Kinh tế biển là một ngành khoa học công nghệ, nhưng người ta lại lấy mô hình nông nghiệp đưa vào khai thác, gây ra nhiều khó khăn về chuyên môn, chưa nói yếu tố khác bên ngoài.

LTS-  Hội nghị lần thứ IV, Ban Chấp hành TW Đảng khóa 10 đã ban hành Nghị quyết Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia giàu mạnh từ biển. Tuy nhiên, cho đến giờ này chúng ta nhìn lại thì không ít vấn đề vẫn chưa đạt được mục tiêu mong đợi, nhưng lại xuất hiện thêm nhiều vấn đề khác tác động trực tiếp và gián tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng theo mong muốn vươn ra biển lớn của VN - đất nước có vị trí địa chính trị quan trọng trong khu vực Biển Đông.

Tuần Việt Nam tổ chức giao lưu trực tuyến với các chuyên gia: ông Ngô Lực Tải, Phó Chủ tịch Hội KHKT biển Tp HCM, tác giả cuốn ‘Kinh tế biển Việt Nam trên đường phát triển và hội nhập’; Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi, Giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; KTS Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam.

Phát triển kiểu 'bê nông nghiệp vào ngư nghiệp'

Nhà báo Hoàng Hường: Thưa ông Chu Hồi, ông có thể khái quát Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam tới năm 2020 với mục tiêu ‘Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển và là giàu từ biển’ đã thực hiện được đến đâu?

Ông Nguyễn Chu Hồi: Theo tinh thần của Chiến lược biển này, đến năm 2020 Việt Nam sẽ phấn đấu trở thành quốc gia mạnh về biển và giàu lên từ biển. Đây là mục tiêu bao trùm. Ngay từ khi hoạch định bản chiến lược cũng đã hình dung là mong muốn như vậy có thể vượt ra khỏi khung thời gian đến năm 2020, hay nói cách khác đây là mục tiêu lâu dài.

Chúng ta chưa nghĩ tới trở thành cường quốc đại dương, mà trước tiên chỉ phấn đấu trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Bên cạnh mục tiêu chung này, chiến lược cũng đề ra khá nhiều mục tiêu cụ thể đến năm 2020, thí dụ:

-          GDP đóng góp từ kinh tế biển đảo từ 53% đến 56%. Năm 2007 ban hành Nghị quyết này ta lấy con số năm 2005 kinh tế biển đồng bộ khoảng 43%-45%.

-          Xây dựng được 15 khu kinh tế ven biển, hàng hải sẽ là ngành kinh tế đứng đầu; thứ hai đến dầu khí, thứ ba đến thủy sản và thứ tư đến du lịch.

-          Mức sống của người dân ven biển tăng gấp 2,5 lần so với mức sống chung của những người dân không sống ở vùng ven biển và hải đảo.

Hoàng Hường: Thưa ông Ngô Lực Tải, như ông Chu Hồi vừa nói "chúng ta đã có 15 khu kinh tế ven biển. Mục tiêu phát triển kinh tế hàng hải còn đặt trước cả dầu khí và ngư nghiệp" hiện được thực hiện thế nào, theo quan sát của ông?

Ông Ngô Lực Tải: Mười mấy khu kinh tế ven biển của ta đến giờ hoạt động rất yếu, hầu như chưa hoạt động. Cho nên đến năm 2012, Chính phủ phải điều chỉnh lại và chỉ tập trung đầu tư cho 5 khu: Đình Vũ-Cát Hải, Nghi Sơn, Vũng Áng, Chu Lai-Dung Quất và Phú Quốc.

Ví dụ ở khu kinh tế thép Quảng Ninh, TP.HCM, các nhà máy liên quan hầu như bị bỏ bê. Kinh tế biển là một ngành khoa học công nghệ, nhưng người ta lại lấy mô hình nông nghiệp đưa vào khai thác, gây ra nhiều khó khăn về chuyên môn, chưa nói yếu tố khác bên ngoài.

Chúng ta giải tán Bộ Thủy sản để đưa Tổng cục thủy sản vào Bộ Nông nghiệp là không đúng, không có hiệu quả. Chúng ta khẳng định ta đạt kết quả, nhưng thực tế lấy mô hình của nông nghiệp đưa ra thực hành ở bãi biển hay ở những khu kinh tế biển là thất bại.

Hoàng Hường: Đâu là lý do chính khiến chúng ta chưa làm được mô hình khu kinh tế biển thực sự, thưa ông?

Ông Ngô Lực Tải: Chúng ta mở cửa học tập và hội tụ quốc tế, nhưng quan điểm của người Việt Nam chưa phải đi vào biển, chưa có thái độ đối xử đúng đắn với biển, do đó chủ trương kèm theo sau này của ta không đúng.

Hoàng Hường: Có một nhận định là chúng ta mới dừng lại ở mức làm lại mô hình khu công nghiệp đất liền đưa ra biển và gắn thêm cảng biển thôi chứ chưa phải là quy hoạch đặc thù cho kinh tế cửa biển. Ông có nhận định gì?

Ông Trần Ngọc Chính: Quy hoạch khu kinh tế biển phải dựa trên khai thác hiệu quả của cảng biển, nơi nào có điều kiện để xây dựng cảng biển thì nơi đó mới có kinh tế biển được. Sau đấy là kết nối với hệ tầng giao thông đường bộ, đường sắt; có hệ thống sân bay nữa càng tốt.

Cảng biển đóng vai trò quan trọng. Sau cảng biển là đất đai, những nhà máy liên kết và hạ tầng đô thị, vì xây dựng các khu công nghiệp phải đi liền với đô thị hóa. Do vậy, không thể lấy một dự án của một khu công nghiệp ở đất liền để đưa ra cảng biển được. Để áp nó vào, phải trên cơ sở nhìn ra biển, lấy việc khai thác khu vực cảng biển để làm nên khu công nghiệp đó, ví dụ Dung Quất.

Dung Quất là khu công nghiệp lấy tên nhà máy lọc hóa dầu đầu tiên ở Việt Nam. Trước hết muốn làm khu lọc hóa dầu ta phải có cảng, cảng để cho tàu đưa dầu vào. Khi làm được dầu phải vận chuyển qua biển, đường sắt và qua đường bộ. Sau đó Dung Quất có nhà máy lọc dầu, hóa dầu, nhà máy đóng tàu. Những nhà máy đi theo nó để sử dụng sản phẩm và liên kết thành khu công nghiệp đặc biệt ven biển.

Hiện ta có 5 khu kinh tế ta lựa chọn phát triển: Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng), Nghi Sơn (Thanh Hóa); Vũng Áng (Hà Tĩnh) rồi Chu Lai- Dung Quất của Quảng Nam – Quảng Ngãi và Phú Quốc (Kiên Giang).

5 khu kinh tế ven biển ấy rất quan trọng. Hiện nay Chu Lai - Dung Quất kết hợp với nhau khai thác rất tốt. Cảng Dung Quất có thể cho tàu lớn vào, có khu cảng dầu để đưa dầu vào. Có thể nói là mô hình thành công. Chúng ta phải bổ sung một số cơ chế chính sách thu hút đầu tư và xây dựng hạ tầng kết nối Chu Lai - Dung Quất với đường sắt, đường bộ tốt hơn nữa thì tôi tin Chu Lai - Dung Quất sẽ thực sự trở thành khu kinh tế biển tiêu biểu ở miền Trung.

Hoàng Hường: Mô hình này cần những điều kiện gì?

Ông Trần Ngọc Chính: Ngoài việc có cảng, chúng ta phải tạo được quỹ đất đủ để xây dựng những nhà máy liên kết nhau. Phải quy hoạch ngành, nghề để liên kết được những ngành như lọc dầu, đóng tàu, với những nhà máy mà tạo lên sản phẩm. Cùng đó là cơ sở đô thị, thương mại, tài chính, trường học, bệnh viện, dịch vụ… để tạo lên cuộc sống tốt nhất cho công nhân, cũng như là thu hút được đầu tư nước ngoài.

Trong đó, giao thông phải đi đầu, rồi cấp điện, cấp nước và vấn đề tối quan trọng là môi trường. Hiện tất cả các khu công nghiệp ven biển của ta đang thiếu khâu xử lý môi trường ra biển. Mọi dòng sông đều đổ ra biển, những khu công nghiệp ven sông phải tính kỹ.

{keywords}
Ông Ngô Lực Tải

Phá rừng thì thấy ngay tác hại, phá biển thì lĩnh hậu quả lâu dài

Hoàng Hường: Trong một thảo luận gần đây, các chuyên gia cũng nói ta xây nhà máy nhiệt điện than nhưng không xử lý xả thải và đổ thẳng ra sông, biển. Những vấn đề thế này tác động thế nào đến phát triển kinh tế biển và cửa biển?

Ông Nguyễn Chu Hồi: Đối với nền kinh tế nói chung, vùng ven biển và ngay trên biển nói riêng thì mức độ tuân thủ các chính sách pháp luật của Nhà nước và các công ước quốc tế về môi trường và tài nguyên của ta còn yếu.

Trong kiểm kê của UNEP và Tổng cục biển hải đảo Việt Nam năm 2010 cho thấy 30 đến 70% nguồn thải từ lục địa đưa ra gây ô nhiễm vùng cửa sông, ven biển. Đặc biệt những khu vực như TP.HCM – Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng,… càng phát triển thì vấn đề môi trường càng nghiêm trọng.

Hơn nữa, nguồn vốn tự nhiên, các giá trị toàn cầu và quốc gia có thể nói đều tập trung ở vùng ven biển và biển ven bờ. Tác động ô nhiễm không kiểm soát được rõ ràng là vấn đề. Khi ta lấy dao chặt cây rừng là tội nhìn thấy ngay, nhưng ta phá tan hoang lòng biển có ai nhìn thấy đâu ngoài các nhà khoa học.

{keywords}
Ông Nguyễn Chu Hồi (trái) và ông Trần Ngọc Chính (phải)

Hoàng Hường: Luật di sản và Luật quy hoạch quy định những vấn đề này thế nào? Việc thực hiện nó như thế nào?

Ông Trần Ngọc Chính: Luật di sản văn hóa và Luật xây dựng đã đưa ra được rất nhiều vấn đề bảo vệ tài nguyên biển. Biển VN rất đẹp, cảnh quan ấn tượng, có nhiều vịnh như Nha Trang, Vân Phong, Vũng Tàu đặc biệt là vịnh Hạ Long, kỳ quan thiên nhiên thế giới, không phải quốc gia nào cũng có biển và kỳ quan như Hạ Long.

Nhưng cách ta bảo vệ kỳ quan lâu nay có thể nói là nhức nhối. Khi nhắc đến Vịnh Hạ Long ai cũng thấy vẻ đẹp kỳ vĩ của nó, nhưng chứng kiến cách cư xử với biển và lòng biển, đặc biệt là mặt biển thì không thể chấp nhận được.

Năm 2014, tôi đi Nam Phi. Có một cảm giác rất đặc biệt khi thấy người ta đưa ra sơ đồ thế giới vẽ 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, trong đó có Vịnh Hạ Long.  Nhìn lại, chúng ta đã làm gì: quảng cáo chỉ nói ở đài báo thôi, chưa có một động thái gì đối với khu vực này.

Khi bình chọn mấy chục triệu tin nhắn, nhưng khi có rồi ta lại bỏ bê, không xây dựng hình ảnh, vấn đề môi trường thì bừa bãi.

(Còn nữa)

Tuần Việt Nam

Ảnh: Lê Anh Dũng

Quay phim: Đức Yên, Xuân Quý

Dựng phim: Bạt Tuấn