Câu chuyện của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo ở các địa phương lúc này chính là quá trình từng bước “làm nguội đường dây nóng”, làm “nguội” các vấn đề nóng trên địa bàn…

Việc lãnh đạo các địa phương lập đường dây nóng gần đây thực sự làm “nóng” dư luận. Có thể kể đường dây nóng tới Văn phòng Thành ủy TP. Hồ Chí Minh mở ra được báo giới dõi theo và thông tin với chi tiết “nhân viên làm việc nghe đến… rát tai” đủ thấy người dân tin và muốn gửi gắm vào việc làm đúng đắn này đông đảo đến mức nào.

Để rồi, nơi này đang tính đến việc mở thêm đường dây nóng tới UBND Thành phố; đồng thời đề nghị người dân có thể năng động sử dụng nhiều kênh tiếp nhận phản ánh rộng rãi khác của các cấp, sở, ngành của địa phương, từ email, cổng thông tin điện tử, điện thoại trực tiếp của các đơn vị sở ngành như 113, 114...

Dịp này tỉnh Bình Phước cũng công bố đường dây nóng và địa chỉ mail tới Bí thư Nguyễn Văn Lợi, Đà Nẵng cũng công bố tương tự tới Bí thư Nguyễn Xuân Anh… Chưa kể từ trước đó rất nhiều nơi đều có việc làm “nóng” như thế, chưa đến mức “trăm hoa đua nở” nhưng cũng rất chi là phong trào nở rộ.

{keywords}
Người dân có biết bao vấn đề nóng cần được lắng nghe, giải quyết. Ảnh: Tuấn Kiệt

Chợt nhớ chuyện người dân “đánh trống kêu oan” trong lịch sử. Liệu điều đó có gì liên hệ với việc gọi đường dây nóng, gửi email phản ánh vụ việc tới chính quyền, tới lãnh đạo hiện nay? Hẳn điểm chung là phát huy và thực hành dân chủ, chống quan liêu, cửa quyền… Chỉ khác là phương thức tiến hành ngày nay thuận tiện và tất nhiên hiện đại hơn rất nhiều.

Cũng một điểm chung của việc lập đường dây nóng trước đây là làm cứ làm, tin cứ đưa, còn “nóng” hay “nguội”, kết quả đến đâu, người dân tiếp tục gọi hay bỏ mặc… không ai quan tâm kiểm tra, đánh giá hay tổng kết rút kinh nghiệm.

Chỉ đến đường dây nóng tới Bí thư Thăng mới thực sự “làm nóng đường dây nguội”, mới được chờ đợi, tin tưởng như đã nói ở trên.

Và lần này vận hành tốt, trôi chảy, hiệu quả hay “vũ như cẩn”? Có vẻ thực tế rất sinh động ở vế thứ hai, nghĩa là chỉ ở TP. Hồ Chí Minh đang được làm bài bản, hiệu quả, còn ở, nhiều nơi khác, lập ra rồi để đó như cũ?

Tại sao những việc làm đúng đắn, quyết liệt, được dân tin như thế lại chưa tạo hiệu ứng lan tỏa, dây chuyền ở nhiều nơi khác?

Vì nơi khác chưa/không làm/không chịu làm hay truyền thông chỉ mải mê chạy theo “nhất cử, nhất động” của “ngôi sao” với những phát ngôn và hành động nổi bật rồi mặc sức cổ vũ, cốt lấy “view”, không chịu tìm tòi, phát hiện những cách làm hay, những tấm gương tốt ở nhiều nơi khác?

Liệu rồi đây có làm khó, có tạo ra hiệu ứng ngược đối với những người đi đầu, đi trước và nổi bật quá hay không?

Vì yêu cầu thực tế không đơn giản chỉ là ý chí và sự quyết liệt của người đứng đầu, “hô” lên một tiếng là xong. Phải luôn là “tiền hô, hậu ủng”, phải đồng bộ, có kiểm tra, đánh giá, kể cả thất bại ban đầu mới hy vọng đi đến cùng sự việc, tới thành công.

Thực tiễn thiên hình vạn trạng, hôm nay người ta chấp hành đỗ xe đúng nơi quy định, ngày mai ngó trước ngó sau không thấy ai là hồn nhiên vi phạm. Hay như các loại tội phạm, tập trung đấu tranh, đẩy đuổi nơi này thì lẩn tránh nơi kia, trong khi vấn đề là phải “diệt” tận gốc đâu phải làm ngày một ngày hai, nơi này làm, nơi kia bỏ…

Xử lý triệt để, đúng đắn việc dân “đánh trống kêu oan” hay hoạt động liên tục, hiệu quả đường dây nóng là một trong những “kênh” quan trọng để yên ổn lòng dân, tạo niềm tin, sức mạnh cho người dân trong quá trình “đẩy thuyền” (cũng là “lật thuyền”) như cha ông từng răn dạy!

Vậy nên đừng bao giờ để xảy ra “nóng/lạnh” với câu chuyện đường dây nóng hay bất cứ sự việc, vấn đề nào trong chỉ đạo, điều hành của địa bàn trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh hay ở Đà Nẵng, ở Bình Phước...

Câu chuyện của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo ở các địa phương nói trên cũng như nhiều người khác, nhiều nơi khác lúc này chính là quá trình từng bước, dù không dễ dàng, “làm nguội đường dây nóng”, làm “nguội” các vấn đề nóng trên địa bàn một cách cụ thể, thiết thực, bất kể có được truyền thông làm nóng/lạnh hay không…

Châu Phú 

>> TIN LIÊN QUAN