Các học giả quốc tế nổi tiếng đánh giá cao vai trò chủ động và tích cực của Việt Nam trong cuộc vận động Vì một Internet Tinh khiết và Trong sạch.

>>Vì một môi trường Internet tinh khiết và trong sạch

Nỗi bất an toàn cầu

Khi cậu thanh niên được ăn học đàng hoàng ở một trong những trường TOP nước Mỹ bị bắt vì thực hiện vụ đánh bom Boston cách đây ba năm, người ta mới bàng hoàng nhận ra nhiều thanh niên đã bị các trang web của các nhóm cực đoan “tẩy não” biến thành những kẻ khủng bố máu lạnh trong suốt một thời gian dài mà không bị kiểm soát.

Những kẻ như Dzhokar Tsarnaev, thủ phạm vụ đánh bom Boston tháng 4/2013 không phải là cá biệt. Vụ khủng bố đẫm máu tại Paris tháng trước cũng cho thấy nhiều kẻ khủng bố là công dân Pháp được IS chiêu mộ và huấn luyện thông qua các trang web đen.

Tuy nhiên, việc các nhóm cực đoan lợi dụng khả năng tiếp cận xuyên biên giới của Internet để truyền bá chủ nghĩa khủng bố ra toàn cầu mới chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm. Các nguy cơ, bất ổn liên quan đến an ninh mạng trên thực tế đa dạng hơn nhiều như các cuộc tấn công mạng dẫn đến những lỗ hổng an ninh tình báo ở các quốc gia, tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đánh cắp công nghệ, tài sản trí tuệ, bản quyền trên Internet được đánh giá là ngày càng nghiêm trọng.

{keywords}
Ngày hòa bình vì an ninh trên Internet

Dễ hiểu vì sao, vấn đề an ninh Internet luôn được đặt trên bàn nghị sự trong các chuyến thăm của các nguyên thủ quốc gia. An ninh mạng đã trở thành nỗi bất an chung của thế giới.

Vai trò của Việt Nam

VN cũng không nằm ngoài mối lo chung đó. Trong bài viết nhân ngày VN kết nối Internet và Ngày Toàn cầu vì Hòa bình và An Ninh Internet, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra những nguy cơ hiện hữu tại VN.

“Chúng ta cũng thấy hiển hiện nguy cơ sử dụng môi trường Internet để phát tán những thông tin bịa đặt, thông tin không được kiểm chứng, không có nguồn gốc đáng tin cậy, những thông tin độc hại, phản cảm nhằm vu khống, bôi nhọ cá nhân, tổ chức, thương hiệu; gieo rắc tư tưởng, tổ chức các hoạt động khủng bố, phá hoại. Điều đáng tiếc là các thông tin này nhiều khi lại được đọc, chia sẻ và lan truyền, gây nên các hiệu ứng và hậu quả không tốt trong xã hội”.

Theo chia sẻ của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, VN đã phải hứng chịu những dạng thức khủng bố mạng nặng nề như tấn công từ chối dịch vụ DDOS, tấn công xâm nhập để nắm quyền kiểm soát hệ thống quản trị mạng. Việt Nam cũng đã trở thành một đối tượng của gián điệp mạng.

{keywords}

Nhiều học giả Mỹ hoan nghênh vai trò chủ động và tích cực của Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Trước những nguy cơ ngày càng hiển hiện, người đứng đầu Chính phủ VN cho rằng: Trong khi thế giới tiếp tục tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật, xây dựng luật pháp quốc tế về an ninh Internet, thì Bộ quy tắc ứng xử và chuẩn mực đạo đức trên Internet là rất cần thiết. Ông kêu gọi mọi người dân VN hưởng ứng Ngày Toàn cầu vì Hòa bình và An ninh Internet (12/12), “cùng người dân thế giới chung tay xây dựng môi trường Internet Tinh khiết và Trong sạch”.

Về phần VN sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và các quy tắc về hoạt động trên mạng Internet; đồng thời sẵn sàng tham gia vào việc hình thành hệ thống pháp luật quốc tế về an ninh Internet, sử dụng các nguồn lực để tham gia ứng cứu quốc tế trên mạng khi cần thiết.

Thủ tướng cam kết: Từ thực tiễn của mình, Việt Nam sẽ đóng góp tích cực cho việc hoàn thiện và áp dụng Bộ Quy tắc ứng xử và chuẩn mực đạo đức trên Internet do các giáo sư ở Diễn đàn toàn cầu Boston khởi xướng.

Nhiều chính khách và học giả quốc tế uy tín đã đánh giá cao cam kết từ người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.

Cựu ứng viên Tổng thống Mỹ - Micheal Dukakis , Chủ tịch Diễn đàn Toàn cầu Boston,  hoan nghênh và đánh giá cao việc chính phủ Việt Nam hưởng ứng ngày Toàn cầu vì Hòa bình và An ninh Internet 12/12/2015 với chủ đề Vì một môi trường Internet Tinh khiết và Trong sạch. Ông đánh giá cao những nỗ lực của người đứng đầu chính phủ Việt Nam vào gìn giữ hòa bình, và an ninh trong khu vực và trên Internet.

Giáo sư Thomas Patterson - Giám đốc Trung tâm truyền thông, chính trị, và chính sách công Shorenstein, Đại học Harvard cho rằng, Việt Nam đang ngày càng thể hiện được vai trò, trách nhiệm gìn giữ hòa bình, an ninh thế giới, đặc biệt là chủ động góp phần xây dựng hòa bình và an ninh trên Internet.

Trong thông điệp đặc biệt nhân ngày An toàn thông tin Việt Nam 1/12/2015, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son cũng kêu gọi “toàn thể cộng đồng, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và giới truyền thông cùng chung tay, góp sức, phát huy sức mạnh tổng thể của toàn xã hội cho công tác bảo đảm an toàn thông tin”. 

Vẫn còn nhiều việc phải làm để Việt Nam bắt nhịp được với thế giới. Tuy nhiên, việc Việt Nam chủ động tham gia xây dựng, đồng hành cùng các nước tiên tiến để giải quyết các vấn đề lớn của nhân loại cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể đi tiên phong trong cuộc vận động Vì một Internet Tinh khiết và Trong sạch, như khẳng định của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng.

Diễn đàn toàn cầu Boston khởi xướng ngày Toàn cầu vì Hòa bình và An ninh trên Internet ngày 12/12 với nội dung:

Festival Online vì Một Internet tinh khiết và sạch sẽ

Công bố các danh hiệu cao quý: Nhà lãnh đạo thế giới vì Hòa bình, An ninh và Phát triển

 Lan Anh