Chúng tôi thực sự cảm thấy mình “làm được điều gì đó” đồng thời chia sẻ với nhau những giây phút vui vẻ, dù ban đầu chỉ là những người xa lạ.  

“Lên rừng, xuống biển, tuổi thanh xuân như chim tung bay…” 

Chính những câu hát này đã không ngừng thôi thúc nhiều thế hệ sinh viên tích cực tham gia tình nguyện. Cuộc đời sinh viên của tôi cũng ít nhiều gắn với màu áo xanh. Với nhiều người, thời gian đi tình nguyện mùa hè là những trải nghiệm khó quên về những vùng rừng núi chưa từng được đặt chân tới.  

Các làng quê hay bản người dân tộc xa xôi luôn mừng vui khi được đón các sinh viên tình nguyện. Và hẳn trong số các em nhỏ lam lũ ở mỗi làng quê đó, cũng đã có những em được tiếp thêm động lực cho ước mơ vào đại học như chúng tôi đã từng.  

Tuy nhiên, từ những quan sát và tìm hiểu của bản thân, người viết nhận thấy phong trào sinh viên tình nguyện đã “nở rộ” nhiều năm và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng tính hệ thống, quy mô, sức lan tỏa lại chưa có được sự phát triển tương xứng. Quy trình tổ chức căn bản vẫn là một số sinh viên đăng ký và được lựa chọn tham gia tiếp sức mùa thi, một số bạn khác được lựa chọn tham gia vài hoạt động tại một bản làng nhỏ nào đó như một dạng “mô hình”...  

“Làm được điều gì đó” 

Mới đây, trong quá trình học tại Philippines, tôi may mắn được tham gia hoạt động tình nguyện Brigada Eskwela hay Bayanihan Para Sa Paaralan (tạm dịch là cộng đồng giúp đỡ các trường học) và thực sự cảm thấy ngạc nhiên, thích thú, cảm phục cách tổ chức của người Philippines. Đặc biệt, cách mà họ làm cho hoạt động tình nguyện trở nên thiết thực, hiệu quả và thực dụng. 

{keywords}

Tình nguyện viên chuẩn bị sơn lại khu vực sân chơi. Ảnh: Nhung Nguyễn

Trước khi tham gia chuyến tình nguyện, chúng tôi cũng được kêu gọi đóng góp hỗ trợ các trường về vật chất như phấn viết, phấn màu, vật dụng để lau bảng, sơn tường, thùng rác, đồ dùng học tập để hỗ trợ cho học sinh khó khăn.  

Những gì chúng tôi đóng góp chắc chắn là những gì mà các em học sinh, nhà trường cần và sẽ sử dụng cho năm học mới. Và việc chúng tôi làm là hoàn thành phần việc mà nhà trường cần nhất, tạo ra không gian tốt nhất cho các em nhỏ bắt đầu năm học tiếp theo.  

Nhóm tình nguyện của chúng tôi gồm khoảng 20 người, được phân công tới một trường tiểu học trong khu vực giúp làm mới khu vực sân chơi và  sửa sang một số cơ sở vật chất khác của trường như bảng viết, cửa sổ và cửa ra vào. 20 bạn gồm cả sinh viên quốc tế, sinh viên trong nước, nhân viên một công ty và một số cá nhân tự nguyện.  

Chúng tôi thực sự cảm thấy mình “làm được điều gì đó” đồng thời chia sẻ với nhau những giây phút vui vẻ, dù ban đầu chỉ là những người xa lạ.  

{keywords}

Khu vực sân chơi sau khi sơn xong. Ảnh: Nhung Nguyễn

Con số không lớn nhưng đáng suy ngẫm 

Chương trình tình nguyện mà tôi tham gia, Brigada Eskwela (School Brigade), là một nỗ lực tình nguyện trên phạm vi quốc gia của các giáo viên, phụ huynh học sinh, sinh viên, các thành viên trong cộng đồng, giáo hội và các tổ chức, cá nhân khác… thực hiện việc sửa chữa nhỏ và thu dọn ở các trường học để chuẩn bị cho năm học mới.  

Chương trình tình nguyện kéo dài một tuần này được Ủy ban Giáo dục Quốc gia (Department of Education) tổ chức trên toàn lãnh thổ, khuyến khích các tình nguyện viên đóng góp thời gian và công sức, thậm chí ủng hộ một số nguyên vật liệu như sơn, xi măng, cát dùng để sửa chữa nhỏ tại trường học. Ngoài ra, các tình nguyện viên có thể đóng góp phấn viết, khăn lau bảng và các dụng cụ học tập khác. 

Bắt nguồn từ tinh thần của hoạt động tình nguyện và vận dụng hình thức đối tác công tư (public private partnership- PPP) trong giáo dục, từ nhiều năm trước chính phủ Philippines xúc tiến “Chương trình bảo trợ trường học” (Adopt-A-School Program – ASP) nhằm kêu gọi các tập đoàn, các công ty tư nhân tham gia cải thiện hệ thống giáo dục toàn quốc. Để ghi nhận các nỗ lực đó, họ có thể được ưu đãi một số loại thuế thuế lên tới 15%.  

Theo thông tin trên báo chí, qua nhiều năm APS đã thu hút được trên 200 đối tác là các tập đoàn và công ty lớn trên cả nước, vận động được lượng vật chất trị giá 6 triệu Peso (khoảng gần 3 tỷ VNĐ) mỗi năm cho các dự án giáo dục.  

Nhằm lan tỏa tinh thần của ASP tới cấp độ cộng đồng, tối đa hóa sự tham gia của xã hội và sử dụng các nguồn lực địa phương để cải thiện các trường học công ở địa phương, chương trình Brigada Eskwela đã được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2003. 

Dựa trên tinh thần bayanihan (tạm dịch là giúp đỡ lẫn nhau) các cá nhân và tổ chức trong khu vực tư nhân đều có cơ hội cũng như trách nhiệm tham gia nâng cao chất lượng trường sở cho giáo dục. Năm 2003, số trường công được hưởng lợi từ chương trình là 12.000 (bằng 30% tổng số trường học trên cả nước).  

Năm 2005, số trường được hưởng lợi là 26.000, tương đương 62%. Năm 2012, chương trình vận động quyên góp được hiện vật và tiền trị giá 1.5 triệu Peso (tương đương 750 triệu VNĐ) và 6 triệu tình nguyện viên đóng góp sức lực để dọn dẹp và sửa sang trường lớp đón năm học mới trên quy mô cả nước.  

Giá trị vật chất tuy không lớn, nhưng số ngày công và tâm huyết của tình nguyện viên tham gia chương trình mang giá trị tinh thần lớn hơn rất nhiều. Từ các hoạt động của chương trình, chính phủ Philippines còn phát hành một cuốn tài liệu chính thức để hướng dẫn toàn bộ quy trình tổ chức các hoạt động này. Đây cũng là cách để làm cho tuần lễ trở thành hoạt động tình nguyện thường niên, hiệu quả và thực chất nhất có thể. 

Sức lan tỏa của phong trào tình nguyện tại một đất nước gần gụi về mặt địa lý với Việt Nam, cùng những trải nghiệm khi được trực tiếp tham gia, đã khiến tôi không khỏi suy ngẫm! 

Nhung Nguyễn (từ Manila, Philippines)