Từ một cuộc thi cho đến những thực tế vẫn diễn ra, mới thấy quả là để “nụ cười công chức” trở nên quen thuộc, thành “chuyện thường ngày” không phải dễ dàng.

Các cuộc thi tuyển công chức Nhà nước vẫn như thỏi nam châm, thu hút đông đảo các ứng viên, có khi còn bất chấp nắng nôi, xếp hàng dài để được nộp hồ sơ. Đây quả là một “sàn đấu” đầy căng go, khi mà ngay cả những hồ sơ đẹp, với thành tích tốt nghiệp đại học, thạc sỹ hạng ưu trong, ngoài nước cũng còn bị đánh rớt không ít.

Chỉ tiếc là các cuộc thi này thi Đông, thi Tây, văn bản học thuộc đủ cả, nhưng có tiêu chí rất cơ bản là luôn thân thiện và mỉm cười trong khi phục vụ người dân thì có vẻ lại thiếu. Vậy nên dễ hiểu vì sao giải thưởng độc đáo của Đà Nẵng mang tên “Nụ cười công chức” lại được nhiều người quan tâm đến vậy.

Giải thưởng cho… sếp là chính?

Trong danh sách 10 người được trao giải thưởng “Nụ cười công chức” ngày 26/4/2015 của Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, có thể thấy là thành phần sếp là chính và nhân viên là… phụ[1].

Nổi bật nhất trong các sếp nhận giải là Phó Chủ tịch thành phố, tiếp theo là tới hàng Giám đốc Sở, Chủ tịch quận, Cục trưởng rồi mới tới cả loạt trưởng và phó các phòng ban quan trọng liên quan đến doanh nghiệp và doanh nhân tại Sở Kế hoạch đầu tư, Cục Thuế, Sở Xây dựng, Quỹ đầu tư phát triển thành phố… Tìm đỏ con mắt mới thấy đúng một nhân viên là chuyên viên Phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế thuộc Cục Thuế Đà Nẵng.

Tất nhiên nếu ngày càng nhiều cán bộ quản lý và lãnh đạo ở cấp cao và cấp trung tại một thành phố như Đà Nẵng được đánh giá là thân thiện và cởi mở với doanh nghiệp, doanh nhân, người dân thì càng tốt. Song, người ta cũng không khỏi đặt ra câu hỏi là vì sao giải thưởng lại tập trung nhiều vào các “sếp”, trong khi tên cuộc thi vốn khiến liên tưởng đến những công chức trực tiếp làm việc với người dân? Và theo một bài viết trên VnEconomy thì “đáng chú ý là những cán bộ công chức làm việc tại bộ phận tiếp dân được ưu tiên trong quá trình xét chọn”[2].

Theo lẽ thông thường, hàng ngày muốn giải quyết công việc thì bất cứ người dân hay doanh nghiệp nào cũng sẽ phải đi từ dưới lên trên. Với nguyên tắc “một cửa một dấu” và theo quy trình làm việc đã công bố tại các cơ quan nhà nước thì chắc chắn các công chức là nhân viên cấp dưới mới là người tiếp xúc nhiều nhất với dân chúng. Vì vậy, nếu đánh giá công chức có cười nhiều, có thân thiện và tận tụy phục vụ dân hay không thì đối tượng chính hẳn phải là những người cấp dưới xem ra mới hợp lý chứ?

Khi đánh giá chủ yếu tập trung vào các sếp như giải thưởng của Đà Nẵng vừa đưa ra, thì liệu các tiêu chí Ban tổ chức giải thưởng đưa ra đã thỏa đáng chưa? Hay là để giải quyết được các ách tắc trong công việc thì thay vì làm việc trực tiếp với các công chức cấp dưới, người dân và doanh nghiệp cứ phải chạy lên trên để gặp cấp cao, thậm chí càng ngày càng phải lên cấp cao thì mới xong việc?

{keywords}

Xếp hàng dài nộp hồ sơ thi tuyển công chức tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Khánh/ TTO

“Thượng đế” hay “Người được ban ơn”?

Sở dĩ nhiều công chức nhà nước hiện nay vẫn rất hiếm hoi nở nụ cười thân thiện và cởi mở khi tiếp dân dường như là bởi vì họ chưa phân định được người dân là “Thượng đế” hay là “Người được ban ơn”. Tình trạng này vẫn kéo dài trong bối cảnh lương công chức hoàn toàn sử dụng từ tiền thuế của người dân và nhiều cơ quan hành chính hàng ngày đang làm các dịch vụ hành chính công phục vụ dân có thu cả thuế và phí. 

Điều này thực sự cần được thay đổi trong quá trình cải cách hành chính mà các nhà quản lý cấp cao đang tích cực đốc thúc nhiều năm nay.  

Ngay trong một ngành khá nhạy cảm như y tế, mới đây trong một hội nghị trực tuyến về đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế với hơn 700 điểm cầu cả nước, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh, cán bộ y tế cần chấm dứt ngay chữa bệnh kiểu ban ơn, phải lấy người bệnh làm trung tâm.  

Theo bà Tiến, trong tương lai gần, giá dịch vụ sẽ dần tính đúng, tính đủ, nhà nước tiến tới không cung cấp ngân sách thường xuyên cho các bệnh viện, các bệnh viện phải tự chủ. Nếu làm không tốt, bảo hiểm không kí với mình, bệnh nhân dịch vụ không đến sẽ không có tiền… “Vậy tại sao giờ bệnh nhân đến với mình lại không tươi cười, niềm nở?" 

Tuy nhiên, sự thay đổi không thể đến chỉ từ mong muốn của các nhà lãnh đạo hay sức ép từ người dân, mà mấu chốt của vấn đề còn nằm ở tiêu chí đánh giá và xử lý kỷ luật với cán bộ công chức. Hiện nay thi vào công chức rất khó, nhưng hễ ai đậu công chức và ở trong biên chế rồi thì… rất khó để kỷ luật hay sa thải. 

Như lời vị Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - nguyên Tổng thư ký Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ[3], ông Thang Văn Phúc từng thừa nhận: “Đúng là ở ta, việc thay thế một cán bộ công chức là khó thật, vì chúng ta thiếu tiêu chí cụ thể để đánh giá, đo lường được kết quả đầu ra trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ công chức, trừ trường hợp công chức đó sai phạm, bị kỷ luật rõ ràng, nếu không rất khó sa thải”.

Ông Phúc cũng dẫn ra kinh nghiệm từ các nước khác. Đó là, ở các nước khác trong khu vực, họ có tiêu chí rất rõ, chẳng hạn nếu công chức bị người dân phản ứng, phàn nàn 3 hay 5 lần thì tùy mức độ, công chức đó sẽ bị giảm lương, không đưa vào vị trí giao tiếp với dân nữa, hoặc nặng hơn thì bị sa thải. “Thậm chí, như ở Singapore, Malaysia họ còn dạy công chức cách giao tiếp với dân, từ việc thể hiện nụ cười như thế nào, ứng xử thưa gửi ra sao…”

Từ một cuộc thi cho đến những thực tế vẫn diễn ra, mới thấy quả là để “nụ cười công chức” trở nên quen thuộc, thành “chuyện thường ngày” không phải dễ dàng. Nhất là nếu chúng ta không tạo ra được những tiêu chí, sức ép hiệu quả, cũng như củng cố được sức mạnh của kênh đánh giá phản hồi của người dân nhằm hướng tới nền hành chính phục vụ công khai, minh bạch. 

Nguyễn Anh Thi 

 

[1] Phó Chủ tịch Đà Nẵng nhận giải nụ cười công chức, Đất Việt, 30/04/2015. 

[2] Doanh nhân Đà Nẵng trao giải “nụ cười” cho công chức thành phố, VnEconomy, 28/4/2015. 

[3] Dân “chấm điểm” cán bộ công chức, Thanh niên, 10/05/2013.