Quy định quyền im lặng trong giai đoạn hiện nay là một bước phát triển tự nhiên và cần thiết. Tuy nhiên, cần phải tiến hành xem xét cẩn trọng, cân nhắc cả lý thuyết và thực tiễn.

>> Quyền im lặng và những rào cản

>> Vụ Cát Tường, dùng nhục hình và chặng đường gian nan

>> Tránh thảm kịch "gấu bị bắt nhận là... thỏ"

>> Chần chừ, hiểu sai, VN sẽ thành ‘ốc đảo kỳ lạ’

Vì cuộc sống không giống như phim

Năm 1966, tòa án tối cao Hoa Kỳ trong vụ án Miranda và Arizona đã ra một phán quyết lịch sử rằng, nếu nghi can bị bắt giữ không được thông báo về quyền của mình ghi trong tu chính án thứ 5 của hiến pháp Hoa Kỳ, mọi lời thú tội của nghi can sẽ không được sử dụng làm bằng chứng buộc tội người đó trước tòa. Phán quyết này không chỉ thay đổi thủ tục tố tụng mà còn làm thay đổi cả tư duy pháp luật của người dân cũng như cơ quan tố tụng, trở thành một phần trong văn hóa Mỹ.

Cảnh báo Miranda có lẽ đã quá quen thuộc với chúng ta qua các bộ phim Mỹ, bất cứ khi nào cảnh sát bắt giữ nghi phạm, đầu tiên họ nói sẽ ngắn gọn: “Anh có quyền giữ im lặng, mọi lời nói của anh có thể là bằng chứng chống lại anh trước tòa, anh có quyền gọi luật sư cho mình”.

Trước hết, quay ngược lại thời gian, quyền im lặng đã được nhắc đến đầu tiên ở Anh từ thế kỷ 16, và thực sự được hoàn thiện từ thế kỷ 19, khi tòa án bắt đầu cảm thấy nghi ngờ tính chính xác trong lời thú tội của bị cáo, rút ra từ quá trình điều tra không có cơ chế giám sát cần thiết. Luật thẩm phán năm 1912 ra đời để đáp ứng đòi hỏi đó, rằng: cảnh sát được thực hiện bất kỳ cuộc thẩm vấn cần thiết nào trong quá trình giam giữ, miễn rằng nó không dẫn đến kết quả là một lời thú tội được thực hiện trong sợ hãi và không tỉnh táo. Nếu cảnh sát không tuân thủ điều luật này, thẩm phán có quyền loại bỏ bất kỳ bằng chứng buộc tội nào được đưa ra trước phiên tòa. Những quy định này một lần nữa được hoàn thiện trong Luật cảnh sát và chứng cứ hình sự Anh năm 1984.

Trải qua quá trình phát triển, các nhà nghiên cứu pháp luật đề ra một mô hình chuẩn của quyền im lặng với hai mức độ. Thứ nhất, quyền im lặng là quyền của một người bị tình nghi không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của cảnh sát và được xem như là cách thức để bảo vệ người đó trước việc tự buộc tội chính mình. Thứ hai, sự im lặng của người bị tình nghi sẽ không được sử dụng như một bằng chứng chống lại người đó trong phiên tòa.

Về cách thức, người bị tình nghi được thực hiện quyền này kể cả trước và trong phiên xét xử. Mô hình này được sự hậu thuẫn của nguyên tắc suy đoán vô tội và dồn toàn bộ nghĩa vụ chứng minh tội phạm lên các cơ quan tiến hành tố tụng.  

Tuy nhiên, “Quyền im lặng, giống như những thứ xinh đẹp khác ở trên đời, có thể được yêu mù quáng, có thể được theo đuổi với đầy khát vọng, nhưng cũng có thể phải trả giá rất đắt”, đó là lời cảnh báo đầu tiên về quyền im lặng được đưa ra trong một vụ án không mấy được chú ý ở Anh năm 1846.

Nhưng cuộc sống vẫn có những trường hợp mà cái giá phải trả của quyền im lặng là rất lớn. Chẳng hạn, trong những vụ án hình sự nghiêm trọng, có nhiều đối tượng tham gia mà nếu càng sớm khám phá ra sự thật thì càng có cơ hội để ngăn chặn và bảo vệ những người vô tội khác. Hoặc xét thử trong trường hợp nghi phạm bị bắt giữ chọn im lặng để đồng bọn có thời gian thực hiện tội phạm hay bỏ trốn, gây hậu quả lớn cho xã hội. Đặc biệt là các tội phạm nguy hiểm, có tổ chức như khủng bố, ma túy.

Thực tế điều tra tội phạm ở các nước đề cao quyền im lặng như Anh, Úc chỉ ra rằng, quyền im lặng đã trở thành công cụ của bọn tội phạm chuyên nghiệp chống lại pháp luật. Và họ phải công nhận rằng, trong quá trình đấu tranh với tội phạm, thật khó có thể tưởng tượng làm sao có thể thu thập đủ chứng cứ nếu không sử dụng các kỹ thuật điều tra, xét hỏi dưới nhiều cách thức (nguyên văn: tricks, deceptions: lừa phỉnh, cross – examinations: kiểm tra chéo). Và tương tự, trong nhiều vụ án, không thể nào có một hướng điều tra khi nghi phạm hoàn toàn từ chối giải thích bất kỳ điều gì đã xảy ra.

{keywords}
Ảnh minh họa

Cần thiết nhưng cẩn trọng

Tất cả các quốc gia đều phải đối mặt với thực tiễn khó khăn trong đấu tranh tội phạm khi quy định quyền im lặng. Từ quê hương của quyền im lặng, có thể nói pháp luật Anh đã có những điều chỉnh thông minh và là hình mẫu cho một loạt các quốc gia theo hệ thống thông luật.

Mặc dù có quy định quyền im lặng, pháp luật Anh hiện tại cho phép cơ quan tố tụng, trong những trường hợp cụ thể, có thể xem xét sự im lặng như một bằng chứng của có tội. Những nhận định trên được rút ra từ thực tế rằng: mặc dù không có một quy định bắt buộc trực tiếp nào, nhưng có một ràng buộc gián tiếp yêu cầu nghi phạm phải cung cấp chứng cứ.

Ràng buộc đó xuất phát từ điều 34 Hậu quả của không cung cấp lời khai khi được hỏi hoặc yêu cầu, Luật Tư pháp hình sự Anh năm 1994. Điều luật này nêu rõ:

“1. Trong bất kỳ giai đoạn nào của thủ tục tố tụng đối với một tội phạm, nếu có cơ sở cho rằng, nghi phạm:

(a) Vào bất kỳ thời điểm nào trước khi bị buộc tội, khi được hỏi một cách cẩn trọng bởi điều tra viên về việc có hay không hoặc ai đã thực hiện tội phạm, mà không cung cấp bất kỳ lời khai chính xác nào dựa vào đó bào chữa cho mình trong quá trình tố tụng, hoặc

(b) khi đang bị cáo buộc phạm tội hoặc chính thức thông báo có thể bị truy tố, không cung cấp bất kỳ lời khai chính xác nào

Về những sự thật mà tại thời điểm được hỏi có thể suy luận hợp lý rằng nghi can sẽ khai báo khi được hỏi, yêu cầu hay thông báo.

Thì

Trong quá trình xác định rằng liệu nghi phạm có tội hay không, có thể được sử dụng trong những suy luận buộc tội nếu phù hợp”

Thêm vào đó, điều 36, 37 luật này cũng yêu cầu nghi phạm phải giải thích cho sự tồn tại của những vật, chất đáng nghi, những dấu vết trên cơ thể vào thời điểm bị bắt hoặc sự hiện diện ở một địa điểm đặc biệt nào đó. Nếu tiếp tục thất bại trong việc cung cấp lời khai chính xác, hậu quả pháp lý bất lợi cũng sẽ được đặt ra.

Như vậy, sau 10 năm thực hiện những quy định của quyền im lặng từ Luật cảnh sát và chứng cứ hình sự 1984, những hạn chế của quyền im lặng đã được nhìn nhận trong thực tiễn và dẫn đến sự điều chỉnh năm 1994. Những nhà làm luật Anh đã tiếp cận quyền im lặng dưới góc độ: pháp luật hoàn toàn không bắt buộc nghi phạm phải khai báo, nhưng nếu chọn không khai báo thì sẽ phải chịu những suy luận bất lợi trong quá trình luận tội.

Quy định này ưu việt ở chỗ, nó đảm bảo cho người vô tội có quyền im lặng để tránh tự buộc tội chính mình. Tuy nhiên, nó cũng như một áp lực không thể chối bỏ đối với nghi phạm, dù có tội hay không có tội, sẽ phải khai hết những gì mình biết, bởi nếu không khai hoặc khai sai sự thật sẽ là một căn cứ để xác định có tội trong phiên tòa.

Lời khai đó sẽ là cơ sở quan trọng cho cơ quan điều tra trong quá trình tìm hiểu sự thật và ngăn chặn hành vi tội phạm, thậm chí là chứng minh vô tội cho người bị bắt giữ. Nói cách khác, pháp luật Anh chỉ chấp nhận mức độ thứ nhất của quyền im lặng như đã nêu ở phần đầu.

Ngay cả ở Mỹ, nơi mà quyền im lặng được đề cao một cách đặc biệt, tòa án cũng đã dần dần sử dụng cách tiếp cận này trong một số vụ án đáng chú ý như: Salinas v. Texas (2013) hay People v. Tom (2014). Trong đó, sự im lặng đáng nghi ngờ được sử dụng như một bằng chứng buộc tội đối với nghi phạm.

Nói tóm lại, việc quy định quyền im lặng trong Luật Tố tụng hình sự trong giai đoạn hiện nay là một bước phát triển tự nhiên và cần thiết trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, cần phải tiến hành xem xét cẩn trọng, cân nhắc cả lý thuyết và thực tiễn. Đặc biệt, phải đặt quyền này trong những quy định ràng buộc khác mà pháp luật Anh là một ví dụ điển hình, đảm bảo quyền con người nhưng không để tội phạm sử dụng nó như một công cụ chống lại pháp luật.

Bùi Phú Châu (Trường Luật Westminster, London, Vương quốc Anh)