Chưa khi nào quyền lực mềm được thể hiện và cảm nhận rõ nhất như thời điểm này – khi mạng xã hội nở rộ.

Khái niệm Quyền lực mềm (Soft Power) giáo sư người Mỹ Joseph Samuel Nye, Jr. ở đại học Harvard đưa ra lần đầu tiên trong một quyển sách phát hành năm 1990, Bound to Lead: The Changing Nature of American Power.

Hiểu đơn giản quyền lực mềm là dùng sức ảnh hưởng, sự cuốn hút của một chủ thể (một người, một nhóm,  một cộng đồng…) tác động tới tư duy, hành động, hệ giá trị nào của đối tượng khác, khiến họ bị lôi cuốn theo một cách tự nguyện.

Như ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc đã phát huy cực tốt quyền lực mềm của họ, khiến hầu hết giới trẻ Châu Á say mê các ngôi sao giải trí Hàn, ăn mặc hay nói năng cũng giống thần tượng. Nước Mỹ cũng có quyền lực mềm đặc biệt trên phạm vi toàn cầu thông qua ngành công nghiệp giải trí, nhạc Pop Rock, đặc biệt là điện ảnh, chưa có nước nào vượt qua được.
{keywords}
Nhiều người có “lợi thế cuốn hút” nhanh chóng trở thành những nhóm quyền lực thật trên mạng ảo.

Hơn hết, người ta hay nhắc đến nước Mỹ với sự tự do. Tự do về suy nghĩ, biểu đạt, sáng tạo… sự độc lập và đa dạng được tôn trọng tối đa. Chính điều này khiến thế giới ngưỡng mộ nước Mỹ và cũng là lý do họ tìm đến với nước Mỹ hơn cả. Đó chính là quyền lực mềm nước Mỹ tạo ra, tác động tới tư tưởng và hệ giá trị của người khác, đúng như khái niệm mà giáo sư Joseph Samuel Nye đưa ra.

Đặt vào xã hội Việt Nam, chưa có khi nào quyền lực mềm được thể hiện và cảm nhận rõ nhất như thời điểm này – khi mạng xã hội nở rộ - bất cứ ai cũng nắm trong tay ít nhất một công cụ để thể hiện tư duy, hành động của chính họ và truyền đạt trực tiếp đến cả triệu người; một cách miễn phí.

Những câu chuyện gần như cậu bé đánh đàn ở Bờ Hồ, câu chuyện thủ tục hành chính phường Văn Miếu… đã cho thấy sức mạnh của mạng xã hội lớn thế nào, và những người có lợi thế lôi cuốn; có ảnh hưởng lại càng phát huy được sức mạnh này.

Theo lẽ tự nhiên, những người có lợi thế về ngôn ngữ, kỹ năng hành xử khôn ngoan, sáng tạo độc đáo, duyên dáng hấp dẫn luôn có tác động tích cực đến người khác. Nếu như trước đây, trong phạm vi một lớp học, những bạn trông sáng sủa linh lợi, nói năng duyên dáng luôn được những bạn khác ngưỡng mộ cuốn theo, tự nguyện coi là thủ lĩnh.

Ngày nay, sức ảnh hưởng của những người hấp dẫn đó tăng theo cấp số nhân, một lời nói hay hành động của họ có thể được truyền đạt đi với tốc độ ánh sáng thông qua mạng. Không có cách tiếp thị nào hiệu quả hơn thế.

Nói một cách khác, xã hội hiện đại cần quyền lực mềm nhiều hơn. Thế giới hẳn cũng tốt đẹp hơn nếu với các cuộc đổ bộ văn hóa, tri thức, thành tựu khoa học… hơn là những cuộc đổ bộ quân sự.

Thế nhưng, trong giai đoạn đang hội nhập còn nhiều bỡ ngỡ, mặt bằng tri thức của đại đa số người dân chưa thật cao. Các vấn đề văn minh văn hóa cộng đồng còn nhiều vấn đề, thì sự nở rộ của mạng xã hội vừa thúc đẩy sự phát triển, kết nối; đồng thời cũng tạo ra nhiều hệ lụy.

Nhiều người có “lợi thế cuốn hút” nhanh chóng trở thành những nhóm quyền lực thật trên mạng ảo. Họ được nhiều người theo dõi cổ vũ, và ngẫu nhiên tư duy hành động của họ được đám đông làm theo. Bằng sự độc quyền của mình, họ có thể hủy kết bạn hoặc chặn những người không cùng tư tưởng, hoặc phản bác quan điểm của họ.

Dần dần, những người phản bác phải chọn sự im lặng, nếu vẫn muốn được kết bạn hoặc tiếp tục đọc những bài viết tương lai của người mà họ ngưỡng mộ. Những người mang tư duy ngược lại, hoặc dè dặt phản biện ngay trên trang của người viết, hoặc phải lập ra một trang mới của riêng họ để phản biện.

Điều này đôi khi bị bất công, bất cân bằng khi những người có nhiều người theo dõi hơn đương nhiên chiếm lợi thế. Nó dẫn đến cuộc chạy đua giữa người viết chạy theo xu hướng, khẩu vị của số đông; và số đông bị lèo lái dẫn dắt theo nghệ thuật câu chữ của người viết.

Hệ quả là thi thoảng chúng ta có những đợt sóng dư luận ầm ĩ, và công chúng luôn ngả theo cách người viết dẫn dắt. Vụ án Cao Toàn Mỹ - Trương Hồ Phương Nga là một ví dụ điển hình. Dư luận bị điều phối cảm xúc theo hướng phỉ báng nguyên đơn Cao Toàn Mỹ, và sẵn sàng tha thứ những sai phạm, cả pháp luật và đạo đức, của bị cáo Trương Hồ Phương Nga.

Đợt sóng dư luận không chỉ khiến ít người dám lên tiếng nói ngược lại, mà còn có tác động trực tiếp đến phiên tòa; cũng như cách nó tác động trực tiếp đến việc xử lý sai sót ở phường Văn Miếu, hay câu chuyện cậu bé đánh đàn ở Bờ Hồ.

Cá nhân tôi cũng là người viết nhiều trên mạng xã hội, và cũng có nhiều người theo dõi (26,300 người). Tôi cũng hiểu làm cách nào đó để lôi kéo công chúng về phía mình. Nhiều lúc tôi nhận những bình luận kiểu “chị là người phụ nữ hiếm có” “em mong gặp được người vợ như chị”… là bạn bè, đồng nghiệp và gia đình tôi cười rinh rích; vì họ thừa biết con người tôi có đầy khiếm khuyết nhược điểm; không phải chỉ có những điều tôi muốn cho công chúng thấy trên mạng. Tuy nhiên, cũng có mặt tốt là những điều đó cũng bắt buộc tôi phải sống tốt hơn, và tạo ra những ảnh hưởng tốt hơn tới cộng đồng.

Tương tự, trang Facebook của thầy giáo Văn Như Cương có hơn 131.000 người theo dõi. Mỗi bài viết về giáo dục của ông có hàng nghìn lượt chia sẻ, và hơn 100 người đọc, chắc chắn có tác động nhanh và mạnh và trực tiếp tới hàng vạn phụ huynh, học sinh.

Hoàng Hường