạy.

Nhưng theo tôi, Nhà nước phải làm nhiều hơn nữa để thu hút người tài, vì công cuộc xây dựng đất nước của chúng ta đang rất cần họ. Việc phát huy và ứng xử tốt đối với trí thức trong nước, cũng sẽ có tác dụng thu hút trí thức ngoài nước nhiều hơn.

Như bà đã nói, trong chiến tranh, chúng ta đã tập hợp được nhiều thành phần rộng rãi dựa trên nền tảng chung là lòng yêu nước, vì mục tiêu chung là độc lập dân tộc. Vậy thì bây giờ làm thế nào chúng ta tập hợp rộng rãi được những con người, có thể khác biệt về quan điểm, chính kiến, nhưng có chung cái tâm muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước?

Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cũng có mục tiêu chung đấy thôi. Chúng ta đã giành được độc lập nhưng đất nước còn nghèo, còn thua kém nhiều nước xung quanh. Về mặt dân tộc, họ không có gì nổi trội hơn dân tộc Việt Nam cả nhưng họ lại hơn chúng ta về trình độ phát triển kinh tế - xã hội.

Bởi vậy, phải làm thế nào để xây dựng và phát triển một nước Việt Nam phồn vinh và vững mạnh, một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Trước mắt là tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Đó là mục tiêu mà với mọi người Việt Nam yêu nước ai cũng thấy day dứt.

Đây là cuộc đấu tranh với những mục tiêu rất to lớn, nhưng cũng đầy khó khăn, thử thách đối với nhân dân ta. Bác Hồ đã nói: Độc lập, tự do mà người dân chưa được ấm no, hạnh phúc thì độc lập, tự do chưa có ý nghĩa.

Vì vậy, trong cuộc chiến đấu mới của nhân dân ta để phát triển đất nước, cần sự đóng góp tích cực của mọi người Việt Nam, trong nước và ngoài nước, không phân biệt quan điểm, chính kiến.

Tôi nghĩ cần làm cho tất cả người Việt Nam hiểu được điều đó: mọi người đều có nghĩa vụ, và mọi người đều có quyền lợi trong Tổ quốc của mình. Đồng thời Đảng và Nhà nước cần có thêm chính sách, để tạo thêm điều kiện cần thiết, đặc biệt có những chương trình hoạt động cụ thể để thu hút sự tham gia của bà con Việt kiều trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, trong kinh doanh...

Cám ơn bà đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam.

Thu Hà thực hiện.

* Đã xa rồi ký ức chiến tranh
*
Nuôi hận thù, cản trở hòa hợp là có tội với tương lai
*
Một ngày tháng Tư thăm nghĩa trang quân đội chế độ cũ
*
"Hòn ngọc Viễn Đông" trong hành trình tìm lại ngôi số 1