'Đang xảy ra sự chuyển dịch từ một thế giới với khu vực tài chính đầy sáng tạo, song cũng quá lớn và quá "tinh quái" để giám sát, sang một thế giới cân bằng hơn'

LTS:
Tuần tới, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13 sẽ khai mạc. Một trong các vấn đề sẽ được bàn trong chương trình nghị sự là việc thực hiện các kế hoạch kinh tế giai đoạn 5 năm (2010 - 2015).

2013 là năm "bản lề" trong kế hoạch chung, cũng là thời điểm tròn 5 năm Việt Nam chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Cùng TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận lại tác động của cuộc khủng hoảng nói trên tới sức khỏe nền kinh tế Việt Nam để tìm ra những giải pháp cho giai đoạn sắp tới.

Dư âm nặng nề

- Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra năm 2008, tổng kết lại đến nay, theo ông, có ảnh hưởng như thế nào đối với kinh tế thế giới nói chung trong giai đoạn hiện nay?

TS Võ Trí Thành: Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nay vẫn hiện hữu; bất định gia tăng, rủi ro còn lớn, và quá trình hồi phục thì khó khăn hơn người ta kỳ vọng rất nhiều.

Chẳng hạn về phục hồi kinh tế, các cuộc chữa cháy "vấn đề thanh khoản" cùng các gói kích cầu của Nhà nước (bù đắp cho sự hụt hẫng tiêu dùng và đầu tư tư nhân) của nhiều quốc gia giúp kinh tế thế giới năm 2010 xem ra có sự hồi phục khá rõ nét.

Nhưng từ 2011 đến nay, quá trình phục hồi đầy khó khăn, và người ta cảm nhận rõ dư âm của khủng hoảng còn rất dai dẳng, nặng nề. Những dự báo mới nhất của IMF, World Bank, và của nhiều tổ chức tài chính lớn khác, cho thấy từ nay tới 2016 kinh tế thế giới sẽ đi lên dần dần, nhưng chậm, thậm chí có thể rất chậm.

Lý do?

Bởi vì vẫn còn đó những vấn đề nội tại của nước Mỹ, nơi khủng hoảng bắt đầu, mặc dù đã có những dấu hiệu tích cực hơn, tỷ lệ thất nghiệp giảm, kinh tế ấm lên; nhưng câu chuyện về ngân sách, về trần nợ công vẫn còn đấy.

Chính vì vậy, chuyện dừng, hay không dừng chính sách nới lỏng định lượng, cụ thể là chương trình QE3 vẫn còn đầy tranh cãi. Cách "bơm tiền này" không thể kéo dài mãi; cách mà ta chắc sẽ thấy là việc giảm dần dần để tránh cú sốc cho thị trường toàn cầu.

Thứ nữa, với Châu Âu, tình hình có vẻ khá hơn đôi chút so với mấy năm qua, kinh tế ít nhiều bớt ì ạch hơn, nhưng họ không dễ có thể nhanh chóng vượt qua cuộc khủng hoảng với ngổn ngang vấn đề nợ công và tài chính khu vực.

Theo dự báo gần đây, mức tăng trưởng kinh tế tòan cầu 2016 khó có thể đạt được mức của 2010. Hơn nữa, rủi ro lại đã chuyển dịch sang các nước mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ trong vòng một năm trở lại đây, hay Indonesia trong vài tháng trở lại đây.

Chẳng hạn, với Trung Quốc vốn được coi là điểm sáng để kéo đoàn tàu kinh tế thế giới đi lên trong giai đoạn khó khăn thì tăng trưởng cũng đã và sẽ chậm lại, và xung lực kéo trở nên kém đi.

{keywords}
Ông Võ Trí Thành. Ảnh: Huỳnh Phan

Đó là bức tranh ngắn hạn về kinh tế toàn cầu. Nhìn nhận tổng thể hơn, những rủi ro cơ bản mà kinh tế toàn cầu phải đối mặt vẫn còn nguyên.

Thứ nhất là hệ thống tài chính toàn cầu vẫn rất yếu. Cái yếu đó lại gắn chu chuyển vốn nhanh hơn, thị trường tài chính tinh xảo, "tinh quái" hơn, song vẫn rất khó đưa vào các chuẩn mực quản trị mới tốt hơn, trong khi hệ thống giám sát tài chính toàn cầu, và ngay trong từng quốc gia vẫn còn khập khiễng, thiếu hiệu lực.

Chẳng hạn chỉ nội một tuyên bố sẽ dừng hay không dừng chương trình QE3 của Mỹ đã có thể làm cho thị trường tài chính rung lắc, và ảnh hưởng mạnh tới những nước như Indonesia, hay Ấn Độ, vốn những năm vừa qua có đà tăng trưởng khá nhanh, và được xem có nền tảng kinh tế vĩ mô tốt.

Rủi ro thứ hai là các cú sốc về giá các hàng hoá cơ bản, như nông sản, vàng, hay dầu mỏ vẫn rình rập. Cái rủi ro này, bên cạnh biến động của thị trường tài chính và cách "gắn bó" khác nhau giữa các nước về vàng, hay nông sản, có thể còn có lý do biến động khí hậu, thời tiết, hay xung đột địa - chính trị.

Và chắc chắn những rủi ro ấy có tác động đáng kể vào các nước mới nổi và đang phát triển trong một thế giới mà mức độ hội nhập và tốc độ chu chuyển hàng hoá, dịch vụ và vốn, đang gia tăng.

Tuy nhiên, trong "nguy có cơ, trong rủi có may", trong bối cảnh đó, đã thấy rõ những yếu tố tích cực có tính xu thế. Có thể chúng ta chưa nắm bắt đầy đủ ngay, cũng có thể xu thế đó chưa tác động thật mạnh mẽ đến suy tính hiện thời do phải vật lộn với khó khăn trước mắt, và thậm chí trong vòng một vài năm tới; nhưng đó là những điểm tích cực, căn cơ và căn bản.

Nó đòi hỏi mỗi nước, kể cả Việt Nam, phải chuẩn bị cho sự chuyển dịch căn bản ấy. Với kinh tế toàn cầu, và cả với Việt Nam là phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, phải cải cách. Phải "tư duy lại, thiết kế lại, và xây dựng lại" như câu tuyên ngôn của Diễn đàn Davos cách đây 2 năm.

Nhiều chông gai

Vậy những chuyển dịch ấy là gì?

Đầu tiên là thế giới đang muốn chuyển dịch từ một thế giới mà khu vực tài chính đầy sáng tạo, song cũng quá lớn và quá "tinh quái" để giám sát, sang một thế giới cân bằng hơn, giữa thế giới tài chính và thế giới thực, thế giới sản xuất - kinh doanh tạo ra giá trị gia tăng. Người ta muốn tăng cường minh bạch, qui chuẩn, và khả năng giám sát để hệ thống tài chính làm tròn đúng chức năng trung gian "truyền thống" của nó là chuyển vốn từ chỗ có tiền, có tiết kiệm sang đầu tư tạo ra giá trị gia tăng trong nền kinh tế thực.

Cái thứ hai là sự dịch chuyển từ một nền kinh tế thế giới nói chung mang tính bóc lột và tận khai tài nguyên, sang một nền kinh tế thân thiện với môi trường và xanh hơn.

Cái thứ ba là nền kinh tế thế giới sẽ chuyển từ sự quá hăng say tăng trưởng đơn thuần, thiếu giá trị nhân văn, khi khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, sang gắn với quá trình tăng trưởng, quá trình phát triển có tính bao trùm (mọi người đều được hưởng lợi từ tăng trưởng và phát triển, xét cả dưới góc độ tiếp cận cơ hội và phân phối phúc lợi).

{keywords}

"Thế giới đang muốn chuyển dịch từ một thế giới mà khu vực tài chính đầy sáng tạo, song cũng quá lớn và quá "tinh quái" để giám sát, sang một thế giới cân bằng hơn, giữa thế giới tài chính và thế giới thực, thế giới sản xuất - kinh doanh tạo ra giá trị gia tăng" Ảnh minh họa

Nói thì ngắn, nhưng quá trình dịch chuyển đó còn nhiều chông gai. Nó động chạm đến tư duy, đến lợi ích các quốc gia, phương trình cân bằng quyền lực giữa các quốc gia, lợi ích các nhóm xã hội trong mỗi nước.

Nói cụ thể hơn, chẳng hạn, làm sao vừa giám sát, hạn chế được rủi ro tài chính, vừa vẫn tạo dư địa cho thị trường tài chính sáng tạo là không hề dễ dàng. Hay nếu coi môi trường là đầu vào cực kỳ quan trọng thì việc hạch toán thực sự đầy đủ, rõ ràng chi phí môi trường trong sản xuất, kinh doanh vẫn là vấn đề đầy tranh cãi. Tính đánh đố hay tương thích giữa các chính sách cho sự phát triển, tăng trưởng có tính bao trùm là cả câu chuyện học thuật và thực tiễn dễ đưa ra các phản ví dụ.

Dù cho như vậy, nhưng đây là những vấn đề rất nền tảng của quá trình tái cấu trúc lại nền kinh tế thế giới, của tư duy phát triển. Chính vì vậy, chúng ta cần phải chuẩn bị tích cực để đón nhận nó, bên cạnh câu chuyện vật lộn với những khó khăn, thách thức trước mắt.

Bên cạnh đó, nhìn vào khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung, và khu vực Đông Á nói riêng, mà Việt Nam nằm trong đó, cũng đã xuất hiện những xu thế mới rất quan trọng. Dù cho có khó khăn, tăng trưởng giảm; nhưng đây vẫn và sẽ là khu vực năng động nhất trên thế giới.

Vậy Việt Nam và khu vực xung quanh Việt Nam liệu phải tính tới những dịch chuyển riêng nào nữa?

Sự hội nhập khu vực sẽ rộng và sâu hơn rất nhiều. Hội nhập lần này không chỉ là câu chuyện thuế quan, tiếp cận thị trường, thu hút vốn đầu tư... mà đòi hỏi phải gắn với những cải cách bên trong ("sau đường biên giới") sâu sắc hơn rất nhiều. Nó liên quan trực tiếp, mạnh mẽ đến sự minh bạch, cạnh tranh (hài hòa) các tiêu chuẩn và chuẩn mực... Và như vậy nó tạo ra sự tương thích hơn rất nhiều giữa cải cách thể chế với quá trình hội nhập.

Bên cạnh các hiệp định thương mai tự do mà chúng ta đã tham gia, sẽ là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), RCEP (tức là ASEAN + 6), hay đối tác kinh tế toàn diện khu vực. Hay vào năm 2015 sẽ hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN, với sự dịch chuyển tự do về hàng hoá, dịch vụ, vốn, và lao động có kỹ năng, cùng việc tạo ra một cơ sở sản xuất và thị trường chung. ASEAN còn đặt ra tầm nhìn sau 2015 nữa.

Tiếp nữa là một sự dịch chuyển cơ bản về sử dụng nguồn lực và phân bổ nguồn lực trong khu vực, nhất là ở Đông Á, rất gắn với chiến lược của các nước trong khu vực là "cân đối lại tăng trưởng". Vẫn là một khu vực rất mở ra với các thị trường chủ chốt như Hoa Kỳ, EU, nhưng với nguồn vốn dồi dào của mình, nó chú trọng hơn đến nhu cầu bên trong khu vực, đặc biệt là đầu tư.

Chẳng hạn, dự trữ ngoại tệ của khu vực Đông Á (ASEAN + 3) đến nay là hơn 6500 tỷ USD, rất lớn; nhiều nước tiết kiệm đang lớn hơn đầu tư, và đang cần các dự án đầu tư khả thi.

Điểm này lại gắn với chương trình kết nối (hạ tầng, thể chế, con người) của khu vực. Nếu 2010, ASEAN đã thông qua chương trình kết nối của khối này, thì sắp tới nó sẽ mở rộng thành ASEAN +3. Ngay cả APEC năm nay cũng đặt vấn đề về kết nối dựa trên mẫu hình kết nối ASEAN. Người ta đang chờ đợi tuyên bố của lãnh đạo APEC về chương trình nhiều năm này.

Tóm lại, sử dụng hợp lý nguồn lực dồi dào, kết hợp với hội nhập sâu rộng, tăng cường hiệu quả mạng sản xuất khu vực, gắn kết với chiến lược "cân đối lại tăng trưởng" là vấn đề mấu chốt của kinh tế khu vực.

Kỳ 2: Một cơ hội chưa từng có cho Việt Nam

Huỳnh Phan (Thực hiện)

>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam 

Bài cùng tác giả:

Hàn Quốc đã thành công, ta vẫn loay hoay

"Cùng một xuất phát điểm mà Hàn Quốc đã thành công. Còn ta, trong cùng một khoảng thời gian đó, vẫn loay hoay giải quyết những yếu tố cơ bản của kinh tế thị trường"- PGS-TS Trần Đình Thiên.

Sau khi trả giá đắt, mới nhớ ra... bài học

"Chúng ta quên mất rằng, trong thời đại toàn cầu hoá và kinh tế tri thức, tốc độ là thuộc tính cơ bản của phát triển" - PGS-TS Trần Đình Thiên.

Các nước che đậy, Việt Nam lại... trưng ra

Việt Nam lại trưng bày "vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước" ra vị trí mặt tiền, rồi ra sức thuyết phục các nước công nhận mình là nền kinh tế thị trường.