Muốn con cái mình thành những chú đại bàng, trước tiên người lớn phải xây dựng cho các cháu một môi trường an toàn và đúng đắn.

Cuộc điện thoại giữa đêm

Chuông điện thoại reo to lúc nửa đêm, vừa nhấc máy, tôi đã nghe tiếng con nức nở vì nhớ nhà. Lòng tôi rối loạn dù ra sức dỗ dành đứa con trai 15 tuổi mới xa mẹ du học.

Cố trấn tĩnh, tôi cầu cứu một bà mẹ Mỹ có con học cùng cháu. Vài phút sau, bà cho biết đã liên lạc ngay với trường và hội phụ huynh, mọi người sẽ nhanh chóng giải quyết mọi việc.

Mười lăm phút sau, tôi nhận mail của cô giáo. Cô đã đến tận phòng cháu gặp gỡ và thông báo cho tôi an tâm rằng cháu chỉ thuần túy là nhớ nhà, chứ không bị chấn thương tâm lý nào cả. Và không chỉ con tôi, mà ngay cả các cháu học sinh Mỹ cũng vậy. Bởi trường trung học nội trú Mỹ này có học sinh đến từ 25 tiểu bang Mỹ và 26 quốc gia trên thế giới. Và  nhà trường rất có kinh nghiệm với việc này.

Hai giờ đồng hồ sau, tôi tiếp tục nhận thư từ thầy quản lý học sinh. Thầy viết rằng thầy vừa gặp con tôi  để động viên. Cháu đã bình tâm và vui vẻ.

Chuyện chưa dừng lại. Bà mẹ Mỹ tôi đã nhờ vả, dù ở tiểu bang bên cạnh, đã nói chồng lái xe 4 giờ liền  đến trường gặp con tôi hai ngày sau đó. Ông thăm hỏi và tỏ ý sẵn lòng giúp đỡ con tôi và khi thấy cháu ổn mới ra về…

Điều đáng nói là tôi hầu như chưa bao giờ gặp những người giúp con tôi. Vì vậy tôi rất xúc động và biết ơn cách họ lo cho cháu và hoàn toàn an tâm khi con xa nhà.

{keywords}

Các học sinh trong học kỳ quân đội. Ảnh: Hanam.gov.vn

Sự vững lòng này còn đến từ thực tế là trường cháu có kỷ luật nghiêm minh. Mọi học sinh đều ăn ngủ đúng giờ, ra ngoài phải có phép và có người lớn kèm vì chưa qua 18 tuổi. Vì sử dụng máy tính và mạng Internet qua cổng riêng của trường nên các cháu không thể chơi game cũng như truy cập vào những trang web đen. Nhà trường không cho các cháu mang dao kéo vào trường. Cháu nào muốn sử dụng kéo trong những chuyện lặt vặt thì phải xuống phòng của thầy, mượn dùng tại chỗ. Tất cả các loại thuốc men đều được quản lý, kể cả thuốc cảm. Cha mẹ chỉ việc gửi cho trường, đến giờ sẽ có người kiểm soát việc uống thuốc theo đơn bác sĩ để từng cháu không quên hoặc dùng quá liều.

Trong sự an toàn này, ngoài học văn hóa, các cháu được học mọi kỹ năng sống cần thiết để tự lập. Ví như quét dọn phòng ở, phòng vệ sinh, đánh giày, dọn quần áo, sinh hoạt đúng giờ, sơ cấp cứu, kỹ năng tồn tại trong nguy hiểm, kỹ năng xã giao, ăn tiệc sang trọng, tham gia vũ hội, giáo dục giới tính và quản lý chi tiêu cá nhân, lái xe, lái máy bay, thể thao,văn nghệ... 

Với những kỹ năng đơn giản, trường áp dụng theo cách lứa mới vào thì lứa cũ có nhiệm vụ truyền dạy, thầy cô chỉ đóng vai trò hướng dẫn. Vì vậy các cháu được thực hành nhiều, lại trở thành huấn luyện viên tí hon. Mỗi năm trường có 2 lần diễn tập tình huống khủng bố hay xâm nhập bất hợp pháp. Trước đó, phụ huynh được thông báo rõ ràng nhưng yêu cầu phải giữ bí mật. Và trường đã đạt kỷ lục trong 4 phút, 500 học sinh từ 13 -18 tuổi bình tĩnh thoát ra khỏi nơi nguy hiểm giả định an toàn. 

Để gà công nghiệp thành đại bàng

Từ trải nghiệm của con tại Mỹ, tôi nhận ra rằng muốn con cái mình thành những chú đại bàng, trước tiên người lớn phải xây dựng cho các cháu một môi trường an toàn và đúng đắn. Và đây là cách để thế hệ trẻ có thể tự do phát triển tốt nhất theo khả năng bản thân trên nguyên tắc thượng tôn luật pháp.

Và tôi cũng chợt hiểu vì sao cho dù rất vất vả, lo lắng, mất thời gian, tốn công sức và khổ sở nhưng nhiều bậc cha mẹ hiện nay ở VN, nhất là tại các đô thị lớn vẫn theo sát con và biến chúng thành gà công nghiệp. Đó là vì cho dù biết “bao cấp” không tốt nhưng nếu buông con ra thì không an tâm. Cha mẹ có nhiều lo lắng về những gì có thể xảy ra với con mình mà không kiểm soát được, như  tai nạn, học hành quá tải, các cạm bẫy trên mạng xã hội, các mối quan hệ nguy hại, từ tệ nạn như ma túy, mại dâm, nghiện chơi game hay bạo lực học đường... 

Cùng với những hiện tượng xã hội, sự tác động của truyền thông, tâm lý này có phần gia tăng và đôi khi vượt quá mức cần thiết. Điều này ít nhiều không tốt cho sự phát triển của các cháu trước mắt cũng như về sau.

Tôi tin rằng tất cả những lo lắng này có lẽ chỉ có thể  giảm đi nếu như gia đình, nhà trường và xã hội chú tâm nhiều hơn vào việc tạo ra môi trường thực sự an toàn cho trẻ em mọi lúc, mọi nơi. Một môi trường mà cha mẹ có thể tin cậy, vì khi có bất cứ biến cố nào dù rất nhỏ xảy ra cho con em mình, cũng được mọi người lập tức chia sẻ và giúp đỡ. Cùng lúc, người lớn cần tạo điều kiện cho các cháu tự do học hỏi và tự lập. Chỉ khi đó, các chú gà công nghiệp mới có thể cất cánh và trở thành đại bàng mà thôi.

Nguyễn Anh Thi