Phiên họp tại Atlanta đã hoàn tất những gì các quốc gia thành viên TPP đã chưa đạt được trong phiên họp lần trước tại Hawaii hồi tháng 7.

Sau 5 năm đàm phán liên tục, đại diện 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được sự đồng thuận. Phiên họp tại Atlanta có thể nói là sẽ đi vào lịch sử khi trở thành cuộc đàm phán hoàn tất hiệp ước thương mại tự do thế hệ mới có quy mô lớn nhất trong lịch sử.

Vòng đàm phán ở Atlanta lần này đã được rất kỳ vọng bởi cả 12 quốc gia thành viên TPP. Đầu tiên, các trưởng đoàn đàm phán đã có 4 ngày đàm phán (từ 26 đến 29/9), các cấp Bộ trưởng thương mại tiếp tục tham gia phiên họp kéo dài gần 6 ngày sau đó (từ 30/9 đến 5/10). Việc phiên họp được kéo dài như vậy đã thể hiện quyết tâm đạt thỏa thuận của 12 quốc gia.

Phiên họp tại Atlanta đã hoàn tất những gì các quốc gia thành viên TPP đã chưa đạt được trong phiên họp lần trước tại Hawaii hồi tháng 7.

Vòng đàm phán tại Hawaii

Trong phiên họp tại Hawaii diễn ra vào cuối tháng 7, các Bộ trưởng thương mại đã không thể đạt thỏa thuận về TPP, dù nhiều vấn đề quan trọng đã được giải quyết. Kết quả này gây thất vọng cho các nước thành viên TPP, do hầu hết đều tin rằng đây sẽ là vòng đàm phán hoàn tất trước khi các nước ký kết Hiệp định TPP tại Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) vào giữa tháng 11 năm nay. Hơn nữa, giới chuyên gia cho rằng việc không đạt được thỏa thuận tại vòng đàm phán ở Hawaii sẽ khiến cơ hội TPP được Quốc hội Mỹ thông qua trong năm 2015 trở nên mong manh.

Theo Bộ trưởng Thương mại Australia Andrew Robb, 98% nội dung của hiệp định TPP đã được thỏa thuận tại Hawaii. 2% mâu thuẫn còn lại, theo thông tin được tiết lộ, chính là bất đồng giữa khối Bắc Mỹ và Nhật về ô tô, là sự không thỏa mãn của Mỹ, Australia và New Zealand với thị trường sữa “đóng cửa” của Canada, và là sự đối lập giữa Mỹ và 11 nước thành viên TPP còn lại trong vấn đề độc quyền dữ liệu các dược phẩm sinh học.

{keywords}
Một trong các vấn đề mâu thuẫn tại vòng đàm phán Hawaii là về xuất xứ ô tô.

Vấn đề tiếp cận thị trường ô tô

Bốn nước sản xuất ô tô lớn nhất trong TPP là Mỹ (đứng thứ 2 thế giới về sản xuất ô tô), Nhật (đứng thứ 3), Mexico (đứng thứ 8) và Canada (đứng thứ 10). Trước vòng đàm phán Atlanta, mâu thuẫn lớn nhất giữa khối Bắc Mỹ và Nhật không phải là về thuế quan ô tô, mà là về quy tắc xuất xứ đối với ô tô. Đây cũng chính là nguyên nhân cơ bản khiến phiên họp tại Hawaii không thể kết thúc thành công.

Loại bỏ, giảm thuế quan cho các nước thành viên TPP chỉ áp dụng đối với hàng hóa có xuất xứ từ chính các nước thành viên. Đối với quy tắc xuất xứ của ô tô trong hiệp định TPP, Nhật mong muốn hàm lượng nội khối của ô tô là 32,5%, còn Mỹ thì yêu cầu 55%. 

Trong khi đó, Mexico và Canada lại đề nghị TPP sử dụng cao hơn mức được quy định trong Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là 62,5%. Hai nước này đang là hai nước xuất khẩu lớn ô tô và phụ tùng ô tô vào thị trường Mỹ, vì vậy họ sợ rằng một quy tắc xuất xứ quá linh hoạt sẽ giúp Nhật chiếm thêm thị trường Mỹ, kể cả khi ô tô Nhật sử dụng nhiều phụ tùng, linh kiện sản xuất ngoài TPP. Trong khi đó, Nhật lại không muốn nhân nhượng vấn đề tiếp cận thị trường ô tô khi mà họ đã đưa ra rất nhiều nhượng bộ về nông sản trong TPP.

Tại Atlanta, khối Bắc Mỹ đã bày tỏ thiện chí đồng ý mở cửa thị trường ô tô cho các ô tô Nhật có tỷ lệ sử dụng các linh kiện và phụ tùng sản xuất trong TPP ở mức 45%. Đây là một hướng đề nghị giải quyết khá công bằng, khi 45% gần như là một con số trung bình cộng của 3 con số được đưa ra từ các phía. Có nguồn tin cho rằng, đây cũng chính là con số giúp hóa giải mâu thuẫn tiếp cận thị trường ô tô của 4 nước Nhật, Mỹ, Canada và Mexico.

Vấn đề sản phẩm sữa

Sữa là mặt hàng quan trọng đối với Australia và New Zealand, đặc biệt khi mà New Zealand có Fonterra, hãng sữa lớn nhất thế giới (chịu trách nhiệm cho 30% lượng xuất khẩu sữa toàn cầu).

Tuy nhiên, Canada chỉ đồng ý mở cửa 10% thị trường bơ sữa của mình cho hàng nhập khẩu. Bản chào trong sản phẩm sữa của Canada gây khó chịu cho Mỹ và dẫn tới một mâu thuẫn chồng chéo tại phiên họp Hawaii. Mỹ đã rút lại bản chào về sữa của mình cho Australia. Mỹ, Canada, và Australia cũng đồng thời quyết định không nhân nhượng cho sản phẩm sữa đến từ New Zealand.

Nếu Canada mở rộng thị trường sữa nhập khẩu hơn, Mỹ sẽ có thể yên tâm xuất khẩu những mặt hàng sữa mà có nguy cơ bị New Zealand đánh bật khỏi thị trường nội địa. Và chỉ khi Mỹ tìm được lối thoát cho những mặt hàng đó, Mỹ mới dám mở rộng thị trường sữa của mình cho New Zealand và Australia.

Có thông tin cho rằng, để giải quyết được vấn đề này, tại Atlanta, Canada đã chịu nhượng bộ chỉ dành ưu tiên cho sữa nước và sữa chua, là các sản phẩm thế mạnh của Mỹ. Khi đã tìm được nguồn tiêu thụ cho các sản phẩm đó, Mỹ mới dám đưa lại bản chào về sữa cho Australia và New Zealand.

Vấn đề quy chế bảo vệ quyền thuốc sinh học

Luật pháp Mỹ quy định các công ty dược phẩm được hưởng quy chế bảo vệ dữ liệu đối với các dược phẩm sinh học trong 12 năm. Trong khi đó, hầu hết các nước thành viên TPP khác chỉ quy định thời gian bảo hộ là 5 năm.

Bảo hộ dữ liệu dùng để phát triển thuốc sinh học là một dạng bảo hộ độc quyền bằng phát minh, sáng chế mà các công ty dược hàng đầu thế giới và Mỹ đã phải vận động hành lang trong nhiều năm qua để duy trì quy chế thời gian là 12 năm. Thông thường, thời gian độc quyền sản phẩm càng được kéo dài thì khả năng tiếp cận đến đại chúng của các sản phầm này càng thấp.

Khi bước vào phiên họp Atlanta, Mỹ đã chấp nhận hạ thời gian bảo hộ xuống 8 năm. Tuy vậy, đề xuất này vẫn là chưa đủ, ít nhất là với một nửa khối TPP. Sáu quốc gia thành viên TPP kiên quyết đòi mức 5 năm. Đây cũng chính là lý do chính khiến cho cuộc đàm phán tại Atlanta phải kéo dài hơn nhiều so với dự định.

Theo thông tin được tiết lộ, Mỹ và Úc đã có một cuộc đàm phán song phương tại Atlanta về vấn đề này, và chỉ khi 2 nước này cùng tìm ra được một bản đề xuất chung, các nước thành viên khác mới đọc bản đề xuất đó và cùng thảo luận. Theo đó, thứ nhất, tại một số quốc gia thành viên (rất có thể là các quốc gia không phản đối bản chào ban đầu của Mỹ), các hãng dược có thời gian bảo hộ độc quyền thông tin thuốc là 8 năm. Thứ hai, tại các quốc gia còn lại (rất có thể là các quốc gia đã kiên quyết đòi mức 5 năm), thời gian bảo hộ dữ liệu thuốc sẽ là 5 năm và sau đó những thông tin này sẽ chỉ được đặt thêm rào cản trong 3 hoặc vài năm tiếp theo nếu là cần thiết.

Các bước tiếp theo của các nước thành viên TPP

Vòng đàm phán Atlanta đã hoàn tất thỏa thuận hiệp định, tuy nhiên TPP vẫn chưa được chắc chắn hoàn chỉnh cho đến khi Quốc hội 12 nước thành viên thông qua. Nếu muốn hiệp định được ký trước năm 2016 thì thời điểm tốt nhất để thực hiện là trong thời gian diễn đàn Apec được tổ chức (giữa tháng 11).

Mỹ sẽ là một trong những quốc gia muốn ký càng nhanh càng tốt trong năm nay, trước khi bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống của họ diễn ra vào năm 2016. Theo một số nguồn tin, một chiến dịch của chính quyền Obama để TPP được phê chuẩn tại Mỹ đã chính thức bắt đầu cách đây 2 ngày (ngày 4/10). Tuy nhiên, có vẻ như theo quy định tại Quyền đàm phán nhanh mà Tổng thống Obama mới giành được, thì ông phải thông báo với quốc hội 90 ngày trước khi ký kết TPP.

Trần Đức Hoàng

* Luật sư Trần Đức Hoàng, tốt nghiệp Juris Doctor tại Mỹ, đồng sáng lập của Ezlaw, một dự án kết hợp giữa Luật và công nghệ thông tin.