Thực tiễn cần thiết có những cán bộ lăn xả vào công việc, đi đến đâu tạo hiệu ứng lan tỏa bền vững, lâu bền tới đó.

Trong buổi tiếp xúc cử tri vừa mới đây, sau khi nghe phản ánh về một công ty sản  xuất gây ô nhiễm môi trường, bị xử phạt nhiều lần nhưng không biết ai bao che vẫn tồn tại gây lo ngại cho người dân, với tư cách ứng cử viên đại biểu Quốc hội và là Bí thư Thành ủy, ông Đinh La Thăng có ý kiến ngay: “Chủ tịch UBND xã có ở đây không? Đề nghị anh đứng dậy cho ý kiến xem dân phản ánh đúng không, đã xử lý thế nào? May cho anh chứ về lâu rồi là anh bị nghỉ rồi đó…”

Vẫn là tác phong cụ thể và quyết liệt của ông Thăng hồi còn làm bộ trưởng GTVT: “Biển báo mà còn tồn tại, thì các anh phải ra đi”!

Lâu nay ai cũng biết việc ứng cử viên đi vận động bầu cử, trước hết là lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, báo cáo chương trình hành động nếu trúng cử. Và trong rất nhiều trường hợp, ứng cử viên là lãnh đạo cấp trên hay tại chỗ tham gia ứng cử ở một sơ sở nào đó, rất dễ gặp các tình huống “nóng”, đòi hỏi phải giải quyết kịp thời.

Thông thường, đại biểu sẽ “ghi nhận, chuyển, báo cáo” sau, rồi xin hứa thế này, thế kia. “Xử” ngay tắp lự như câu chuyện của ông Thăng chắc chắn là một việc làm được hoan nghênh, chờ đợi.

Không hứa để đấy, không né tránh

Trong thực tiễn có nhiều lãnh đạo (và là đại biểu), khi tiếp xúc, làm việc với dân đã tạo được hiệu quả tốt thông qua phương pháp, cách làm cụ thể.

Còn nhớ, các cuộc tiếp xúc ở huyện lúa Yên Thành – Nghệ An, đại biểu Thái Văn Hằng, Phó chủ tịch UBND tỉnh luôn được tận dụng hết thời gian để bàn rốt ráo mọi việc cử tri đặt ra và ai ai cũng muốn nghe, thích nghe cho đến phút cuối cùng.

Cử tri thắc mắc đường sá đi lại khó khăn, kêu gọi mãi mà không được nâng cấp sửa chữa? Ông hỏi lại cặn kẽ và trả lời, đoạn đường A là đường liên thôn, liên xóm, bà con phải tự vận động sức người, sức của. Đoạn đường liên xã B do 2 xã cùng lo liệu, đề nghị đồng chí chủ tịch xã nói rõ cho dân biết và có hướng khắc phục…

Ông không hứa, kiểu như hứa cho có chuyện, cho phải phép những băn khoăn, thắc mắc của dân. Việc gì làm được, yêu cầu người khác làm đúng theo chức trách thì ông “quyết” ngay, làm xong việc uống chè xanh, rít thuốc lào. Có nhiều việc khó, ông yêu cầu nghiên cứu cẩn thận, tiến hành bài bản và đưa ra lộ trình hoàn thành sớm nhất có thể.

Lại có chuyện ông bí thư huyện mới về nhậm chức hôm trước, hôm sau gặp ngay một “khách quen”của các đời lãnh đạo vốn hay nể nang, xong chuyện.

{keywords}

Bí thư Đinh La Thăng trong buổi tiếp xúc cử tri hôm 15/5. Ảnh: Trung Hiếu/ Thanh niên

Biết vị kia cố tình lợi dụng để lèo lái, vun vén, ông bí thư mở cửa nói oang oang cho cả văn phòng nghe: tôi nói ngay để ông biết, bố tôi ở quê cũng hưởng chế độ như ông, khi về hưu cũng chỉ có chiếc xe đạp thôi. Tôi biết ông từng được cấp không phải một mà đến hai ba suất đất ưu tiên, thế là hơn đứt nhiều người khác, ông còn đòi hỏi gì trong khi bao nhiêu người còn khó khăn, vất vả?

Vị kia nghe thế liền cười xòa, lảng sang chuyện khác và từ đó không thấy tình trạng bất ngờ đến, bất ngờ đi ở văn phòng huyện nữa.

Bứt phá trong mọi hoàn cảnh

Là người lãnh đạo (hay đại biểu), không thể cứ né tránh, buông xuôi mãi trước những sự việc nóng hổi của người dân. Nhưng chỉ chừng đó không thôi cũng chưa đủ. Ấy là dân cần cái tâm, cái tầm của lãnh đạo, vượt lên được, bứt lên được trong mọi hoàn cảnh.

Huyện miền núi rẻo cao Kỳ Sơn – Nghệ An, nhiều người còn nhớ phong trào “Mỗi đảng viên giúp một hộ nghèo” được phát động rồi nhân rộng trong cả tỉnh và cả nước hồi những năm 2000. Tác giả của phong trào là Bí thư Huyện ủy Hoàng Xuân Lương, từng là một cán bộ biên phòng am hiểu sâu sắc đời sống của đồng bào miền núi. Ông là người đi trước, cùng các đồng chí trong ban thường vụ, ban chấp hành lan tỏa và tạo ra lớp lớp lan tỏa.

Trong thực tế không hiếm những người lãnh đạo nói là làm, nói đi đôi với làm, dân tin cậy và làm theo. Có người “một là một, hai là hai, không oong-đơ gì”. Quan sát một lượt cơ cấu cán bộ, ông nhận thấy làm kinh tế mà các ứng viên toàn thuộc diện văn hay chữ tốt, không am hiểu chuyên môn nên kiên quyết sửa đổi. Ú ớ với ông là không được, ông hỏi đằng đông mà trả lời đằng tây coi như… nghỉ sớm “cho nước nó trong”.

Cũng trong thực tế, có người nói đến đâu người nghe sáng ra đến đó, cứ như được truyền lửa, truyền năng lượng để làm việc, cống hiến nhiều hơn. Có người nói năng khúc chiết, mạch lạc, nói và làm theo thật dễ dàng. Cũng có người ngược lại, như là cái tạng vậy, không dễ sửa.

Nhưng đáng chú ý hơn cả là “tip” cán bộ đi đến đâu cũng khiến người đối thoại… khép nép, e sợ vì sự thông minh, sắc sảo, nói trắng băng của họ. Chỉ hiềm một nỗi, nói xong được khen nức nở, tiền hô hậu ủng nhưng khi cơm tàn, canh nguội, mọi việc lại như cũ, thậm chí còn tệ hơn cũ.

Rõ ràng, thực tiễn cần thiết có những cán bộ lăn xả vào công việc, đi đến đâu tạo hiệu ứng lan tỏa bền vững, lâu bền tới đó.

Ví như cử tri cần ông Thăng chỉ đạo thực hiện rốt ráo vấn đề vệ sinh môi trường ở cơ sở nọ, làm rõ đúng sai, trách nhiệm của từng tập thể và cá nhân; đồng thời vấn đề tương tự phải được các nơi khác từng bước khắc phục, xử lý mà không cần phải chờ… ông Thăng đến tiếp xúc cử tri hay làm việc?

Cũng như việc cơ sở, người dân rất cần việc ban hành những chủ trương đúng, những việc làm lan tỏa, phát huy sức mạnh của từng người và nhiều người như phong trào “Mỗi đảng viên giúp một hộ nghèo” nói trên.

Đáng tiếc là trong dịp này, những chuyện như thế thật ít ỏi trong khi cuộc sống đặt ra cấp thiết hàng ngày, hàng giờ.

Châu Phú

>> XEM THÊM