Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản TQ lần thứ 19 đã bế mạc, và nhiều câu hỏi đang được đặt ra về một “kỷ nguyên” Tập Cận Bình.

Chủ tịch Tập Cận Bình chính thức trở thành nhà lãnh đạo TQ quyền lực nhất kể từ sau kỷ nguyên của Đặng Tiểu Bình, là một điểm vốn không ai nghi ngờ. Tuy nhiên sự nổi lên của ông Tập đặt ra thêm nhiều câu hỏi cho giới phân tích, về cả sự vận động của chính trị nội bộ TQ, cũng như những tác động về mặt ngắn hạn và dài hạn tới tình hình khu vực và thế giới.

Thường vụ mới: kiểm soát, cân bằng và thoả hiệp

Sự xuất hiện của năm gương mặt mới trong tổng cộng bảy thành viên của Thường vụ Bộ Chính trị TQ không nằm ngoài dự đoán của nhiều người, vì hầu hết các thành viên Thường vụ cũ (trừ ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường) đều đã tới tuổi nghỉ hưu.

Tuy nhiên, việc Vương Kỳ Sơn, người đứng đầu Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật đầy quyền lực và là cánh thay phải của ông Tập trong chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi, săn cáo”, quyết định nghỉ hưu đã gây bất ngờ cho không ít nhà phân tích. Trong trường hợp Vương Kỳ Sơn tại vị, chắc chắn uy thế của ông Tập cũng như quy mô và mức độ của chiến dịch chống tham nhũng sẽ vẫn được nâng cao hơn.

Các nhà quan sát cho rằng việc ông Vương quyết định rời Bộ Chính trị cho thấy ông Tập vẫn tôn trọng quy tắc “bất thành văn” liên quan tới độ tuổi nghỉ hưu. Bên cạnh đó, bản thân Vương Kỳ Sơn cũng không muốn biến thế lực của mình trở nên quá lớn và gây cản trở quá trình tập trung quyền lực của ông Tập Cận Bình.

Người thay thế ông Vương là Triệu Lạc Tế. Là uỷ viên Thường vụ trẻ nhất trong số bảy thành viên, ông Triệu từng giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương và là một trong những cánh tay đắc lực của ông Tập gắn chặt với chiến dịch chống tham nhũng.

{keywords}
Tương lai chính trị TQ ra sao sau ĐH 19 ĐCS Trung Quốc? Ảnh: Xinhua

Nhân vật số ba của Thường vụ, Lật Chiến Thư, là một trường hợp nằm trong dự tính. Tên của ông xuất hiện trong hầu hết các bản danh sách dự đoán từ trước khi Đại hội 19 Đảng Cộng sản TQ (Đại hội 19) diễn ra. Là đương im Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, ông Lật là cánh tay phải của Tập Cận Bình trong nhiều vấn đề quan trọng từ ngoại giao cho tới cải cách tư pháp. Lật Chiến Thư được dự đoán sẽ là người đứng đầu Nhân Đại (hay Quốc hội TQ).

Trường hợp của Hàn Chính và Uông Dương được xem là ví dụ cho thấy ông Tập đã phải thoả hiệp với các phe phái khác nhau nhằm đảm bảo sự cân bằng trong cơ cấu quyền lực mới. Hàn Chính, một nhà kỹ trị đi lên từ Đoàn Phái và là cựu Bí thư Thượng Hải (vốn là trung tâm quyền lực của ông Giang Trạch Dân), được sắp xếp vào Thường vụ như là một truyền thống có từ thời Đặng Tiểu Bình.

Hàn Chính được dự đoán sẽ là người đứng đầu Chính Hiệp. Uông Dương, nổi tiếng với “mô hình Quảng Đông” và là một nhà cải cách kinh tế, có thể được bố trí làm Phó thủ tướng thường trực. Tư tưởng tự do của ông sẽ giúp ông Tập tăng cường hình ảnh của chính phủ trong mắt công chúng, cũng như giúp ông Tập triển khai một số chính sách cải cách kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội quan trọng khác.

Một số bất ngờ cho giới phân tích trong việc bổ nhiệm nhân sự đó là trường hợp của Vương Hỗ Ninh, Hồ Tôn Hoa và Trần Mẫn Nhĩ. Hoàn toàn là một học giả, Vương Hỗ Ninh mặc dù không có nhiều kinh nghiệm quản lý nhưng vẫn nằm trong Bộ Chính trị khoá 18 gồm 25 thành viên và được đánh giá là chuyên gia hàng đầu TQ về lý luận và thực tiễn chính trị tại TQ hiện nay.

Là Trưởng ban Nghiên cứu chính sách Trung ương, Vương Hỗ Ninh đã để lại dấu ấn trong tất cả các nền tảng lý luận lớn của ba nhà lãnh đạo hàng đầu TQ gần đây. Một nhà tư tưởng và là một người có tính cách hướng nội, ít nói, Vương sẽ là nhân vật có thể hỗ trợ ông Tập Cận Bình trong việc tạo ra các nền tảng ý thức hệ cho các chương trình cải cách lớn của ông Tập, mà đặc biệt là các mô hình quản trị nhà nước kiểu mới cũng như định hình các bước đi cụ thể hơn cho “giấc mơ Trung Hoa”.

Hồ Tôn Hoa và Trần Mẫn Nhĩ trước Đại hội 19 vốn được đánh giá là có thể được bầu vào Thường vụ. Thậm chí có người cho rằng Trần Mẫn Nhĩ sẽ là người thay thế Chủ tịch Tập vào năm 2022. Tuy nhiên, kết quả lại cho thấy cả hai chỉ được bầu vào Bộ Chính trị chứ không được vào Thường vụ. Điều này đã thể hiện những toan tính và thoả hiệp giữa ông Tập và các phe phái khác trong Đảng: Trần Mẫn Nhĩ không nên thăng tiến quá cao và quá nhanh, đổi lại Hồ Tôn Hoa cũng sẽ không cần thiết phải bước chân vào Thường vụ nữa (Hồ Tôn Hoa được cho là thuộc Đoàn Phái và là thân tín của ông Hồ Cẩm Đào).

Tương lai chính trị TQ

Việc đưa “tư tưởng” của ông Tập Cận Bình vào trong điều lệ Đảng, ngang hàng với Mao Trạch Đông cho thấy một kỷ nguyên mới trong nền chính trị TQ đã chính thức bắt đầu. Một kỷ nguyên mà các nhà phân tích đánh giá là có khả năng có các đặc điểm tương tự như thời Mao: những ai chống đối lại lãnh đạo tối cao hoặc là sẽ phải rời khỏi chức vụ, hoặc là phải nghỉ hưu, hoặc là phải đối mặt với quá trình “thanh lọc” đầy khắc nghiệt; Đảng đưa ra một tư tưởng làm kim chỉ nam thống nhất mọi hành động và định hướng cho tương lai; và TQ bắt đầu thực hiện một “nhiệm vụ” lịch sử mà mọi người dân cần phải “trước sau như một” hoàn thành nhiệm vụ đó.

Kể từ năm 2012, “đả hổ, diệt ruồi, săn cáo” được cho là đã hạ bệ hơn 1,4 triệu quan chức tham nhũng, trong đó có khoảng 250 người là quan chức cấp cao. Rõ ràng là chiến dịch này đã giúp ông Tập đạt được hai mục tiêu căn bản. Thứ nhất là đảm bảo phần nào được tính chính danh của Đảng thông qua “pháp trị”, và thứ hai chính là thanh lọc những thành phần cản trở quá trình tập trung quyền lực của ông Tập.

Hai phó chủ tịch Quân uỷ Trung ương đầy quyền lực bị hạ bệ, cùng với đó là Chu Dũng Khang, một cựu uỷ viên Thường vụ. Trước Đại hội 19 vài tháng, Tôn Chính Tài khi đó là Bí thư Trùng Khánh cũng đã bị bắt vì tham nhũng.

Ông Tập cũng đã nêu ra trong bài phát biểu dài ba tiếng rưỡi về những quan điểm mới của ông liên quan đến quản trị quốc gia, về chính sách đối ngoại, về xây dựng Đảng, đảm bảo công bằng xã hội, về phát triển kinh tế, và tất cả làm nền tảng đề xây dựng nên cái gọi là “tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc TQ trong kỷ nguyên mới”.

Thậm chí ông còn cho rằng tư tưởng này có thể phù hợp để các quốc gia khác học tập, trong trường hợp họ muốn tìm kiếm một sự phát triển kinh tế độc lập mà không muốn bị can thiệp bởi các thể chế tư bản công nghiệp quốc tế.

Cuối cùng, ông Tập cùng các cộng sự đặt ra một mục tiêu dài hạn 30 năm cho toàn bộ đất nước TQ, một “nhiệm vụ lịch sử”. Trong nước, mục tiêu là giải quyết sự mất cân bằng giữa phát triển và nhu cầu vật chất của người dân. Quan trọng hơn, kỷ nguyên của ông Tập sẽ xây dựng TQ trở thành một “cường quốc xã hội chủ nghĩa” hùng mạnh và đạt được “giấc mơ Trung Hoa”, biến TQ trở thành siêu cường thế giới.

Một số nhà phân tích đang phỏng đoán ông Tập sẽ tiếp tục nắm quyền thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa, trong bối cảnh người ta không thể nhận ra được một người kế nhiệm rõ ràng trong Thường vụ mới. Hoặc giả ông Tập có thực sự chuyển giao quyền lực đi chăng nữa, thì khả năng ông sẽ nắm thực quyền đằng sau hậu trường ngay cả khi về hưu (như trường hợp của ông Đặng Tiểu Bình) vẫn là rất cao.

Một hệ thống chính trị vốn tập trung quyền lực ở mức độ cao, được định hướng bởi tư tưởng, đặt dưới sự kiểm soát của một lãnh đạo mạnh mẽ, lôi cuốn nhưng cũng đầy quyền lực, hoàn toàn có thể dẫn tới những rủi ro khó lường.

Đó là bởi, một hệ thống chính trị như thế thường không cho phép các tư tưởng đối nghịch xuất hiện (Tập Cận Bình đã chỉ trích tư tưởng phương Tây kịch liệt), có khả năng bành trướng quân sự không kiểm soát (sự trỗi dậy của nhóm các sĩ quan trẻ với quan điểm dân tộc chủ nghĩa), dập tắt và kiểm soát tư tưởng xã hội và góp phần hình thành các liên minh quốc tế đối lập nhằm chống lại sức mạnh ngày càng gia tăng của bản thân.

Kỷ nguyên mới của ông Tập Cận Bình đặt TQ trước một ngã ba đường. Liệu TQ có trở thành một đất nước tự tin và mang tính xây dựng, có khả năng giải quyết các vấn đề của bản thân và đóng góp tích cực cho thế giới, hay trở thành một TQ hung hăng?

Nguyễn Thế Phương, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV TpHCM.