Ông thương và lo cho con, nhưng can đảm, đặt niềm tin để cô con gái bé xíu mới vào lớp 8 một mình một vali bước chân sang Mỹ, va chạm, học hỏi bạn bè quốc tế - một bước ngoặt trong cuộc đời cô bé.

Hôm rồi về Quảng Ngãi, tôi ghé thăm gia đình nữ sinh đạt "mưa học bổng" của các trường tốp đầu nước Mỹ. Trước đó, tôi và Ba của nữ sinh nổi tiếng này tình cờ biết nhau trên một chuyến xe đò, nhưng rồi mất liên lạc một thời gian dài cho đến khi hình ảnh cô bé tràn ngập các trang báo, mạng xã hội.

Tiếp tôi sau một ngày công tác dài ở Đà Nẵng và hối hả trở về, hai cô chú vừa vui vừa hãnh diện kể về cô con gái "nhỏ xíu" nhưng nghị lực phi thường.

Phải thừa nhận rằng cô bé may mắn vì được sinh ra trong gia đình có điều kiện, với cả ba và mẹ đều có công việc ổn định, cơ ngơi đàng hoàng, nên việc học của em cũng thuận lợi rất nhiều. Tuy nhiên, trong cảm nhận của tôi, may mắn lớn nhất của em chính là có một ông bố (và cả mẹ nữa) trên cả tuyệt vời.

{keywords}
Có những người cha người mẹ đi cùng con trong mỗi bước đường đời. Ảnh minh họa

Tôi biết nhiều gia đình giàu có, giàu hơn cả cô chú. Tôi cũng biết rất nhiều bậc ba mẹ tuyệt vời, đến mức phải cõng con trên lưng cả cuộc đời để con được học hành tử tế khi gia đình không có điều kiện như bao bạn bè cùng trang lứa. Nhưng ở gia đình chú, tôi ngưỡng mộ bởi đó là người cha sau tất cả, vẫn cùng con đi suốt con đường mà con gái mình chọn lựa.

Do tính chất nghề nghiệp, người cha ấy rất bận, nhưng vẫn thu xếp dẫn con ra Đà Nẵng, vào Sài Gòn để con va chạm, được tiếp xúc với cơ hội học hành.

Gia đình ông khá giả, nhưng ông vẫn chắt chiu mài dũa con gái của mình, đặt tiền vào đúng người, đúng việc; cho con gái mình biết giá trị của cuộc sống chứ không phải giá cả của những món hàng xa xỉ lóng lánh sự cám dỗ.

Ông có thể phải vất vả kiếm tiền đến tận tối, nhưng vẫn dành thời gian ngồi lắng nghe con gái tâm sự, bày tỏ ước mơ hàng đêm.

Ông thương và lo cho con, nhưng can đảm, đặt niềm tin để cô con gái bé xíu mới vào lớp 8 một mình một vali bước chân sang Mỹ, va chạm, học hỏi bạn bè quốc tế - một bước ngoặt trong cuộc đời cô bé. Ông che chở cho con, nhưng theo cách ấm áp, mạnh mẽ của một người cha, chứ không giam cầm, trói buộc con trong nỗi lo sợ.

Ông có thể chưa từng đặt chân qua Mỹ, nhưng khi con gái cần đến Ba, em sẽ không bao giờ cô đơn.

Mọi phép so sánh có lẽ quá khập khiễng, nhưng tôi tin rất nhiều bậc cha mẹ Việt, dù vô cùng thương con, vẫn thiếu niềm tin, hoặc để chuyện áo cơm, lợi danh làm mờ đi ước mơ của con trẻ. Có người sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư cho con học ngoại ngữ, nhưng chưa từng nghe con tâm sự về ước mơ. Có người bỏ ra hàng tỷ đồng để con đi du học, nhưng ngay cả một nỗi buồn nhỏ bé nhất, hay những niềm vui mong manh của con, họ cũng hiếm khi sẻ chia.

Tình thương theo kiểu ấy cũng rất đáng quý, nhưng cũng thật đáng tiếc.

Tự dưng, tôi chợt nghĩ tới câu nói cửa miệng của nhiều phụ huynh, rằng "Ba mẹ cày cuốc kiếm tiền cho ăn học, thì phải cố mà học" trở nên không mấy ý nghĩa trong việc dạy con.

Sinh ra ở vùng đất khó, nhà nghèo, tôi còn nhớ những ngày Mẹ chở tôi trên chiếc xe đạp,  mà tôi thường đùa có mang xe SH ra cũng không đổi, qua ba, bốn con dốc ra tận huyện để tôi chụp ảnh thẻ, tham gia nhiều chương trình học đường;

Những đêm Mẹ ngồi tới 11, 12 giờ cùng tôi giải toán;

Những lần tôi thi trượt, Mẹ bảo "thôi trượt rồi, buồn cũng vậy, chuẩn bị lần sau con à", dù chính Bà cũng không giấu được nỗi buồn;

Hay những lần Bà kể về giấc mơ của Bà, một "giấc mơ viết vội" rồi chơi vơi cho đến bây giờ...

Nhìn lại, tất cả ngày tháng ấy vẫn luôn bên tôi, như Mẹ luôn dõi theo tôi từng bước đi, như người Ba kia với con gái mình vậy.

Bởi đó là những người Cha, người Mẹ sẽ đi cùng con đến hết con đường. Bởi sau mỗi con người, dù có thành danh rực rỡ đến đâu, ở chân trời nào, vẫn là một điểm tựa gia đình…

Gia An

XEM THÊM