- Như trường hợp các bé có thể xem là con chưa thành niên làm thủ tục nhận cha.

Thông tin hai bé sinh ra từ tinh trùng của người cha đã chết cách đây 04 năm không thể đăng ký khai sinh theo họ cha từ những người đứng đầu các cơ quan quản lý chuyên ngành cũng như các chuyên gia về pháp luật, như một dòng nước lạnh dội xuống thành tựu  y học lần đầu tiên ở VN. 

Đặc biệt là "dội xuống" niềm vui khôn tả của gia đình, dòng tộc các bé, tới những ai đang  ngưỡng mộ tình yêu mà người mẹ dành cho cha các bé. 

{keywords}
Hai em bé được sinh ra từ tinh trùng người cha đã khuất. Ảnh Soha

Soi kính lúp pháp lý?

Soi dưới "kính lúp" pháp lý, đúng là chuyện sinh con theo phương pháp khoa học cũng như quy định về đăng ký và quản lý hộ tịch chưa cụ thể, rõ ràng về trường hợp sinh con theo phương pháp khoa học với người chồng đã chết quá 300 ngày (thời hạn theo khoản 2 điều 21 Nghị định 70/2001/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình) thì việc khai sinh sẽ được thực hiện như thế nào và tuân theo những quy định gì?

Cụ thể, điều 15 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch (Nghị định 158) quy định: Thủ tục đăng ký khai sinh bắt buộc phải có Giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ (trừ trường hợp cán bộ tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em). Hoặc nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì Ủy ban Nhân dân xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh, khi đó Giấy khai sinh mới bao gồm cả tên cha và mẹ. Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống.

Tuy nhiên, nên nhớ rằng, pháp luật không quy định chi tiết không có nghĩa là chưa đề cập đến, bằng cách này hay cách khác, tại chỗ này hay chỗ khác. Vấn đề là những người thực thi pháp luật có đủ, như người ta vẫn thường nói, tâm và tầm để vận dụng linh hoạt những quy định đã sẵn có vào trường hợp cụ thể hay không?

Điều 32 Nghị định 158 (đã được sửa đổi bổ sung theo Nghị định 06/2012/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực) quy định như sau:

Điều 32. Điều kiện đăng ký việc nhận cha, mẹ, con

1. Việc nhận cha, mẹ, con theo quy định tại Mục này được thực hiện, nếu bên nhận, bên được nhận là cha, mẹ, con còn sống vào thời điểm đăng ký nhận cha, mẹ, con và việc nhận cha, mẹ, con là tự nguyện và không có tranh chấp giữa những người có quyền và lợi ích liên quan đến việc nhận cha, mẹ, con.

2. Người con đã thành niên hoặc người giám hộ của người con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự cũng được làm thủ tục nhận cha, mẹ theo quy định tại Mục này, trong trường hợp cha, mẹ đã chết; nếu việc nhận cha, mẹ là tự nguyện và không có tranh chấp giữa những người có quyền và lợi ích liên quan đến việc nhận cha, mẹ.”

Rất rõ ràng, Khoản 02 Điều 32 nêu trên cho phép con được nhận cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ đã chết.

Do đó, trường hợp các bé có thể xem là con chưa thành niên làm thủ tục nhận cha. Và thay vì ngày hôm trước đăng ký khai sinh, ngày hôm sau đăng ký nhận cha, có thể kết hợp giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh với việc nhận cha cho các bé tại cùng một thời điểm. Tương tự như trường hợp nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì Ủy ban Nhân dân xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh quy định tại điều 15 Nghị định 158.

Quyền của mỗi trẻ em

Mục đích của việc đăng ký khai sinh là gì? Là xác nhận dưới góc độ pháp lý một người đã tồn tại  với các thông tin liên quan về huyết thống, và là cơ sở để xác định các quyền nhân thân và quyền tài sản. Khi các thông tin về đăng ký khai sinh sai lệch người ta có thể điều chỉnh lại (như xác định lại cha, mẹ…). Vậy tại sao, một sự việc bao gồm các thông tin đúng (có chứng cứ chứng minh), lại không thể đăng ký?

Được đăng ký khai sinh với đầy đủ thông tin về cha mẹ là quyền của mỗi trẻ em, cũng như Nghị định 158 quy định việc đăng ký và quản lý hộ tịch là cơ sở “bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và gia đình”.

Đăng ký khai sinh cho các bé với tư cách một người mẹ độc thân là việc quá dễ dàng và đương nhiên, chờ các cơ quan chức năng hoàn chỉnh quy định của pháp luật để điều chỉnh Giấy khai sinh cũng là việc không phải bàn cãi, nhưng ý nghĩa sâu sắc của việc người mẹ ấy sinh con liệu có bị ảnh hưởng, dù chỉ là trên giấy tờ?

Lâu nay, thủ tục hành chính vẫn thường bị người dân định nghĩa: Hành nhau là chính. Nên vẫn biết, việc thực hiện đúng các quy định của pháp luật đôi khi đã là một hành trình gian nan chứ đừng nói đến linh hoạt. Nhưng biết đâu, lần này, cảm động trước tình yêu lớn lao, người ta có thể làm vài việc nên làm. Bởi đăng ký khai sinh cho các bé với đầy đủ tên cha mẹ là việc làm cần thiết, thể hiện sự ủng hộ và là động lực để người mẹ ấy tiếp tục nuôi dạy các bé trưởng thành. Đó không những là một việc làm không trái với quy định của pháp luật mà còn đầy tính nhân văn.

  • Nga Lê
Tác giả là một Luật sư, cây bút tự do, làm việc tại Hà Nội.