Càng gần cuối năm thứ hai nhiệm kỳ nguyên thủ của mình, người ta càng thấy rõ rằng ông Tập Cận Bình có chủ đích riêng trong việc xây dựng hình ảnh cá nhân.

LTS: Tạp chí  Slate (Mỹ) vừa đăng tải bài phân tích câu chuyện Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và quá trình tạo dựng hình ảnh cá nhân. Xin giới thiệu bài viết tới bạn đọc như một tư liệu tham khảo.

Tạo dựng hình ảnh có chủ ý

Đầu năm mới 2015, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình, đã có bài phát biểu trên truyền hình. Đây là bài phát biểu trước thềm năm mới lần thứ hai của ông, khiến phát biểu đầu năm trên truyền hình trở thành một truyền thống mới trong văn hóa chính trị Trung Quốc.

Trong bài phát biểu năm nay, ông Tập cho biết, Trung Quốc đang tiến bước về phía trước, vượt qua nhiều chông gai và có nhiều cải cách quan trọng, gần gũi hơn với lợi ích của người dân. Tuy nhiên, những nội dung phát biểu đó không thú vị bằng địa điểm diễn ra bài phát biểu: Văn phòng Chủ tịch nước.

Người dân Trung Quốc hiếm khi có dịp được mục sở thị không gian làm việc của chủ tịch nước. Chuyện này bất thường đến độ, theo bài viết trên trang Shanghaiist, giới truyền thông và người dùng Internet ở Trung Quốc đã ngồi phân tích phong cách trang trí của văn phòng, không có lấy một chiếc máy tính này, và đặc biệt chú ý đến những bức ảnh gia đình, cũng như những bức ảnh ghi lại các cuộc gặp gỡ giữa ngài chủ tịch nước và những người dân thường được treo ở phía sau. So với năm trước đó, có một số bức ảnh mới đã được thêm vào.

{keywords}

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình phát biểu đầu năm mới. Ảnh: Xinhua/Ju Peng

Kể từ các hoạt động sùng bái cá nhân quá độ dưới thời Mao Trạch Đông, chính phủ Trung Quốc có xu hướng nhấn mạnh đến tập thể lãnh đạo đảng, hơn là đến các nhà lãnh đạo cá nhân.

Chỉ thị năm 1980 của Ủy ban Trung ương đảng nước này kêu gọi “hạn chế tuyên truyền cá nhân.” Việc chú trọng đến tính đồng đều trong giới lãnh đạo khiến cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ được ca ngợi là dũng cảm khi xuất hiện với mái tóc muối tiêu trong đại hội đảng hồi năm ngoái.  Hầu hết các bạn đồng chí của ông đều nhuộm đen tóc. Đối với các nhà lãnh đạo triển vọng của Trung Quốc, khi để tên mình gắn với từ “nổi bật” thì đó dường như là một chướng ngại.

Ngược lại với những người tiền nhiệm, ông Tập dường như chủ ý thể hiện cho mọi người thấy hình ảnh và hoạt động cá nhân nổi bật.

Cách Chủ tịch TQ cố tình trưng ra hình ảnh cá nhân vẫn còn nhẹ nhàng so với một số nhà lãnh đạo khác. Đừng mong ông Tập sẽ chơi những môn golf thần diệu như Kim Jong-il, hay chụp ảnh phơi ngực trần như Vladimir Putin. Sức hút của ông Tập vẫn còn xa mới đạt đến tầm mức như những chiếc huy hiệu, hay những cuốn "Sách Đỏ" của Mao Trạch Đông.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Đại học Hong Kong công bố mùa hè vừa rồi, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đề cập đến tên ông Tập với tần suất cao gấp đôi so với những người tiền nhiệm chỉ trong 18 tháng lên nắm quyền. Cũng theo nghiên cứu này, ông Tập là người  chú ý đến việc xây dựng, trưng bày, thể hiện hình ảnh cá nhân hơn so với bất kể nhà lãnh đạo nào kể từ sau Mao Trạch Đông.

Xây dựng hình ảnh qua củng cố quyền lực

Sự chú trọng đến hình ảnh cá nhân ông Tập cũng là điểm đáng chú ý khi ông này đang củng cố quyền lực ở một quy mô chưa có tiền lệ.

Kể từ tháng 10, gần 75.000 đảng viên bị điều tra, đây là một phần trong chiến dịch chống tham nhũng. Theo Nhân dân Nhật báo, đã có 27% các đảng viên nhận trừng phạt. Hình phạt cao nhất mà ủy ban chống tham nhũng của đảng đưa ra là khai trừ đảng, nhưng như thường thấy, các vụ này sẽ được chuyển sang bên tư pháp, và các quan chức có thể phải nhận nhiều hình phạt khác nhau, trong đó có cả án tử hình.

Chiến dịch chống tham nhũng nhắm mục tiêu vào cả “hổ” (quan chức cấp cao) và “ruồi” (quan chức cấp thấp ở địa phương). Con hổ lớn nhất tính tới thời điểm này là ông Chu Vĩnh Khang, nhân vật từng là trùm an ninh của Trung Quốc và được cho là không thể động đến, cho đến khi ông này bị cho vào danh sách điều tra mùa hè vừa qua.

Hiện tại, Trương Côn Sinh, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, đã trở thành con hổ gần đây nhất bị đốn gục khi bị cách chức, và trở thành đối tượng tình nghi “vi phạm kỷ luật,” một cách nói tránh để chỉ tội tham nhũng. Hai vị tướng có thanh thế mới đây cũng vừa phải từ chức, theo các nhà phân tích, đây là một dấu hiệu cho sự gia tăng quyền kiểm soát của ông Tập sang cả quân đội.

Giới quan sát Trung Quốc chia thành hai phe ý kiến. Một bên cho rằng động cơ của chiến dịch này thuần túy là mối quan ngại về tình trạng tham nhũng và tác động của nó đến sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Bên còn lại thì nhận định đây chỉ là vỏ bọc cho một cuộc thanh trừng kiểu cũ, nhằm củng cố quyền lực cho ông Tập và giới thân cận của mình.

Rất có thể động cơ là cả hai. Trong chiến dịch, ông Tập cũng có những bước đi nhằm gia tăng quyền kiểm soát của mình lên chính sách đối ngoại và các cơ quan nội an. Nhà nước thắt chặt kiểm soát Internet, trong đó gần đây nhất là việc chặn Gmail. Các tổ chức tin tức quốc tế, bao gồm cả Bloomberg, tờ báo từng thực hiện một loạt bài điều tra về tài sản cá nhân của ông Tập năm 2012, đều bị phạt.

Càng gần cuối năm thứ hai nhiệm kỳ nguyên thủ của mình, người ta càng thấy  rõ ý đồ của ông Tập. Ông ta vừa khai thác sự giận dữ của người dân Trung Quốc với vấn nạn tham nhũng để củng cố quyền lực, vừa ra sức xây dựng hình ảnh cá nhân trước công chúng. 

Hà Trang (theo Slate)